Nhà báo/Nghệ sĩ Đỗ Hương: Không bao giờ cô đơn, nếu biết quý trọng cuộc sống

An Vũ (thực hiện) 02/12/2017 10:15

“Khi biết yêu bản thân và biết quý trọng cuộc sống, thì ta chẳng bao giờ thấy mình cô đơn dù một mình hay nhiều mình. Có lẽ mọi người hay thấy tôi sống một mình mà luôn tươi cười và lạc quan nên rất lạ chăng” - Nhà báo/ nghệ sĩ Đỗ Hương chia sẻ.

PV: Nói đến phụ nữ cầm máy ảnh rồi đến cầm cọ, ai cũng nhắc đến tên chị, nhưng dường như với nhiều người, cuộc đời riêng của chị luôn là một ẩn số?

Nghệ sĩ Đỗ Hương: Cuộc đời riêng của tôi có lẽ không có gì đặc biệt nên cũng không biết nói thế nào.

Tôi cho mình là một phụ nữ may mắn vì có cuộc sống luôn được là chính mình, nên bất cứ vui buồn gì được gặp trên hành trình sống, tôi đều thấy là mình được trải nghiệm, thấy mình đã có một đời sống thật hạnh phúc và phong phú vì biết thêm được nhiều điều hỉ nộ ái ố mà cuộc sống muôn màu cho tôi khám phá.

Chưa kịp nghĩ mình đã có gia đình riêng thì đã độc thân, nên đến tuổi này vẫn một mình có lẽ là do duyên chưa tới lần nữa, và tôi bằng lòng với cuộc sống khi biết lựa chọn.

Chị đến với báo chí với tư cách là một nhà báo, việc làm báo có làm chị vui không?

- Tôi là người thích cuộc sống thú vị, thích mạo hiểm và liều lĩnh làm những điều chưa biết, nên có thể nói làm báo rất vui, nhất là khi tôi luôn được chủ động tạo ra sự thú vị trong mỗi việc mình làm. Tôi sợ tôi chán tôi trước khi mọi người chán tôi.

Năm 1991, mới về Việt Nam vài tháng, tôi vào Sài Gòn sống do sức khoẻ, tôi là một trong những người tham gia làm tờ tạp chí về Kiến trúc, ngay từ những ngày đầu tiên. Tôi nghĩ ra 4 trang nhận quảng cáo miễn phí để thu hút độc giả mà sau này tờ Mua và Bán có motip hơi giống.

Là phóng viên ảnh duy nhất của tờ tạp chí với bộ máy ảnh tốt nhất thời bấy giờ mang từ nước ngoài về, nhưng tôi lại chú ý đến thời trang. Tôi mở ra 4 trang thời trang, thiết kế mẫu mới như các nhà thiết kế bây giờ, vì tôi ước mơ từ ngày còn ở châu Âu sẽ tự mở ra một hãng thời trang cho mình từ A đến Z.

Tôi làm hăng say để kiểm định khả năng mình và thấy rất vui là làm gì cũng dễ dàng, dù lúc đó đời sống cá nhân rất khó khăn, chỉ vì tôi rất không thích ăn tiền gì ngoài lương. Mà lương thì còn không đủ trả tiền thuê nhà. Nhưng khi bạn muốn gì là bạn làm được bạn sẽ thấy cuộc sống rất thú vị mà quên đi cơ hàn.

Chuyện làng báo vui buồn gì tôi đều thấy thú vị chứ không bị nó giày vò.

Tôi ngừng làm báo trong 5 năm để mở xưởng vẽ và kinh doanh tranh. Năm 1996 tôi chính thức giúp anh trai tổ chức thực hiện một tờ báo thể thao, hoạt động chính ở phía nam và cơ quan chủ quản ở Hà Nội.

Làm báo nhưng thực tế tôi chưa từng là phóng viên, vì như kiểu vận động viên đá vị trí libero. Vị trí nào thiếu thì trám. Y như những năm tôi sống ở nước ngoài, làm việc ở đâu tôi cũng là chiến sĩ dự bị các vị trí, lương cao và rất nhàn. Chỉ cần biết làm nhân sự và nghĩ ra việc rồi cứ thế mà làm. Điều khiến tôi vui và hạnh phúc nhất là đi đâu tôi cũng tạo ra được một tập thể giúp mình, cùng mình, làm công việc sao cho tốt nhất, mà chẳng cần chứng tỏ hay gây áp lực với bất cứ ai.

Tôi rất yêu phóng viên nhân viên của mình, một tập thể vui buồn khó khăn sống chết với mình như người trong nhà ruột thịt, vì tờ báo, trượng nghĩa, trượng tài, đúng như anh trai tôi và bạn bè anh ấy sống chết với nhau kiến tạo tờ báo và tôi nuôi dưỡng gìn giữ nó. Đây là điều khiến tôi tự hào nhất trong đời làm báo của mình.

Gọi chị là nhà báo, họa sĩ, nhiếp ảnh gia… cái gì gắn với chị nhất, đúng là chị nhất?

- Có lẽ việc quen nhất, hiểu nhất từ tinh thần, mỹ thuật, chủ đích, nội dung đến kỹ thuật là chiếc máy ảnh và nghề ảnh.

Bố tôi là một trong những người đầu tiên chụp ảnh, làm ảnh từ kỹ thuật buồng tối đến buồng sáng từ những năm 20 của thế kỷ 20, từ Bắc vào tận Sài Gòn làm ảnh cho người Pháp, kỹ và tinh tế hết mức.

Bố tôi về hưu từ năm 1972, nhưng vẫn làm ảnh cho nhiều vị lãnh đạo cấp cao, những bức ảnh cần chuyên môn cao và công phu mà ngày xưa chưa có photoshop nên cần sự tinh tế, hiểu biết và khéo léo.

Sau năm 1975, có người trong phái đoàn quốc tế rất lớn tuổi đến tìm bố tôi nói về người chụp ảnh và tô màu ảnh cho đô đốc Pháp năm 1927 ở Sài Gòn giỏi đến nỗi bức ảnh màu mà như thật ngoài đời, đến năm đó chưa bay màu (vì ngày đó chưa có ảnh màu), tôi hiểu mình đã được thụ hưởng những điều gì từ sự vĩ đại bình dị của bố mình.

Từ 5 đến 6 tuổi, tôi và các anh chị đã phụ bố làm những việc buồng tối tại nhà, và phòng tối cơ quan Báo ảnh Việt Nam và Báo Quân Đội Nhân dân.

Năm tôi 8 tuổi, được bố cho riêng cái máy zenit nhỏ để tập chụp rồi sau này qua rất nhiều đời máy, như Kodak, Pentax, Pratica... cũ của bố chụp cho bạn bè trường lớp.

Tự pha thuốc tráng rửa phim, tự vào buồng tối phóng ảnh... cứ thế, tôi được chơi với máy và ảnh từ các đời máy phim to, nhỏ, từ 6x9, đến 6x6, đến 3x4 hay 2x3, thậm chí dùng máy ảnh 72 kiểu của máy bay, chụp thoải mái rồi về cắt ghép từ trên máy phóng hay ghép tay bên ngoài một cách tỉ mỉ, như trò chơi vậy.

Nhưng, tôi chưa bao giờ là nhiếp ảnh gia, dù làm ảnh có kha khá tiền từ khi rất nhỏ. Học cấp nào nhà trường cũng có ảnh tôi chụp cho bạn bè hay lớp, trường. Chụp ảnh chỉ là thú vui thôi. Tôi chỉ nghĩ chụp ảnh và hiểu về nghề ảnh là nghề nghiệp gắn với mình như máu thịt chứ không phải môn nghệ thuật tôi theo đuổi.

Hội hoạ cũng vậy.

Tôi chưa từng học vẽ, dù chỉ một buổi, chưa từng có ai chỉ dạy về màu hay đường nét cách vẽ... nhưng lạ cái là ở môi trường nào người ta tiếp nhận tôi cũng nghĩ tôi là hoạ sĩ. Chối không được thì tôi làm. Và gần sáu mươi năm sống trên đời, tôi nhận ra, bạn đừng nghĩ đến năng khiếu có hay không, cứ làm sẽ biết mình có năng khiếu hay không và... làm nhiều sẽ quen tay. Thẩm mỹ thì cần văn hoá nền tảng và tư duy tiếp thu học từ đời sống.

Đề tài nào gây nhiều cảm hứng trong chị?

- Tôi quen chụp ảnh báo chí và rất thích chụp chân dung từ trẻ con đến người lớn ở mọi hoàn cảnh, môi trường, ánh sáng.

Tôi nhìn cuộc sống và con người đẹp lắm nên tôi tự tin ở hai thể loại đời thường này.

Khi bạn giơ máy lên, bạn không thể giấu được bản thân mình.

Với chị, nghệ thuật là thú vui, hay là một điểm giúp cân bằng tinh thần chị?

- Tôi không phân biệt nghệ thuật và cuộc sống đời thường của tôi vì không tách riêng nó ra được. Tôi không cần cố gắng bất cứ điều gì vì cố gắng là phải theo đuổi hay bắt mình làm. Tôi sống như tôi thích, và bất cứ việc gì tôi làm cũng là do tôi thích, như để mình không chán nên tôi không biết có phải nghệ thuật không.

Phải chăng, sống giữa nghệ thuật, cũng là cách để chị luôn hồn nhiên, trẻ trung?

- Tôi nghĩ hồn nhiên là khi đã trải qua nhiều sóng gió, thậm chí chết đi sống lại quá nhiều lần trong vài chục năm sống, bạn sẽ thấy sống một ngày vui vẻ quý giá lắm.

Khi nhắc đến chị, mọi người thường nói đến hình ảnh một phụ nữ luôn biết cháy hết mình cho đam mê và cảm thông, tận tụy với người thân, bạn bè, còn chị tự thấy mình ra sao?

- Có lẽ tôi giống mẹ mình. Sống từng giây phút với cảm xúc tận cùng. Tôi ghét những gì hời hợt nhằm giết thời gian, nên tôi không lưng chừng được. Tôi thích thay đổi toàn diện chứ không làm những việc chỉ thay đổi chốc lát đời sống và hoàn cảnh nào đó mà tự tôi có nhu cầu chia sẻ hay giúp đỡ.

Khi ở trong nhà, hình ảnh chị Đỗ Hương thường như thế nào với những thói quen và thú vui?

- Con gái tôi, là cháu gọi tôi bằng dì ruột, nói với cậu con trai lúc 10 tuổi: Nhà mình bà trẻ nhất xong mới đến con.

Tôi thích chiều chuộng mọi người, mọi điều mà tôi có thể làm được trong khả năng của mình. Tính tôi nghịch ngợm, ưa vui đùa và muốn con cháu bạn bè thích mình bởi sự không nhàm chán từ trong ra ngoài khi đến với tôi. Tôi say mê yêu, yêu cả bản thân mình, đơn giản không cần nghĩ.

Chị từng có quan điểm: “vì độc lập tự do của bản thân, tôn trọng và bảo vệ sự khác biệt một cách hòa bình”, chị có thể giải nghĩa rõ hơn với lựa chọn sống này của chị?

- Tôi thích được sống theo ý mình và rất khó chịu khi bị ra lệnh hay bị gò ép theo ý người khác, miễn tôi không phạm vào đạo đức và luật pháp, nên tôi nghĩ mình tôn trọng mọi người để mọi người tôn trọng mình. Con người có ai giống ai đâu. Không lên án hay chỉ dạy ai khi họ không yêu cầu hay không làm hại cộng đồng. Tôi không thích tranh luận mà không đi đến đâu.

Làm thế nào để chị luôn duy trì có những suy nghĩ vui vẻ, tích cực?

- Đầu tiên là phải làm cho mình yêu mình đã. Tức là ngắm, nghe nhìn bản thân trong một tâm thế thật tĩnh để biết mình biết người. Tôi thích đón nhau bằng nụ cười như một ngày mới có ánh nắng ban mai vậy.

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo/Nghệ sĩ Đỗ Hương: Không bao giờ cô đơn, nếu biết quý trọng cuộc sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO