Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa: Không thể bình dân hóa trí thức

Hồng Thanh Quang (thực hiện) 11/05/2018 09:00

Dù tài giỏi đến đâu trí thức vẫn là công dân của xã hội, và đã là công dân thì cần tuân thủ quy định về nghĩa vụ, quyền lợi của định chế xã hội. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt trong công việc của trí thức mà định chế xã hội cần có sự tương thích để tạo dựng tiếng nói chung, phát huy được tính tích cực xã hội của trí thức.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa: Không thể bình dân hóa trí thức

Nhà thơ Hồng Thanh Quang, Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết trò chuyện cùng nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa.

- Hồng Thanh Quang:Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Chuyện hay lan xa, chuyện dở cũng lan xa. Xưa thế và nay cũng thế. Chắc anh cũng đồng ý với tôi?

- Nguyễn Hòa: Đó là một câu tục ngữ, và không biết từ bao giờ tiền nhân đã nhận ra một đặc điểm tâm lý phổ biến gắn liền với con người để khái quát. Mà tục ngữ này còn là lời răn dạy, nhắc nhở phải thận trọng.

Tôi hình dung dù cổ hay kim, sống ở đông hay tây thì khi đã tồn tại giữa cộng đồng, giữa xã hội, thì mỗi người đều như là một “cột thu - phát”, vừa có nhu cầu thu tiếp nhận thông tin, vừa có nhu cầu phát tán thông tin.

Có ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, với các thành tựu công nghệ mà chúng ta đang sở hữu, tác động của việc “chuyện hay lan xa, chuyện dở cũng lan xa” có nhiều phần khác xưa. Lý do là, điều hay học thì khó, nhưng cái dở dễ lây lan. Anh có cho rằng đó là một trong những nguyên nhân khiến cho xã hội, không chỉ ở riêng một quốc gia nào, có vẻ như lắm chuyện lùm xùm hơn trước? Đến mức có người nói rằng, nếu mỗi ngày ta không vào mạng đọc tin thì ta có thể thấy cuộc đời này thực ra không đến nỗi dở như vậy…

- Sống trong đời, mỗi người đều có nhu cầu muốn biết; nhưng với không ít người, việc muốn biết thực chất là tò mò, thóc mách, hoặc để chứng tỏ là người quan trọng, nắm được “điều cơ mật”, giật gân, thậm chí có người sử dụng “đồn xa” để làm hại người khác…

Tuy nhiên, “đồn xa” hay “đồn gần” đều phụ thuộc vào phương tiện. Xưa kia truyền khẩu là chủ yếu, nên thông tin trước hết chỉ ở trong xóm ngoài làng, khó lan xa, lan nhanh.

Tập hợp các yếu tố như làng xã khép kín, phố thị nhỏ hẹp, quan niệm sống và quan niệm chức phận của con người trong cộng đồng khá ổn định, phong tục và tập quán hầu như bất biến có xu thế đẩy con người vào sự khép mình,… nên không dễ để mọi chuyện lành - dữ, hay - dở đều được cộng đồng biết đến một cách rộng rãi.

Xã hội phát triển, con người dần có xu hướng vượt ra khỏi cộng đồng khai sinh, cùng với đó là báo chí, bưu điện, tàu hỏa, ô tô, máy bay,… đặc biệt là sự ra đời và tích hợp ngày càng nhiều tiêu chí sống, tiêu chí ứng xử, tiêu chí thỏa mãn nhu cầu,… tất cả tạo cơ hội cho lành - dữ, hay - dở xuất hiện nhiều hơn.

Từ sự phát triển của internet, mọi sự trở nên khác trước, với những mối liên hệ phong phú, đa dạng.

Các tiện ích của internet giúp con người gần gũi, tin tức được phổ biến nhanh chóng, cá nhân có thể gửi gắm tâm sự, hoặc công khai phô diễn bản thân, tạo điều kiện để mỗi “cột thu - phát” phát huy hết công suất. Mà theo tiền nhân thì “bách nhân bách tính”, với mạng xã hội “bách tính”, nhất là “tính ảo”, tha hồ hiển lộ mọi đẹp - xấu, hay - dở…

Ở đó, mọi điều có vẻ giật gân, gợi tò mò, trái với lẽ phải thông thường,… lại hay được chú ý, nên nhiều người sử dụng cách này để “câu view”, tăng số người truy cập, khẳng định “đẳng cấp”… Và mọi xấu - dở trên internet cũng từ đó mà ra.

Nếu thiếu bản lĩnh, thiếu khả năng định tính thông tin, chỉ cắm cúi tìm hiểu cuộc sống, tìm hiểu thế giới qua internet sẽ thấy một cuộc sống, một thế giới quá nhiều điều xấu - dở, rồi dễ bi quan, chán nản, lo âu…

Đó có vẻ như một điều mâu thuẫn, trình độ phát triển khoa học hiện đại giúp nhân loại ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm về vật chất hiệu quả hơn nhưng lại dễ bất lực hơn trong những lây lan các yếu tố tinh thần độc hại?

- Tôi nghĩ khoa học phát triển là vì con người, internet ra đời cũng là vì con người, nên không mâu thuẫn. Vấn đề là con người sử dụng thành tựu khoa học như thế nào.

James Watt chế tạo ra động cơ hơi nước, thành tựu này giúp đóng tàu biển chở hàng hóa vượt đại dương, nhưng cũng giúp đóng tàu chiến cho các đạo quân viễn chinh đi xâm chiếm thuộc địa.

Máy bay Boeing được chế tạo để phục vụ con người, nhưng với sự kiện xảy ra ở Tòa tháp đôi tại New York năm 2001, máy bay Boeing lại là vũ khí của khủng bố.

Không ít người Việt Nam vẫn coi internet là một “thế giới xấu xa, đầy nguy hiểm”, theo tôi trước khi kết luận như thế nên trả lời câu hỏi: “Nếu internet là thế giới xấu xa, đầy nguy hiểm thì tại sao nhân loại lại gắn bó với nó?”.

Tôi đã học hỏi được nhiều điều từ internet, hầu như chưa bị cuốn theo xúc cảm bồng bột, mà tỉnh táo trước các tin tức giật gân, chưa được kiểm chứng, tự mình luận giải để công nhận hay bác bỏ ý kiến người khác.

Tôi biết nhiều người cũng như vậy. Chỉ tiếc là nhiều người khác lại đang làm cho điều xấu - dở nổi lềnh phềnh trên internet.

Đặc tính tâm lý tự nhiên của con người có thể biến chúng ta trở thành những kẻ a dua một cách vô ý thức, rất tự nhiên của những yếu tố tinh thần độc hại phát tán trong không gian ảo. Thực tế trên thế giới cho thấy, các giáo phái lệch lạc, những chủ nghĩa cực đoan đã và đang sử dụng rất hiệu quả không gian ảo để mở rộng lãnh thổ thực của mình. Thậm chí tại một số nước người ta cho rằng tác động qua không gian ảo vào các cử tri có thể làm thay đổi kết quả bầu cử nguyên thủ quốc gia một cách căn bản. Anh lý giải thế nào về việc này?

- Có một sự thật đáng sợ, như theo một bài viết của Jon Rappoport công bố năm 2015 thì: “Hơn một tỷ người, hầu hết đang bận tâm với việc đăng tải hình ảnh của mình, phát ngôn thiển cận và nông cạn, hoặc là đang bị biến thành đối tượng bị thôi miên, bị cuốn vào cái ống hút khổng lồ có qui mô toàn cầu, tiếp nhận các tin tức giả đã được nhào nặn làm ra vẻ quan trọng, chắc chắn, như thật.

Tâm trí thụ động sẽ càng thụ động hơn với các thông tin giả tạo ra đời từ một thế giới ảo lại được coi như là thực tế”!

Không thể phủ nhận tiện ích của internet, nhưng internet cũng làm nảy sinh một số nguy cơ mới, như cựu Giám đốc FBI Robert Mueller coi tấn công mạng có thể gây ảnh hưởng như “quả bom được đặt đúng chỗ”.

Tôi nghĩ có lẽ những người sử dụng internet để truyền bá quan điểm của giáo phái lệch lạc, tư tưởng dân tộc cực đoan, tác động tới cử tri để làm thay đổi kết quả bầu cử,… là các chuyên gia tâm lý thượng hạng.

Họ tìm ra cách khai thác, tận dụng trạng thái bồng bột, cảm tính, cả tin, thói tò mò của con người để đi từ ảnh hưởng, tác động đến điều hướng, định hướng tinh thần.

Mạng xã hội là một định chế có sức mạnh rất lớn, thậm chí có thể biến đổi thành vũ khí chính trị - xã hội với quyền năng vô hạn, khó ai có thể chối từ. Cần phải làm gì để hạn chế những tác động tiêu cực của nó?

- Internet làm nên một không gian mở trong tiếp xúc thông tin, truyền bá tri thức, gắn kết con người, nhưng vai trò ấy to lớn đến mức nào vẫn phụ thuộc vào trình độ nắm bắt, xử lý thông tin, khả năng tiếp nhận, ứng dụng tri thức khai thác từ internet, năng lực sáng tạo các giá trị mới,... của người sử dụng.

Đặc biệt phụ thuộc vai trò định hướng của hệ thống giá trị văn hóa cộng đồng mà người sử dụng internet là thành viên.

Để hạn chế những tác động tiêu cực của internet, tôi cũng không nghĩ được điều gì mới hơn, chỉ nhắc lại một ý kiến cũ nhưng thiết nghĩ luôn luôn mới, đó là khi tham gia mạng xã hội, mỗi người cần tự ý thức để tự điều chỉnh mình.

Và cũng nên tham khảo ý kiến ông Yaacob Ibrahim khi còn làm Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông - Nghệ thuật Singapore, trả lời phỏng vấn Reuters, ông nói: “Các phương tiện truyền thông của chúng tôi là đối tượng hoạt động theo quy định. Vậy tại sao phương tiện truyền thông trực tuyến lại không là một phần trong khuôn khổ pháp lý?...

Tôi không cho rằng điều này là kiểm soát chặt chẽ. Đó là công tắc điều chỉnh những gì đang xảy ra trên internet, đảm bảo rằng phương tiện truyền thông trực tuyến ngang bằng với phương tiện truyền thông của chúng tôi”.

Xu hướng phát triển theo kiểu toàn cầu hóa hiện nay tác động đến các quốc gia theo nhiều kiểu khác nhau, cả về khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Tôi muốn nghe anh lý giải giúp một khía cạnh nhỏ này thôi: những thành tựu công nghệ tiên tiến khi được truyền bá tới các khu vực còn kém phát triển thì thường tạo nên một sự lệch pha rất tai hại. Đó là nhận thức của con người không tương xứng với công năng của các thiết bị mà họ sở hữu. Và từ đó sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy lợi bất cập hại như chúng ta đang thấy. Đúng vậy không, thưa anh?

- Francois Rabelais đúng là thiên tài, vì có tầm nhìn xuyên năm thế kỷ. Ở thế kỷ XVI, khoa học của nhân loại mới bắt đầu những bước đi đầu tiên, mà ông đã đưa ra cảnh báo: “Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự tàn lụi của tâm hồn”.

Năm 1997, đọc cuốn sách Giữa hy vọng và lịch sử, tôi chú ý tới điều Bill Clinton viết: “Thiếu tinh thần trách nhiệm, không một xã hội tự do nào có thể phồn thịnh được...

Khi thiếu tinh thần trách nhiệm, quyền tự do cá nhân chỉ là tính ích kỷ”. Du nhập vào các quốc gia, cộng đồng văn hóa chưa có quan niệm chính xác, đầy đủ và hoàn chỉnh về cá nhân, chưa có ý thức hoàn chỉnh về luật pháp và chấp hành luật pháp, các sản phẩm văn hóa - văn minh sẽ tạo ra nghịch lý giữa việc thỏa mãn nhu cầu của con người với trình độ phát triển chung của cả xã hội.

Nghịch lý đó hoàn toàn có thể làm nảy sinh mâu thuẫn khó có thể điều hòa giữa việc con người tìm mọi cách thỏa mãn nhu cầu với khả năng đáp ứng có giới hạn, với các tiêu chí có vai trò định tính tư cách của con người trước xã hội. Mâu thuẫn không được giải quyết, hậu quả sẽ khôn lường.

Người xưa từng trăn trở về cái lẽ “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Theo tôi hiểu thì câu này có nghĩa là nước nhà hưng thịnh hay suy vong thì người dân thường cũng phải có trách nhiệm. Đúng không anh?

- Giải thích của anh là chính xác, nhưng theo tôi có lẽ còn một chiều nghĩa nữa dành cho kẻ sĩ là: Đến dân thường còn có trách nhiệm với sự hưng vong của nước nhà thì kẻ sĩ không thể đứng ngoài. Về câu nói này, có lẽ không chỉ người xưa trăn trở, mà người nay cũng cần phải trăn trở.

Đúng vậy, câu nói trên thường được dùng để nhắc tới sứ mệnh đặc biệt của những học giả, những người không - dân - thường. Và bây giờ cũng vẫn là điều ám ảnh các nhà trí thức. Và từ đấy cũng làm nảy sinh những vấn đề không đơn giản, những đòi hỏi không dễ dàng đối với người có học. Thực tế cho thấy, những trí thức thường đưa ra được những tư tưởng tiến bộ hơn thời mình sống nhưng lại bất lực trong việc đấu tranh biến những tư tưởng ấy thành hiện thực xã hội. Tôi nói thí dụ như cụ Phan Chu Trinh ở ta chẳng hạn. Đến bây giờ, càng ngày ta càng ngộ ra thêm được sự hữu lý của rất nhiều luận điểm mà cụ Phan Tây Hồ đã đưa ra. Nhưng lịch sử cũng đã cho thấy, hoạt động cách mạng như của Cụ không thể nào giành lại được độc lập cho dân tộc từ tay chế độ thực dân. Đúng vậy không anh?

- Theo tôi, không phải trí thức nào cũng có khả năng khai sinh một tư tưởng lớn, chỉ trí thức lớn mới có thể khai sinh tư tưởng lớn có tầm vóc vượt thời gian, không gian.

Tư tưởng, đó là sản phẩm của đẳng cấp trí tuệ, của đẳng cấp tư duy, không phải ai cũng nghĩ ra được.

Nhìn từ lịch sử, đúng là tư tưởng lớn rất khó có thể hiện thực hóa ngay khi người khai sinh ra nó còn sống, nên họ không được hưởng thành quả từ nỗ lực của mình.

Tuy nhiên, tôi tin với các tư tưởng có tính nhân văn, vì con người, thì dù mong mỏi đến đâu người đã khai sinh ra nó cũng không hối tiếc vì chưa hiện thực hóa được tư tưởng của mình, họ sẽ vui mừng vì tư tưởng đó có ý nghĩa nhất định, vẫn góp phần đem lại điều tốt đẹp. Trong lịch sử Việt Nam, tư tưởng của Phan Chu Trinh là một trường hợp như vậy.

Thế anh lý giải như thế nào về câu chuyện này?

- “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” là tư tưởng chủ đạo của Phan Chu Trinh với nội dung là khai hóa dân tộc, khuyến khích và mở mang cải cách giáo dục để hình thành ý thức trách nhiệm của công dân, phổ biến các giá trị văn minh phương Tây về pháp quyền, dân quyền, dân chủ; mở mang công nghiệp và thương nghiệp, chấn hưng công nghệ… và lấy đó làm cơ sở để mưu cầu độc lập.

Trong bối cảnh Việt Nam đầu thế kỷ XX, đó là tư tưởng rất quan trọng, và xét từ thực tế thì tư tưởng đó vẫn ít nhiều có ý nghĩa với hôm nay.

Tuy nhiên, khi Phan Chu Trinh còn sống, tư tưởng của Cụ được ủng hộ nhưng không thể thực hiện, vì đó là điều chính quyền thực dân chống lại chứ không bao giờ tán thành. Lịch sử chủ nghĩa thực dân cho thấy chưa bao giờ chính quyền thực dân lại tạo điều kiện giúp một thuộc địa phát triển ý thức xã hội, văn hóa, kinh tế,… để sau đó đòi lại độc lập.

Tư tưởng của Phan Chu Trinh là rất ôn hòa, thế mà chính quyền thực dân vẫn giam giữ, đày ải Cụ suốt gần 20 năm. Đầu thế kỷ XX, nếu chỉ bằng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” thì không thể giành được độc lập, đó là sự thật.

Chúng ta tôn vinh, nhớ ơn Phan Chu Trinh, kế thừa một số khía cạnh tích cực trong tư tưởng của Cụ, song không vì thế mà bỏ qua yếu tố khách quan khi cắt nghĩa tư tưởng của Cụ trong bối cảnh lịch sử cụ thể.

Có ý kiến cho rằng, trong một xã hội bình thường thì trí thức không cần bị quản lý mà chỉ phải sống và làm việc theo đúng lương tâm, hiểu biết của mình, trong khuôn khổ luật pháp chung. Trí thức mà cứ cố gắng làm hài lòng định chế quản lý thì rất khó thực hiện phận sự xã hội và nhân văn của mình... Ý kiến của anh?

- Dù tài giỏi đến đâu trí thức vẫn là công dân của xã hội, và đã là công dân thì cần tuân thủ quy định về nghĩa vụ, quyền lợi của định chế xã hội.

Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt trong công việc của trí thức mà định chế xã hội cần có sự tương thích để tạo dựng tiếng nói chung, phát huy được tính tích cực xã hội của trí thức.

Trình độ tư duy, tích lũy học vấn, năng lực sáng tạo, khả năng suy luận và phân tích,… đã xây dựng nên uy tín của trí thức, đưa tới cho họ vị thế xã hội riêng. Nhưng dẫu sao, mỗi trí thức đều hoạt động trong một (vài) chuyên ngành khoa học, họ có thể phân tích, phản biện, sáng tạo, dự báo trong lĩnh vực chuyên ngành một cách xuất sắc; còn khi phân tích, phản biện, sáng tạo, dự báo về lĩnh vực khác ngoài chuyên ngành thì cần mở rộng tri thức, hiểu biết thấu đáo, nắm bắt được bản chất vấn đề muốn đề cập,… để không rơi vào tình trạng chủ quan, phán xét thiếu cơ sở.

Vì thế, không phải hễ là nhà toán học, sinh học, tâm lý học, xã hội học, nhà văn, nghệ sĩ,… nổi tiếng tham gia phân tích, bàn luận, phản biện về kinh tế, xã hội, văn hóa,… sẽ chuẩn xác. Lâu nay ở Việt Nam, người có bằng cấp đều được coi là trí thức.

Tuy nhiên, từ thực trạng ra đời các loại bằng cấp, tôi không đặt sự tin cậy vào ý kiến của nhiều vị được gọi là trí thức, vì căn cứ vào điều họ đã nói, đã viết, tôi nghi ngờ trình độ tư duy, học vấn, năng lực sáng tạo, suy luận, phân tích của họ. Nên theo tôi, trước khi bàn chuyện “trí thức mà cứ cố gắng làm hài lòng định chế quản lý thì rất khó thực hiện phận sự xã hội và nhân văn của mình” cần xem xét họ có đích thực là trí thức hay không!

Muốn sống cùng tương lai, phải có đủ dũng khí chấp nhận những mâu thuẫn với hiện tại. Anh có đồng ý với quan điểm này không? Tại sao?

- Khả năng tư duy, lương tri, khát vọng đem điều tốt đẹp đến với đồng loại đã giúp trí thức phát hiện ra mâu thuẫn trong hiện tại, và thấy cần lên tiếng.

Tôi nghĩ trong bối cảnh đó, dù bức xúc, trí thức vẫn cần lên tiếng một cách sáng suốt và điềm tĩnh, vì tư cách xã hội và sự trân trọng của nhân dân đòi hỏi họ như vậy.

Tôi không đồng tình với trí thức “mũ ni che tai”, cũng khó chia sẻ với trí thức hễ bức xúc là xồn xồn lên tiếng, đôi khi cứ như là dạy dỗ, mạt sát.

Vai trò phản biện của trí thức đối với những sự đang tồn tại nên được lý giải, thực hành thế nào cho tích cực? Làm sao để trí thức khi theo đuổi những giá trị dài lâu mang tính tuyệt đối của mình không góp tay vào phá vỡ thế cân bằng động lúc nào cũng mong manh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn của trật tự xã hội đương thời?

- Phản biện là quyền của mọi người, không chỉ là quyền riêng của trí thức. Tuy nhiên, do uy tín xã hội mà phản biện của trí thức thường được đánh giá cao hơn. Do đó phản biện của trí thức cũng có yêu cầu cao hơn.

Tôi nghĩ, khi phản biện vấn đề nào đó từ “góc nhìn khác”, với tư duy biện chứng, trí thức cần luận chứng có cơ sở lý luận - thực tiễn, bảo đảm phản biện có tính logic, cụ thể, công tâm, khách quan…

Cần lắng nghe, trao đổi, thảo luận với phản biện như vậy để có sự đồng thuận, rồi tiếp tục khẳng định hoặc điều chỉnh, thậm chí hủy bỏ vấn đề bị phản biện.

Tiếc là trên thực tế ít thấy phản biện có tính chất như vậy, phần nhiều vì bức xúc mà lên tiếng, hoặc trước khi phản biện đã mặc định chỉ mình là đúng, người khác dốt, sai, thậm chí ngu.

Theo tôi, phản biện như vậy có thể góp phần tạo ra nguy cơ bất ổn xã hội. Còn khi trí thức phản biện thực sự nghiêm túc mà không lắng nghe, coi đó như là phá bĩnh, thì chỉ đẩy họ ra xa mà thôi.

Có hay không sự tha hóa của một bộ phận trí thức hiện đại đang bị tha hóa bởi tham vọng vừa muốn duy trì uy tín tinh thần vừa muốn ngay lập tức thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình? Và có phải đây chính là nguyên do của những sự đạo văn, gian dối học thuật?

- Ở Việt Nam hiện tại, dường như trí thức cũng có năm bảy đường? Tôi đặt câu hỏi vì từng tiếp xúc một số vị được coi là trí thức mà ứng xử bỗ bã, thô lậu, càng nói càng thấy lỗ mỗ; đọc tác phẩm, xem công trình của một số vị, tôi ngờ ngợ tác giả chưa phải là trí thức.

Nên khó có thể coi người “vừa muốn duy trì uy tín tinh thần vừa muốn ngay lập tức thỏa mãn nhu cầu vật chất” là trí thức. Khi “muốn ngay lập tức thỏa mãn nhu cầu vật chất” trở thành mục đích làm việc thì “uy tín tinh thần” chỉ là “hàng giả”, tôi nghĩ vậy!

Tôi hiểu, trí thức đích thực không bao giờ tự hỏi là mình có phải là trí thức hay không. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng một trí thức rất cần ý thức sự khác biệt của mình trong việc thực hiện sứ mệnh của người có học đối với xã hội. Dù tôi cũng biết, trí thức, cũng như hiền nhân thời xưa, “tiện vi bố y, bần vi thất phu” (mặc áo vải hèn hạ, sống nghèo như dân thường). Vậy có nên bình dân hóa trí thức không anh?

- Sự phát triển đem lợi ích đến với mọi người, không lẽ là trí thức lại không được hưởng lợi ích như người khác.

Song cũng tương tự như người khác, vấn đề là ở chỗ trí thức đã đóng góp gì với xã hội, chí ít là trong lĩnh vực chuyên ngành.

Theo tôi, không thể bình dân hóa trí thức, vì sẽ đem lại hệ lụy nguy hại.

Và cần lắng nghe ý kiến của các trí thức thực sự có trách nhiệm, cần quan tâm đến trí thức để có chính sách phù hợp, thỏa đáng. Thực sự thì tôi nghi ngờ cái logic: người có học vị, chức danh là trí thức, và đã là trí thức thì… phải được đãi ngộ!

Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa: Không thể bình dân hóa trí thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO