Điện ảnh Việt Nam: “Quả bóng” không tìm được khung thành

Phước Lâm 03/12/2017 06:30

Cứ mỗi kì cuộc, khi một tác phẩm nào đó được xướng danh ở Cánh diều vàng hay đoạt Bông sen vàng, kiểu gì cũng có rất nhiều lời bàn tán. Hầu như chưa có bộ phim nào “thắng tuyệt đối”. Trong bối cảnh ấy, Hội thảo Liên hoan phim Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc được tổ chức vừa qua ở Đà Nẵng cũng nêu ra rất nhiều tồn tại. Điều đó càng chứng minh, điện ảnh Việt khi còn nhiều tranh cãi tức là còn quá nhiều vấn đề nổi cộm.


Cảnh trong phim “Em chưa 18”

Loay hoay trong khái niệm thương mại và nghệ thuật
Một vài năm gần đây những phim có tính giải trí “thuần thương mại” dần dần “chen chân” và thậm chí còn được xướng danh nhiều ở các giải thưởng điện ảnh trong nước. Có thể kể đến “Trúng số”, “Tấm Cám- chuyện chưa kể”… và mới nhất là “Em chưa 18” đoạt Bông sen vàng ở LHP Việt Nam lần thứ XX. Có ý kiến cho rằng, dường như các giải thưởng cũng đang chiều theo thị hiếu, ngả dần về phim thị trường. Khi mà phim nghệ thuật do nhà nước đầu tư đang “lặng sóng” thì điều đó cũng là một nhân tố thúc đẩy dòng phim này phát triển, là động lực để điện ảnh trong nước phát triển rộng hơn.

Tuy nhiên, nó cũng tạo nên rất nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, giới chuyên môn và cánh nhà báo, phê bình thường hay “phân biệt” giữa phim nghệ thuật và phim thương mại. Đã có rất nhiều cuộc bàn luận, tốn rất nhiều giấy mực về vấn đề này. Trong khi đó, ở kinh đô điện ảnh của thế giới từ lâu người ta chẳng quan tâm hay nghệ thuật và thương mại. Người ta chỉ để ý đến phim làm có hay không, có gì mới không, hấp dẫn không, thu hút được khán giả không, bán được nhiều vé không và lãi bao nhiêu.

Dù là nghệ thuật hay thương mại thì cái mà một nền điện ảnh chuyên nghiệp hướng tới cũng là cái khán giả thích, khán giả cần và khán giả bỏ tiền ra mua vé mà thôi. Còn ở Việt Nam, việc loay hoay phân biệt này đã khiến có những mùa giải “huề cả làng”, tức là phim nghệ thuật- thường của nhà nước được một tí giải, phim thương mại, giải trí- thường của tư nhân cũng chiếm một khoảnh. Vì thế, những chiến thắng “không thuyết phục” luôn luôn là đề tài bàn tán hậu trường trao giải. Giới làm nghề có người còn “sửng sốt” khi phim A, phim B được trao giải. Có người còn bày tỏ thái độ rõ rệt như “Phim ấy mà được giải biên kịch xuất sắc thì ai cũng có quyền hi vọng mình… được giải”.

Những “quả bóng” không tìm được khung thành
Hội thảo Liên hoan phim Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc nằm trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ XX được tổ chức mới đây, ngoài sự có mặt của các nghệ sĩ điện ảnh tên tuổi, những nhà làm phim kỳ cựu như NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhà phê bình điện ảnh Trần Luân Kim... còn thu hút các nhà phim trẻ và các đạo diễn phim độc lập như diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, đạo diễn Đức Thịnh, đạo diễn phim tài liệu Đoàn Hồng Lê…

Đây là một hoạt động hữu ích để những người làm nghề cùng ngồi lại với nhau, tâm sự về nghề và nhìn nhận những vấn đề tồn tại để giải quyết. Thế nhưng, rất nhiều vấn đề đặt ra rồi còn đó. Chẳng hạn, vấn đề tiền đầu tư để được phim hay, không áp lực tiền thì mới có phim hay và có tiền nhiều mà vẫn không làm được phim hay. Ai cũng cho rằng để xin được tiền làm phim mà phải đưa vào các yếu tố câu khách như đồng tính, sex thì mới có triển vọng bán vé thì quá rẻ rúng nhưng chốt lại vẫn không có giải pháp gì mà chỉ là “nên định hướng cho sinh viên đừng làm như thế nữa”.

Nói đến phim tư nhân là cứ phải giải trí, tình tiền câu khách còn phim nhà nước, phim tài liệu thì cứ chiến tranh, lịch sử mà “diễn”. Vẫn biết rằng phim phải có một vài yếu tố để hút khách nhưng doanh thu vẫn bóp nghẹt đề tài. Đạo diễn Đỗ Đức Thịnh chia sẻ: “Thực ra vẫn có nhiều kịch bản có nội dung và thông điệp sâu sắc, nhưng nếu ít tính giải trí thì nhà sản xuất không dám đem ra chào mời”.

Theo ông Thịnh, đề tài lịch sử là một kho tàng, nhưng ở thời điểm này, ít có đơn vị tư nhân nào dám đầu tư 30-50 tỉ đồng để làm thể loại này. “Đã từng có hãng phim tư nhân đầu tư làm phim lịch sử, sau đó biến mất trên thị trường luôn. Cái kết cho cuộc chơi mấy chục tỉ là rất bi thảm”- ông Thịnh nói, và thêm rằng: “Các đơn vị khác nhìn thấy thế cũng chẳng dám lao vào nữa. Cái vòng luẩn quẩn không dám bứt phá, e ngại về doanh thu làm cản trở phát triển đề tài cứ thế diễn ra nhiều năm. Nhiều người lại nói cứ làm phim hay trước đã, sau sẽ bán vé được. Những người nói như vậy là chưa bao giờ làm phim”.

Nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng thì cho rằng “một số phim tham gia LHP năm nay bắt chước đề tài của nước ngoài, “remake” (làm lại), đặc biệt các nhà làm phim tư nhân tuân thủ quy tắc bất thành văn lựa chọn đề tài sex, đồng tính, bạo lực, tiền… để hút khán giả. Nếu không thuộc những đề tài này thì chẳng ai xem, như vậy rủi ro doanh thu của nhà làm phim khó tránh khỏi”.

Trong rất nhiều khó khăn được nêu ra, các nhà làm phim thương mại là gặp nhiều vấn đề đau đầu nhất. Để các nhà sản xuất mạnh dạn dấn thân vào các mảng đề tài có tính xã hội cao, có tầm ý nghĩa dân tộc, đạo diễn Đức Thịnh đề nghị: “Tôi nghĩ cần sự chung tay của nhà nước và các đơn vị liên quan.

Ví dụ các nhà phát hành, cụm rạp cần có sự bảo trợ nhất định với dòng phim này như một san sẻ rủi ro doanh thu. Như hỗ trợ về xuất chiếu, giờ chiếu và thời gian chiếu. Đồng thời có tỷ lệ ăn chia hợp lý hỗ trợ thật sự cho các dạng phim này. Nếu doanh thu tốt thì còn gì bằng. Còn nếu không thì nhà sản xuất cũng thấy được san sẻ để có thể tiếp tục với dự án khác hơn là bỏ cuộc luôn”.

Chung quan điểm này, nhà sản xuất phim “Cô Ba Sài Gòn” Ngô Thanh Vân cũng góp lời tha thiết đề nghị các cơ quan nhà nước hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, để giúp họ tăng năng lực cạnh tranh, giải tỏa áp lực tài chính.

Dù rằng làm mỗi phim là cả một công trình lớn và nhiều khó khăn phải đối mặt nhưng với những lời bàn thảo như trên, xem ra “quả bóng” vấn đề tồn tại chưa tìm được “khung thành” giải pháp.

Cần sự định hướng có tính chuyên nghiệp
Có được một môi trường làm phim thoải mái, kiểm duyệt dễ dàng, kinh phí lớn, rạp chiếu đầy đủ chế độ ưu tiên thì còn gì bằng. Nhưng trên thế giới không phải đất nước nào cũng được mọi điều kiện thuận lợi như vậy mà vẫn có những tác phẩm xuất sắc. Có những bộ phim không cần kinh phí lớn, không “sao xẹt”, không “sex sốc”, nội dung câu chuyện đơn giản nhưng cách làm mới mẻ, truyền tải thông điệp ý nghĩa, nhân văn. Giống như người nông dân vẫn trồng cấy dù có mưa thuận gió hòa hay không.

Điều quan trọng nhất là khán giả trông đợi phim hay chứ không chờ người làm phim được tạo điều kiện tốt nhất thì mới “đòi” phim hay. Chừng nào còn quá nhiều vấn đề tồn tại như vậy thì nền điện ảnh Việt Nam vẫn đang hoay hoay trong quá trình hội nhập chứ đừng nói gì đến tạo bản sắc cho riêng mình.

Do vậy, cần lắm sự định hướng phát triển có tính chuyên nghiệp. Khi người làm phim đi theo những “đường ray” hướng đến khán giả thì chắc chắn con đường ấy sẽ đưa nghệ thuật thứ bảy phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện ảnh Việt Nam: “Quả bóng” không tìm được khung thành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO