Chuyện ở vườn ký ức

Hương Lê 09/02/2018 09:25

Trở về từ chuyến tham quan nước ngoài hồi cuối năm 2017, TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ 13 ngày ở Pháp, ông  đã chụp được vài nghìn trang tư liệu và ảnh ở các viện lưu trữ, phát hiện thêm nhiều tư liệu về cha ông - GS Nguyễn Văn Huyên trong hồ sơ 3081.

Chuyện ở vườn ký ức

Ở đó có ghi rõ cả chuyến tàu mà GS Nguyễn Văn Huyên rời Hải Phòng, rồi từ Sài Gòn đi Pháp năm 1926.Bây giờ đã có nhiều người biết đến Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên- một bảo tàng gia đình, về vị cố GS- Bộ trưởng Bộ Giáo dục được con cháu thành lập trên chính quê hương của cụ, làng Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội. Hơn 3 năm trước, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên đã chính thức mở cửa đón khách tham quan. Tôi vẫn ấn tượng với câu chuyện mà TS Nguyễn Văn Huy kể, trong số rất nhiều hiện vật trưng bày ở bảo tàng này, có tấm biển đề tên đường Nguyễn Văn Huyên. Số là khi mở rộng, làm mới con đường Nguyễn Văn Huyên người ta đã vứt bỏ tấm biển đề tên đường. Ông đã nhặt lấy, lưu giữ lại để làm phong phú thêm cho bộ sưu tập hiện vật bảo tàng về người cha của mình.

Tọa lạc ngay trên mảnh đất của dòng họ Nguyễn ở làng Lai Xá, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên thoạt nhìn cũng giống như bao ngôi nhà khác của người dân trong làng. Nhưng chỉ cần bước qua cánh cổng nhỏ, người ta sẽ cảm nhận được một không gian thật sâu lắng và hiểu hơn về một dòng họ, đặc biệt là một đại gia đình trí thức. Bảo tàng mang dáng dấp của khu "vườn ký ức", ở đó có các loài cây gợi nhớ đến ông Huyên, bà Ngọc (vợ GS Nguyễn Văn Huyên) như: khế, sấu, roi, chanh, đu đủ… là những cây quen thuộc trong vườn của gia đình trước đây. Một lối đi bằng gạch lấy từ ngôi nhà xưa của bà Phạm Thị Tý (người mẹ tần tảo của ông Huyên). Bên trong tòa nhà, mỗi phòng trưng bày đều giúp gợi nhớ ký ức sống động, giản dị, mà ấm cúng, về cuộc đời, sự nghiệp của GS Nguyễn Văn Huyên, gắn liền với đại gia đình. Ngoài tiếng Việt, tất cả các thông tin chính của trưng bày được thể hiện cả bằng tiếng Anh và Pháp.

TS Nguyễn Văn Huy bảo ý tưởng thành lập một bảo tàng gia đình, đã được ấp ủ từ lâu lắm rồi. Tới Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, nghe những người con kể câu chuyện về cuộc đời cha mẹ mình, sẽ hiểu thêm rằng tại sao TS Nguyễn Văn Huy- nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã thành công đến thế khi tạo dựng được thương hiệu Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên là một câu chuyện lớn về cuộc đời cụ và vợ - cụ bà Vi Kim Ngọc do con cái kể theo dòng trình tự thời gian. Kết cấu trưng bày tại đây vừa dung dị, gần gũi nhưng cũng thật đặc biệt. Tầng 1: Giới thiệu nền tảng của gia đình, dòng họ; tầng 2: trưng bày Tuổi trẻ của bố mẹ; tầng 3 là câu chuyện: Bố chúng tôi, một nhà bác học; tầng 4: Bố chúng tôi, một người hành động. Người xem sẽ gặp ở đây nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật, hồi ký… mà gia đình kỳ công lưu giữ của nhiều nhân chứng về cuộc đời và sự nghiệp giáo dục của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Nhiều người đã biết, cụ là Bộ trưởng Giáo dục gần 30 năm, từ năm 1946 – 1975, xuyên suốt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mấy chục năm liền, vị bộ trưởng ấy đã đóng góp không ngừng nghỉ để lãnh đạo tổ chức nền giáo dục mới trên nền tảng của tinh thần dân tộc, khoa học và đại chúng. Nhưng từ những câu chuyện kể ở bảo tàng này, người xem có cơ hội tìm hiểu về những đóng góp của cụ trong quá trình gìn giữ bản sắc văn hóa của người Việt, thông qua lối thuyết trình rất gần gũi, đủ sức mạnh kết nối giữa quá khứ và hiện tại: “ Đến Pháp năm 1926 bố học đại học Văn chương ở Montpellier.

Sau đó, năm 1930, ông lên Paris học Đại học Luật và làm luận án tiến sĩ ở Sorbonne. Lúc đầu ông dự định làm luận án về quan hệ Pháp- Đông Dương ở thời kỳ 1800- 1880, nhưng không được phép tra cứu lưu trữ của Bộ Thuộc địa về giai đoạn này. Vậy là ông tìm đến một lĩnh vực mới: dân tộc học. Đây là thời kỳ hình thành nền dân tộc học Pháp, Viện Dân tộc học cũng vừa thành lập ở Paris năm 1925. Ông thường nghe giảng ở viện này, ở Sorbonne, ở Colle’ge de France…, và đến nghiên cứu ở các bảo tàng ở Pháp, Hà Lan. Roma. Song song với học tập và nghiên cứu, thời gian ở Paris từ 1931 đến 1935, ông còn là giảng viên ở trường Ngôn ngữ phương Đông…”

Trong không gian bảo tàng nhỏ ấy, câu chuyện hôn nhân của TS Nguyễn Văn Huyên với vợ là cụ Vi Kim Ngọc cũng gợi nhắc cho người xem sự chuyển mình đáng nhớ của một xã hội những năm đầu thế kỷ XX. Ở phần trưng bày về Tuổi trẻ của bố mẹ có đoạn giới thiệu: Bố mẹ cưới nhau năm 1936- một đám cưới của tầng lớp thượng lưu. Thời bấy giờ hôn nhân dựa trên tình yêu chưa phổ biến. Để có được tình yêu của mình, mẹ- một thiếu nữ 16 tuổi đã dám đấu tranh với cha mình để hủy hôn ước mà bố mẹ đã hứa với một gia đình "môn đăng hộ đối” khi bà mới tròn 13 tuổi. Rồi mẹ gặp bố qua sự giới thiệu của một người bạn cũng là một trí thức Tây học.

Chuyện ở vườn ký ức - 1

Tư liệu lưu trữ tại Pháp về GS Nguyễn Văn Huyên.

Theo TS Nguyễn Văn Huy, ngày ấy cưới xin là một sự kiện xã hội. Câu chuyện từ chối hôn nhân do gia đình sắp đặt của cụ bà Vi Kim Ngọc minh chứng cho một xã hội đang vận động vào những năm 30 của thế kỷ XX, khi các "làn gió mới” phương Tây đã thấm vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hôn nhân. Vì thế, hôn nhân của 2 cụ ghi dấu một sự chuyển đổi quan trọng của xã hội, từ quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” – sang tự do yêu đương. Sự chuyển dịch quan niệm về vấn đề hôn nhân và gia đình thời bấy giờ cũng được chỉ ra cho người xem thấy rõ. Rằng ở thời kỳ trước đó, nếu như đàn ông là phải "năm thê bảy thiếp” thì tới thời kỳ của TS Nguyễn Văn Huyên những quan niệm này đã bị gỡ bỏ.

Sự khác biệt ở Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên sẽ do người xem cảm nhận mà đánh giá. Song với chừng 400 hiện vật, chủ yếu là tài liệu giấy, các bút tích và ảnh, có những tài liệu hiện vật vào cuối thế kỷ XIX, còn đa phần vào nửa đầu và giữa thế kỷ XX; cùng với hệ thống video giúp người xem có thể nghe được những câu chuyện sinh động do những người trong cuộc kể như mẹ, các chú các bác ruột hay đồng nghiệp kể về bố, về mẹ thì rõ ràng không gian quá khứ không hề ở trạng thái “tĩnh”. Ngược lại nó gợi nhớ, gợi mở nhiều điều.

Hiện TS Nguyễn Văn Huy và gia đình vẫn không ngừng sưu tầm, tìm kiếm tư liệu cho Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Trong chuyến tham quan nước Pháp mới đây, ông may mắn tìm kiếm thêm nhiều tư liệu về cha mình. Ở đó có cả những tài liệu đóng dấu mật của mật thám theo dõi hoạt động của GS Nguyễn Văn Huyên trong một báo cáo về nhà hoạt động Nguyễn Thế Truyền, hay báo cáo về GS Nguyễn Văn Huyên tham gia biểu tình ở Paris, bị bắt câu lưu.

Mô hình bảo tàng gia đình về TS Nguyễn Văn Huyên hiện đã trở thành địa chỉ học lịch sử của học sinh các trường phổ thông tại Hà Nội; thành điểm đến có thương hiệu trong hành trình du lịch của du khách tới Thủ đô.

Dẫu thế, TS Nguyễn Văn Huy vẫn còn nhiều trăn trở về sức hấp dẫn của bảo tàng, về hướng kết nối của bảo tàng trong hành trình du lịch. Bởi muốn hút khách, điều quan trọng là bảo tàng cần có những đổi thay từ cách làm. Ông bảo xem bảo tàng tưởng niệm Tướng De Gaulle mới càng thấy bảo tàng là một công trình khoa học và nghệ thuật ở đỉnh cao. Các bảo tàng trên thế giới đã thay đổi cơ bản cách làm trưng bày. Chẳng biết khi nào các bảo tàng ở ta mới có được những trưng bày như vậy?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện ở vườn ký ức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO