Nhớ Gamzatov

Magomed Akhmedov (Minh Huyền lược dịch) 23/10/2018 14:00

Sinh ra, lớn lên và thành danh dưới thời đại Xôviết, Rasul Gamzatov (8/9/1923 – 3/11/2003) đã rất cay đắng khi tổ quốc ông thay đổi chế độ và miền quê Dagestan của ông từ một biểu tượng của tình hữu nghị và lòng kiêu hãnh đã trở thành một trong những khu vực li loạn nhất khu vực. Cho tới phút cuối đời, Gamzatov đã không nguôi ngoai những lo âu cho dân tộc mình khi các tín điều truyền thống của người miền núi quê ông bị xâm thực ngày một nặng nề.

Nhớ Gamzatov

Mới đây, nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Gamzatov, nhà thơ nhân dân của xứ Dagestan, Magomed Akhmedov, Chủ tịch Hội Nhà văn Dagestan, đã viết trên tờ Literaturnaya Gazeta một bài báo dài về ông. Xin trích giới thiệu một phần bài báo đó.

Tác giả cuốn sách được phổ cập nhất và danh giá nhất “Dagestan của tôi”, Rasul Gamzatov, trong một lần trò chuyện với tôi đã cay đắng nói: “Bây giờ giá mà tôi đổi được tên sách “Dagestan của tôi” thành “Dagestan không của tôi”…”

Tôi đã suy nghĩ rất lao lung về những lời của nhà thơ. Một khi ngay cả Rasul Gamzatov, một nhân cách và một thi nhân từng cống hiến cả cuộc đời và tài năng thi ca trác tuyệt cho Dagestan mà cũng nghĩ như thế thì chắc chắn là có điều gì đó không phải như thế đang diễn ra trong ngôi nhà chung Dagestan của chúng tôi.

Platon từng nói, quyền lực tối thượng trong quốc gia phải thuộc về những nhà hiền triết, còn ở đất quê tôi thì chuyện thường ngày đang là, bất cứ một gã ngu ngốc nào khi lọt được vào chính quyền thì đều cho mình là nhà hiền triết.

Mù lòa thay hệ thống chính quyền đi theo những hoang mang không đường lối, vô cảm đối với quần chúng, đối với nghèo đói và bần cùng, tức là trong thực tế bỏ mặc cả đất nước vì thế nên mới dửng dưng trước tai họa của đồng bào mình. Một hệ thống chính quyền như thế và những chính trị gia như thế rất vô đạo đức.

Rasul Gamzatov từng nói: Nếu ai đó ăn cắp một lần thì đó là kẻ ăn cắp vặt, nếu ai đó ăn cắp hai lần thì đó là kẻ cắp bậc trung, nếu ăn cắp ba lần là kẻ cắp cộm cán, còn nếu ăn cắp tới bốn lần thì đó là chính trị gia. Cũng có thể nói như thế về những người nói dối.

Ngôn ngữ thi ca khác với ngôn ngữ của các chính trị gia ở sự trong sáng trung thực của mình.

Vì thế nên hôm nay, nhà thơ, bất chấp cả ý muốn của mình, phải trở thành người anh hùng để vá lại lương tâm, danh dự và phẩm giá đã bị rách nát.

Nhà thơ bằng sức mạnh ngôn từ của mình phải dẫn dắt con người, nhân dân, văn hóa, liên kết tất cả chúng ta với lịch sử của chính mình và lương tâm lịch sử.

Một nhà thơ đích thực, một nhà văn đích thực thì phải viết khi niềm tin vào văn học đã bị đánh mất, không thể để cho tiếng động của những đồng tiền vàng át đi âm thanh quý giá của nàng thơ.

Nhà thơ dễ chịu đựng tai họa và lo lắng hơn là để lạc mất định hướng tinh thần. Nhà thơ nói: “Bây giờ tôi rất lo âu. Tôi sợ nghe những tin tức mới. Tôi nghĩ, chẳng lẽ khó khăn đến thế sao để khỏi khiến con người làm hại con người?! Và tôi rất sợ điều đó xảy ra…”

Trong ngày lễ kỷ niệm Shamil (lãnh tụ ái quốc Dagestan), có một người đã nói: “Trước tôi chưa từng bao giờ nghĩ lại có người có ria mép và đội mũ papakha (mũ cổ truyền của người ở vùng núi Cápcadơ) lại có thể nói dối”.

Còn khi trên truyền hình người ta dối dá về những vấn đề nghiêm túc và giả bộ như đó là sự tự do tư duy, tôi trở thành kẻ thù của điều quý giá và cần thiết nhất đối với tôi – sự tự do.

Nhà thơ, tôi tin chắc rằng, cần phải chậm rãi, đặc biệt là trong những tình huống như hiện nay.

Tôi là con người không phải của sự kiện mà là của những chủ đề vĩnh cửu. Tình yêu, đó là điều chính yếu đối với tôi bây giờ, đấy là nơi mà tôi không được vội vã. Đối với tình yêu đang ngày càng có ít chỗ dành cho nó hơn”.

Rasul Gamzatov đã đưa vào tập sách cuối cùng của mình “Hiến pháp của người miền núi” và “Dagestan của tôi”. Đó là cuốn sách triết học. Một cuốn sách anh minh và sâu sắc. Ở đó tập hợp tất cả các tác phẩm văn xuôi, phê bình và chính luận của nhà thơ.

Trong “Hiến pháp của người miền núi”, Gamzatov viết: “Xứ Dagestan ruột thịt, thống nhất, toàn vẹn đối với chúng ta đã mang phẩm giá dân tộc nhân văn của mình qua những mù sương và tăm tối thời gian, nhờ tấm lòng ngay thẳng nhưng không dửng dưng trước cái thiện và cái ác, sự thù hận và tình bằng hữu, sự phản bội và lòng trung thành đối với các chiến binh, những người cầy cấy, những người chăn gia súc, những học giả, những cụ già râu tóc bạc phơ, những chàng trai dũng cảm và những mỹ nhân tuyệt sắc tiếp tục dòng giống của mình và nuôi dạy những thế hệ mới”.

Rasul Gamzatov hay nói rằng thời gian bao gồm từ những giờ và những phút mà thi sĩ là chứng nhân.

Và thi sĩ phải đóng đinh lại từng khoảnh khắc, cảm nhận tất cả chiều sâu của nó như một hạt của vĩnh cửu:

“Khi mây đen tụ xám xịt bầu trời, người nông dân vội vã đi cứu mùa màng. Bây giờ, khi ở nước ta và trên toàn thế giới đang diễn ra những thay đổi chưa từng thấy với những xung đột luật pháp chưa từng thấy, khi có ai đó không ngại gieo rắc giông bão lên trên nước cộng hòa của chúng ta. Chúng ta phải họp lại cùng nhau để trù liệu.

Chúng ta cầu viện ở sự anh minh của thiên nhiên và lịch sử, kinh nghiệm của đồng bào đồng tộc và sự vĩ đại của mọi thời, những bài học từ những đường đời nghiệt ngã đã trải qua, chúng ta cầu viện ở thượng đế. Và thi sĩ, khi cầu viện ở thượng đế, tự viết nên Hiến pháp của mình – Hiến pháp của người miền núi chỉ có cả thảy bảy điều khoản:

“Điều khoản một. Người đàn ông. Dao phải sắc, còn người đàn ông phải dũng mãnh …”

Điều khoản hai. Phụ nữ. Nếu là quyền của tôi thì đây phải là điều khoản một. Điều khoản đó như sau: Thước đo phẩm giá con người đối với đàn ông chính là thái độ của anh ta đối với phụ nữ…

Điều khoản ba. Con cái. Lớp cha trước, lớp con sau.

Điều khoản bốn. Ký ức.

Điều khoản năm. Tình bạn.

Điều khoản sáu. Khách và hiếu khách.

Điều khoản bảy. Hàng xóm, hữu nghị bên nhau. Ba điều khoản này tương hỗ lẫn nhau. “Hãy gìn giữ bạn bè, đừng đánh mất bạn”, - cha ông đã nhắn nhủ chúng ta như thế. Tôi muốn thêm vào: Hãy gìn giữ bạn bè và hàng xóm. Đó chính là lẽ công bằng và bánh xe lăn trong đời chúng ta”.

Đối với Rasul Gamzatov tất cả những điều khoản trên từ “Hiến pháp của người miền núi”, là những khái niệm rất quan trọng, sâu sắc và mang tính toàn cầu, dựa trên đó mà tồn tại toàn bộ cường quốc thi ca của ông, những khái niệm đó xác định thái độ của ông đối với tổ quốc, mẹ hiền và nhân dân.

Gamzatov lập ra đất nước thi ca để ở đó luôn vang lên thiều khúc của tình yêu, lòng nhân hậu và ánh sáng…”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ Gamzatov

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO