Xén đường và giao thông đô thị

Lục Bình 06/02/2018 09:03

UBND thành phố Hà Nội lại mới phê duyệt chủ trương xén dải phân cách đường vành đai 3 đoạn Khuất Duy Tiến để giảm ùn tắc giao thông. Trước đó, Hà Nội đã tiến hành xén dải phân cách đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh- đó là một trong những con đường đã từng được gắn biển “đẹp nhất Việt Nam”. Nhưng điều đáng nói, đây đều là những con đường mới vừa được tu sửa lại.

Xén đường và giao thông đô thị
Đoạn đường gần ngã tư Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến (Hà Nội).

Theo dự án được phê duyệt, dải phân cách giữa trên đường Khuất Duy Tiến, đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Trãi đến nút giao đường Trần Duy Hưng (gần 2 km), sẽ được thu hẹp từ 1 - 5 m để mở rộng làn đường cho phương tiện tham gia giao thông. Trước đó, việc xén đường cũng đã được làm với đường Nguyễn Chí Thanh-một trong những con đường được mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam. Để có đất cho giao thông, dải phân cách rộng 16m với cây xanh được trồng đẹp như một khu vườn mát mẻ và đẹp mắt giữa tuyến đường Nguyễn Chí Thanh đã bị gọt đi chỉ còn khoảng hơn 4,4m. Hồn cốt tạo nên sự “đẹp nhất Việt Nam” là phần giao thông tĩnh này nay bị xén gần hết. Tất nhiên, phần đất còn lại sẽ được trồng cây xanh nhưng con đường không thể khang trang, xanh tươi, đẹp như trước nữa.

Giờ thì không thể chỉ quan tâm đến hình ảnh đẹp xấu của những con đường. Lý do của việc xén đường này đều được lý giải với những lý do rất hợp thời. Chẳng hạn, với trục đường Nguyễn Chí Thanh được cơ quan chức năng Hà Nội lý giải để “đồng bộ” với tuyến đường liền đó là đường Trần Duy Hưng. Nhưng đường Trần Duy Hưng cũng vừa mới chịu số phận tương tự khi bị gọt dải cây xanh rộng đẹp ở giữa để “đồng bộ” với hầm chui nối với đại lộ Thăng Long. Tất nhiên, không chỉ là sự đồng bộ mà lý do của mọi lý do cho việc xén những giải phân cách này chính là nỗ lực giải bài toán ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở những con đường giao thông huyết mạch này.

Đồng ý rằng, việc mở rộng thêm làn đường giao thông sẽ dễ thở hơn nhưng liệu bài toán ùn tắc giao thông, một căn bệnh trầm kha của Thủ đô Hà Nội sẽ được giải quyết triệt để? Câu trả lời chắc chắn sẽ là không. Bởi ai cũng biết nguồn gốc của bệnh ùn tắc có rất nhiều, có nguyên nhân là ý thức của người tham gia giao thông, có nguyên nhân của hạ tầng kỹ thuật kém, phương tiện cá nhân tăng quá nóng… Nhưng nói nôm na là đường chỉ có thế mà người và phương tiện cứ tăng theo cấp số nhân thì ùn tắc là tất lẽ dĩ ngẫu.

Nói rằng tìm lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông nhưng cứ nhìn những tòa nhà cao tầng nghễu nghện mọc lên ở đường Nguyễn Chí Thanh, đường Lê Văn Lương và chẳng ai có thể khẳng định sẽ không còn những tòa nhà khác ở mặt đường hoặc trong ngõ sẽ mọc lên trong thời gian tới… thì có khi không cần chờ đến giờ cao điểm mà tất cả các khung giờ trong ngày giao thông Hà Nội vẫn như nước sôi.

Phải giải cứu giao thông bằng cắt xén dải phân cách, đó là điều cực chẳng đã bởi nhìn thẳng thực tế, việc cắt xén dải phân cách trên “con đường đẹp nhất Việt Nam” như là một sự phú quý thụt lùi. Sự cắt xén chính là cắt lẹm vào vẻ đẹp, vào sự phát triển hiện đại của đô thị.

Đáng lẽ ra, đi liền với sự phát triển của cơ sở hạ tầng nhà ở, của hoạt động giao thông ngày càng sôi động, của nhiều loại phương tiện hiện đại phục vụ đời sống thì những tuyến phố sẽ được làm mới, mở rộng, khang trang hơn để có thêm nhiều dải cây xanh rộng đẹp như đã có thì nay nó bị cắt lẹm đi. Điều đáng nói là những con đường này tuổi thọ của nó chỉ được có vài năm.

Trong khi đó quy hoạch giao thông tầm nhìn phải dài hơi hơn 20 năm thậm chí 50 năm thế thì vì lẽ gì những con đường đẹp như vậy vừa khánh thành nay lại rơi vào cảnh cắt xén! Không chỉ với đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến, trước sự ùn tắc về giao thông, Hà Nội đã có nhiều lần cắt, gọt vỉa hè ở một số tuyến phố- cắt đi một phần đường của người đi bộ. Nhưng rồi sự cắt xén này đã giúp giao thông hạ nhiệt được mấy hồi?

Tất nhiên, với quyết định của Hà Nội, việc xén nhiều hay xén ít chắc chắn là các làn đường sẽ được mở rộng hơn. Và khi làn đường được mở rộng ra sẽ tăng khả năng lưu thông, nghĩa là tăng số lượng phương tiện giao thông qua tuyến đường đó giúp giảm ùn. Nói chính xác thì giải pháp này vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Theo đó cần những giải pháp mang tính đồng bộ, tổng hợp từ hạ tầng, phát triển giao thông công cộng để người dân bớt đi xe máy, ô tô mà tham gia vào giao thông công cộng thì mới giải được bài toán ùn tắc giao thông.

Khi quy hoạch với tầm nhìn hạn chế để cho xây nhà cao tầng dày đặc như hiện nay mà thiếu ưu tiên quỹ đất cho giao thông cũng như không quan tâm đặc biệt đến phát triển giao thông cộng cộng đặc biệt là tàu điện ngầm… thì bài toán ùn tắc giao thông nghiêm trọng còn lâu mới tìm ra lời giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xén đường và giao thông đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO