Người công giáo trong việc bảo vệ môi trường

Tuệ Phương (thực hiện) 06/11/2017 08:35

Việc các tôn giáo cùng hệ thống Mặt trận chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã cho thấy cách làm và bước đi hiệu quả của phong trào. Việc làm này đã góp phần nâng cao nhận thức của một bộ phận người dân trong việc bảo vệ môi trường sống. Đó là khẳng định của TS Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) thành phố Hà Nội với Đại Đoàn Kết.


Ông Phạm Huy Thông.

PV: Xin ông cho biết kết quả nổi bật trong việc đồng bào công giáo Thủ đô tham gia bảo vệ môi trường sau một năm ký kết chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội với các tôn giáo trên địa bàn Thủ đô?

Ông Phạm Huy Thông: Mỗi một tôn giáo đều có giáo lý của riêng mình tuy nhiên, riêng về vấn đề bảo vệ môi trường lại hoàn toàn trùng khớp và đồng thuận. Người công giáo cũng như Giáo hội công giáo có nhiều quan điểm để ủng hộ việc bảo vệ ngôi nhà chung của trái đất. Đặc biệt trong thông điệp đầu tay của Giáo hoàng Phanxicô thì trái đất là ngôi nhà chung của tất cả mọi người, của nhiều thế hệ không chỉ hôm nay mà còn trong tương lai.

Việc người công giáo Thủ đô ký cam kết với Ủy ban MTTQ và các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đồng bào công giáo hết sức hưởng ứng- hoàn toàn tương đồng với quan điểm của giáo hội. Họ thực hiện như vậy cũng là thực hiện giáo huấn của giáo hội cho nên đồng bào công giáo luôn chủ động thực hiện. Hiện nay, giáo hội đã quyết định lấy ngày 1 - 9 hàng năm là ngày bảo vệ môi trường.

Sau khi UBĐKCG thành phố ký kết với Mặt trận thành phố Hà Nội, tất cả các quận, huyện đều triển khai ký kết với các Ban hành giáo các xứ họ để cùng cam kết thi đua bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng lấy họ Cẩm Cơ, huyện Thường Tín làm điểm. Tại đây, ngoài việc tất cả giáo dân được phổ biến tinh thần của việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu thì mọi người cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ từ đường xóm, làng xã, nhà thờ cho đến ngôi nhà của mình.

Sắp tới, UBĐKCG thành phố được sự hỗ trợ của MTTQ thành phố Hà Nội sẽ tổ chức thăm quan, rút kinh nghiệm mô hình này để triển khai trên địa bàn toàn thành phố.

Trong quá trình thực hiện hẳn khó khăn gặp phải cũng không ít?

- Đúng vậy, chúng ta phải thực hiện một cách đồng bộ. Nếu chúng ta ở trong một ngôi nhà sạch sẽ nhưng hàng ngày phải ăn thực phẩm bẩn, dùng nguồn nước bẩn thì rõ ràng việc bảo vệ môi trường không bền vững. Hay như khi ra đường, chúng ta sống trong không khí ô nhiễm, nhất là trong giờ cao điểm luôn ở trong tình trạng báo động đỏ thì người thực hiện sẽ thấy việc mình làm chỉ là hạt cát. Muốn người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường thì tất cả các cơ quan, ban ngành và toàn xã hội phải cùng vào cuộc thì mới đạt được kết quả như mong muốn.

Trước đây, có một quan niêm sai lầm rằng “Bàn tay ta làm ra tất cả”. Việc này không đúng vì con người chẳng thể làm ra một hạt giống, một cây trồng từ hư không. Thậm chí, có hạt giống rồi mà không có đất, có nước, có không khí, độ ẩm…hạt giống đâu có nảy mầm. Con người dùng sức lao động tác động đến thiên nhiên, khai thác thiên nhiên để tạo ra của cải vật chất cho cuộc sống của mình. Của cải đó con người có thể sở hữu nhưng con người cũng phải luôn nhớ rằng trong số của cải đó, lao động chỉ một phần còn một phần là của thiên nhiên ban tặng, cho không nên của cải mang giá trị phổ quát, tức là mọi người có thể sử dụng chung. Do đó, khi sử dụng của cải phải luôn ý thức chia sẻ cho người khác, cho thế hệ khác cả khi thiên nhiên là đối tượng sản xuất cũng như được tích tụ trong sản phẩm lao động.

Vậy theo ông, làm thế nào để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường?

- Người công giáo Thủ đô luôn nắm được quan điểm của Giáo hội trong việc bảo vệ môi trường. Giáo hội công giáo quan niệm, vũ trụ là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho con người trên trái đất. Vũ trụ dành cho nhiều thế hệ của nhân loại, vì vậy thế hệ hôm nay luôn phải làm cho trái đất, môi trường nguyên vẹn, tươi xanh để bàn giao cho thế hệ sau.

Đức giáo hoàng Gioan Phao lô 2 từng nói “Chúng ta thừa kế từ các thế hệ đi trước và chúng ta đã hưởng lợi từ lao động của những người đương thời. Chính vì thế chúng ta phải có bổn phận đối với hết mọi người. Chúng ta là một gia đình nhân loại”.

Để phong trào này thực sự hiệu quả, chúng tôi đã đưa ra mục tiêu rõ ràng cho từng năm để phấn đấu thực hiện. Đặc biệt, sau khi tổ chức các đoàn đi thăm quan mô hình điểm thì phong trào này sẽ được nhân ra diện rộng để cho mọi người cùng thực hiện.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người công giáo trong việc bảo vệ môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO