Uy tín của nhà báo phụ thuộc vào chính nhà báo

Nguyễn Hòa 21/06/2018 08:00

Mỗi nghề nghiệp trong xã hội đều vận hành theo nguyên tắc riêng, có tính chất chi phối, và nếu người làm nghề xao lãng, bỏ qua nguyên tắc là tự hủy hoại nghề nghiệp. Theo đó, nếu mỗi người làm báo thể hiện tinh thần tự trọng nghề nghiệp bằng cách nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, giữ được đạo đức nghề nghiệp thì không ai có thể làm hoen ố hình ảnh của nhà báo trước bạn đọc và xã hội.

Uy tín của nhà báo phụ thuộc vào chính nhà báo

Minh họa: Daniel Garcia..

Lâu rồi, đang ngồi café thì chuông điện thoại của bạn tôi réo rắt. Tôi đứng dậy định ra chỗ khác, nhưng bạn vừa nói vừa xua tay, có ý bảo cứ ngồi. Chuyện qua điện thoại xong, bạn có vẻ phấn khởi và kể có người liên lạc đề nghị gửi bài cộng tác. Là đồng nghiệp nên tôi hiểu, chia sẻ.

Thời gian sau, cũng lại đang café, nhắc chuyện nghề nghiệp, bạn bảo sáng nay vừa gặp chuyện bực mình.

Chẳng là có người giới thiệu một nhà báo đang làm tại báo X muốn cộng tác, bạn liền liên lạc để nhà báo nọ gửi bài.

Nhận được là bạn đọc luôn, và phát hiện bản thảo của nhà báo nọ đã photo-copy nguyên văn bài của một người khác đăng trước đó, có thêm mắm dặm muối dăm câu đưa đẩy.

Bạn gọi điện nói rõ việc làm đáng xấu hổ của người kia và bảo đừng gửi bài nữa. Rồi bạn kể về người hôm trước muốn gửi bài cộng tác.

Hóa ra anh ta thâm canh, gửi một bài từng đăng trên báo khác cách đó không lâu. Bạn hỏi vì sao gửi bài đã đăng, không chút đắn đo, anh ta trả lời để khẳng định gửi như vậy là… thiện chí!

Bạn làm báo nghiêm túc nên phẫn nộ là đúng, và tôi chỉ biết an ủi. Sau nhiều năm viết báo và làm biên tập viên, tôi không lạ gì việc làm của một số nhà báo như thế.

Nhớ hồi chuyển đến cơ quan mới. Sau hơn một năm ngồi cùng phòng làm việc, chú thư ký bộ phận tâm sự với tôi: “Giờ em mới biết viết báo phải như thế nào!”.

Vì chú để ý thấy có ý tưởng mới là tôi cắm cúi viết chứ không lôi bài cũ ra mông má. Sau chú cho tôi ngó vào máy tính để bàn, trong đó có một folder lưu bài vở của ông phụ trách bộ phận.

Chú kể thi thoảng, phát hiện có đề tài liên quan là ông bảo chú lấy bài tương tự ông đã đăng, in một bản. Ông dùng bút tân trang, sửa sang trên bản in, đưa chú sửa trên máy tính, rồi in cho ông “bản mới”, và gửi đăng.

Riêng bài viết nhân dịp kỷ niệm lớn nào đó thì ông bảo chú in hàng chục bản, vừa đăng báo nhà, vừa gửi đăng báo địa phương.

Tôi nhớ, hôm ấy trên góc bản thảo đã mông má lại, có mấy chữ viết tay của ông phụ trách chỉ đạo chú thư ký in… 18 bản.

Nghĩa là có khả năng ông đăng một bài trên 18 tờ báo khác nhau! Nghe chú em tâm sự, tôi cũng nói thật lòng, đôi ba lần viết bài mới, có chi tiết tự thấy không thể viết lại khá hơn nên tôi sử dụng đoạn viết đã công bố trước đó, tuy nhiên tôi có nguyên tắc là không biến đoạn viết cũ thành nội dung chính của bài viết mới, vì tôi coi như thế là đánh lừa người đọc.

Từ hồi võ vẽ sử dụng máy vi tính đến giờ, tôi thường đề nghị tác giả gửi bài qua email, nên hiếm khi tôi biên tập bài vở trên bản in giấy, chủ yếu biên tập trên máy tính.

Biên tập kiểu này bản thảo không phải ghi dấu in nghiêng hay in đậm, kèm đủ loại mũi tên, vòng tròn, chữ viết tay chi chít hai bên lề,… và bản thảo in ra sạch sẽ.

Cũng nhờ máy vi tính nối mạng mà tôi phát hiện không ít tác giả gửi bài đã đăng rồi, bài đã tân trang, hoặc “đạo báo” của người khác.

Tài tình là dù tôi không đề nghị đăng tải, dù tôi nhắc nhở, có tác giả vẫn tiếp tục gửi bài theo phong cách đó, không thay đổi.

Đến mức mỗi khi nhận được bài của tác giả này, tôi không đọc ngay, mà việc đầu tiên là kiểm tra xem có “đạo báo” không, và lần nào cũng phát hiện ra các đoạn, câu thuổng của người khác!

Thậm chí sau khi tôi thông báo sẽ không đề nghị đăng tải vì bài “đạo báo”, có tác giả vẫn cam đoan “Tôi viết mới!”, chỉ tới khi tôi đưa ra tỷ lệ “đạo báo” hơn 70% thì mới thôi thanh minh! Lại có tác giả tự gửi bài đến, song sau khi tôi nói rõ là bài cũ và sẽ không đề nghị đăng, vẫn trả lời rất cùn: “Vấn đề đó không thể viết khác được”; bực mình, tôi nói thẳng: “Không viết khác được thì anh đừng viết, có ai buộc anh phải viết đâu!”.

Đáng tiếc trong số tác giả này lại có người nổi tiếng. Nên có buổi rỗi rãi, tôi tỷ mẩn kiểm tra bài của tác giả nổi tiếng đã đăng trên các báo khác thì thấy “đạo báo” nhan nhản.

Tôi đồ rằng, vì quá tin vào tiếng tăm tác giả nên biên tập viên của các báo khác không kiểm tra, để rồi viết mãi thành quen, người nổi tiếng nọ thản nhiên coi làm như thế là… “viết báo”!

Cũng nhờ máy tính và internet mà càng gần đây, tôi càng thấy tình trạng người viết báo xào xáo bài của nhau tăng lên bất thường, nhất là trên một số báo, trang điện tử.

Quãng hơn chục năm trước, biết chuyện một nhà báo xem chương trình “Người đương thời” trên vô tuyến truyền hình để xào xáo thành bài bút ký, tôi rất ngạc nhiên, giờ nếu quan tâm thì thần kinh của tôi nhất định sẽ trục trặc vì liên tục bị ngạc nhiên.

Nhìn cuối bài báo trên mạng thấy ghi “theo báo A”, “theo báo B”, “theo báo C”,... và tác giả bài báo gốc hoàn toàn mất hút, tôi hình dung một số nhà báo tác nghiệp bằng cách hằng ngày hì hục bám sát máy tính kết nối internet.

Bất cần bám sát thực tế cuộc sống, họ làm báo theo lối sục sạo tìm kiếm thông tin công bố trên mạng, rồi tải về để sửa sang và thêm thắt, chế biến thành bài của mình.

Thông tin khai thác được chính xác còn ra một nhẽ, thông tin khai thác được sai, họ cũng sai theo.

Đặc biệt, hầu như ít thấy họ khai thác thông tin về sự kiện, hiện tượng lành mạnh, mà thường tập trung khai thác sự kiện, hiện tượng giật gân, được chính báo chỉ tổng kết gọi là đề tài “cướp, giết, hiếp”! Đó là nguồn cơn để mỗi khi có án mạng hoặc sự kiện ly kỳ gì đó xảy ra, dù chỉ vài ba phóng viên có mặt tại hiện trường mà thông tin vẫn tràn ngập trên nhiều tờ báo.

Điển hình cho lối làm báo như vậy là sự kiện năm trước, sau khi báo V đưa tin về chuyện “bố chồng, nàng dâu ở Tiền Giang”, tin lập tức xuất hiện trên một số báo mạng khác nhau, chỉ đến khi báo V đính chính “phóng viên viết tin đã có sai sót khi chỉ dựa trên một nguồn tin không chính xác, thiếu thẩm định lại, dẫn đến tin đưa không đúng sự thật” thì sự vụ mới lắng xuống. Song đến nay, vẫn có thể thấy thông tin từ sự cố báo chí hy hữu này trên internet!

Và sự phát triển của facebook đã cung cấp cho một số nhà báo kiểu tác nghiệp mới là biến facebook thành nguồn tin để tha hồ khai thác không cần biết lành mạnh hay nhảm nhí, đúng hay sai, tôn trọng hay xúc phạm người khác, thật hay giả…

Tôi không biết nên gọi là nhà báo hay không khi có người lùng sục trên mạng xã hội, lần mò vào cả nhóm kín, chỉ để viết các bài đại loại “mới đây, trên mạng xã hội xôn xao”, “cư dân mạng đang truyền tay nhau”, “chia sẻ trong một nhóm kín dành cho phụ nữ”,… hoặc vơ bèo trên facebook để đưa tin anh D cạnh khóe anh E, chị F chửi xéo chị G, ca sĩ H khoe túi hàng hiệu, người mẫu K khoe bụng bầu!

Có người không kiểm chứng thông tin đã công bố như tận mắt chứng kiến, như năm 2017, bài báo “Dàn siêu xe hàng chục tỷ đồng gắn biển xanh giả” đã trở thành trò cười vô tiền khoáng hậu vì khai thác thông tin từ bức ảnh chụp mô hình bằng nhựa siêu xe hạng sang xếp hàng dưới gầm giường do một người tếu táo đưa lên mạng xã hội!

Gần đây, lại thấy hiện tượng phóng viên xem từng tập của phim truyền hình dài tập được công chúng hâm mộ mới phát tối hôm trước trên vô tuyến truyền hình để tóm tắt, thậm chí là phân tích, bình luận. Đọc một số bài phân tích, bình luận này, tôi buồn cười.

Vì theo tôi, mỗi tập phim là một “mắt xích” trong tổng thể câu chuyện gồm nhiều tập, hành động của mỗi nhân vật trong mỗi tập chỉ là một phiến đoạn trong toàn bộ hành động của họ được xây dựng trong tác phẩm, vì thế chỉ có thể tóm tắt, khó có thể phân tích, bình luận như với tác phẩm độc lập; tương tự như khó có thể tách một chương của cuốn tiểu thuyết ra để phê bình.

Đấy là chưa nói đến những yếu tố khác góp phần làm nên tập phim như âm nhạc, ánh sáng, trang phục, đạo cụ,… đã bị nhà báo bỏ qua.

Thêm nữa, dù thế nào thì phim truyền hình cũng là tác phẩm hư cấu, muốn phân tích, bình luận cần dựa trên hiểu biết về nghệ thuật nói chung, về phim truyền hình nói riêng,… không nên chỉ khai thác ý kiến người xem trên facebook, hoặc fanpage của tác phẩm để tập hợp, rồi nhân danh số đông kết luận “nhiều người cho rằng”! Vì, dù trong số người đã xem có người tiếp nhận, phân tích tác phẩm sâu sắc, chí lý thì qua bài báo, nhà báo vẫn cần có ý kiến riêng giúp người xem nắm bắt sâu sắc hơn về tác phẩm, không nên hùa theo người xem, không nên coi ý kiến người xem như chuẩn mực đánh giá.

Đọc bài này, có thể đồng nghiệp sẽ coi tôi là người tinh tướng, phách lối, thậm chí đặt câu hỏi: “Là cái gì mà lên mặt dạy đời”!

Tôi không coi đó là điều quan trọng, mà quan trọng là nếu quan tâm, hãy chứng minh hiện tượng tôi đề cập có hay không, ý kiến của tôi đúng hay sai.

Về phần mình, vì yêu nghề, vì thấy càng gần đây, uy tín của báo chí như đang đứng trước nguy cơ suy giảm mà tôi viết các dòng này.

Theo tôi, mỗi nghề nghiệp trong xã hội đều vận hành theo nguyên tắc riêng, có tính chất chi phối, và nếu người làm nghề xao lãng, bỏ qua nguyên tắc là tự hủy hoại nghề nghiệp.

Theo đó, nếu mỗi người làm báo thể hiện tinh thần tự trọng nghề nghiệp bằng cách nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, giữ được đạo đức nghề nghiệp thì không ai có thể làm hoen ố hình ảnh của nhà báo trước bạn đọc và xã hội.

Nói cách khác, dù thế nào thì chỉ có nhà báo mới tự làm hoen ố hình ảnh của mình mà thôi.

Cũng như mọi nghề nghiệp khác, uy tín của nhà báo được xác định trước hết ở sản phẩm anh ta đã làm ra. Sản phẩm hữu ích, nhà báo sẽ tạo dựng được uy tín, lợi ích nghề nghiệp cũng từ đó tăng theo.

Còn khi nhà báo làm ra loại sản phẩm “thứ cấp”, sẽ không chỉ đánh mất niềm tin mà còn có thể là tác nhân gây nhiễu loạn thông tin, đầu độc người đọc. Và điều nhạc sĩ Lê Minh Sơn nói trong một trả lời phỏng vấn gần đây: “Phải lắng nghe cuộc sống này để mà viết nhạc” khiến tôi nghĩ, dẫu công việc có thể khác nhau, nghệ sĩ và nhà báo vẫn luôn cần “lắng nghe cuộc sống”! .

NH - 6/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Uy tín của nhà báo phụ thuộc vào chính nhà báo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO