Những điều ít biết về thầy tôi - nhà thơ Thúc Hà

Quốc Phong 04/12/2017 11:30

Có lẽ phải là lớp người ngoài lục tuần như tôi trở về trước, nếu ai yêu văn chương thì mới có thể biết mang máng đôi chút về nhà thơ Thúc Hà (1934-1994). Nhưng nếu như có ai nhắc thêm với độc giả yêu thơ ở tuổi ngoài 70 thì biết hơn rằng , ông chính là tác giả của bài thơ " Chờ con Má nhé !" vang bóng một thời (sáng tác năm 1955). Khi đó sẽ có thêm rất nhiều người biết về ông hơn. Bởi họ đã từng học bài thơ này trong sách giáo khoa cấp 3 phổ thông thời đó.


Một lớp học do thầy Thúc Hà chủ nhiệm. (Ảnh: Trần Đăng Minh)>

Một người đẹp mê thơ thày rồi lấy thày, nhưng "cấm cửa" con trai không bén mảng đến thi ca...

Nhưng cũng có mấy ai biết, ông đã có một cuộc đời chịu đựng cay đắng thế nào. Song, lại rất lạ là ông chỉ nín nhịn một mình và không hề bất mãn, không hề tuyệt vọng. Thơ ca có lẽ vẫn là lối giải thoát duy nhất để thày luôn nở nụ cười trước lũ học trò vô tư chúng tôi. Thày nở nụ cười trong nước mắt để mà sống và làm việc như biết bao nhà giáo khác dù thày bị cái án lơ lửng "tham gia Nhân văn - Giai phẩm (NVGP)". Chuyện xảy ra gần như đúng lúc tài năng nơi nhà thơ đang phát lộ nhất.

Như vừa nói, bài thơ này của thày tôi đã đoạt Huy chương Vàng năm 1955 tại FESTIVAL Thanh niên, Sinh viên Thế giới tổ chức tại Warsava, Ba Lan. Nó được nhà văn Sơn Tùng đọc tại liên hoan trước hàng chục ngàn thanh niên của 80 quốc gia tham dự bằng tiếng Việt, kèm bản dịch của tiếng Pháp của Phạm Huy Thông. Bài thơ được hội đồng các nhà thơ, nhà văn quốc tế làm giám khảo chấm giải . Sau đó, bài thơ cũng đã được đưa vào sách giáo khoa của trường phổ thông. Tiếc rằng thời gian áng thi ca đầy tính thời sự trong sách giáo khoa ấy không dài bởi thày tôi sau đó bị quy cho cái "tội" trên.

Bài thơ đã nhắc đến một giai đoạn đất nước mình phải chịu cảnh chia ly, lấy vĩ tuyến 17 với con sông Bến Hải cùng chiếc cầu Hiền Lương ngăn thành giới tuyến tạm thời với đôi bờ Bắc- Nam (1954) xa cách. Nhưng tất cả chúng ta đều đầy lạc quan tin vào một ngày gần đó đất nước sẽ thống nhất, sum họp một nhà.

Song, cũng rất ít ai biết về ông có quê gốc ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế, được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, có nề nếp gia phong và chữ nghĩa. Vậy mà cuối cùng lại khổ vì chính những con chữ và cũng vì không muốn phản thày. Khi đó, ông vừa đỗ cử nhân với tấm bằng thủ khoa cùng bài luận văn "Vấn đề con người trong giáo dục" xuất sắc.

Thày tôi thuộc loại trẻ nhất khoa Văn, Đại học sư phạm Hà Nội khoá đầu tiên (1955) và phải chăng cũng do vậy nên đã có sự tự tin và hăng hái quá của tuổi trẻ học đường. Thày tôi đã hưởng ứng phong trào NVGP này mặc dù thày tôi không viết gì gai góc cả. Ngờ đâu chỉ vì không chịu viết phê phán thày theo sự chỉ đạo từ trên mà đến chỗ phải chịu đắng cay. Thày tôi đã phải rời khỏi vị trí trợ giảng đại học trong trường ĐHSP để về Ban Tu thư của Bộ Giáo dục ít năm trước khi xuống dạy phổ thông.

Ông là một trong những người đã góp phần dạy tôi có thêm những hiểu biết cần thiết để làm người, để biết sống có nhân cách khi tôi còn học ở trường cấp 3 Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Tất cả cũng bởi một điều thật giản đơn: Học văn là để học làm người.

Thày tôi chính là người còn được ông Phan Khôi – người mở đầu của phong trào thơ Mới - đã sớm nhìn ra tài năng của cậu sinh viên trẻ ấy .
Ông Phan Khôi mới chỉ đọc thơ của thày tôi mà lúc gặp, cụ cũng ngả mũ kê pi rồi nói dí dỏm nhưng thực lòng với thày tôi: "Kính chào nhà thơ tài ba của đất nước!" khiến Thúc Hà đâm đỏ mặt khi thấy trước mặt là ông Phan Khôi.

Hồi tháng 7 vừa rồi, tôi gặp lại con trai của thày nhờ có Facbook. Chính Fb đã kết nối sau bốn chục năm tôi không gặp Hà Thúc Hải vì anh đã rời xa Việt Nam sang định cư ở nước ngoài. Và đây cũng là lúc giúp tôi có dịp tìm hiểu kỹ hơn về thày tôi.

Thực ra, khi đã trưởng thành, thi thoảng tôi cũng có xuống Hải Phòng và có tìm đến thăm thày. Tiếc rằng, lúc thày lâm bệnh trọng thì tôi lại không hề biết để xuống thăm. Đến khi thày mất thì mới biết để xuống chia buồn cùng cô Toán, vợ của thày. Dần dà, đến lượt cô và người con gái mang tên đoá Trà Mi của thày cô cũng đoản mệnh mà lần lượt ra đi theo thày tôi khi còn rất trẻ ...

Tôi thật cảm thương Hải khi anh cũng rất yêu thơ ca và có cái gien đặc biệt từ cha mình. Thế nhưng mẹ anh, người phụ nữ đẹp nổi tiếng một thời của ngành giáo dục đất Cảng thì đã "cấm cửa" con trai nhà thơ Thúc Hà rằng "nếu con muốn sướng cái thân thì đừng có lao đầu vào thứ nghiệp chướng như cha con !".

Cô đã nhiều lần cấm con lên không được gặp các nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng ở Hà Nội mà thày tôi sai anh đi.

Tôi nghe anh nói mà thấy xót xa vô cùng vì không ai hiểu chuyện đó hơn người vợ thân yêu của thày đã từng trải qua.

Cũng không ai có đủ cảm nhận vì sao cô (là một cô giáo từng chết mê chết mệt thày tôi cũng vì thơ ca) lại có lúc nghĩ như thế!

Có lẽ cô đã quá hiểu chuyện thày tôi vướng vào "tội" tham gia "nhóm NVGP” năm 1956 cùng với một nhóm bạn trong lớp học. Họ tham gia viết trên các số chuyên san văn nghệ mang tên: "Giai phẩm Mùa Thu"; "Đất Mới"... chỉ với khát vọng muốn đổi mới, muốn dân chủ hơn trong văn nghệ nước nhà như chính Đảng ta ngày đó gợi mở. Xin được lưu ý, thày tôi hoàn toàn chưa tham gia nhóm làm báo "Nhân văn". Thày Thúc Hà của tôi là một trong những sinh viên ngày đó bị tổ chức xem là bướng bỉnh khi họ không chịu chỉnh đốn, đấu tố, phê phán các thày của mình như giáo sư Trần Đức Thảo, một triết gia tầm cỡ của thế giới; hoặc như giáo sư văn học Trương Tửu, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường...


Bằng chứng nhận và Huy chương vàng Quốc Tế về Thơ (1trong 2 chiếc đầu tiên và duy nhất của VN – bài Chờ con Má nhé) tại cuộc thi Thơ Quốc Tế gồm hơn 80 đoàn tham dự tổ chức tại Wacsava -Balan năm 1955 với ban giám khảo do nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng Nadim Hitmet (1902-1963) làm chánh chủ khảo.

Dù biết sẽ gian truân nhưng không đang tâm phản lại thày

Nhà thơ Thúc Hà thổ lộ với con trai mình khi anh đã khôn lớn rằng ngày đó, ông và một số bạn không đang tâm phản lại thày mình như vậy được. Đó là cái đạo làm trò ở đời.

Dù sao, với lớp học trò chúng tôi, sai đúng ngày đó thế nào thì cũng chỉ là nghe lại chứ đâu biết gì nhiều. Nhưng với nhân cách ấy, thày đã khiến chúng tôi càng nể trọng nhiều hơn... Nhất là vào năm 2000, chính vị triết gia nổi tiếng thế giới- giáo sư Trần Đức Thảo lại được Chủ tịch nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông. Ông chính là người có công đóng góp to lớn cho ngành khoa học xã hội nước nhà. Từ đó, tôi càng thấy thày tôi thật tinh tường. Thày đã không làm điều gì để rồi ân hận và bị người đời khinh bỉ...

Anh Hà Thúc Hải mới chuyển cho tôi đọc bài hồi kí của nhà văn Bùi Quang Đoài (tức Thái Vũ), bạn học với cha anh.

Nhà văn Thái Vũ viết rằng, thế hệ sinh viên ra trường như chính ông ngày đó không được ở lại trường giảng dạy đại học hoặc về các cơ quan nghiên cứu văn nghệ mà phải đưa đi địa phương cho dù ngày đó, các cơ quan ở trung ương đều thiếu người ghê gớm. Ông viết: "Ban Chỉ đạo học tập Trung ương ngày ấy đã có biện pháp cho riêng nhóm Văn khoá đại học 1956 đang là cán bộ giảng dạy, học về “tự do dân chủ”, cho anh em phát biểu… thoải mái ! ...

Ví dụ, năm 1957, Trung ương cho học tập cải tạo và đi lao động thực tế thì chỉ riêng các nhà văn, nhà thơ bên Hội Nhà văn bị cấm viết lách từ đó mãi đến năm 1990. Còn bên nhóm đại học được “vô can”, chỉ" kỷ luật không được dạy đại học và trường tư" vì tránh tuyên truyền cho “bọn” NVGP.

Khi họ ký quyết định lại được Bộ trưởng Bộ Giáo dục “cải thiện”, cho về các thành phố dạy các trường cấp 3 đầu tỉnh: Hà Thúc Chỉ (Thúc Hà) về Hải Phòng dạy trường cấp 3 Ngô Quyền, anh nổi tiếng về dạy giỏi; Văn Tâm bị “biến” lên tỉnh Phú Thọ,mãi sau lại được về Hà Nội dạy trường cấp 3 Nguyễn Trãi; Phan Kế Hoành về dạy trường cấp 3 Hà Đông, lại được chuyển về Ban Tu thư, Bộ Giáo dục, tham dự làm sách giáo khoa, nhưng anh lại rất mê viết về sân khấu; Bùi Quang Đoài (Thái Vũ) được cho về Nghệ An dạy Đại học Sư phạm Vinh.

Thái Vũ kể rằng Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Võ Thúc Đồng thì tế nhị, "thân ái" xử trí như với Ninh Viết Giao (tham gia viết trong "Đất mới") khi anh được phân công về Nghệ An dạy trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng Bí thư đã thân mật nói: “Mình thì nghĩ, chẳng qua là các thầy mới ra trường, có kiến thức đấy, song còn non người trẻ dạ, thấy cái mới thì vơ, chưa từng trải cuộc sống, chưa biết sàng lọc đó thôi. Mình tin rằng các thầy sẽ vững vàng đi lên trong cuộc sống".

Có lẽ nhờ lối ứng xử tinh tế này mà Phó giáo sư Ninh Viết Giao mới trở thành cuốn từ điển sống của kho tàng văn nghệ dân gian vùng đất Nghệ -Tĩnh bây giờ. Vậy là may cho ông và cho cả ngành văn nghệ dân gian nước nhà.

Còn thày tôi về Hải Phòng thì lại không được may mắn gặp những nhà lãnh đạo có tầm và tâm như thế.

..."Riêng chuyện buồn là trường hợp Hà Thúc Chỉ, thủ khoa năm 1956, lại là nhà thơ trẻ được Huy chương Vàng ở Đại hội Thanh niên Thế giới Warszawa, Ba Lan (1955) với bài thơ “Chờ con Má nhé”, khi anh được phân công về Hải Phòng dạy trường cấp 3 Ngô Quyền. Là thầy giáo dạy văn giỏi nổi tiếng suốt mấy chục năm ở đất Cảng, học trò anh sau này nhiều người trở thành nhà văn, nhà thơ. Còn anh lại bị "bỏ quên hẳn”, kể cả chính quyền Hải Phòng – thành phố Biển. Năm 2000, chuyển thế kỷ 20 qua thế kỷ 21, thành phố cho in toàn tập Nhà văn Hải Phòng dày trên 1.400 trang, vậy mà vẫn “cho qua” tên tuổi Thúc Hà, dù rằng trước đó, anh đã có tập thơ Mưa biển và chính nhạc sĩ Hồng Đăng lúc ấy có lấy một bài phổ nhạc…

Tấm lòng lãnh đạo là thế mà tình đời phải chăng cũng là thế, khi vô khối những dây bìm bìm bám theo dai dẳng qua thời gian thành kiến. Tôi không biết anh sai lầm về vấn đề gì, chỉ mơ hồ nghe nói là anh "theo NVGP"..." (Thái Vũ hồi tưởng ).

Có một bài thơ của Nguyễn Văn Thanh, người từng học lớp chuyên văn cấp 3 do thày tôi dạy những năm cả nước đầy bom đạn của Mỹ rất xúc động. Anh và các học trò của thày ngày ấy cũng lần lần ra trận. Anh đã có bài thơ, trong đó có nhắc đến thày của chúng tôi:

“Thầy tôi thuở ấy Huy chương (ý là được giải cao)/ thủ khoa sư phạm - dặm đường thênh thang/ Đớn đau vướng chút "Nhân văn"/ dạt về phố Cảng đi chăn lũ trò.

Chúng tôi được một nhà thơ/ một Nhân cách lớn , một lò luyện văn/ Thầy không tỏa sáng thi đàn/ ươm mầm gieo hạt tài năng cho đời”.

Đại tá Thái Kế Toại( bút danh là Lê Hoài Nguyên, nhà thơ) từng học năm thứ 3 ngành Văn (K18, đại học Tổng hợp Hà Nội ) với tôi khi anh từ chiến trường hăm hở trở về học tiếp. Có lẽ thời điểm đó, tư tưởng "bôn sệt" trong anh khiến tụi tôi hơi... ngán anh. Cả đời công tác trong ngành An ninh văn hoá của Bộ Công an, anh có điều kiện chuyên tâm nghiên cứu NVGP hàng chục năm, và cho rằng: Đánh giá NVGP như một trào lưu văn học nhưng vẫn phải ghi nhận rằng không có thứ văn học thuần túy văn học. Từ trong thuộc tính của văn học, nhà văn bao giờ cũng là người nhạy cảm và có trách nhiệm trước các vấn đề của thời đại, của dân tộc mình. Như vậy văn học mang tính chính trị theo ý nghĩa đó. Một trào lưu văn học ra đời, trước đó nó đã chịu tác động của thời cuộc, của chính trị. Chính vì lí do đó văn học xứng đáng là một loại hình cao cấp trong các loại hình văn học nghệ thuật.

Với cách nhìn đó, anh nhận định: "Với tất cả những gì đã xảy ra, khi xem xét vụ NVGP nên được đánh giá dưới góc độ là một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách tân văn học không thành thì đúng hơn. Để đi tìm cách cắt nghĩa nó. Gìn giữ những gì nó đặt ra, nó để lại cho đời sống chính trị, cho nền văn học nước nhà. Còn nếu coi là vụ án chính trị phản động thì không cần tốn giấy mực để viết về nó trong lịch sử văn học làm gì"...

Chính đại tá Thái Kế Toại là người được phân công viết báo cáo về tình hình NVGP và được giao đề xuất phương hướng giải quyết chế độ chính sách cho họ.

Chúng ta đã phục hồi cho các văn nghệ sĩ, có khá nhiều giáo sư, nhà văn, nhà thơ có các tác phẩm cụ thể (cả công trình khoa học) được trao giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về VHNT. Lịch sử dần dần rồi cũng rất cần có những phán xét công tâm, khách quan như thế!

Trong khi đó, một nhà giáo, nhà thơ như thày tôi, với những vần thơ cháy bỏng, có tác dụng truyền lửa cho cả một thế hệ cầm súng chấp nhận phải chia ly tạm thời với người thân để tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu giải phóng hoàn toàn đất nước. Tiếc rằng, đến như cái tên Thúc Hà trong Tổng tập thơ văn của một thành phố như Hải Phòng, dù đã sau nửa thế kỷ ông bị bầm dập mà họ vẫn còn tránh xa với thày tôi như thế thì đau thật.

Hôm nay, nhiều vấn đề trong lịch sử văn nghệ đã được nhận thức lại, không khí đổi mới và dân chủ trong văn nghệ dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng đã có những bước tiến tích cực, đáng ghi nhận dành cho những người thày và bạn văn thơ của thày, tiếc rằng lúc này thày tôi cũng đã khuất bóng. Mong ở nơi suối vàng, thày tôi cũng hiểu được rằng, hôm nay nền văn nghệ nước nhà đã khác, thưa thày!

Chờ con má nhé!

Thúc Hà

Nhớ hôm nào tiễn con, trên bến
Bên dừa xanh, trìu mến má hôn con
Miền Nam khuất núi che non
Chiều bên lửa sáng mà còn dõi trông
Lần kim trên áo tay rung:
(Hắn đi ngày ấy lúa đồng đang xanh
Bấm tay má nhớ ngọn ngành:
“Hai mùa lúa chín con mình về đây)
Ngày xưa sống đọa sống đầy
Vàng con mắt má chuỗi ngày tối tăm
Bốn mùa bao bố che thân
Củ môn hột sấu xót lòng má ơi !

Ngày nay được thấy mặt trời
Thấy lưng thẳng lại, thấy đời trẻ ra
Ổ rơm xếp kín hột gà
Có nồi cơm nếp ở nhà đợi con
Chôm chôm còn chín đỏ vườn
Ngàn năm thắm mãi công ơn Bác Hồ
Tuổi cao mắt má có mờ
Cố hai năm nữa má chờ Bác vô.
Đêm đêm nhẩm đọc i tờ
Cầu sao viết nổi chữ: Hồ Chí Minh
Ghi lên lá phiếu đinh ninh
Khắc sâu thêm cả mối tình Bắc Nam
Giờ đây vắng bóng sao vàng
Qua cầu đôi nhịp má sang tới bờ
Dù cho nước cả sóng xô
Vững chân má bước, trông cờ má đi
Tháp Mười còn lúa xanh rì
Còn kênh ngập nước, còn khi con về…

Má ơi! thương má một bề
Hồ Gươm bóng Tháp nghiêng về hướng Nam
Có người chị thức thâu đêm
Thêu con chim trắng trên nền khăn xanh
Trăng này thêm trắng dòng kênh
Xanh này thêm thắm màu xanh lá cờ
Con tô tám chữ lên cờ:
(Miền Nam là của cõi bờ Việt Nam)
Con in lên gối con nằm
Con ghi trong dạ, con hằn trong tim
Hải Vân dốc ngược cây chen
Lòng băng trăm núi, tình xuyên vạn đèo
Đê cao khôn cản sóng triều
Cả cây đâu dễ ngăn chiều gió lên?
Ngày mai nắng tỏa mọi miền
Thanh trà đậu trái sầu riêng rợp vườn
Em cười giữa lúa thơm hương
Chờ anh trong nắng gió vờn tóc bay
Chân trâu lại vạch luống cày
Gà ta xao xác gọi bầy bên sân
Bát cơm má thổi trắng ngần
Đèn khêu tỏ ngọn tay cầm má trao...

Con đi, má khóc hôm nào
Con về má đón ngã vào hai tay...

1955

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điều ít biết về thầy tôi - nhà thơ Thúc Hà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO