Đại tướng Cao Văn Viên của chế độ Sài Gòn: Trụ lâu vì không tham vọng

Hoàng Trung (biên soạn) 15/05/2019 10:12

Trong đội ngũ những viên tướng của chế độ Sài Gòn, Cao Văn Viên là một trong những gương mặt ít bị tai tiếng nhất. Và cũng ít gặp sóng gió nhất, dù đã ngồi ở vị trí Tổng Tham mưu (TM) trưởng quân đội tới 10 năm, từ năm 1965 cho đến khi bỏ của chạy lấy người những ngày cuối tháng 4-1975 sang Mỹ sống lưu vong cho tới chết.

Đại tướng Cao Văn Viên của chế độ Sài Gòn: Trụ lâu vì không tham vọng

Vào lính bất đắc dĩ

Cao Văn Viên sinh ngày 11/12/1921 tại Vientiane, và vì thế, cha mẹ đã đặt cho ông ta cái tên là Viên. Không như những đồn đại dai dẳng tồn tại từ nhiều năm nay, ông ta hoàn toàn không có chút họ hàng gì với trung tướng Cao Văn Khánh - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - một người xuất thân từ Huế. Cha ông ta là thương gia, quê gốc ở miền Bắc, do đời sống kinh tế gia đình khá giả, Viên được cho ăn học chu đáo trong trường Pháp. Tốt nghiệp tú tài toàn phần ở Lào (1942), Viên được bổ đi làm công chức tại kho bạc, tới năm 1949 về Việt Nam, có tài liệu cho rằng chỉ là đơn thuần đi theo cha mẹ. Tuy nhiên, cũng có tài liệu khẳng định rằng ông ta định về Việt Nam để đi theo đội quân kháng chiến chống Pháp, nhưng trên đường đi đã bị quân đội viễn chinh Pháp tình cờ túm được, thấy chàng thông thạo tiếng Pháp bèn bắt đi theo làm thông ngôn. Bản tính ở đâu âu đấy, Viên nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, gia nhập quân đội Liên hiệp Pháp và được gửi vào lớp huấn luyện sĩ quan tại Vũng Tàu để phục vụ cho lực lượng vệ binh cộng hòa (cùng học có Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Hữu Hạnh...), tốt nghiệp với quân hàm trung úy, về một đơn vị bộ binh, sau chuyển biên chế sang Quân đội Quốc gia của chính quyền bù nhìn (QĐQG) và được cử theo học lớp chỉ huy chiến thuật tại trung tâm huấn luyện chiến thuật Hà Nội.Năm 1952, được cử làm trưởng phòng 2 (tình báo) trong bộ chỉ huy của cái gọi là khu chiến Hưng Yên; cuối năm - được thăng cấp đại úy, làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 10, rồi làm trưởng phòng 3 (hành quân), phục vụ đồng thời với những sĩ quan mà sau này nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong guồng máy chính trị và quân sự Sài Gòn như các trung úy Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Tôn Thất Đính, Đặng Văn Quang…

Tháng 3/1955, Cao Văn Viên được thăng cấp thiếu tá, làm trưởng phòng 4 (tiếp vận) tại Bộ Tổng TM QĐQG. Sau khi cái gọi là chính thể Việt Nam Cộng hòa (VNCH) hình thành, cuối tháng 10/1955, Cao Văn Viên được cử làm Tùy viên quân sự Đại sứ quán VNCH tại Washington. Đầu năm 1956, ông ta được triệu hồi về nước, làm việc tại Bộ Tổng TM một thời gian ngắn, sau đó, tháng 6/1956, lại quay sang Mỹ, học lớp chỉ huy và TM tại Học viện Chỉ huy và TM Fort Leavenworth, bang Kansas, cùng khóa với trung tướng Harold Moore - người sau này gây tranh cãi với hồi ký “Chúng tôi từng là những người lính trẻ” được Hollywood quay thành phim. Đầu tháng 5-1957, tốt nghiệp về nước, Cao Văn Viên được bổ nhiệm TM trưởng Biệt Bộ TM tại Phủ Tổng thống và năm 1958 được thăng trung tá.

Ngày 11/11/1960, xảy ra cuộc đảo chính đầu tiên trong chế độ VNCH do đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông cầm đầu, Cao Văn Viên đã bị lực lượng đảo chính bắt giữ nhưng họ đã không thuyết phục được ông ta đi theo họ. Sau năm 1975, tại Mỹ, Cao Văn Viên kể lại: Trước khi xảy ra đảo chính vài tuần, Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống Quách Tòng Đức có cấp cho mình như một TM trưởng Biệt Bộ TM “một căn nhà gần bệnh viện Grall và một chiếc xe Peugeot 202 mang số ẩn tế, và ngày 11/11, khi nghe tiếng súng đầu tiên nổ lớn, tôi đích thân lái xe đến Phủ đi vòng phía vườn Tao Đàn. Một lính nhảy dù võ trang tiểu liên hùng hổ la to bảo ngừng xe, tôi chưa kịp quay kiếng xuống để hỏi ất giáp thì anh ta nổ súng, kiếng trước bể tung, may phước tôi không bị thương. Vừa bước khỏi xe, tôi được lệnh đến ngồi dưới gốc một cây me với vài quân nhân bị bắt như tôi. Liền lúc đó, một xe jeep nhà binh trờ tới, anh lính nhảy dù vừa hô, vừa bắn xối xả vào xe, người tài xế chết tức tốc. Tôi không thấy tận mắt những gì diễn tiến sau đó tại Dinh Độc lập. Được biết tướng Khiêm (Trần Thiện Khiêm) về kịp để can thiệp, tướng Khánh (Nguyễn Khánh) nhảy rào giờ chót vào Dinh để chỉ huy. Phiến quân tan rã, số sĩ quan mưu loạn trốn qua Cambốt, bắt theo tướng Thái Quang Hoàng làm con tin. CIA giúp luật sư Hoàng Cơ Thụy, trong Bộ TM của Vương Văn Đông, thoát khỏi Việt Nam”. Cao Văn Viên nhận định rằng Mỹ đã sử dụng cuộc đảo chính hụt ngày 11/11/1960 và vụ hai phi công Phạm Phú Quốc - Nguyễn Văn Cử ném bom Dinh Độc lập vào tháng 2-1962 như hai cảnh cáo liên tiếp đối với Ngô Đình Diệm, trước khi tiến vào giai đoạn chót là lật đổ ông ta vào ngày 1/11/1963…

Sau thất bại của cuộc đảo chính đó, Cao Văn Viên đã được cử giữ chức Tư lệnh (TL) lữ đoàn nhảy dù thay cho Nguyễn Chánh Thi lúc này đã phải bỏ chạy sang Campuchia. Tới cuối năm, ông ta được thăng cấp đại tá...

Người không thích can dự

Trong những năm tiếp theo, chính trường Sài Gòn chịu những biến động liên tiếp, khôn lường và đầy bất trắc, Cao Văn Viên đã rất cố gắng tránh né để khỏi phải tham gia các trò lật đổ. Trong cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 tiến hành bởi nhóm tướng lĩnh có máu mặt nhất của chế độ Sài Gòn (như Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim…) với sự đồng lõa của quan thầy Mỹ, với cương vị đại tá, TL lữ đoàn nhảy dù thiện chiến, ông ta vẫn tiếp tục duy trì lòng trung thành với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Sáng đó, cùng với tất cả các vị TL mọi quân binh chủng và Giám đốc nha sở tại Sài Gòn, nhận được lệnh của trung tướng Trần Văn Đôn, quyền Tổng TM trưởng, Cao Văn Viên phải lên trình diện Bộ Tổng TM để nhận lệnh hành quân. Thay vì như thường lệ phải gặp tướng Trần Thiện Khiêm, lúc đó đang giữ chức TM trưởng liên quân, Cao Văn Viên lại được đưa lên gặp trung tướng Dương Văn Minh (Minh lớn). Đúng 1 giờ 30 chiều, trung tướng Dương Văn Minh nhân danh Chủ tịch Hội đồng Cách mạng tuyên bố với tất cả sĩ quan hiện diện rằng quân đội đã đứng lên làm đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm. Tướng Minh hỏi từng người xem thái độ của họ đối với “cách mạng” thế nào. Khi tướng Minh hỏi: “Tụi moi đảo chánh, toa nghĩ sao?” Cao Văn Viên đã trả lời: “Đảo chánh là một quốc gia đại sự, sao tới giờ phút này trung tướng mới cho tôi hay?” Trong lúc đó, một sĩ quan tùy viên của tướng Minh (có lẽ là đại úy Nguyễn Văn Nhung) chĩa súng carbine vào lưng Cao Văn Viên. Vài phút sau, đại tá Đỗ Mậu, Giám đốc An ninh Quân đội (ANQĐ), kêu Cao Văn Viên lên Đài Phát thanh tuyên bố theo phe đảo chính nhưng vấp phải câu trả lời dứt khoát là “không có gì để tuyên bố cả”. Cùng có thái độ này với Cao Văn Viên là đại tá Lê Quang Tung, TL Lực lượng đặc biệt. Và cả hai người đều bị quân cảnh còng tay rồi nhốt trong một căn phòng tại Bộ Tổng TM. Cùng bị nhốt chung với họ còn có trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, TL Lữ đoàn liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống, đại tá Huỳnh Hữu Hiền, TL Không quân, trung tá Nguyễn Văn Thiện, Chỉ huy trưởng Thiết giáp và đại Tá Trần Văn Trung, Tùy viên quân sự tại Đại sứ quán VNCH tại Paris vừa mới về Sài Gòn…

Tối hôm đó, đại úy Nguyễn Văn Nhung đã mang đại tá Lê Quang Tung và em trai cuả ông này là thiếu tá Lê Quang Triệu, TM trưởng Lực lượng đặc biệt sang nghĩa địa của Hội Bắc Việt Tương Tế cạnh Bộ Tổng TM bắn chết. Một sĩ quan khác cũng cùng chung số phận với hai vị sĩ quan Lực lượng đặc biệt này là đại tá Hồ Tấn Quyền, TL Hải quân… Cho tới hôm nay vẫn không có thông tin chính xác về việc người nào đã ra lệnh xử tử hai sĩ quan này, nhưng chỉ trong vòng một ngày 2-11-1963, viên sĩ quan tùy viên này của tướng Dương Văn Minh đã giết chết 4 mạng người, nếu kể thêm cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu… Sau này tại Mỹ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Cao Văn Viên tiết lộ: “Chính tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh giết hai ông Diệm và Nhu. Nguyễn Văn Nhung, vệ sĩ của Minh, thăng thiếu tá sau vụ ám sát, có nhiệm vụ thi hành lệnh dưới sự giám sát của hai tướng Mai Hữu Xuân và Nguyễn Văn Quan (người thay Đỗ Mậu trong chức Tổng giám đốc ANQĐ). Nhung bị ANQĐ bắt trong vụ chỉnh lý nói trên và đem về giam tại lữ đoàn dù của tôi. Hôm sau, tôi được phúc trình Nhung đã tự treo cổ bằng một sợi dây giày nhà binh. Có lẽ vì Nhung biết không tránh khỏi tử hình nếu bị giải ra trước Tòa vì Nhung phạm quá nhiều tội ác”...
Trong ngày hôm đó, đại tá Cao Văn Viên may mắn chỉ bị còng tay nhưng không bị giết. Sau này, ông ta kể: “Tôi chỉ là một quân nhân, không làm chính trị”. Quân cảnh liền còng tay tôi, tôi ngồi chờ trước cửa văn phòng ông Dương Văn Minh. Tôi tự hỏi: Sẽ chung số phận với Lê Quang Tung, Hồ Tấn Quyền chăng? Ông Tôn Thất Đính bước ra can thiệp mở còng cho tôi. Hôm sau, tôi được thả nhưng bị quản thúc tại gia ở đường Ngô Quyền, Chợ Lớn. Khoảng một tuần sau, tôi về chờ lệnh tại Bộ Tổng TM. Tôi vô cùng chán nản, không tha thiết ở lại quân đội vì tình huynh đệ chi binh không còn nữa, anh em một nhà giết hại lẫn nhau. Nếu có lệnh đẩy tôi làm Tùy viên quân sự tại Lào, tôi chấp nhận ngay. Vientiane là nơi tôi ra đời. Tên tôi, Viên, là vần đầu tiên của thủ đô Vientiane”. Có thể nói rằng, chính nhờ sự can thiệp như trên của tướng Tôn Thất Đính nên Cao Văn Viên đã chỉ bị cách ly mà không bị rơi vào số phận bi thảm như các đại tá Hồ Tấn Quyền và Lê Quang Tung…

Thực sự thì ngay ở thời điểm đó, Cao Văn Viên đã sớm bộc lộ thái độ yếm thế trước những gì diễn ra trong quân đội và trên chính trường Sài Gòn. Ông ta nung nấu ý định bỏ của chạy lấy người. Tuy nhiên, đã xảy ra một sự kiện bất ngờ giữ ông ta lại, do vận may và chính bà vợ của ông ta. Cao Văn Viên kể: “Một hôm, trong khi ngồi rầu tại văn phòng, tôi bỗng nhận được cú điện thoại của vợ tôi. Bà hỏi: "Buồn lắm hả?" Nước mắt tôi tự nhiên trào lên. Vợ tôi tiếp: "Nếu "người ta" đưa anh trở lại chỉ huy nhảy dù, anh chịu không?" Tôi nghẹn lời vì không thể tin được. Do sự dàn xếp sao đó mà tôi không được biết mối quan hệ giữa vợ tôi và bà Trần Thiện Khiêm, tôi nhận được sự vụ lệnh, ordre de mission, của tướng Khiêm, TM trưởng Liên quân, đưa tôi về nắm lại lính dù. Ông Khiêm cho tôi biết mật rằng, đây là một quyết định riêng của ông, chắc sẽ gặp phản ứng vì không hỏi ý kiến cấp trên. Đúng vậy, việc bổ nhiệm chính thức bằng một công vụ lệnh, ordre de service thuộc thẩm quyền Tổng TM trưởng Quân đội”. Sự kiện trên xảy ra chỉ một tuần sau vụ đảo chính…

Chính thái độ bề ngoài bình tĩnh và ổn định của Cao Văn Viên trong thời gian xảy ra cuộc đảo chính đầu tháng 11-1963 đã khiến ông ta nhận được một sự kính nể nhất định trong chính giới và quân đội Sài Gòn. Và cũng từ thời điểm đó, ông ta đã ngày càng muốn tách mình ra các biến động chính trị tai hại lá mặt lá trái xoay như chong chóng trong hệ thống chính quyền bù nhìn và thường than phiền với bạn bè: “Tôi không muốn biến bạn thành thù trong thời gian ngắn ngủi như vậy”.

Tuy nhiên, chịu ân thì phải trả ân. Vài ngày trước thời điểm 30/1/1964, khi Trần Thiện Khiêm bí mật gọi điện cho Cao Văn Viên, hỏi: “Sẵn sàng chưa?” thì ông ta hiểu ngay đấy là ám hiệu hành động hướng tới cuộc lật đổ mới trên chính trường Sài Gòn do hai trung tướng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm cầm trịch. Và đêm 30/1/1964, lữ đoàn dù của đại tá Cao Văn Viên giúp hai trung tướng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm “chỉnh lý” phe cánh của tướng Dương Văn Minh. Cao Văn Viên về sau nhớ lại: “Việc hốt các tướng “trung lập” thực hiện dễ như trở bàn tay. Không đổ máu, không tốn một viên đạn vì sau 1/11/1963, các tướng này đều dùng quân dù của tôi để canh gác nhà họ. Thật như gởi trứng cho ác. Việc tôi giúp ông Khiêm là chuyện dĩ nhiên, để đáp ơn thả hổ về rừng. Tôi không để ý đến điểm Minh, Đôn, Đính, Xuân và Kim có thật sự chủ trương trung lập hay không”.

Tháng 3/1964, Cao Văn Viên đã bị thương trong lúc chỉ huy lữ đoàn nhảy dù tham gia cuộc hành quân mang tên Quyết thắng tại khu vực Hồng Ngự - Kiến Phong, giáp giới với Campuchia. Để tranh thủ sự ủng hộ của các sĩ quan trẻ, ngày 3/3/1964, Nguyễn Khánh với cương vị Thủ tướng đã thăng đặc cách ngay tại trận cho Cao Văn Viên lên cấp thiếu tướng. Như vậy ông ta là viên đại tá cuối cùng trong quân đội Sài Gòn được thăng cấp thiếu tướng hai sao trước khi VNCH đặt ra quy chế phong đại tá lên chuẩn tướng (giống như cấp Brigadier General trong quân đội Mỹ)…

Ngày 15/9/1964, tướng Cao Văn Viên lại được Nguyễn Khánh cử vào chức vụ TM trưởng Liên quân tại Bộ Tổng TM từ tay tướng Nguyễn Văn Thiệu, sau khi bàn giao chức vụ TL lữ đoàn nhảy dù lại cho cấp phó là đại tá Dư Quốc Đống. Ngồi chưa ấm chỗ, tới ngày 12/10/1964, Cao Văn Viên đã phải bàn giao chức vụ TM trưởng lại cho trung tướngTrần Văn Minh(lục quân) để đi giữ chức vụ TL quân đoàn III và vùng 3 chiến thuật thay thế trung tướng Trần Ngọc Tám, đồng thời kiêm nhiệm chức danh Đại biểu Chính phủ ở khu vực này.

Tháng 2/1965, Nguyễn Khánh bị các nhóm các tướng trẻ gạt bỏ khỏi chính quyền. Ngày 11/10 cùng năm, Cao Văn Viên được lệnh bàn giao quân đoàn III lại cho thiếu tướng Nguyễn Bảo Trị.

Ngày 14/9/1966, Cao Văn Viên được cử kiêm nhiệm TL Hải quân thay thế cho đại tá Trần Văn Phấn.Hơn một tháng sau, ngày 31/10/1966, ông ta lại bàn giao chức vụ đó cho đại tá Trần Văn Chơn. Ngay sau đó ông ta được thăng cấp trung tướng rồi được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng TM trưởng mà trước đó đã do trung tướng Nguyễn Hữu Có, Tổng trưởng Quốc phòng, kiêm nhiệm. Lúc này Tổng thống trong chế độ Sài Gòn là Nguyễn Văn Thiệu, Phó tổng thống là Nguyễn Cao Kỳ. Ngày 21/1/1967, ông ta được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Tổng TM trưởng quân đội khi Nguyễn Hữu Có bị bãi chức trong lúc đang đi công du ở Đài Loan. Cũng vào thời điểm này, ngày 2/4/1967, Cao Văn Viên được thăng cấp đại tướng. Tuy nhiên, sau khi cái gọi là hiến pháp VNCH được ban hành (1/4/1967), ngày 7/11/1967, ông ta đã từ chức Tổng trưởng Quốc phòng cho trung tướng Nguyễn Văn Vỹ và chỉ còn giữ chức vụ Tổng TM trưởng. Năm 1972, Hội đồng Nội các quyết định chức vụ Tổng TM trưởng được xếp ngang hàng Tổng trưởng và được dự họp trong Hội đồng Nội các…

Thực ra, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không đánh giá Viên như một đồng minh gần gụi. Tuy nhiên, với vai trò người cầm trịch trong chính quyền Sài Gòn, Thiệu cảm thấy ở Viên một vai trò mà ông ta rất cần: người có thể điều bình khiển tướng nhưng không gây nên nỗi lo sợ sẽ có ngày trở cờ. Hơn nữa, là kẻ được Mỹ đào tạo căn bản ngay từ hồi trẻ, Viên không hề giấu giếm thái độ lụy Washington trong mọi hành động. Ông ta không bao giờ do dự khi làm mọi điều do Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy trợ giúp quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV) mớm ý để chiều lòng Mỹ… Chính thái độ này đã giúp Viên chiếm được sự tin cậy và ủng hộ của quan thầy. Và khi càng nhiều quân lính Mỹ đổ vào Việt Nam thì ghế ngồi của Viên càng thêm vững chắc…

Hiểu rõ điều đó, Cao Văn Viên cũng đã chọn cách hành xử để Tổng Thiệu ngày càng yên tâm hơn về mình vì từng biết nhau từ thuở còn làm sĩ quan cấp thấp trong quân đội Liên hiệp Pháp, biết rõ thói ích kỷ và tư lợi của Thiệu, nhưng luôn cố gắng duy trì thế cân bằng trong hành động để khỏi bị dây dưa vào những việc mờ ám của Thiệu…

Theo đánh giá của một số tác giả viết về Cao Văn Viên, trong bộ máy chính quyền Sài Gòn, ông ta cảm thấy gần gũi hơn với tướng Nguyễn Cao Kỳ “ở trực tính và cùng xác tín”. Còn đối với tướng Đặng Văn Quang, nguyên Cố vấn An ninh của Thiệu, một kẻ khét tiếng tham nhũng, thì Cao Văn Viên rất ghét bởi tính bất trung bất nghĩa của Quang. Được biết, sau khi lật đổ chế độ gia đình trị của anh em Ngô Đình Diệm, khi “cậu chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn bị đem ra xử, chính Đặng Văn Quang đã ngồi vào ghế bồi thẩm đoàn, mặc dù trước đó, Cẩn từng nhận là bố đỡ đầu của Quang. Đặng Văn Quang cũng là kẻ có thói đê tiện hay đâm sau lưng đồng đội. Viên biết Tổng Thiệu từng rất muốn bổ nhiệm chiến hữu đủ trò này vào chức Tổng TM trưởng từ năm 1965, nhưng không làm được việc này vì vấp sự chống đối của Mỹ và dư luận xã hội ở Sài Gòn….

Đại tướng Cao Văn Viên của chế độ Sài Gòn: Trụ lâu vì không tham vọng - 1

Tướng Cao Văn Viên và tướng Westmolen năm 1967. Ảnh: Bettmann / CORBIS

Làm như không làm

Cao Văn Viên từng bị các nhà nghiên cứu về chế độ Sài Gòn đánh giá là “một vị Tổng TM trưởng bất lực” vì ông ta luôn tìm cách tránh né phải trực diện giải quyết các vấn đề trọng yếu. Không bao giờ ông ta nêu ra những ý kiến trái với quan điểm của các quan thày Mỹ. Ông ta cũng ít khi đưa ra những góp ý trong điều hành đường lối quân sự đối với lãnh đạo quốc gia để tránh tự làm rắc rối cho mình hay tránh gây ra các mối ngờ vực từ phía Tổng thống. Lập luận quen thuộc của ông ta là: chính sách quốc phòng đã được Tổng thống ấn định (lẽ đương nhiên là với ý kiến vay mượn từ phía Mỹ), phương tiện và kế hoạch đã được khai triển bởi MACV. Các TL quân đoàn, sư đoàn và quân khu phải thi hành chính sách và kế hoạch đã được quyết định mà không được hạch hỏi lôi thôi (!) Khi một viên tướng lão làng của chế độ Sài Gòn là Nguyễn Văn Là, phụ tá của Viên, cảm thấy khó chịu với cách điều hành vi phạm hệ thống quân giai này của Tổng Thiệu và hỏi Viên “Họ coi Tổng TM như đồ kiểng, đại tướng có thấy vậy không”, ông ta đã trả lời “Kệ họ, như vậy mình càng ít việc”.

Trong gần thập niên ngồi trên ghế Tổng TM trưởng Liên quân, Cao Văn Viên đã duy trì nếp sống mũ ni che tai mọi sự, dành thời gian chủ yếu để ngồi thiền và tập yoga. Thậm chí còn tốt nghiệp được cả đại học văn khoa vì đó là “môn tôi thích từ lúc còn trẻ, tôi thấy cần trau dồi thêm kiến thức. Đó cũng là một lối thoát khỏi những chuyện bực bội của cuộc sống căng thẳng hằng ngày”. Trong cuốn hồi ký “Việt Nam nhân chứng”, tướng Trần Văn Đôn viết: “Có lần ông Thiệu than phiền ông Viên không làm việc nhiều. Ông Thiệu nhờ tôi nói với đại tướng Viên về việc ông này cứ ở mãi Tổng TM làm việc, không chịu đi ra ngoài, ông Viên trả lời: Tôi đã xin từ chức mấy lần mà ông Thiệu không chấp nhận nên tôi cứ ở văn phòng làm việc mà thôi!” Sau này, tại Mỹ, Cao Văn Viên cũng đã thanh minh về cách hành xử của mình: “Trước khi cuộc đàm phán tại Paris tiến đến giai đoạn kết thúc năm 1973, tình hình quân sự thêm căng thẳng. Tổng thống Thiệu, với tư cách Tổng TL Quân đội, tập trung hết quyền bính trong tay, cho đặt một hệ thống máy truyền tin tại Dinh Độc lập để liên lạc thẳng với các quân khu, điều động các đơn vị, bổ nhiệm TL vùng và ra lệnh trực tiếp hành quân. Bộ Tổng TM lần hồi bị dồn vào vai trò tuân hành và thị chứng. Bộ Quốc phòng chỉ còn là hộp thơ giữa Tổng thống và Bộ Tổng TM. Vì không có điều kiện làm việc được như trước, tôi đã năm, sáu lần vô đơn xin từ chức. Ông Thiệu yêu cầu tôi nán lại, đợi người thay thế nhưng ông không quyết định. Tôi không có quyền bỏ ra đi một cách vô trách nhiệm. Tuy nhiên khi Tổng thống Trần Văn Hương nhường ghế cho tướng Dương Văn Minh tháng 4-1975, tôi cương quyết xin giải ngũ vì tôi không phục ông Minh từ lâu, tôi từng là nạn nhân của ông Minh”.

Được Trần Văn Hương chấp nhận đơn giải ngũ, ngày 27/4/1975, Cao Văn Viên và gia đình cùng gia đình Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên máy bay rời khỏi Việt Nam trong những ngày tàn của chế độ Sài Gòn. Tại Mỹ, Cao Văn Viên đã sống bình lặng ở Arlington, Tiểu bang Virginia. Thời gian cuối đời, ông ta sống ở viện dưỡng lão và đã mất ngày 22/1/2008.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại tướng Cao Văn Viên của chế độ Sài Gòn: Trụ lâu vì không tham vọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO