71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Ngôi miếu thờ và ngày giỗ chung cho 27 liệt sỹ Mỹ Thủy

Phạm Hữu Thu 14/07/2018 10:42

Trong những năm chiến tranh, xã Mỹ Thủy (nay là phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) đã trở thành “vành đai diệt Mỹ” và cũng là nơi xuất hiện “lá cờ đầu diệt Mỹ” của chiến trường Trị Thiên Huế: Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Phong.

Và cũng trong những tháng năm ấy, trên mảnh đất này, Mỹ Thủy đã từng có ngôi miếu thờ chung và ngày giổ chung dành cho 27 liệt sĩ Quân Giải phóng, vì bí mật nên ít ai biết.

Ký ức hào hùng

Trước khi đưa quan ồ ạt vào miền Nam, Mỹ đã tiến hành xây dựng một loạt căn cứ quân sự, trong đó có Phú Bài, cách Huế chừng 15 cây số về phía Nam. Ngoài sân bay Phú Bài đã được xây dựng từ thời thuộc Pháp, Mỹ cho xây căn cứ quân sự để chuẩn bị đón 1 Tiểu đoàn lính đầu tiên đồn trú ở đây.

Nhằm bảo vệ căn cứ quân sự quan trọng này và giành lại địa bàn vừa bị mất sau đợt đồng khởi 1964, sau khi được điều về làm Chi khu trưởng kiêm Quận trưởng Hương Thủy, Đại úy Nguyễn Cáo, còn có tên là Quận Cáo đã cho Địa phương quân phối hợp với lực lương Nghĩa Quân và Dân vệ tiến hành lùng sục những nơi mà chúng nghi “chứa chấp Việt Công”, trong đó có địa bàn Ấp Tư, Ấp Năm của xã Mỹ Thủy.

Do Mỹ Thủy chỉ cách căn cứ quân sự Phú Bài chừng 5 cây số về phía Bắc và chỉ cách Dương Hòa chừng 10 cây số về phía Tây, để ngăn chặn Quân Giải phóng xâm nhập, chúng liên tục tuần tra, phục kích bắn phá các tuyến hành lang nối chiến khu Dương Hòa với đồng bằng Hương Thủy.

Trước tình hình đó, đêm 6/1/1965, Quân khu Trị Thiên lệnh cho Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 802 do ông Võ Đại An ( quê ở Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) làm Đại đội trưởng (ông đã hy sinh ở Bắc Truồi năm 1969) tiến đánh Chi khu quân sự Quận Hương Thủy .

Đây là trận đánh đầu tiên của quân chủ lực tại đồng bằng Thừa Thiên Huế.

Đại tá Vũ Đức Hộ, nguyên Chính ủy Trung đoàn 6 Phú Xuân và là một trong những chiến sĩ của Đại đội 3, Tiểu đoàn 802 thuộc Quân khu Trị Thiên kể lại:

Sau khi đánh Chi khu quân sự Quận Hương Thủy, đêm đó (6/1/1965) Đại đội 3 rút quân lên Ấp Tư xã Mỹ Thủy.

Biết thế nào địch cũng sẽ phản kích nên Đại đội trưởng Võ Đại An đã bàn với Huyện đội trưởng Hương Thủy Phùng Hữu Yên (Xuân) kế hoạch đối phó.

71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Ngôi miếu thờ và ngày giỗ chung cho 27 liệt sỹ Mỹ Thủy

Cựu chiến binh Đại đội 3, Tiểu đoàn 802, Quân khu Trị Thiên - Đại tá Vũ Đức Hộ.

Đúng như dự đoán, sáng hôm sau (7/1/1965), khi Đại đội Địa phương quân do Đại úy Nguyễn Cáo trực tiếp chỉ huy hùng hổ tiến vào thôn Đồng Lực (Ấp Tư) thì cuộc hành quân của chúng đã bị kìm chân bởi những phát bắn tỉa.

Được nhân dân dẫn đường, Bộ đội Chủ lực, Bộ đội Địa phương cùng Du kích Mỹ Thủy nhanh chóng triển khai đội hình, áp sát địch, khiến chúng rơi vào trận địa bày sẵn..

Khi chúng kéo quân qua khu vườn ông Thủ Lực, từ hai mũi bất ngờ Quân Giải phóng nổ súng tấn công. Quận trưởng Nguyễn Cáo cùng nhiều binh sĩ của y bị bắt.

Chiều hôm đó, địch huy động 2 Tiểu đoàn bộ binh cùng xe tăng được máy bay và pháo binh yểm trợ tiến vào Mỹ Thủy nhằm giải vây cho đồng đội.

Hướng từ Dạ Lê vào gồm bộ binh và xe tăng; hướng từ Thanh Lam qua chủ yếu là bộ binh nhằm hình thành gọng kìm “tảo thanh V.C”.

Thế nhưng, khi những chiếc GMC chở quân chi viện từ Huế về vừa rẽ vào Dạ Lê, đến khu vực trường THPT Hương Thủy hiện nay đã gặp phải mìn. Chiếc lật nhào, chiếc bốc cháy.

Địch đi đến đâu, Bộ đội, Du kích tổ chức đánh ở đó. Các thôn Đồng Lực, Đồng Tâm, Đồng Tiến nằm ở phía Tây đường sắt qua xã Mỹ Thủy trở thành chiến địa. Ở những nơi này đã xảy ra những trận chiến giằng co, quyết liệt.

Để bảo toàn lực lượng, theo Đại tá Vũ Đức Hộ, Ban chỉ huy Đại đội đã lệnh cho các Trung đội 2,3,4 bí mật rút lui và chỉ để lại Trung đội 1 Bộ binh do Đại đội phó kiêm Trung đội trưởng Trần Văn Hiến ( quê ở Thạch Lựu, Thạch Hà, Hà Tĩnh) chỉ huy có nhiệm vụ cầm chân địch.

71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Ngôi miếu thờ và ngày giỗ chung cho 27 liệt sỹ Mỹ Thủy - 1

Đại đội phó kiêm Trung đội trưởng Trung đội 1 - Liệt sĩ Trần Văn Hiến.

Trung đội 1 chọn khu vực đồi hố Tràm ở cuối Ấp Tư (thôn Đồng Lực) làm điểm chốt chặn.

Nhờ ở thế trên cao, lại sẵn có hệ thống giao thông hào (của Ấp chiến lược còn sót lại) nên Trung đội 1 cơ động đẩy lùi nhiều đợt tấn công của bộ binh địch. Thế trận giằng co, kéo dài đến chiều tối.

Bộ binh bị đẩy lùi, địch buộc phải dùng xe tăng tấn chiếm. Khi xe lên cao điểm, lọt vào tầm ngắm, xạ thủ kích hoạt nhưng cả 2 khẩu chống tăng B90 đều không khai hỏa.

"Thời điểm đó Bộ đội ta chưa có B40 nên phải dùng B90 tự chế. Muốn khai hỏa phải dùng pin kích hoạt" - Đại tá Vũ Đức Hộ giải thích.

Trong thế bị chia cắt và bao vây, cán bộ, chiến sĩ Trung đội 1 buộc phải lựa chọn : hoặc là đầu hàng hoặc là đánh đến cùng dù phải hy sinh..

Chỉ với tiểu liên AK, K50, súng trường CKC và một ít thủ pháo, lựu đạn… họ chọn phương án sau cùng: Đánh!

Khi những khẩu súng hết đạn, nhiều chiến sĩ Quân Giải phóng chấp nhận mặt đối mặt với quân thù. Họ xông đến đánh “giáp lá cà” hay dùng lưỡi lê súng CKC cạy nắp xe tăng ném lựu đạn, thủ pháo diệt địch.

Chiến sĩ Dương Đình Đệ và nhiều chiến sĩ khác, thân người chịu cháy vẫn tiến lên cùng đồng đội chiến đấu.

Cho đến khi mặt trận im tiếng súng: 27 cán bộ, chiến sĩ của Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 802 thuộc Quân khu Trị Thiên lần lượt hy sinh.

Tháng Chạp mưa, lạnh tê tái.

Ông Nguyễn Viết Nghiêm, sinh năm 1947, hiện trú ở Tổ 9, xã Thủy Phương kể lại, hồi đó tôi nghe một nhóm Địa phương quân tham gia trận đánh này bàn tán: “Tụi V.C này gan lỳ thiệt. Đã bị thương nhưng còn leo lên xe, mở nắp, ném lựu đạn. Tụi nó đánh đến cùng. Chết thì thôi chứ không có đứa nào chịu đầu hàng!”.

Tôi cũng như bà con ở đây nghe vậy nên rất khâm phục Quân Giải phóng, họ là những Anh hùng bất tử trong lòng dân.

Tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh của 27 cán bộ, chiến sĩ Trung đội 1 không chỉ làm cho kẻ địch nể phục mà còn là tấm gương thôi thúc lớp thanh niên tham gia Quân Giải phóng, để chung tay, góp sức biến Mỹ Thủy thành vành đai diệt Mỹ.

Những Tấm lòng thảo thơm

Hôm sau, chúng tập kết thi thể 27 chiến sĩ về một bãi đất ven đường nằm trên đồi hố Tràm ở cuối Ấp Tư.

Chúng phơi xác các anh ở đây vừa thị uy, răn đe những người hướng về Cách mạng, vừa chứng minh với quan thầy về sức mạnh của quân lực VNCH. Cổ súy cho hành động bất nhân này là truyền đơn và loa phóng thanh: “Ai về Đồng Tiến mà coi. Hàng trăm xác Công phơi thây đầy đường”.

Trên thực tế, xác 27 liệt sỹ bị đem phơi ở cuối Ấp Tư, tức thôn Đồng Lực chứ không phải Đồng Tiến và số lượng chỉ là hàng chục (27 chiến sĩ) chứ không phải hàng trăm. Nhưng đó vẫn là sự mất mát to lớn không có gì bù đắp được.

71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Ngôi miếu thờ và ngày giỗ chung cho 27 liệt sỹ Mỹ Thủy - 2

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Hương Thủy Nguyễn Phương Toàn trong một cuộc tiếp xúc với người dân ở Ấp Tư, Mỹ Thủy.

Với người dân Ấp Tư-Mỹ Thủy, vào thời điểm đó họ không biết những liệt sỹ vừa nằm xuống thuộc đơn vị nào, quê quán ở đâu nhưng nhiều người biết rất rõ, họ là Quân Giải phóng và phần lớn là con em từ miền Bắc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc nên đã tình nguyện vào đây chiến đấu và hy sinh.

Ông Nguyễn Văn Sáu, nhà ở Ấp Tư (nay là Tổ 9, xã Thủy Phương) cho biết, trước hành vi tàn ác của kẻ thù, bố ông là cụ Nguyễn Văn Đương, một cơ sở cách mạng, thông qua Bí thư chi bộ Mỹ Thủy (hoạt động bí mật) thời đó là ông Nguyễn Văn Thanh đã bàn bạc với đội ngũ cốt cán trong Ấp phải vận động nhân dân đấu tranh.

Chứng kiến những liệt sỹ phơi thân trên chiến trường, các mẹ, các chị ở Ấp Tư đã không cầm được nước mắt. Họ còn trẻ quá, tuổi tác chỉ bằng con em mình.

Tranh thủ buổi chợ, họ tiến hành vận động. Biết chuyện và cảm phục gương hy sinh của các liệt sỹ, chị em tiểu thương chợ Hôm đã chung tay người góp tiền mua chiếu ,người góp hương, hoa …hỗ trợ nhân dân Ấp Tư chăm lo hậu sự cho 27 liệt sỹ.

Dù không biết danh tính, đơn vị nhưng sau khi an táng, người dân ở Ấp Tư đã dùng gạch, đá khắc, ghi lại đặc điểm nhân dạng, ngày hy sinh của từng người và bí mật chôn trong từng ngôi mộ với hy vọng sau này, một mai khi quê hương Hòa bình, nước nhà thống nhất, thân nhân của các liệt sỹ có thể căn cứ vào đó mà tìm kiếm, cất bốc.

Quả là những mộ chí độc đáo, có lẽ chỉ xuất hiện trong cuộc chiến mười ngàn ngày ở Việt Nam - đất nước mà từ Bắc chí Nam luôn sở hữu đạo lý: Uống nước nhớ nguồn.Thương người như thể thương thân…

Không thể vô tâm với những người đã khuất, các cụ ở Ấp Tư nung nấu phải làm cái gì đó để hương khói cho các liệt sỹ.

Vì là bà con, hàng xóm với nhau và phần lớn đều tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng nên các cụ Võ Ca, Võ Luyến, Võ Cáo, Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Viết Chắc, Võ Giai, Nguyễn Văn Lòn, Nguyễn Viết Ban…rất tin tưởng nhau.

Sau nhiều lần bàn bạc, cuối cùng các cụ thống nhất phải lập một miếu thờ và hằng năm, hễ đến ngày mồng Bốn tháng Chạp âm lịch sẽ cúng, kỵ (giỗ), dù đạm bạc nhưng đó là tấm lòng thể hiện sự tri ân đối với những người vì nước mà hiến dâng cả tính mạng.

Thuở ấy vùng gò đồi phía Tây Ấp Tư đạn bom cày xới đã khá nhiều. Những đồi Tràm, đồi Sim không còn xanh tốt như xưa. Tìm kiếm, cân nhắc,cuối cùng các cụ tìm được một lùm cây. Nó nằm lúp xúp về phía Đông ở bìa làng, cách trận địa chừng 300 mét để bí mật dựng lên đó một miếu thờ. Ngày Răm, mồng Một phân công nhau hương khói.

71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Ngôi miếu thờ và ngày giỗ chung cho 27 liệt sỹ Mỹ Thủy - 3

Tác giả trong ngôi Miếu được người dân Ấp Tư, Mỹ Thủy bí mật dựng lên trong chiến tranh ( sau giải phóng được nâng cấp) để thờ cúng 27 liệt sỹ.

Mồng Bốn tháng Chạp năm Bính Ngọ - 1966, ngày giỗ đầu của 27 liệt sỹ đã đến.

Do phải tập trung đối phó với phong trào đấu tranh đô thị ở Huế nên địch có nới lỏng việc lùng sục, tuần tra ở nông thôn, nhờ vậy việc cúng kỵ diễn ra suôn sẻ.

Những năm tiếp theo, trước sự kiểm soát gắt gao của địch, các cụ bàn với nhau, đến tháng Chạp âm lịch hễ nhà nào có giỗ người thân thì sắm thêm một mâm mang ra Miếu cúng 27 liệt sỹ.

Trên đường đi, nếu địch phát hiện, tra hỏi thì cứ trả lời mang lễ vật cúng cho người thân và nếu truy, mộ ở đâu thì cứ chỉ đại ở ngoài rú – một loại rừng tự nhiên, mọc thành cụm, lúp xúp ven đồi.

Tránh để địch phát hiện, gây khó dễ, khi cúng các cụ cử người cảnh giới.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, ngôi Miếu bí mật ấy đã được mở rộng và nâng và tồn tại cho đến ngày nay.

Đến năm 2008, mặc dù Hội Cựu chiến binh Đại đội 3 (Tiểu đoàn 802 - Quân khu Trị Thiên), Hội Cựu chiến Hương Thủy, Hội Trường Sơn và nhân dân Thủy Phương chung tay đóng góp xây dựng ngay trên đồi hói Tràm (nơi 27 liệt sỹ hy sinh) ngôi đền mới có nhà bia để thân nhân, đồng đội phúng, viếng và có nơi tổ chức hiệp kỵ nhưng tại ngôi miếu cũ, người dân Ấp Tư hàng tháng vẫn đều đặn có người chăm lo hương khói, bởi nó đã trở thành một nơi thiêng liêng - nơi mà nhân dân gửi gắm niềm tin và nguyện sắt son một lòng đi theo với Cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Ngôi miếu thờ và ngày giỗ chung cho 27 liệt sỹ Mỹ Thủy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO