Lễ hội là hình thức xả phóng tâm linh

10/03/2018 12:24

GS.TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng Tôn giáo của UBTU MTTQ VN chia sẻ quan điểm về lễ hội.

Lễ hội là hình thức xả phóng tâm linh

PV: Thưa Giáo sư, hiện đang là mùa lễ hội và đi lễ đầu năm của người Việt, nhìn ở góc độ một nhà nghiên cứu tôn giáo, ông thấy vấn đề này thế nào?

GS.TS Đỗ Quang Hưng: Lễ hội là một phần của của văn hóa dân gian, một phần của văn hóa tín ngưỡng, và đương nhiên, một phần của tôn giáo nữa. Những cái này nó hòa quyện, đan chéo vào nhau rất uyển chuyển, và cũng rất phức tạp. Ai cũng biết rằng, ở trong lễ hội có phần lễ. Lễ thì dính tới tâm linh, tín ngưỡng, đôi khi thậm chí còn dính tới “phép thuật”. Ai đó nhìn ở góc này mà nghiêm khắc thì cũng có thể đã thấy cái yếu tố cái ta gọi là mê tín. Hội thì sẽ có trò này, trò khác. Như vậy, từ bao đời nay, đối với mọi quốc gia, mọi dân tộc lễ hội nó là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó là nơi bắt chéo của các hình thái tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, đó là văn hóa dân gian, đó là truyền thống hội hè hiểu theo nghĩa đen. Nếu có điều kiện thì nó phát triển. Còn không thì nó sẽ mất đi.

- Ông vừa nói về sự đan xen giữa văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo. Tới mức hiện nay như đối với Phật giáo chẳng hạn có rất “dịch vụ tín ngưỡng” khó lý giải?

Đúng là hiện nay có lẽ sức ép quá lớn từ phật tử và từ những người yêu mến đã khiến nhà chùa có sự thỏa hiệp với giáo lý, lối sống và triết lý của đạo Phật để “tùy thuận chúng sinh nhi vi lợi ích”. Phật giáo có nhiều lợi thế, vì thế cũng dễ dàng xuất hiện những dịch vụ đi theo. Tôi nghĩ đó là hệ quả tất yếu khi Phật giáo nhập thế. Khuynh hướng Phật giáo nhân gian có nhiều cái tích cực, nhưng đừng để nó vượt ngưỡng trong tương quan với những tôn giáo khác.

- Theo ông chúng ta có nên nghĩ đến việc quản lý lễ hội bằng các biện pháp hành chính như năm nào các cơ quan chức năng cũng họp bàn không?

Về mặt thái độ, nếu chúng ta can thiệp hành chính thái quá thì rõ ràng rất không hay. Nhìn vấn đề lễ hội hiện nay không chỉ là văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng mà nhìn nó là đòi hỏi xã hội.
Người Việt Nam hiện nay sùng bái lễ hội giống như một thứ “văn hóa tiêu dùng”. Tham gia lễ hội cộng đồng như được xả phóng tâm linh, xả phóng tình cảm, người ta có thể đến lễ hội để chiêm bái, thậm chí cũng có thể là “xin xỏ”… Đó là nhu cầu. Sự hưởng thụ văn hóa cộng đồng đang phát triển mạnh, trở thành phổ biến.

Ở Việt Nam, gần đây người ta lại cứ phải tranh luận với nhau là quản lý lễ hội như thế nào cho tốt. Bao nhiêu hội nghị rồi, cấp quốc gia có, cấp khu vực cũng có, cấp địa phương cũng có… Thời xưa, đúng như các học giả Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên đã nói, lễ hội đó là chuyện của làng xóm, chuyện của cộng đồng làng xã. Bây giờ, nhiều người bảo hãy cứ trả lễ hội về cho cộng đồng quản lý. Thoáng nghe có vẻ là rất hợp lý, nhưng tôi xin hỏi cộng đồng đó là cộng đồng nào? Hiện nay, xã hội phát triển, trong đời sống hiện đại đã sinh ra những lễ hội lớn, mang tầm vóc quốc gia thì trả về cho ai?

- Đứng ở góc độ nào đó vai trò tâm linh của lễ hội có ý nghĩa thế nào đối với đời sống xã hội ngay cả trong thời buổi hiện đại này, thưa ông?

- Vai trò của tâm linh lễ hội trong đời sống con người, trước hết là cá nhân con người, là vấn đề rất cốt lõi. Chúng ta cũng phải thừa nhận là, ở Việt Nam, trong một thời gian rất dài, do hoàn cảnh lịch sử, đời sống tâm linh cá nhân ít được quan tâm. Bây giờ, xã hội phát triển, cởi mở, kinh tế phát triển người ta quay trở về với lễ hội. Đứng về nghiên cứu thì trong thế kỷ 21 này vấn đề tâm linh trở thành đối tượng nghiên cứu. Nhu cầu tâm linh được coi là cận tôn giáo. Nó rất đặc biệt. Nếu lệch đi một chút là có thể bị coi là mê tín. Thế giới coi tâm linh là một thứ siêu tinh thần. Đi lễ hội cũng là một trong những phương thức thỏa mãn cái tâm linh của cá nhân nhưng vẫn có dấu ấn cộng đồng. Thế giới người ta gọi là “linh đạo”, tức là cái cảm giác tạo nên đức tin, vừa thỏa mãn cái cá nhân vừa là sự giao cảm với cộng đồng.

Tâm lý a dua trong việc tham gia lễ hội hay đi lễ đầu năm của người Việt hiện nay là có. Nhưng nếu nhìn theo một góc khác, ta cũng thấy nó rất tuyệt vời. Điều kiện kinh tế có, tàu xe thuận tiện, già trẻ lớn bé đều có thể tận mặt chiêm bái Hương Sơn. Hay bây giờ, trẻ con thành phố cũng có thể đi xem lễ hội của bà con dân tộc thiểu số. Đó là những hình ảnh rất đẹp, rất đáng biểu dương, chỉ có điều nó không được người ta chú ý, nhắc tới và tôn vinh.

- Xin cảm ơn ông!


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ hội là hình thức xả phóng tâm linh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO