Vĩnh biệt dịch giả Trần Thiện Đạo: Một cuộc đời giữa đôi bờ

Paris 5/12/2017  Hiệu Constant 10/01/2018 09:49

Ngày mùng 4 tháng 12 vừa qua, bạn bè thân hữu và bà con ở Paris và vùng phụ cận tụ tập tại đài hóa thân hoàn vũ Val-de-Bièvre thuộc thành phố Arceuil, ngoại ô Paris để tiễn đưa thầy giáo, dịch giả Trần Thiện Đạo trong chuyến viễn du về miền thế giới người hiền. Ông ra đi bình yên trong giấc ngủ vào ngày 25 tháng 11 năm 2017 tại nhà riêng ở Paris, hưởng dương 84 tuổi.

Vĩnh biệt dịch giả Trần Thiện Đạo: Một cuộc đời giữa đôi bờ

Tang lễ diễn ra trang trọng với sự có mặt của người thân: bà quả phụ Claudette Trần và gia đình con trai của ông. Lúc tưởng niệm, trong nền nhạc nhẹ nhàng du dương của những ca khúc nổi tiếng của Việt Nam thì bao nhiêu hình ảnh và những kỷ niệm về ông bỗng ào ạt ùa về trong tôi.

Dịch giả Trần Thiện Đạo sinh năm 1933 ở Sài Gòn, sang Pháp du học năm 1949, sau khi tốt nghiệp, ở lại lập nghiệp và sinh sống tại Pháp cho đến tận khi qua đời.

Tôi biết ông trong một lần tình cờ vào những năm 2000 khi ba mẹ con tôi về thăm Hà Nội. Có lẽ ông đã ấn tượng việc hai con của tôi khi ấy còn nhỏ nhưng nói tiếng Việt rất khá và đã được các cô chú phóng viên của đài truyền hình VTV4 thời ấy phỏng vấn, bởi như ông nói thì con trai của ông, cũng sinh tại Pháp nhưng đã không nói được tiếng Việt, và ông đã khuyến khích tôi nên tiếp tục kiên trì dạy và nói với con bằng tiếng Việt, và đó là điều tôi đã làm.

Thú thật rằng chỉ mãi sau đó tôi mới khám phá ông là một dịch giả kỳ cựu và một cây viết nổi tiếng. Và thật trùng hợp, sau này tôi đã theo nghiệp dịch và viết, gọi ông là thầy thì không đúng lắm, nhưng ông đã cho tôi một số lời khuyên hữu ích trong nghề dịch và chính ông là một trong những người đầu tiên khuyến khích tôi sáng tác, tức viết tiểu thuyết. Ông đã tâm đắc với tác phẩm tiểu thuyết đầu tay của tôi, cuốn Côn Trùng, do nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành năm 2008.

Do cùng ở Paris, và nhà chúng tôi không quá xa nhau, nên tôi có nhiều dịp đến thăm và trò chuyện hàn huyên với ông. Chính ông cũng là người đã giảng giải cho tôi hiểu thêm về đời sống của người dân bản xứ nơi đây… Ông rất có khiếu kể chuyện, và những lúc như vậy tôi thấy ông thật hài hước. Ông có kiểu nói chuyện dí dỏm, biến những điều nghiêm trọng trở nên nhẹ nhàng hơn và khiến ta dễ nhập tâm. Nói chuyện với ông, tôi thấy rõ hai con người, hai tính cách khác nhau. Đôi lúc tôi thấy nơi ông mang hình ảnh đậm nét của một ông già Nam bộ, tức rất phóng khoáng, hóm hỉnh và dễ gần, lúc khác lại bộc lộ rõ phẩm cách của một người mang văn hóa Tây phương: Ưa thích sự đúng giờ, và sẵn sàng hủy buổi làm việc chỉ vì đối tác đến chậm mà không gọi điện thông báo trước!

Với công việc viết và dịch, ông là một người hết sức nghiêm túc, thậm chí rất nghiêm khắc và có trách nhiệm. Ông không chấp nhận cách làm việc cẩu thả. Ông đã thường nói với tôi rằng dễ dàng chấp nhận bị mắng là ngu chứ khó chấp nhận bị mắng là cẩu thả bởi “ngu” có nghĩa là trình độ mình chưa tới, cần phải học hỏi và trau dồi thêm, còn “cẩu thả”, đó là trình độ mình đã có nhưng làm việc chưa đến nơi đến chốn. Những bài phê bình của ông thường rất sắc sảo, tôi ví chúng như những liều thuốc đắng cực kỳ hữu hiệu với những ai có ý thức cầu thị, cầu tiến và muốn tự hoàn thiện, nhưng điều đó cũng thường khiến một số người bị phê bình phật lòng ! Với tôi, hồi đó có lẽ ông đã “nhẹ tay” hơn, nhưng ít nhiều chỉ cho tôi thấy những lỗ hổng cần khắc phục trong kiến thức của mình, và tôi đã rất cám ơn ông vì điều đó!

Vĩnh biệt dịch giả Trần Thiện Đạo: Một cuộc đời giữa đôi bờ - 1

Là một kiều bào rất yêu quê hương, bằng chứng là những năm cuối đời, ông rất hay về Việt Nam, thăm thú đó đây khắp đất nước, gặp gỡ và giao lưu với nhiều người. Và đã khá nhiều lần, không hẹn mà gặp, tôi đã đi cùng chuyến bay với ông về Hà Nội. Tôi thường đùa trêu là ông như chim nhạn đi tránh rét châu Âu, bởi đúng là ông thường về Việt Nam từ tháng 11 dương lịch và đến tháng Ba năm sau thì quay về Pháp. Chính vì thế mà nhiều bạn bè yêu mến còn đặt cho ông biệt danh “Việt kiều yêu Tết!”

Ông là một người kỹ tính trong công việc dịch thuật, ông đã từng nói một ví dụ điển hình trong phương cách làm việc của mình: “Trong cuốn Sa Đọa có một trang miêu tả cảnh trí vừa nhợt nhạt vừa sinh động của vòm trời vào buổi chiều hôm ở bờ biển Hòa Lan. Ðể thực hiện một cách chính xác trang dịch, tôi đã đích thân đến tận nơi, vào đúng thời gian chỉ định, quan sát và cảm thông vòm trời đó, rồi mới bắt tay vào việc, chuyển ngữ sao cho phù hợp…”. Ông cũng từng cho rằng: “nghệ thuật dịch văn vốn là một con đường có bản chất vô cùng gập ghềnh khó bước, lắm sình lầy, nhiều cạm bẫy và đầy gai góc. Chỉ cần thiếu một chút vốn liếng ngoại ngữ và quốc ngữ, có một trình độ văn hóa tổng quát nghèo nàn, với một tinh thần thận trọng đáng ngờ, cộng thêm một thứ thái độ miệt thị độc giả và khinh rẻ giới phê bình, thì cứ y như là dịch giả phải sa lầy, mắc bẫy, sướt mình”. Ông cho rằng nếu mỗi người cầm bút, mỗi nhà phê bình tự nhận về mình chút trách nhiệm, không thờ ơ, bình phẩm một cách đứng đắn, nghiêm túc, chính xác, thì chúng ta sẽ tránh được nhiều những thảm họa trong văn học. Với những người mới bước vào nghiệp cầm bút, ông Đạo cũng nhắn gửi rằng “Hãy trung thực và hết lòng, nhưng đừng ảo vọng về mình”…

Bây giờ thì ông đã ra đi, và có lẽ trong lòng vẫn còn nhiều trăn trở, mà theo ông, những thứ ấy còn rất bất cập trong văn học dịch nói riêng và nền văn chương của Việt Nam nói chung.

Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, trưởng thành và lập nghiệp trên đất Pháp, thông hiểu sâu sắc hai nền văn hóa, trau dồi kiến thức trong cả hai thứ ngôn ngữ, yêu nước Pháp nhưng lòng đau đáu nhớ về Việt Nam, Trần Thiện Đạo - một cuộc đời giữa đôi bờ, như Gilles - con trai của bác đã nói trong lễ tang, - một cuộc đời đẩy đưa giữa hai dòng: sông Mê-Kông và sông Seine!

Còn tôi, qua những lần tiếp xúc và trò chuyện trực tiếp với ông, tôi nhận thấy trong phong cách ứng xử của ông nổi bật trên hết là sự thông minh tinh tế hào hoa và lịch thiệp, và theo tôi, những phẩm chất ấy như là một thứ tinh túy được gạn lọc từ hai nền văn hóa Đông - Tây mà ông ngưỡng mộ và đã đằm cả cuộc đời mình vào trong đó!

Vĩnh biệt ông - người con của đôi bờ!

Một số tác phẩm do dịch giả Trần Thiện Đạo giới thiệu và dịch sang tiếng Việt:

* Cậu Hoàng Con (Le petit prince) của Antoine de Saint-Exupéry (NXB Khai Trí, 1966)

* Giao Cảm (Noces) của Albert Camus (NXB Giao Điểm, 1964)

* Bề Trái Và Bề Mặt (L’envers et l’endroit) của Albert Camus (NXB Giao Điểm, 1967)

* Sa Ðọa (La chute) của Albert Camus (NXB Giao Điểm, 1972)

* Kín Cửa (Huis Clos) của Jean-Paul Sartre (NXB Giao Điểm, 1965)

* Phấn Ðấu Cho Một Nền Tiểu Thuyết Mới (Pour un nouveau roman) của Alain Robbe-Grillet

* Im Lặng Của Biển Cả (Le silence de la mer) của Vercors Zadig của Voltaire

* Ao Quỷ (La mare au diable) của George Sand.

Và tác phẩm Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc do NXB Văn Học ấn hành năm 2001 và Công ty Bách Việt liên kết với NXB Trí Thức tái bản năm 2008, là tập hợp những bài báo mà tác giả Trần Thiện Đạo đã viết hoặc đã dịch, và đã được in trên các tập san Văn và Tân văn trong khoảng thời gian từ 1965 đến 1970 tại Sài Gòn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vĩnh biệt dịch giả Trần Thiện Đạo: Một cuộc đời giữa đôi bờ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO