Sức mạnh của sự kiên nhẫn

Trần Hữu Thăng 13/02/2018 18:20

Trong tất cả sức mạnh mà con người sống trên trái đất này có được thì sức mạnh của sự kiên nhẫn được xếp đầu tiên, số một và khẳng định! Có thể nói ngay: Nếu ai có lòng kiên nhẫn, tức là vừa có tính bền bỉ, kiên trì, vừa có sức nhẫn nhịn với hoàn cảnh gặp phải éo le thì chắc chắn sẽ vượt qua được những khó khăn gập ghềnh trên bước đường đời.

Sức mạnh của sự kiên nhẫn

Chả thế mà cụ Nguyễn Bá Học (1857 – 1921) đã có một tổng kết để đời:

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Theo Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn: Trang 465 thì: “Kiên nhẫn là có khả năng tiếp tục làm việc đã định một cách bền bỉ, không nản lòng. Thí dụ: Kiên nhẫn chờ đợi thời cơ mới”. “Kiên trì là giữ vững, không thay đổi ý định, ý chí để làm việc gì đó đến cùng, mặc dù gặp khó khăn trở lực. Thí dụ: Kiên trì giáo dục trẻ em”.

Trang 648 thì: “Nhẫn nại là kiên trì, bền bỉ chịu đựng những khó khăn vất vả nào đó để làm một việc gì. Thí dụ: Nhẫn nại đợi chờ, nhẫn nại luyện tập”. “Nhẫn nhịn là chịu nhịn, chịu dằn lòng xuống. Thí dụ: Khéo nhẫn nhịn, mọi người cố nhẫn nhịn một chút”.

Trở lại câu nói của Nguyễn Bá Học, đây là một câu khẳng định của một danh nhân Việt Nam trong thế kỷ XX vì câu nói của ông quá nổi tiếng, quá đúng đắn. Câu nói này đã được lấy làm đầu đề cho các bài thi Tú tài Triết học, thi vào Dự bị Đại học hàng trăm năm nay. Định đề triết học cao cả này đã khẳng định yếu tố con người trong mọi khó khăn của cuộc đời. Chính con người đã vượt qua mọi ngăn sông cách núi nhờ lòng kiên nhẫn, nhờ ý chí kiên cường.

Nhà triết học phương Tây – William Houghton (1881 – 1913) cũng đã phát hiện ra cái giá trị to lớn của lòng kiên nhẫn của con người khi ông viết: “Khi nào mọi thứ đã vô phương cứu giúp, thì chính là lúc phải cầu cứu đến sự kiên nhẫn” (When things are helpless, patience must be used). Đáng kính trọng thay, ở đầu thế kỷ thứ XX, hai bậc tiền bối ở phương Đông và phương Tây cũng đều thống nhất về cái giá trị to lớn của con người, về cái giá trị hàng đầu của lòng kiên nhẫn của con người. Cảm ơn Nguyễn Bá Học và William Houghton đã chứng minh được cái giá trị thật của con người với sự kiên nhẫn đáng nể trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, chinh phục xã hội.

Biết bao tấm gương về sự kiên nhẫn, bền gan, nhẫn nại để tiến tới thành công của những bậc danh nhân, những người thành đạt từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông. Các nhà bác học đa số xuất thân từ con nhà nghèo đã chịu khó làm thuê, làm phụ giúp để có ngày thành đạt như Roux là môn đệ của bậc thầy Pasteur, Lômônôsốp xuất thân từ con một người đánh cá nghèo. Đến thời nay, nhiều nhà tỷ phú đô la xuất thân nghèo khổ, phải làm những việc như: đi đưa thư, giao sữa hàng ngày, đánh giầy, đạp xích lô, bán vé số... Vì thế lúc giầu có, họ mở xưởng sản xuất, giúp đỡ cho nhiều người lao động có công ăn việc làm, đó cũng là một cách đền ơn những người đã cưu mang khi họ còn nghèo đói, vất vả. Đúng như Jean de la Bruyère (1645 – 1696) đã dạy: “Không có con đường nào quá dài đối với người đi từ từ và không sốt ruột, không có cái mục đích nào là quá xa vời đối với người chọn sự kiên nhẫn làm bạn đồng hành” (Il n'y a point de chemin trop long qui a marche lentement et sans se presser il n'y a point d'avantages trop éloignés ā qui s'y prépare par la patience).

Trên báo Phụ nữ đã kể một câu chuyện sau: Một phụ nữ trí thức lấy một người chồng có trình độ trung cấp trước sự mỉa mai của bạn bè cùng trang lứa. Chị này đã kiên nhẫn giúp chồng học hết Đại học, rồi học tiếp lên Tiến sỹ, cuối cùng cũng có bằng Tiến sỹ trước sự ngưỡng mộ của bạn bè, của họ hàng. Hai vợ chồng chị tâm sự với nhà báo: “Chúng em chỉ biết lấy sự cần cù học tập làm mục đích dài lâu cho cuộc đời mình”.

Lại có câu chuyện một người cha khi phát hiện con mình bị dị tật bẩm sinh đã không hề nao núng, hàng ngày nuôi dạy con một cách khó nhọc, khổ công, tháng này qua tháng khác. Giờ đây cậu bé tàn tật năm nào, nhờ sự hy sinh nhẫn nại của người cha, đã trở thành một tay đánh trống loại giỏi trong hàng ngũ văn nghệ sỹ trẻ.

Đúng như bậc thầy Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) đã tổng kết: “Sự kiên nhẫn đầy cay đắng, nhưng quả của nó thật em dịu” (La patience est amère, mais son fruit est doux). Nói thì dễ nhưng những cay đắng khó nhọc của những tháng ngày gian khổ không phải ai cũng có thể vượt qua được. Nhiều người đã bỏ cuộc. Nhiều người đã không chịu được vất vả, gian lao, trong phút yếu lòng đã thua, đã thất bại, đã “bán linh hồn cho quỷ”. Theo dõi những câu chuyện có thật xảy ra với độ dài 50 – 60 năm, ta càng thấy rõ sự kiên nhẫn cực kỳ là gian khổ, cực kỳ là khốn đốn, cực kỳ là hy sinh, cực kỳ là nhẫn nhục. Mấy ai trong đêm tối mưa gió bão bùng đã nhìn thấy ánh mặt trời chói lọi, rực rỡ, kiều diễm của ngày mai. Sự thực đã chứng minh chỉ có những ai giầu lòng hy sinh, vị tha, sẵn sàng dâng hiến mới có đủ can đảm, đủ bản lĩnh để vượt qua những sóng gió dập vùi đó.

Nhà triết học Hugh Latimer (1490 – 1555) đã thực sự thông thái tìm ra cái cơ chế của những giọt nước nhỏ bé, yếu mềm đã đục thủng một tảng đá to lớn khi ông viết: “Những giọt nước nhỏ bé đã đục thủng tảng đá to lớn không phải bởi sức mạnh mà là bởi việc nhỏ giọt liên tục” (Nguyên văn tiếng Latinh: Gutta cavat lapidem, non vi sed seepe cadendo). Như vậy, trong cái nguyên nhân, cái cơ chế hoạt động (action mécanism) của sự nhẫn nại dẫn đến thành công cần chú ý những chi tiết quan trọng sau:

- Dù gặp phải hoàn cảnh nào cũng phải hy vọng có ngày vượt qua được khó khăn, cũng phải hy vọng có ngày giành được điều mình mong muốn, điều mình ao ước, điều mình phấn đấu. Đó cũng là lời dạy bảo của Triết gia Vauvenargues (1715 – 1747): “Kiên nhẫn là nghệ thuật của hy vọng” (Patience is the art of hoping). Hy vọng phải là sợi chỉ xuyên suốt trong mọi bữa ăn, mọi giấc ngủ của con người đang phấn đấu. Cứ có chút len lỏi trong đầu một ý nghĩ chán nản, một ý tưởng tuyệt vọng nào là phải xua đuổi ngay, vứt bỏ ngay những ý nghĩ tiêu cực đó. Việc ấy rất dễ. Nếu ta coi sự tuyệt vọng, âm tính, lùi lại là dấu (-) thì chỉ việc thêm một dấu nữa để thành (+), tức là hy vọng, tức là dương tính, tức là tiến lên. Chỉ cần có thêm một cái dấu nhỏ để biến (-) thành (+) thì chắc ai cố gắng cũng có thể làm được.

- Dù gặp phải hoàn cảnh nào cũng không được bỏ dở công việc mình đang theo đuổi. Cách đây hàng nghìn năm, Khổng tử đã viết: “Ví như việc đắp đất thành cái núi, chỉ còn một giỏ đất nữa là xong, nhưng ta lại thôi, đó là tự ta bỏ ta vậy” (Thí như vi sơn, vi thành nhất qui, chỉ ngô chi dã). Đây là câu nói nổi tiếng được truyền tụng bao nhiêu đời nay để khóc than cho ai tự phá đời mình, tự hủy hoại đời mình chỉ vì phút yếu lòng, phút tuyệt vọng mà không cố gắng theo đuổi đến cùng.

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng có những câu nhớ đời, ai đọc cũng phải suy ngẫm cho đến suốt đời, lúc nào cũng thấy đúng, đó là:

“Muốn no thì phải chăm làm, một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi”.

“Ở đời khôn khéo chi đâu, chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần”.

“Làm trai chí ở cho bền, đừng lo muộn vợ, chớ phiền muộn con”.

“Có công mài sắt có ngày nên kim”.

“Kiến tha lâu cũng đầy tổ”.

Nhà Triết học Mỹ - Benjamin Franklin (1706 – 1790) đã chỉ rõ: “Chỉ kẻ nào có lòng kiên nhẫn, kẻ đó mới mong đạt được điều mình mong muốn” (He that can have patience can have what he will). Chuyện xưa kể lại: Có người thầy muốn thử lòng kiên nhẫn của học trò đến xin học, ông đã đánh tụt giầy của mình cho rơi xuống khe núi 3 lần. Đa số người bảo thầy đi mua đôi giầy khác. Chỉ có một học trò nhà nghèo, quen vất vả, quen chịu đựng, kiên nhẫn 3 lần chịu khó xuống khe núi nhặt chiếc giầy lên cho thầy. Người thầy đã ngửa mặt tạ ơn trời: “Con người hiếu hạnh và chịu gian khổ, kiên nhẫn mà ta muốn chọn để truyền nghề đã đến đây rồi”. Người học trò đã 3 lần xuống khe núi nhặt giầy cho thầy, sau trở thành một vị tướng giúp ích cho dân, cho nước.

Kết thúc trang viết ca ngợi lòng kiên nhẫn, chỉ cần nhớ hai lời dạy của các bậc tiền bối:

+ Các thầy Triết học Ả rập cổ đại dạy: “Mưu mẹo của những ai không có mưu mẹo, chính là lòng kiên nhẫn” (La ruse de qui est sans ruse, c'est la patience).

+ Nhà Triết học J. Heywood (1546) đã dạy: “Kiên nhẫn là một bông hoa quý không phải vườn nhà nào cũng mọc” (La patience est une fleur qui ne pousse pas dans tous les jardins).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức mạnh của sự kiên nhẫn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO