Kỷ luật, kỷ cương trong bổ nhiệm cán bộ

Nguyên Khánh 06/12/2017 08:05

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Một trong 8 nhóm giải pháp là bố trí lãnh đạo cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương; không đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Những năm gần đây, tình trạng cán bộ lãnh đạo ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương thao túng công tác cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân của mình vào những chức vụ quan trọng, vị trí công tác dễ “sinh lời” đã gây bức xúc xã hội. Những cụm từ “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan”, “bổ nhiệm thần tốc”, “lên chức siêu nhanh”, “thăng chức như diều gặp gió”, “lại bổ nhiệm đúng quy trình”… xuất hiện một cách phổ biến. Người dân còn dị ứng với khái niệm “đúng quy trình” vì hầu hết các trường hợp “con ông cháu cha” được bổ nhiệm đều được che giấu, biện minh bởi tấm bình phong “đúng quy định, đúng quy trình” nhưng ẩn chứa không ít điều khuất tất, tiêu cực.

Tại sao lại xảy ra tình trạng cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, chị bổ nhiệm em, bác bổ nhiệm cháu, lãnh đạo tùy tiện bổ nhiệm người thân quen, “cánh hẩu” với mình… cứ ngày một gia tăng khiến dư luận bức xức? Phải chăng chúng ta chưa có quy định về vấn đề này?

Trong lịch sử nhà nước phóng kiến, việc cấm người làm quan bổ nhiệm người nhà là không ít. Từ thế kỷ 15, Vua Lê Thánh Tông đã từng đặt ra chế độ “hồi tỵ” để xử lý nạn “một người làm qua cả họ được nhờ”, nạn bè phái, cát cứ, với một số nội dung cơ bản như không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh mà ông ta xuất thân từ đó. Không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo. Trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh hoặc một huyện, một viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó. Một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng...

Ngay khi cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã rất chú trọng tới việc trọng dụng người có tài, có đức ra phụng sự việc nước. Trong “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng báo Cứu quốc, số 69, ngày 17/10/1945, Người cảnh báo 6 lỗi lầm, trong đó có lỗi lầm thứ 4 là: “Tư túng - kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”.

Để chặn đứng tình trạng bổ nhiệm người thân, tại Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về những điều đảng viên không được làm”, đã quy định cán bộ, đảng viên không được “can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học… trái quy định”; và: “tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi”. Tại Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” cũng nêu rõ: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt “không để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi”, vậy mà vấn nạn bổ nhiệm nhầm người không giảm.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này, như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ: “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tiên phong, gương mẫu; cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở; đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ; một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng”. Đáng nói hơn, hầu hết các trường hợp bổ nhiệm người nhà, người thân “siêu tốc” bị dư luận phanh phui đều liên quan đến những cán bộ chủ chốt ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Những người này không chỉ lợi dụng các kẽ hở của chính sách pháp luật, lợi dụng quyền lực của mình để tác động, can thiệp, chi phối, thao túng công tác cán bộ, mà còn bất chấp các quy định của Đảng về việc giải quyết mối quan hệ với người nhà, người thân để hợp lý hóa cái gọi là quy trình khiến thực trạng bổ nhiệm nhầm người xảy ra ở hầu khắp các bộ, ngành địa phương. Đây là một trong những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nếu không ngăn chặn được tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đến việc xây dựng bộ máy công quyền liêm chính, vì dân và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Nhằm tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ, trong thời gian tới, Chính phủ đang khẩn trương rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ hiện nay. Theo đó, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực hiện quy tắc ứng xử, những việc cán bộ, công chức không được làm, trách nhiệm giải trình, việc thực thi công vụ.

Đồng thời tăng thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm, xác minh, kết luận khi có dấu hiệu tham nhũng. Đặc biệt, quy định và thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng. Các bộ ngành, địa phương sẽ thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Đặc biệt không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Rõ ràng chế tài chặn tình trạng bổ nhiệm người thân đã có, điều nhân dân đòi hỏi, mong muốn là phải sớm xử lý nghiêm minh, thích đáng đối với những cán bộ lãnh đạo lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thao túng công tác cán bộ, bổ nhiệm người nhà, người thân tràn lan. Điều quan trọng Nhà nước phải có hình thức kỷ luật thích hợp đối với bộ phận tham mưu, thẩm định những quyết định bổ nhiệm cán bộ chưa đủ tiêu chí, chưa đạt tiêu chuẩn, năng lực hạn chế, uy tín thấp. Chỉ có siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác tuyển dụng nhân sự, bổ nhiệm cán bộ mới có thể làm cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và phục vụ nhân dân tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ luật, kỷ cương trong bổ nhiệm cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO