Đừng nhấn mạnh nhân vật dị dạng

Trần Bảo Hưng 24/11/2017 08:00

Trong những năm gần đây, phim truyện truyền hình Việt Nam phát triển nhanh về số lượng. Các mảng đề tài cũng hết sức phong phú, nhưng nhân vật được nhấn mạnh nhiều khi lại dị dạng, bên lề cuộc sống.

Cảnh trong phim “Tuổi thanh xuân”.

Phim truyện truyền hình từ chỗ một bộ phim chỉ có độ dài một vài tập, đến những bộ phim “hoành tráng” tới bốn, năm chục tập; từ một vài chục phim một năm, đến nay các hãng phim truyền hình cả nước đã cho “ra lò” hàng trăm bộ phim một năm. Có thể nói phim truyện truyền hình Việt Nam đã chiếm hầu hết “giờ vàng” trên sóng đài truyền hình quốc gia, truyền hình cáp và truyền hình các địa phương. Và cũng đã có sự liên kết với các đài bạn để sản xuất phim truyện, như “Nhà tiên tri” (với Truyền hình Nhật Bản), “Tuổi thanh xuân” (với Truyền hình Hàn Quốc)… được dư luận đánh giá cao.

Nhiều phim được công chúng yêu thích và để lại nhiều dư ba, bởi đã khắc họa khá sắc nét những phận người trong ngày hôm nay, hoặc đề cập tới nhiều vấn đề nổi cộm trong cuộc sống hiện tại, như: “Những kiếp người chìm nổi”, “Cuộc chiến vô hình”, “Lật mặt kẻ thù”, “Gió vẫn thổi từ biển”, “Hãy nói về tình yêu”, “Giấc mơ sò điệp” (phía Nam), “Đàn trời”, “Chủ tịch tỉnh”, “Lựa chọn cuối cùng”, loạt phim “Cảnh sát hình sự”, “Chiều ngang qua phố cũ”, “Giao mùa” (phía Bắc)… Nhưng những bộ phim ấy chiếm số lượng không nhiều và bộ phim nào cũng có những hạt sạn không đáng có.

Nhìn một cách tổng quát, chất lượng phim truyện truyền hình Việt Nam còn thấp. Không ít phim sa đà vào việc miêu tả những số phận thê thảm, dưới đáy, hoặc khắc họa những con vật – người… Con người trở nên nhỏ bé, cô đơn giữa đồng loại. Đó là những con người dị dạng – không có thật hoặc rất ít trong cuộc đời. Đã có một thời văn học nói chung – phim truyền hình nói riêng chỉ miêu tả những con người lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan, những con người tốt một trăm phần trăm và bây giờ thì ngược lại. Chúng tôi gọi đó là những nhân vật dị dạng. Mấy chục năm nay chúng ta toàn khắc họa những nhân vật dị dạng và do vậy nghệ thuật mãi mãi vẫn chỉ đi bên lề cuộc sống.

Một số phim câu khán giả bằng những chi tiết gây cười kệch cỡm, vô bổ. Có phim đi quá đà, phản cảm, khiến công chúng phẫn nộ gọi là “hài nhảm”. Ở những bộ phim này, diễn viên diễn càng giỏi thì độ kệch cỡm, phản cảm càng lớn. Công bằng mà nói phim truyền hình phía Bắc ít mắc khuyết điểm này, nhưng một vài phim lại bị khán giả chê là “khô khan” quá, “đứng đắn” quá!

Phim truyền hình Việt Nam chưa hấp dẫn công chúng bằng phim truyền hình Trung Quốc, Hàn Quốc, bởi kịch bản yếu, đạo diễn non tay. Nhiều phim chỉ là một câu chuyện được kể bằng hình ảnh. Bởi vậy mới có tình trạng một nhân vật tưởng là nhân vật trung tâm bỗng dưng biến mất, chỉ vì câu chuyện được kể tiếp theo không có chi tiết nào liên quan đến họ nữa. Sự bùng nổ về số lượng đã dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng diễn viên truyền hình. Mặc dù các đạo diễn, nhà sản xuất, đã “tận dụng” triệt để các diễn viên kịch nói, tuồng, chèo, cải lương… kể cả người mẫu nữa, nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu. Do vậy mới có chuyện, truyện phim thì khác, nhưng diễn viên thì vẫn chỉ mấy khuôn mặt đã quá quen thuộc, có diễn viên một buổi tối xuất hiện trên mấy bộ phim, với những tính cách hoàn toàn khác nhau. Đã có chuyện cười ra nước mắt, khi có em bé hỏi mẹ: “Sao cô này lúc nãy tốt thế, mà bây giờ bỗng nhiên lại xấu thế”!

Vì thiếu kịch bản hay, kịch bản “dùng” được, nên nhiều nhà sản xuất và đạo diễn phim truyền hình Việt Nam phải dùng biện pháp Việt hóa nhiều kịch bản phim truyền hình của nước ngoài. Và điều đáng lo ngại là tình trạng này ngày càng tăng. Là điều bình thường nếu những người sử dụng cho đây là “biện pháp tạm thời”, “bất đắc dĩ”, và cảm thấy áy náy vì tự trọng nghề nghiệp bị xúc phạm. Nhưng điều đáng trách là đôi khi người vay mượn lại “khoe khoang” thành tích một cách thái quá, cứ coi như đó là sản phẩm của mình.

Chúng tôi muốn nói đến 2 phim gần đây là “Người phán xử” (dựa theo kịch bản của Israen) và “Sống chung với mẹ chồng” (dựa theo tiểu thuyết của Trung Quốc), được quảng cáo rầm rộ. Những ngày công chiếu ngày nào Đài Truyền hình Việt Nam cũng đưa tin về những bộ phim này, rồi giới truyền thông ngày nào cũng viết bài về những tập sắp chiếu, rồi còn đoán định này nọ. Khó chịu nhất là cả 2 phim đều được đưa vào giải Ấn tượng của năm. Người ta thường nói “Có bột mới gột nên hồ” (có kịch bản hay mới có phim hay). Người tự trọng không ai đã mượn bột của người khác, lại còn tự mình “khoe hồ” đã “gột” dựa trên sự vay mượn ấy là rất hay. Có lẽ các tác giả phim “thuần Việt” sẽ rất ngậm ngùi, vì phim của mình chưa bao giờ “được lăng xê ồn ào và vồ vập đến thế. Chúng tôi nghĩ đã đến lúc những bộ phim truyền hình mượn hồn cốt nước ngoài không được tham gia bất cứ giải thưởng nào dành cho phim thuần Việt (điều mà Cục Điện ảnh và Hội Điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay vẫn làm trong các Liên hoan phim và Giải thưởng do họ tổ chức).

Phim truyền hình Việt Nam phải thống lĩnh trên các kênh sóng của truyền hình Việt Nam. Đó là điều nên làm, cần làm và phải làm. Nhưng có nên người người phát sóng, nhà nhà phát sóng, một đài phát nhiều kênh để dẫn tới thiếu chương trình, rồi lại kêu như cháy đồi: “Thiếu chương trình nên phải phát phim nước ngoài, phải vay mượn, lắp ghép lung tung”. “Liệu cơm gắp mắm”- điều ông cha ta nói từ lâu rồi, nay vẫn đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng nhấn mạnh nhân vật dị dạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO