Xác nhận thế nào khi không còn hồ sơ gốc trước năm 1995?

PV (theo VGP) 13/12/2017 15:00

Ông Đỗ Văn Khuê (tỉnh Thái Bình) sinh ngày 20/1/1946, từ tháng 8/1972 đến tháng 12/1975 tham gia công tác trong quân đội, thời gian tham gia công tác tại địa phương từ tháng 10/1981 đến tháng 1/1999 nhưng chưa được hưởng chế độ trợ cấp.

Năm 2011, ông Khuê làm hồ sơ gửi BHXH huyện Thái Thụy, năm 2016 bị trả lại hồ sơ do chưa đủ thủ tục. Các quyết định phân công chức vụ, quyết định hưởng sinh hoạt phí và bảng lương từ năm 1981 đến năm 1993 bị mục nát nên Phòng Nội vụ huyện Thái Thụy và UBND xã đã có tờ trình và biên bản giải trình về việc thiếu một số giấy tờ theo yêu cầu của BHXH nhưng vẫn không được chấp nhận. Ông Khuê đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết trường hợp của ông.

BHXH tỉnh Thái Bình trả lời như sau:

Ông Đỗ Văn Khuê từ tháng 8/1972 đến tháng 12/1975 tham gia công tác trong quân đội. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, thời gian này được tính là thời gian công tác để tính hưởng BHXH. Căn cứ điểm 1.6 Khoản 1 Phụ lục 1 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hồ sơ bao gồm:

- Quyết định phục viên hoặc xuất ngũ hoặc thôi việc.

- Giấy xác nhận chưa hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002; Điểm a Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 20/10/2008; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ;

- Quyết định về việc thu hồi Quyết định hưởng chế độ và số tiền trợ cấp một lần theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ đối với cán bộ xã (nếu có).

Từ tháng 10/1981 đến tháng 1/1999, ông Khuê tham gia công tác tại địa phương. Nếu thời gian này người lao động được bố trí làm việc thuộc các chức danh theo quy định của pháp luật thì được tính là thời gian để hưởng BHXH.

Căn cứ Điểm 1.4, Khoản 1 Phụ lục 1 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có nêu: “Ghi xác nhận thời gian đóng BHXH đối với cán bộ có thời gian làm việc ở xã, phường, thị trấn, bao gồm cả chức danh khác theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH, hồ sơ kèm theo bao gồm: Hồ sơ, lý lịch gốc của cá nhân; Các giấy tờ liên quan chứng minh thời gian làm việc ở xã, phường, thị trấn (danh sách, Quyết định phân công, Quyết định hưởng sinh hoạt phí…)”.

Trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 1/1/1995. Căn cứ khoản 7 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/12015 của Chính phủ thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp 1 lần báo cáo Bộ, ngành chủ quản ở Trung ương hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và có văn bản gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét, quyết định.

BHXH là cơ quan thực hiện chính sách, chỉ khi nào người lao động có đầy đủ hồ sơ chứng minh thời gian công tác như quy định nêu trên thì cơ quan BHXH mới có căn cứ để đảm bảo quyền lợi về BHXH cho người lao động theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xác nhận thế nào khi không còn hồ sơ gốc trước năm 1995?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO