Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào...

Cao Minh Anh 15/10/2017 07:00

Không chỉ các nhạc sĩ tên tuổi và… đã già ra mắt tự truyện như một cách nhớ lại “một thời trẻ trai”, gần đây nhiều ca sĩ trẻ cũng viết tự truyện. Tuy vậy, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, cũng chớ nên “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Thực tế đã chứng minh, tự truyện là con dao hai lưỡi mà nhiều khi người trong cuộc gánh chịu nhiều thương tích và mất nhiều hơn được.


Nhạc sĩ Trần Tiến trong buổi ra mắt tự truyện tại TPHCM.

1.Còn nhớ, hồi tháng 9 năm ngoái, nhạc sĩ Trần Tiến ra mắt tự truyện “Ngẫu hứng Trần Tiến” khiến nhiều người bất ngờ. Tác giả của những khúc du ca đã tự viết lại những hỉ, nộ, ái, ố, những cảm nhận háo hức, đắm say suốt quãng đời phiêu lãng, du ca của mình. Trần Tiến bắt đầu viết câu chuyện cuộc đời mình rất tự nhiên, vô tư như lời tâm tình sâu lắng. Những câu chuyện nhỏ cứ tuôn chảy và ghép nối với nhau thành một cuốn tự truyện đậm chất Trần Tiến.

Gần 1 năm sau, nhạc sĩ Quốc Bảo cũng tung “50 - Hồi ký không định xuất bản”. Trực tiếp viết, không qua tay ai “chấp bút”, nhạc sĩ Quốc Bảo không ngần ngại bày tỏ những quan điểm của mình về nghệ thuật, về cuộc sống mà đôi khi quan điểm đó không giống với số đông. Anh cũng không ngần ngại bày tỏ về thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên cũng như về biến cố vào năm 2004 khiến sự nghiệp âm nhạc của anh bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy vậy, trong cuốn hồi ký của mình, nhạc sĩ Quốc Bảo cũng khôn khéo để “không kể”, hoặc lướt qua nhiều chuyện có thể gây sốc, hoặc liên quan đến những người đẹp trong showbiz.

Mới nhất, cuốn tự truyện “Chạm tới giấc mơ” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng đang được nhiều fan của chàng ca sĩ “Không phải dạng vừa đâu” săn đón. Nghe nói, 10.000 bản đầu đã bán hết và đợt sách mới cũng đang được in gấp. Bên cạnh “Chạm tới giấc mơ” của Sơn Tùng M-TP, ca sĩ – diễn viên Hoàng Thùy Linh cũng vừa chia sẻ dự án tự truyện “Vàng Anh và Phượng Hoàng” dự kiến trình làng vào tháng 11 tới. Trước đó, tự truyện “Lột xác” của Lâm Khánh Chi cũng mới ra mắt với số bản in lần đầu tiên đã lên tới 10.000 bản.

Có gì đó khập khễnh khi để tên các tên tuổi các nhạc sĩ và các ca sĩ trẻ này gần với nhau song cũng “đành lòng vậy, cầm lòng vậy” vì họ có điểm chung đều là nghệ sĩ, người nổi tiếng và cùng ra mắt những cuốn tự truyện, hồi ký.

2.Ở Việt Nam, cuốn tự truyện của nghệ sĩ ra mắt sớm và “gây bão” mạnh đó có lẽ là “Yêu và sống” của nghệ sĩ Lê Vân. Không biết bao nhiêu giấy mực, bao cuộc tranh cãi, thảo luận liên quan đến cuốn sách này. Trong đó cả những nhà đạo đức, nhà văn hóa cũng phải lên tiếng về những chuẩn mực cư xử trong gia đình, xã hội. Nhưng tổn thương nhất có lẽ chính là những người trong cuộc, khi mà những sự việc của quá khứ đã qua đi lại trở về và làm nhức nhối khi bị mang ra mổ xẻ, phân tích. Một tự truyện cũng gây “bão” sau khi công bố là “Hồi ký Thương Tín: Một đời giông bão”. Dư luận cũng tốn khá nhiều giấy mực để mổ xẻ cách viết và phản ứng về một số câu chuyện “nhạy cảm” được đề cập trong cuốn sách…

Trở lại “Chạm tới giấc mơ” của chàng ca sĩ 23 tuổi mới lập nghiệp được 5 năm nhưng đã có rất nhiều thị phi Sơn Tùng M-TP. Dù hết mực thanh minh rằng không có ý ngông cuồng, chẳng muốn dạy đời ai mà chỉ gửi gắm: “Tôi hy vọng cuốn sách giúp các bạn trẻ có thêm động lực theo đuổi ước mơ”. Tuy nhiên, Sơn Tùng cũng cho biết hiện tại anh vẫn chưa đạt đến mốc thành công, mà chỉ mới thực hiện được một phần giấc mơ. Như vậy thì những người trẻ sẽ học được gì ở đấy? Bản thân Sơn Tùng cũng đang đứng ở đâu, đội vầng hào quang nào, có đóng góp gì cho âm nhạc Việt Nam hay cũng vẫn chỉ là một “váng nổi” lơ lửng?

Xuất bản tự truyện, hồi ký là việc nhiều nghệ sĩ và những người nổi tiếng trên thế giới vẫn thường làm. Nhiều trường hợp không chỉ để “bạch hóa” các thông tin/ câu chuyện mà còn là một “cua” kiếm bộn tiền. Ở Việt Nam, trong trào lưu xuất bản tự truyện, cũng có những cuốn hữu ích, giúp cho công chúng hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp như “Tự truyện Trần Văn Khê - Những câu chuyện từ trái tim” của GS Trần Văn Khê, “Tâm Thành và Lộc đời” của nghệ sĩ Thành Lộc, “Đằng sau những nụ cười” của ca sĩ Khánh Ly, “Để gió cuốn đi” của nghệ sĩ Ái Vân… Tuy nhiên, nếu mượn tự truyện để kể những câu chuyện tình - tiền, hay đá xoáy về “người cũ”, hoặc với mục đích đánh bóng tên tuổi bằng những buổi ra mắt hoành tráng thì có khi lợi bất cập hại.

Xuất bản tự truyện không phải là một cuộc “đòi nợ quá khứ”, “đánh bóng tên tuổi”. Viết tự truyện cũng giống như phù thủy chơi âm binh, nếu không “cao tay ấn” chắc chắn sẽ bị “vật” lại, bị phản tác dụng, thậm chí gây ra những “tác dụng phụ” không mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO