Đánh thức khí nhạc ba miền

Thái Anh 05/12/2017 08:05

Khán giả Hà Nội đang háo hức chờ đợi chương trình nghệ thuật “Đêm vô thức bản địa” của Dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam Seaphony, thuộc dự án S.E.A Sound, lúc 20h ngày 12/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

“Giũ bỏ hết những định kiến về nghệ thuật, chúng tôi muốn tìm lại những rung cảm tự nhiên từ khí nhạc - cái lõi của nghệ thuật dân tộc”- nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý, người khởi xướng dự án S.E.A Sound cho biết.

Dàn nhạc Seaphony tập luyện ở Đại Lải, Vĩnh Phúc (Ảnh: Seaphony).

Dàn nhạc nghệ nhân

Cả tháng nay, gần 50 nghệ nhân đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam cùng “hội tụ” tại Đại Lải, Vĩnh Phúc. Mang theo những đàn môi, kèn lá, đàn tính, đàn goong, đàn K’ni, đàn Kanhi, đinh tak tà, kèn Saranai, cồng chiêng, trống Paranung, trống Gineng, đàn đó… và ngồi dưới tán cây rừng, các nghệ nhân cùng hòa tấu những khúc nhạc có từ bao đời của dân tộc mình.

Đấy là những nghệ nhân từ vùng cao Tây Bắc, các buôn làng của Tây Nguyên hùng vĩ và những làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

Dù là người dân tộc Tày, Thái, Dao, Mông, Lào, M’nong hay Sê Đăng… và mỗi khí nhạc họ mang đến có vẻ đẹp, nét độc đáo riêng nhưng khi bước vào không gian âm nhạc này thì tất cả cùng dệt nên bức tranh âm nhạc truyền thống đa sắc mà thống nhất của Việt Nam.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, việc mời nghệ nhân tham gia dự án không phải là chuyện dễ dàng, nhất là khi lần này họ phải xa gia đình đến cả tháng trời.

“Mỗi ngày nghỉ lên nương rẫy của nghệ nhân đều gắn liền với miếng cơm, manh áo của họ. Vậy nên, để thuyết phục nghệ nhân tham gia dự án, chúng tôi đã không chỉ động viên mà còn phải đảm bảo một số yêu cầu về đời sống cũng như những vấn đề tôn giáo. Tôi còn nhớ có một nghệ nhân ở Nậm Nhùn, Lai Châu bảo rằng sẽ về thuyết phục dòng họ để đến với dự án. Rất vui là sau những đắn đo, các nghệ nhân luôn nhiệt tình tập luyện”- nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến nói.

Khá ngại ngần khi trò chuyện, các nghệ nhân thì kể rằng, đúng là nhiều người còn “nấn ná” chuyện gia đình khi được mời. Thế nhưng, khi nhận được sự hỗ trợ khá chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần, những “nấn ná” kia được gạt đi và sẵn sàng… lên đường.

“Mỗi ngày, chúng tôi được nhận 500.000 đồng tiền công tập luyện cơ đấy, gấp mấy lần tiền công ở nhà, lên rẫy làm nương…”- nghệ nhân Rcham Tih (Pleiku, Gia Lai) khoe.

Trong khi đó, cụ Lò Văn Lá, năm nay đã 78 tuổi, người đã dành nhiều thời gian đi sưu tầm, phát hiện các nghệ nhân ở vùng núi Tây Bắc thì trăn trở: “So với ngày trước, đến giờ, nhiều lời ca, tiếng hát, nhạc cụ của các dân tộc ít người bị mai một.

Vậy nên, nếu không gắng công vun xới, tìm tòi, khai phá thì sẽ đến một ngày vốn nhạc dân tộc biến mất, có muốn tìm kiếm hay phục dựng cũng chẳng được…”.

Cần một lòng… dũng cảm

“Đêm vô thức bản địa” là chương trình đầu tiên giới thiệu dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam Seaphony, thuộc dự án S.E.A Sound - giai đoạn 1 tại Việt Nam 2017.

Đêm nhạc được xây dựng từ những “Đêm Vô thức Tây Bắc” (31/3), “Đêm Vô thức Tây Nguyên” (30-6) và “Đêm Vô thức Chăm” (30/9) diễn ra tại Phù Sa Lab.

Để có được những đêm nhạc này là cả một cuộc hành trình của tình yêu với âm nhạc bản địa mang đầy tâm huyết cũng như quyết tâm tìm lại những giá trị văn hóa bản địa của nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý suốt bao năm qua.

Sau những thử nghiệm tạo nên không gian âm nhạc đậm chất văn hóa Việt ở các chương trình nghệ thuật “À ố show”, “Làng tôi”, “Teh Dar” và “Sương sớm”, Nguyễn Nhất Lý tiếp tục tìm về các vùng miền để có cơ hội được gặp gỡ nghệ nhân, tìm kiếm, sưu tầm những giá trị văn hóa bản địa tinh khôi, quý giá.

Những giá trị ấy không chỉ được ông gom góp lại bằng tư liệu, hiện vật mà còn dần hình thành nên ý tưởng và bồi đắp dần thành dự án S.E.A Sound với khát vọng xây dựng một cộng đồng thưởng thức, biểu diễn, sáng tác, và phát triển âm nhạc bản địa các nuớc Đông Nam Á, với các nhạc cụ đặc trưng được chế tác chủ yếu từ tre nứa cùng các bộ cồng chiêng.

Và Seaphony là bước khởi đầu của dự án dài hơi đó. Nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý cho biết: “Để thực hiện cho Seaphony này, trong suốt năm 2017, tôi và các cộng sự đã rong ruổi khắp 3 miền để tập hợp các nghệ nhân và tuyển chọn các nhạc khí tiềm năng cho dàn nhạc.

Đây là cuộc mở đầu và rất cần có sự hỗ trợ từ cộng đồng. Sẽ không thể có Seaphony nếu bên cạnh tôi không có những người bạn đồng hành như Nguyễn Mạnh Tiến, Ngọc Đại, Đức Trí, Đỗ Bảo… Sẽ không thể có được đêm ra mắt rộng rãi với khán giả Hà Nội nếu Seaphony không được Lune Production lựa chọn đầu tư.”

Ông Võ Thành Trung- chủ tịch Hội đồng Quản trị Square Group- cũng chia sẻ, đây là một việc làm… dũng cảm của Lune Production (thuộc Square Group).

Cũng bởi lẽ, đây là show diễn rất kén khách và chưa từng… nổi tiếng ở quốc tế như “Làng tôi”, “Ồ á show”.

“Nhưng với Seaphony, chúng tôi muốn chọn cách tiếp cận dự án theo hướng mới là thuyết phục khán giả trong nước trước. Để làm được điều đó, Seaphony sẽ không phải là một đêm diễn mà chúng tôi đã tính đến chuyện biểu diễn thường kỳ, sau đó là biểu diễn quốc tế. Với những gì các nghệ sĩ, nghệ nhân thể hiện tại Seaphony, chúng tôi tự tin trước những kế hoạch đó”- ông Võ Thành Trung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh thức khí nhạc ba miền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO