Thử kiểm tra nghiêm túc một lần xem sao!

NH - 10/2017  Nguyễn Hòa 02/12/2017 14:10

Thường thì sau khi luận án đã bảo vệ thành công, “làng tiến sĩ” được bổ sung thêm một vị mũ cao áo dài, còn mặt mũi luận án vuông tròn ra sao mấy ai được ngó, và các nhà khoa học đánh giá hay dở thế nào thì cứ như “bí mật quốc gia”. Ngay đến tôi, một kẻ luôn ao ước được đọc những luận án tiến sĩ của hai ngành tôi yêu thích là Văn hóa học và Văn học đặng mở mang đầu óc, mà hầu như chỉ nghe nói có luận án này, có luận án kia, chẳng mấy khi được mục sở thị. Nên tôi thường phải tự an ủi: “Là cử nhân


(Minh họa: Khiều).

Thế nhưng, oái oăm là do công việc mà mấy chục năm qua, tôi lại có may mắn được tiếp xúc, hoặc đọc sách vở, bài báo của nhiều tiến sĩ. Và trớ trêu thay, tiếp xúc hoặc đọc xong, người mà tôi khâm phục trình độ, năng lực cũng nhiều, mà người tôi “cười mũi” về trình độ, năng lực cũng lắm! Trong mấy chục năm viết lách tôi đã phản biện, đưa công trình, tiểu luận, bài viết của nhiều tiến sĩ lên mặt báo, dù tôi biết sau mỗi lần như thế, có thể sẽ tăng thêm một (nhiều) người ghét. Biết, nhưng tôi vẫn làm, phần vì phát hiện ông bà tiến sĩ này đã “đạo văn”; phần vì thấy ông bà tiến sĩ nọ nhân danh khoa học nhưng đưa ra ý kiến cảm tính, thậm chí nói bừa, sai lạc cả tri thức cơ bản. Đó là lý do để tôi nghi ngờ trình độ, năng lực thật sự của một số vị tiến sĩ. Đó cũng là lý do để có lần tôi đặt câu hỏi: Giả dụ vào một ngày đẹp trời nào đó, bỗng dưng toàn bộ luận án của các tiến sĩ được công bố công khai, thì trước đánh giá của đồng nghiệp và người quan tâm, liệu sẽ có bao nhiêu vị tiến sĩ phải xem xét lại cái bằng?!

Nhớ ngày nọ đang họp, nghe mãi cũng chán, thấy màn hình chiếc máy tính đặt trên bàn cạnh chỗ ngồi có một video-clip, tò mò tôi nháy chuột xem là cái gì. Hình ảnh vừa hiện ra là tôi tá hỏa, vì đấy là một video-clip phim sex. Tôi vội vã chồm dậy, lấy ngực che màn hình, tay di chuột nhanh chóng thoát ra. Xong xuôi, tôi tủm tỉm cười, lỉnh sang chỗ khác. Lát sau một vị tiến sĩ ngồi gần đó bỗng kéo ghế đến bên bàn. Ông cũng ngó nghiêng màn hình cái máy tính và cũng y như tôi, ông nháy chuột vào video-clip. Hình ảnh hiện lên, ông cuống cà kê rồi ngẩn tò te không biết làm thế nào, mà màn hình thì liên tiếp xuất hiện mấy tình huống rất chi là… “nhạy cảm”!

Tôi liền tới bên, nháy chuột giúp thoát ra. Tiến sĩ lúng búng cảm ơn, kéo ghế ngồi chỗ khác nhưng thi thoảng lại gườm gườm nhìn cái máy tính như nhìn một đồ vật nguy hiểm! Lần khác, vị tiến sĩ này biết tôi có một văn bản tài liệu ông đang cần, nên đề nghị gửi cho ông qua email. Tối về nhà tôi gửi luôn và gọi điện báo đã gửi. Hôm sau gặp tôi, ông nói với vẻ thất vọng: “Tôi nhận được email rồi, nhưng chú gửi thế nào mà tôi chỉ đọc được thư, không đọc được phi lê?”. Tôi ngớ người, không hiểu phi lê là món gì. Sau nghe giải thích thì té ra là ông muốn nhắc đến file đính kèm theo thư. Tôi cười lăn và bảo: “Bác nói mà em băn khoăn quá, làm sao em có thể gửi phi-lê bò hay phi-lê cá hồi qua internet được”, rồi giúp ông tải file đính kèm từ email!

Như thế vẫn chưa buồn cười bằng ông tiến sĩ là lãnh đạo cơ quan nọ. Tại một hội thảo, ông đọc tham luận sang sảng, thi thoảng dừng lại thông báo cho cử tọa biết: “các anh ở trên có ý kiến thế này…”, “các anh ở trên có ý kiến thế kia”, hoặc khẳng định: “Chúng tôi nghiên cứu ở tầm vĩ mô”! Nghe một lúc, tôi phát hiện tham luận của ông tiến sĩ chép nguyên văn mấy trang của một dự thảo văn kiện mới phổ biến để lấy ý kiến. Chán quá, tôi không nghe nữa, lấy điện thoại ra hý hoáy nhắn tin tào lao. Đến khi thảo luận, có lẽ vì ít ý kiến nên ban tổ chức đề nghị tôi nhận xét. Từ chối mấy lần mà không được, tôi đành phải phát hiểu.

Đại loại: tôi không biết “các anh ở trên” là ai, vả lại tôi chỉ nghiên cứu “tầm vi mô” nên không dám phản biện, nhưng tôi vẫn muốn lưu ý là tiến sĩ không nên chép dự thảo văn kiện làm tham luận, vì tôi đọc văn bản này rồi. Tiến sĩ đỏ mặt tía tai, không trả lời được chữ nào, còn cử tọa thì ngơ ngác! Về sau, nghe tôi kể chuyện này, một người bạn dưới quyền ông tiến sĩ cười và bảo có lần ông chỉ màn hình máy tính của một nhân viên đang soạn văn bản hỏi anh em có biết chữ “B” (thẻ lệnh kiểu chữ in đậm của định dạng văn bản trong HTML) là viết tắt của chữ gì trong tiếng Anh không. Anh em trả lời không biết. Chỉ chờ có thế, ông liền dõng dạc giảng giải: “Đó là viết tắt của chữ Body”! Cùng bạn cười thế thôi, về nhà tôi vẫn tra cứu, hóa ra chữ “B” này là viết tắt của từ Bold - đậm nét.

Từ đó, mỗi khi nhắc đến ông, bọn tôi lại gọi ông là “tiến sĩ bô-đì”! Còn ở cuộc thảo luận về hoạt động của một lĩnh vực chuyên môn, sau khi nghe một tiến sĩ hùng hồn kiến nghị phải xây dựng từ khóa cho các khái niệm, thuật ngữ của lĩnh vực này trên mạng, tôi phì cười. Quay sang người bên cạnh, tôi bật smartphone, vào google chỉ cho anh xem mấy từ khóa vị tiến sĩ đề nghị đã có trên internet rồi, và thì thào: “Vấn đề là trước khi đưa lên mạng phải xây dựng nội hàm các khái niệm, thuật ngữ ấy thế nào cho chính xác, đúng đắn, có sức thuyết phục, nhận được sự đồng thuận, chứ không cần phải xây dựng từ khóa”!

Thú thực nhiều năm trước, mấy lần cơ quan yêu cầu tôi ôn tập, xác định đề tài, làm đề cương chuẩn bị thi nghiên cứu sinh, nhưng tôi đều lý do lý trấu để nấn ná. Mà nguyên nhân thì như có lần tôi kể: phần vì ngại học, phần vì không muốn phải học lại một số môn có khi tôi còn nắm chắc hơn thầy, phần vì e phải học một số thầy từng “bị” tôi phản biện, phần vì nghe xì xào cũng rất tốn kém…

Nhưng còn hai lý do nữa là ngoại ngữ, tin học. Về ngoại ngữ, không biết thế nào mà dù rất cố gắng song tôi học chữ này là quên luôn chữ kia, nhìn vào giáo trình cứ thấy “vẽ rắc rối như thời cục nước Tàu” (chữ mượn của Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn Cô Kếu, gái tân thời). Nghe tôi trần tình tình trạng bi đát, một anh bạn gợi ý hay là để đủ hồ sơ dự thi thì tìm đâu đó để… mua cái “bằng”! Tôi gạt phăng. Cho nên đến nay trình độ ngoại ngữ của tôi rất phọt phẹt, nếu không nói mù tịt! Còn tin học thì sau khi sắm được vi tính, tôi quyết định đăng ký một khóa học. Buổi đầu tiên, giáo viên xếp tôi ngồi giữa một cháu trai và một cháu gái cỡ 13 - 14 tuổi, nhìn như ba bố con cùng học, tôi đã buồn cười.

Rồi trong khi tôi còn ngồi im thít chưa dám táy máy sờ vào máy móc thì hai cháu đã bật lên chát chít. Ngó hai nick langturungxanh, trinhnusaudoi của hai đứa, tôi đồ rằng đó là “lãng tử rừng xanh”, “trinh nữ sầu đời”, và suýt phá ra cười. Sau buổi học đầu tiên, tôi chuồn thẳng, từ đó kiên trì học lỏm cũng đạt tới trình độ soạn văn bản phổ thông, lướt web. Thi thoảng gặp điều chưa biết hoặc muốn hiểu chính xác thì tìm trong sách, hoặc là hỏi con cái, bạn bè. Mỗi lần như vậy lại biết thêm một tri thức, biết thêm một thao tác, không có gì phải xấu hổ.

Ngỡ chỉ có mình như thế, ngờ đâu giao tiếp hoặc làm việc với một số tiến sĩ, tôi phát hiện có vị trình độ ngoại ngữ, tin học còn phọt phẹt hơn cả tôi. Thậm chí có tiến sĩ nhìn tôi thao tác trên máy tính còn tấm tắc khen tôi điêu luyện như chuyên gia! Sau nhiều lần như thế, tôi thực sự nghi ngờ cái chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học mà mấy vị này đã trình ra khi làm hồ sơ nghiên cứu sinh, chưa kể trình độ hai môn đó còn được nâng cao khi họ tiếp tục qua mấy năm đào tạo, học hành để thành tiến sĩ. Thế nên, mỗi khi dư luận râm ran bàn bạc về một luận án tiến sĩ hoặc trình độ, năng lực của một tiến sĩ, tôi lại muốn đề xuất ý kiến nên công khai luận án của họ để giới chuyên môn có cơ hội xem xét, đánh giá, đặc biệt là xem có ai “đạo văn” hay không.

Thiết thực hơn, cơ quan hữu trách thử một lần tiến hành tổng kiểm tra nghiêm túc, khách quan xem trình độ ngoại ngữ, tin học của hơn 24.000 tiến sĩ ở Việt Nam có thực sự tương xứng với chứng chỉ hai môn mà họ đã có. Nếu tỷ lệ tương xứng cao, thì thật may mắn cho nền khoa học nước nhà. Nếu tỷ lệ tương xứng thấp thì có mấy khả năng: hoặc họ chỉ học lấy cái bằng rồi quên luôn, hoặc họ kiếm cái bằng từ đâu đó chứ không thực học, hoặc sau khi có cái bằng thì họ không cần nữa nên trình độ ngoại ngữ, tin học bị mai một. Và nếu như vậy thì đó là điều rất đáng lo cho nền khoa học nước nhà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thử kiểm tra nghiêm túc một lần xem sao!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO