Nghiệp quan và đạo nhà

Phạm Quang Long 14/02/2018 09:30

Hai chữ nếp nhà nghe giản đơn vậy thôi, nhẹ nhàng vậy thôi nhưng nó chứa đựng sức nặng của nhiều đời bởi để có được một nếp nhà các thành viên của gia đình đã phải dày công xây dựng, vun đắp, phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn của đời sống để giữ gìn và làm cho nó ngày một dầy dặn thêm. Quốc pháp và gia huy là hai vế tồn tại song song trong mọi thời kỳ, góp phần làm cho đất nước an bình, trên ra trên, dưới ra dưới, kỷ cương, hòa thuận.

Nghiệp quan và đạo nhà

Nếp nhà, nghe thật giản dị và như một điều gì đó tự nhiên, nhi nhiên như cuộc đời phải thế, như mỗi thành viên trong một gia đình đều thấy như một đòi hỏi tự nhiên mà mình có nghĩa vụ phải tuân theo. Đúng như vậy mà cũng không phải vậy. Nói nó tự nhiên, nhi nhiên vì về mặt đạo lý, nó là những nguyên tắc sống, là đạo lý mà từ thủa còn ấu thơ người ta đã từng được nghe những người lớn trong gia đình nhắc nhở, uốn nắn, rèn cặp. Từ trong nết ăn, nết ở của mỗi thành viên, gia đình đối với nhau, với cộng đồng. Không phải tự nhiên, nhi nhiên vì trong cuộc sống, biết bao biến cố, thăng trầm, thử thách lắm khi phải đánh đổi cả mạng sống để không làm ô danh truyền thống gia đình, để nói như cụ Nguyễn Khuyến, không đến nỗi “cúi trông thẹn đất, ngửa trông thẹn trời” là cả một sự phấn đấu bền bỉ, đầy cam go để vượt lên hoàn cảnh, vượt lên trên những thói thường, vượt lên chính mình trước mọi cám dỗ, lợi lộc.

Người xưa mỗi khi Tết đến, xuân về trong những gia đình nề nếp thường có tục lệ “tổng kết” việc nhà trong năm, soát xét lại những gì làm được, những gì chưa làm được. Các bậc thức giả trong những ngày này thường gửi gắm trong những lời nhắn gửi, dạy dỗ con cái trong nhà hãy giữ nếp nhà, làm rạng danh truyền thống tổ tiên là một cách thể hiện lòng tri ân công đức tổ tiên đã sinh thành, dưỡng dục và tạo nên nếp nhà, nối dài truyền thống gia đình, dòng họ.

Đối với những bậc trí thức Nho giáo, sau khi học hành, thi cử đỗ đạt rồi thường được bổ làm quan, tức là đã thỏa chí “làm trai” họ theo đuổi, bắt đầu thực hiện lý tưởng nhập thế để giúp đời. Gặp thời vua sáng, tôi hiền, họ thường hăm hở mang hết sức tài bồi cho nước nhà, coi đó là nợ tang bồng phải trả. Gặp phải hôn quân, không ít người trong số họ treo ấn, từ quan, lui về quê mở trường dạy học, đào tạo nhân tài, quyết không uốn mình theo thời mưu lợi cho riêng mình. Tất nhiên không phải vị quan nào cũng hết lòng thực thi phận sự “cha mẹ dân” mà trong số họ không ít người đã trở thành những quan tham khiến không chỉ có một đời bị chê cười, nguyền rủa mà tiếng xấu của họ còn lưu truyền nhiều đời sau, coi như là một vết nhục của gia đình, dòng họ. Ngược lại không ít người đã trở thành những lương đống của nước nhà, suốt đời cúc cung tận tụy, trí quân, trạch dân, không màng những danh lợi riêng tư, để lại những tấm gương sáng về tinh thần phụng sự đất nước, về sự thanh liêm, trở thành lương tâm của thời đại mình, treo tấm gương sáng cho đời.

Nhân ngày xuân, xin cùng ôn lại chuyện dạy con của một trong những bậc thức giả chưa xa ta lắm để cùng soi vào tấm gương ấy, nhìn lại mình, ngẫm xem thế sự. Ấy là cùng nhớ về hai bài thơ dạy con nhân ngày xuân của cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Ai cũng biết, cụ Tam Nguyên đỗ đầu tam trường, được bổ làm quan nhưng cụ cũng chỉ tham chính có hơn chục năm rồi cáo lão về an trí. Chưa thật rõ lý do cụ từ quan là gì nhưng bằng vào những tâm sự cụ thể hiện qua thơ văn, chắc có lý do cụ thấy thời cuộc có nhiều điều không đắc ý. Cũng là suy đoán thôi nhưng chắc không phải vì bổng lộc không thỏa lòng vì người như cụ chắc chuyện áo cơm không phải là chuyện lớn đến vậy. Luôn lo nghĩ đến nghiệp nhà, chuyện đọc sách, chuyện đời, Nguyễn Khuyến có đến chục bài dạy các con.

Ở đây chỉ xin nói đến hai bài thơ, cùng viết cho một người là Nguyễn Hoan, đỗ Tiến sĩ. Tiến sĩ ngày xưa danh đã lớn, có thể được bổ làm bậc cha mẹ dân nhưng Nguyễn Khuyến không nghĩ vậy. Cụ vẫn dạy con cẩn trọng khi bước vào đời. Nghiệp quan trường và giữ đạo nhà là hai chuyện không mấy khi hòa hợp. Giữ được mình trong đường hoạn lộ là chuyện không dễ dàng gì nhưng giữ được lòng ngay, sự thanh liêm, đúng nghĩa của bậc cha mẹ dân còn khó hơn nhiều. Ở bài Thị tử Hoan (Dạy con là Hoan), cụ viết: Chửa được làm quan những ước quan/Được làm mới thấy khó vô vàn/Thuyền chèo bể hoạn lòng nên nhẹ/Lợi bén hơi đồng mắt chớ tham/Dốc hết bạc vàng, nay túi rỗng/Hòng chi đen đỏ lúc canh tàn/Con dù vẫn cậy thông minh đấy/Hãy chép lời cha dán trước bàn (bản dịch của Hoàng Tạo). Có lẽ viết một bài chưa đủ vì còn nhiều điều muốn nói, cụ lại viết tiếp bài nữa, bài này có tên Xuân nhật thị tử Hoan (Ngày xuân dạy con là Hoan), cụ dặn: Ta đã từ quan, con lại quan/Làm quan biết cách khó vô vàn/Danh cao sợ lấn lòng ngay mất/Nhà khổ nên làm chức nhỏ hơn/Công việc ngày nào, ngày ấy liệu/Khoan dung một chút/một phần hơn/Con đi! Mượn gió xuân đưa tiễn/Làm thuốc ôn hòa để tặng con (Khương Hữu Dụng dịch).

Hai bài thơ, một thái độ, một tấm lòng. Yêu con, lo lắng cho con là điều có ở mọi người cha nhưng dạy con theo kiểu cụ đã làm thì không phải ai cũng làm được. Cả hai bài đều nói đến chuyện muốn cho con cái trưởng thành, đem lại danh giá cho gia đình là điều hầu như người cha nào cũng có nhưng nghiệp quan trường cũng lại là chốn lửa thử vàng. Chuyện trí lự, tài năng là một chuyện, chuyện nhân cách, giữ mình mới đáng lo hơn. Bài đầu: Chửa được làm quan những ước quan/được làm mới thấy khó vô vàn. Bài thứ hai ý hơi vẫn ý ấy nhưng cụ nói rõ hơn cái khó ở đâu và mình phải hành xử thế nào? Làm quan biết cách khó vô vàn. Thế nào là biết cách làm quan? Bể hoạn dễ làm đắm thuyền những ai thiếu bản lĩnh bởi trăm điều quyến rũ. Lợi ích, quyền lực dễ làm mờ mắt ngay cả những người ban đầu vốn không như vậy. Cụ nói rõ hơn trong bài thứ hai: Danh cao sợ lẫn lòng ngay mất/Nhà khổ nên làm chức nhỏ hơn.

Chí lý vậy mà cũng lớn lao về nhân cách vậy. Bây giờ, không ít người lo thu xếp cho con không phải nối nghiệp nhà mà chui vào những chỗ dễ bề tiến thân. Chỗ khác nhau giữa một nhân cách lớn với những kẻ tầm thường chính là ở chỗ này. Tình cha con, lo lắng cho con ai cũng có nhưng làm sao để giữ được nếp nhà, không thẹn với đất, với trời khi nghĩ về đạo làm người chính là ở nhân cách của những bậc thức giả. Họ thực sự không coi lợi lộc làm đầu, họ chọn phụng sự và giữ mình trong sạch làm căn bản. Sợ con chưa thấm lời mình, cụ nói thẳng: Con dù vẫn cậy thông minh đấy/Hãy chép lời cha dán trước bàn. Có những người cha như thế, con cái làm sao lại không lo giữ nghiệp nhà? Noi theo các tấm gương ấy, truyền thống gia đình, nếp nhà tạo nên một nét đẹp trong đời sống dân tộc. Những nét đẹp ấy luôn được nêu ra như những lý tưởng sống truyền từ đời này qua đời khác là do có những nhân cách như vậy trong mỗi gia đình, dòng tộc.

Nếp nhà vừa là đạo đức, vừa lớn hơn đạo đức. Nó không phải chỉ là ứng xử. Nó là đúc kết của nhận thức lý tính kết hợp với sự rèn luyện của từng cá nhân. Nhận thức làm cơ sở cho những hành vi đạo đức noi theo gương sáng của những nhân cách lớn và sự tu thân của mỗi người. Nếp nhà- một nét đẹp trong truyền thống văn hóa mà thiết nghĩ, ngày nay cần được nêu ra như một vấn đề của xã hội cần suy ngẫm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiệp quan và đạo nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO