Nhà thiết kế Kim Ngọc: Trong sáng tạo không có con đường nào hẹp

An Minh (thực hiện) 16/02/2018 19:05

Năm 2017, bộ sưu tập thời trang dành cho phật tử ra đời gây bất ngờ với khá nhiều người. Chủ nhân của bộ sưu tập, nhà thiết kế Kim Ngọc theo đạo Phật có lẽ đã được 15 năm, lúc cô mới ở tuổi 20 tươi trẻ. Xinh đẹp, học thức, am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc, về tín ngưỡng thờ Mẫu và về đạo Phật, Kim Ngọc chia sẻ những gửi gắm và kỳ vọng lớn hơn đằng sau những bộ trang phục cho người đi lễ chùa.

Nhà thiết kế Kim Ngọc: Trong sáng tạo không có con đường nào hẹp

PV: Trước bạn, đã có nhiều nhà thiết kế thời trang đi vào lĩnh vực là thời trang của các tôn giáo chưa?

NTK Kim Ngọc: Phía Nam thì tôi không biết nhưng phía Bắc thì hầu như chưa có nhà thiết kế nào chuyên sâu về thiết kế trang phục phật tử. Trên thị trường thì vẫn bán sẵn loại trang phục này nhưng may theo kiểu đại trà. Tôi cũng không tìm thấy trong sách vở có quy tắc nào dành cho phật tử là đến chùa thì phải mặc quần áo màu sắc ra sao? Kiểu dáng thế nào? Nghĩa là đến cửa chùa thì không phân biệt trang phục của người giàu hay người nghèo. Chỉ có một quy định ngầm ước với nhau là đến chùa thì mặc trang nghiêm lịch sự.

Vậy vì sao bạn lại đi vào lĩnh vực này, khi mà trên thị trường vốn đã rất sẵn những bộ quần áo dành cho người đi chùa, giá thành rất thấp?

- Tôi học chuyên ngành chính là thiết kế đồ họa, và đã từng làm các công việc thiết kế khác. Tôi bước vào thiết kế thời trang hơi muộn. Lại chọn lĩnh vực thiết kế thời trang phật tử là đi vào con đường rất nhỏ trong ngành thiết kế thời trang nói chung. Nhưng tâm hồn tâm linh của mình được mở rộng hơn rất nhiều. Bản thân tôi đã theo đạo Phật nhiều năm. Khi đi lễ chùa thì thấy các phật tử nói là mặc xấu thì không phải, nhưng chưa có nhiều người mặc đẹp, hơn nữa lại mỗi người một kiểu, có người mặc cả váy ngắn, quần short. Cho nên bản thân mình là nhà thiết kế, nhìn như thế thì rất muốn làm sao để thiết kế những trang phục có thể định hướng cho mọi người khi đến nơi cửa chùa và những nơi cần sự trang nghiêm sẽ biết cách lựa chọn màu sắc, trang phục phù hợp hơn. Hiện tại bên Giáo hội Phật giáo chưa có định hướng đến các phật tử phải mặc gì, cũng không quy ước màu sắc như thế nào. Trong đạo có chia màu rất rõ ràng, phật tử mặc gì thầy mặc gì, tay áo thầy to, tay áo phật tử là phải nhỏ. Nhưng nhiều người không hiểu nên người ta cứ mặc thôi. Những thiết kế của tôi có thể ban đầu chưa được nhiều sự chú ý, bởi có nhiều người quan niệm đi lễ chùa có ai cấm mình mặc gì đâu, nhưng Thiện Phát Design sẽ tạo ra xu hướng để mọi người hướng đến.

Thị trường đang nhiều quần áo bán sẵn nhưng nhiều khi chưa đúng với màu sắc của Phật giáo Việt Nam. Đạo Phật nước mình có hai màu rất rõ ràng, phía Bắc là màu nâu sòng, khu vực phía Nam lại là màu ghi. Ngoài sự trang nghiêm thì người đi lễ chùa vẫn cần mặc đẹp. Đẹp mà vẫn trang nghiêm.

Bộ sưu tập trang phục phật tử tạo ra cái gì khác biệt so với thị trường đang có sẵn? về chất liệu hay kiểu dáng?

- Đi vào dòng thiết kế này là chấp nhận sẽ không có nhiều “đất” để bay bổng, tung tẩy như các thiết kế thời trang khác, màu sắc cũng hạn chế. Tôi tìm những màu sắc đồng màu, đồng gam, và cũng không được sặc sỡ, rực rỡ quá. Rõ ràng trong chốn tu hành thì không có gì để hào nhoáng. Cái tôi hướng đến đầu tiên chưa phải là cái đẹp mà là sự trang nghiêm, thứ hai là đúng bản chất màu sắc đạo Phật Việt Nam, thứ ba là tìm tòi về chất liệu để không nhàm chán. Đôi khi tôi đã pha một chút ren, một chút chất liệu óng ánh để khi mặc người ta có thể liên tưởng tới các tia năng lượng, ánh hào quang của Phật pháp vào đến với mình. Rõ ràng khi chúng ta đi chùa chúng ta cũng cầu mong mình được truyền thêm năng lượng. Khi thiết kế, tôi mong muốn mang lại hạnh phúc cho người phật tử, là đứng trước cửa phật cảm thấy như được đưa đến năng lượng lấp lánh hơn.

Tôi hướng tới việc tiện lợi cho người đi lễ chùa, nên chất liệu tôi lựa chọn để làm sao không nóng, không nhàu, đi hay đứng hay ngồi đều đẹp chứ không phải quá cầu kỳ chất liệu đắt tiền. Ở khu vực phía Bắc, những người phật tử rất khó mua được những trang phục mùa đông. Thiện Phát Design đã đáp ứng nhu cầu này với sự ra mắt của bộ sưu tập Tết 2018.

Nhà thiết kế Kim Ngọc: Trong sáng tạo không có con đường nào hẹp - 1

Từ khi đi vào lĩnh vực này sau những bộ sưu tập đầu tiên bạn có thấy đây là lĩnh vực rất hạn chế sự sáng tạo không? Một con đường như bạn nói là rất hẹp?

- Con đường tôi đi hẹp hơn so với ngành thiết kế thời trang nói chung, ý tôi là vậy, chứ tôi không nghĩ nó hẹp trong sáng tạo. Trong sáng tạo không có con đường nào là hẹp cả. Nó càng khó thì tôi càng cảm thấy phải nỗ lực nhiều hơn. Tôi đã cố gắng để học hỏi rất nhiều, nhờ thêm sự cố vấn của các thầy nữa.

Bạn có biết trên thế giới có nhà thiết kế thời trang nào thành danh, nổi tiếng ở lĩnh vực thiết kế thời trang phật tử không?

- Tôi cũng có chịu khó đọc và tìm hiểu nhưng theo tôi biết là hình như không có một nhà thiết kế lừng danh nào chuyên ở lĩnh vực này. Đạo Phật ở mỗi nước lại có màu sắc trang phục khác nhau. Cho nên những thiết kế của Thiện Phát Design đưa ra sẽ đi theo hướng văn hóa trong Phật giáo của Việt Nam.

Có lúc nào đó bạn sẽ đưa bộ sưu tập trang phục phật tử của mình tham gia một show diễn thời trang lớn hoặc một kỳ thi thiết kế thời trang nào đó không?

- Câu hỏi này tôi phải hỏi lại các nhà tổ chức biểu diễn thời trang. (cười). Có lẽ chưa có nhà tổ chức nào nghĩ đến vì họ sẽ quan niệm trang phục Phật tử thì mẫu mã nghèo nàn lắm. Năm 2017, chúng tôi đã tổ chức ra mắt bộ sưu tập Tim Sen nhưng cũng làm ở quy mô nhỏ tại nhà hàng Chay Thiện Phát. Sắp tới chúng tôi sẽ cho ra mắt thương hiệu Thiện Phát Design tại TP. Hồ Chí Minh.
Còn nếu để bộ sưu tập như Tim Sen trong một chương trình biểu diễn thời trang cùng các bộ sưu tập khác tôi nghĩ là hơi lạc lõng. Ngay cả việc chọn người mẫu trình diễn trang phục phật tử cũng đã khó rồi. Không phải người mẫu nào cũng đáp ứng được yêu cầu trình diễn trang phục Phật tử.

Nhà thiết kế Kim Ngọc: Trong sáng tạo không có con đường nào hẹp - 2

Cuối cùng thì tôi tò mò muốn biết vì sao một người trẻ tuổi lại đi theo phật pháp lâu thế rồi?

- Đạo Phật đến với tôi là cái “duyên” của đạo và đời. Khi gia đình xảy ra chuyện, tôi tìm đến cửa phật để mong muốn cầu xin được một cái gì đấy. Trước đây tôi cũng không am hiểu về Phật pháp. Bây giờ hiểu sâu hơn thì càng ngày càng ngẫm ra không phải phép nhiệm mầu mang lại cho mình cái gì đâu mà tinh thần sống lạc quan là cái quan trọng nhất. Mình cảm thấy mình tĩnh tâm không bị cuốn theo cuộc sống quá nhiều, mọi thứ chậm lại. Thậm chí khi giác ngộ rồi thì luôn nghĩ cho người đối diện, hoặc mình lùi một bước đi, mình chưa nghĩ đến việc tiến cứ lùi đi đã. Quan trọng là tôi đã hiểu ra cần sống tốt, sống thiện, và làm việc thiện. Có nhiều người làm việc thiện nhưng chưa chắc sống thiện. Nhưng những người đã sống thiện thì chắc chắn làm được việc thiện.

Cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thiết kế Kim Ngọc: Trong sáng tạo không có con đường nào hẹp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO