Chuyện Nguyễn Thế Nghi và cửa Đại Hưng

Nguyễn Khắc Thuần 02/05/2018 18:14

Nguyễn Thế Nghi người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay thuộc tỉnh Hải Dương, sinh và mất vào năm nào chưa rõ, chỉ biết ông là người cùng trang lứa với Mạc Đăng Dung (Hoàng đế đầu tiên của nhà Mạc, ở ngơi từ năm 1527 đến năm 1529). Ông là em trai của hoạn quan Đam Quốc công Nguyễn Thế Ân và là chú họ Phò mã Nguyễn Thế Tứ.

Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng về tài thơ văn đặc biệt là thơ văn quốc âm, lại cũng nổi tiếng ngang tàng khắp thiên hạ.

Tương truyền năm 15 tuổi ông đã đỗ Hương tiến (tức Cử nhân). Đỗ xong, bạn đồng khoa của ông ai cũng đội mũ xanh, mặc áo xanh (là mũ áo của học trò) để vào bái tạ quan trường, riêng ông mặc áo hồng thêu hình đuôi quạ. Quan trường thấy thế tức lắm, nhưng vì sợ anh của ông là Đam Quốc công Nguyễn Thế Ân nên đành bỏ qua, không ai dám hỏi han gì đến. Trước, ông vẫn chơi thân với Mạc Đăng Dung. Năm 1527, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê, ông tuy đang ở trong kinh thành Thăng Long nhưng ẩn mình tại chùa Trường An chứ không thèm ra cầu cạnh. Sau, Mạc Đăng Dung biết được, định phong quan tước cho nhưng ông từ chối, chỉ nói rằng:

- Nếu được, tôi chỉ xin hai chữ Đại Hưng để làm hiệu thôi.

Mạc Đăng Dung đồng ý. Ông làm nhà ở ngay đường dẫn vào cung, phía ngoài làm cái cửa, ở trên đề hai chữ Đại Hưng, bởi thế, người thời bấy giờ cũng gọi đó là cửa Đại Hưng. Ngày ngày, Nguyễn Thế Nghi lấy việc ngâm vịnh làm thú vui chứ chẳng màng đến công danh phú quý. Bản tính ngang tàng, ông cho đề câu thơ Nôm sau đây ở ngay bên trái cửa Đại Hưng :

Anh hùng ai nấy nhung nhăng,
Nào ai đến cửa Đại Hưng chẳng luồn.

Đó là câu thơ vừa tả thực, vừa khinh mạn những kẻ cơ hội đương thời. Sử cũ cho biết, câu thơ đề trên cửa Đại Hưng của Nguyễn Thế Nghi, mãi đến cuối đời nhà Mạc vẫn còn chứ không bị ai xoá bỏ cả. Sách CÔNG DƯ TIỆP KÝ của Tiến sĩ Vũ Phương Đề chép rằng:

"Sau, vì thấy họ Mạc hoang chơi, trễ nãi việc chính sự, ông liền soạn chuyện NHẠC XƯƠNG PHÂN KÍNH bằng quốc âm, có ý chê bai họ Mạc chẳng khác nhà Trần (557-589) và nhà Tuỳ (581-618) của Trung Quốc. Nhưng nhà Mạc vẫn chưa chịu tỉnh ngộ. Ông soạn tiếp bài phú HUYỀN QUANG TUYỂN CUNG NỮ cũng bằng quốc âm, rất được người đời truyền tụng. Thời Minh Đức (niên hiệu của Mạc Thái Tổ dùng từ năm 1527 đến năm 1529), phi bộ sứ thần Trung Quốc sang nước ta khi đến cửa Đại Hưng, biết đấy là hiệu của một thần tử nước Nam, bèn bắt dừng xe chứ không chịu đi tiếp nữa, đòi bắc cầu qua phía trên cổng mới chịu vào.

Quan tiếp sứ của ta là Thượng thư Võ Duy Đoán thấy thế liền vờ tuân theo. Ông ngầm bảo viên quản tượng hãy xua voi đi qua, lúc đến sát chỗ sứ giả đứng thì lấy mũi nhọn chích vào mình voi khiến voi bị đau, gầm lên và chạy loạn xạ, ai cũng hoảng vía đi tìm chỗ nấp, xô nhau vào phía trong cửa Đại Hưng, sứ giả và đoàn tuỳ tùng cũng vậy. Nhưng, khi vào rồi, họ mới biết là mình bị mắc mưu, đành nuốt hận làm lành. Chuyện này còn truyền tụng mãi cho đến nay".

*
* *

Lời bàn: Vất bỏ áo xanh của học trò và mặc áo hồng có thêu hình đuôi quạ để vào bái tạ quan trường, thiên hạ vì thế mà cho ông là kẻ cậy thế của người anh kể cũng chí phải. Sau, không thèm nhận quan tước, chỉ xin hai chữ Đại Hưng để làm hiệu, lại còn dựng cửa Đại Hưng và làm thơ ngạo đời, quả thật là sự ngang tàng ấy khó ai sánh bằng.

Song le, Nguyễn Thế Nghi ngang tàng là ngang tàng với những kẻ ông cho là bất chính, với những kẻ cơ hội đang lo vinh thân phì gia chứ đâu phải ngang tàng với bất cứ ai sống trong khắp cõi trời đất. Cho nên, nếu gọi ông là bậc cả gan khinh mạn thói đời hợm hĩnh có lẽ đúng hơn.

Câu thơ đề bên trái cửa Đại Hưng của ông không bị xoá, bởi lẽ xem ra thơ ấy cũng rất cần. Trong chỗ không ngờ, cả Nguyễn Thế Nghi và Võ Duy Đoán đã đẩy sứ giả Trung Quốc xuống hàng những kẻ "nhung nhăng", thiên hạ đã dễ có ai làm được như vậy? Đời cần đến những người như ông cũng như thuốc cần có cả vị đắng vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện Nguyễn Thế Nghi và cửa Đại Hưng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO