Cải cách thủ tục hành chính

Nguyên Khánh 12/09/2018 08:00

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia và đưa vào vận hành năm 2019 với mục tiêu để phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách nhanh nhất, tốt nhất- là nội dung chính của Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính diễn ra sáng qua, 11/9.

Cải cách thủ tục hành chính

Áp dụng công nghệ thông tin giải quyết nhanh thủ tục hành chính.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải xây dựng hoặc nâng cấp Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa thống nhất, kết nối, liên thông các hệ thống thông tin này với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh và Cổng thanh toán tập trung quốc gia để hỗ trợ xác thực thông tin người dân, doanh nghiệp (DN), có thể thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thông qua các dịch vụ công trực tuyến, điều này ai cũng rõ về những lợi ích của nó mang lại. Thứ nhất, người dân không phải xếp hàng dài để chờ đợi làm TTHC như trước, thậm chí không cần phải đến cơ quan công quyền mới có thể thực hiện nhứng dịch vụ công như trước mà chỉ cần một cú kích chuột cũng có thể thụ hưởng các dịch vụ công. Thứ 2, giảm sự tiếp xúc trực tiếp của người dân và DN với cán bộ, để tránh sự vòi vĩnh gây khó cho họ khi thực hiện các giao dịch liên quan đến cơ quan công quyền. Vì những lợi ích của chính quyền, chính phủ điện tử mang lại mà những năm gần đây Chính phủ đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần và đủ hiện thực hóa giấc mơ nền hành chính không giấy tờ. Thế nhưng để thực hiện điều này không hề dễ dàng.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ rõ: Những năm qua, công tác giải quyết TTHC cho người dân và DN từng bước có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch của các cấp trong giải quyết TTHC, đồng thời, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện TTHC.

Tuy vậy, trong quá trình giải quyết TTHC hiện nay của nhiều bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập như người dân phản ánh, phàn nàn về trình độ và ứng xử của một bộ phận công chức tại bộ phận một cửa, tình trạng để quá hạn trong giải quyết hồ sơ TTHC được đề cập qua báo chí, công luận. Điều này cho thấy độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động.

“Trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và trình độ dân trí càng được nâng cao thì việc hoàn thiện bộ máy phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nhất là trong các giao dịch giữa người dân và cơ quan nhà nước là nhiệm vụ cấp thiết, cụ thể quan điểm và chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nêu liên quan đến lĩnh vực này”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần đề ra các giải pháp triển khai xây dựng và vận hành các hệ thống công nghệ thông tin và cung ứng dịch vụ công trực tuyến, vai trò của các bộ, ngành có liên quan trong quản lý, vận hành, xây dựng các hệ thống này để giảm đến mức tối đa những sự phàn nàn, kêu ca từ phía người dân và DN với cán bộ, với các cơ quan công quyền. Và điều này chỉ có thể thực hiện được khi ứng dụng CNTT, chính quyền điện tử thông qua sự kết nối của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua Cổng dịch vụ quốc gia.

Để cho ra đời Cổng dịch vụ quốc gia, trước đó, Văn phòng Chính phủ đã và đang hoàn thiện Dự thảo đề án Cổng dịch vụ công quốc gia theo nội dung Nghị định 61 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Nếu thực hiện các giao dịch trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Như vậy, người dân sẽ không cần trực tiếp đến cơ quan công quyền mà có thể hoàn toàn thực hiện những giao dịch của mình thông qua hình thức trực tuyến, qua đó giảm tải sự quá tải cho các bộ phận một cửa, giảm sự đi lại của người dân, giảm sự tiếp xúc trực tiếp để tránh những sự nhũng nhiễu không đáng có của cán bộ với người dân và DN.

Như vậy, lợi ích từ các dịch vụ trực tuyến mang lại là rất rõ, vấn đề cần làm lúc này là làm thế nào để các cổng dịch vụ công này được xây dựng và vận hành một cách trơn tru mà thôi. Ông Nguyễn Đặng Phương Truyền- Học viện Hành chính quốc gia cho rằng: Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường tiến hành rà soát các TTHC đã công bố, thường xuyên cập nhật, xây dựng và sử dụng thống nhất biểu mẫu trong giao dịch giữa cơ quan, tổ chức và cá nhân, đáp ứng yêu cầu đơn giản, minh bạch và thuận tiện trong giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân. Chuẩn hóa các THHC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần chỉ đạo cho các cơ quan chức năng rà soát những quy định hiện hành về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai xây dựng cổng thông tin điện tử cho cấp huyện, cấp xã; ban hành Quyết định phê duyệt danh mục dự án ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan này, trong đó xác định dự án trọng tâm là xây dựng và nâng cấp Cổng thông tin điện tử của cấp huyện, cấp xã để phục vụ việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, khi xây dựng cổng thông tin điện tử, các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm đến việc kết nối thông tin, dữ liệu của Cổng thông tin điện tử này với Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xây dựng thành hệ thống thông suốt, hình thành Cổng thông tin quốc gia về cung ứng dịch vụ công trực tuyến.

Muốn thực hiện những điều này thì cần những cán bộ thạo về CNTT. Do đó, các cơ quan hành chính nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc bồi dưỡng, trang bị kiến thức về CNTT cho đội ngũ công chức,viên chức, nhất là đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp giải quyết các TTHC cho tổ chức và công dân. Đặc biệt phải tăng cường kiểm tra, giám sát, khen thưởng và xử lý trách nhiệm trong thực hiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến. Bởi nếu thưởng phạt không phân mình trong vấn đề này thì các bộ, ngành địa phương sẽ tiếp tục trì hoãn việc ứng dụng CNTT, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến để đáp ứng một cách nhanh nhất nhu cầu của người dân và DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách thủ tục hành chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO