Chăn nuôi đau đầu với khủng hoảng thừa

Minh Phương 14/12/2017 08:10

Dù đóng vai trò quan trọng, song ngành chăn nuôi vẫn luôn luôn ở tình trạng bất ổn. Hầu như năm nào cũng phải chứng kiến sự vào cuộc của toàn xã hội nhằm giải cứu tình trạng cung vượt cầu của ngành chăn nuôi. Trong vòng hơn 1 thập kỷ qua, sản lượng sản phẩm chăn nuôi đã tăng trưởng gấp đôi.

Chăn nuôi đau đầu với khủng hoảng thừa

Tổ chức lại sản xuất sẽ giải quyết được điểm nghẽn của ngành chăn nuôi.

Từ chỗ chỉ sản xuất được 2,5-2,7 triệu tấn thịt năm 2005 đến nay đã tăng lên 5,4 triệu tấn. Sữa tăng từ 100.000 tấn/năm 2005 nay đã lên đến 400.000 tấn.

Sản lượng trứng từ chỗ chỉ 4-4,5 tỷ quả thì năm 2016 đã tăng lên 8 tỷ quả. Cùng với đó, ngành thức ăn chăn nuôi cũng có những bước tiến đáng kể.

Thay vì sử dụng chủ yếu các sản phẩm thức ăn là phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi tận dụng thì thức ăn công nghiệp đã thâm nhập nhiều hơn.

Giới chuyên gia nhận định, chỉ khi ngành chăn nuôi được đưa vào quy hoạch và tổ chức sản xuất một cách quy củ, liên kết giữa các mắt xích – nhà sản xuất – nhà phân phối thì ngành chăn nuôi mới có thể giải được bài toán về khủng hoảng thừa đang tồn tại hiện nay.

Nhận định về những khúc mắc hiện nay của ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, chưa bao giờ trong lịch sử, ngành chăn nuôi, cụ thể ở đây là chăn nuôi lợn lại rơi tình trạng dư thừa nguồn cung như hồi đầu năm 2017.

Theo ông Dương, việc cả hệ thống chính trị vào cuộc chung tay hỗ trợ, cứu giúp ngành chăn nuôi lợn thời điểm đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. “Nguyên nhân sâu xa vẫn là do yếu kém từ tổ chức sản xuất”, ông Dương nhấn mạnh.

Theo một kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn, mức độ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hiện nay của nước ta đạt rất thấp.

Theo đó, cả nước hiện mới chỉ xây dựng, phát triển được 350 mô hình liên kết sản xuất trong chăn nuôi, nhiều mô hình chỉ hoạt động trên danh nghĩa. Chính bởi vậy, mức độ liên kết sản xuất, tiêu thụ thịt lợn chỉ đạt một con số rất khiêm tốn: 4,2% so với tổng sản lượng cả nước.

Từ thực tế này, ông Dương cho rằng, rất cần thiết phải tổ chức lại sản xuất của ngành chăn nuôi, có như vậy mới từng bước giải quyết được thực trạng khủng hoảng thừa, cung vượt cầu, đồng thời bảo đảm tốt khâu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi, nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất, phải chăn nuôi theo chuỗi và có truy xuất nguồn gốc, qua đó người chăn nuôi mới biết sản phẩm của mình làm ra có bán được hay không.

Người chăn nuôi cũng cần tính toán, liên kết nhau lại, liên kết giữa các nông hộ với nhau và kết nối với hợp tác xã, hợp tác xã sẽ có vai trò là cầu nối giữa DN và các nông hộ.

Từ chuỗi liên kết này, sản phẩm chăn nuôi được bán ra sản lượng bao nhiêu, tiêu thụ ra sao… các nông hộ cũng đều nắm bắt được hết. Như vậy điểm nghẽn cung vượt cầu lâu nay mới được giải tỏa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăn nuôi đau đầu với khủng hoảng thừa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO