Mấy vấn đề của văn chương

Đinh Quang Tốn 08/10/2018 18:00

Cảm hứng cũng có những điều bí ẩn, giống như một cô gái đỏng đảnh, lúc hẹn hò thì không đến mà lại đến vào những lúc không hẹn. Cảm hứng văn chương cũng khác với cảm xúc cuộc sống, nhiều khi cảm xúc dạt dào, vui buồn tột đỉnh nhưng cảm hứng văn chương lại không đến.

Mấy vấn đề của văn chương

(Minh họa: Jonathan Wolstenholme).

Hãy cẩn trọng với từng chữ

Tuổi càng nhiều tôi càng ít viết. Hình như trong tôi có một nhà phê bình nên tôi cứ cầm bút là lại bị nhắc nhở: Phải cẩn trọng với từng chữ khi viết ra. Tất nhiên, chữ nghĩa là của mình, muốn viết ra bao nhiêu mà chẳng được. Nhưng mặt khác, chữ nghĩa cũng không hoàn toàn là của mình, vì chữ nghĩa có giá trị khách quan của nó.

Trong những người cầm bút từ xưa vẫn truyền nhau, nhắc nhở nhau là phải biết sợ chữ. Tức là phải biết quý trọng từng chữ viết ra, không được phung phí, không được viết bừa, viết ẩu. Vì thế, sách của các cụ để lại không quá nhiều mà hầu hết đều đáng đọc cả. Một số cuốn tuy chưa phải là trước tác, nhưng đọc cũng rút ra được điều gì đấy. Nhà thơ Tú Xương đã từng mắng một kẻ dốt nát lại đùa với chữ nghĩa: Văn chương đâu phải là đơn thuốc/ Chớ có khuyên sằng chết bỏ bu. Nhà thơ Chế Lan Viên thì viết:

Câu thơ ư?

Đó là một cách truyền lửa qua muôn đời

Ai hơi đâu truyền đuốc tắt mà chơi.

Muốn truyền lửa thì tất nhiên chữ nghĩa phải phát sáng, phải là tinh diệu, chọn lọc. Và đương nhiên chữ phải có hồn, tức là chữ phải mang nặng tư tưởng, tình cảm, và tư tưởng tình cảm ấy phải có sức sống.

Từ khi bước vào nghiệp văn, thâm tâm tôi vẫn tôn thờ những tác phẩm ít chữ mà ý tứ cao siêu. Vì thế, tôi thật sự kinh hãi với những rừng văn núi sách hiện nay. Có thể nói, rất nhiều người viết hiện nay không biết sợ chữ, cứ viết gì in nấy, sách ra ào ào. Thơ thì có người in đến hàng chục tập, tổng số đến dăm bảy trăm bài. Về số lượng thì có lẽ thơ của họ còn vượt xa cả Đào Uyên Minh, Bạch Cư Dị, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ... Văn thì có người cũng mỗi năm ra một vài tập dày đến mấy trăm trang. Cả đời có đến mấy vạn trang. Để cho ai đọc mà nhiều thế? Hay là viết ra là để cho không ai đọc?

Tôi cũng thường ngẫm lại lời của cổ nhân văn tức là người. Tưởng rằng câu ấy thì ai cũng biết, có gì mà phải nhắc lại. Ấy vậy mà chăm chú thì thấy cũng có nội dung mới. Mới đây, xem một tác phẩm truyền hình, tôi bỗng giật mình vì sự quá dễ dãi của tác giả. Trước đây, đã có câu “Phở mậu dịch, kịch truyền hình”. Tưởng điều ấy chỉ xảy ra ở mấy chục năm trước. Nhưng không phải, thời buổi thị trường điều ấy còn nhiều hơn. Vâng, văn đúng là người. Làm nghề biên tập nhiều năm tôi nghiệm câu này có ý nghĩa thật sâu sắc, và đúng một cách đáng sợ. Đối với các nhà văn, tác phẩm của anh, không chỉ là vạch áo cho người xem lưng mà là vạch áo cho người xem hết mọi thứ của mình: Tư tưởng, tình cảm, trình độ học vấn, thái độ sống, văn hóa ứng xử... Anh tự lột hết anh ra, không có gì che giấu được. Thậm chí, càng che giấu càng lật tẩy. Thế thì các cụ nói phải biết sợ chữ là phải.

Trong văn chương nghệ thuật có quy luật riêng rất nghiêm khắc. Viết nhiều, in nhiều, được ngợi ca nhiều, chưa chắc đã còn lại được một câu. Vì vậy, bạn bè đồng nghiệp phải chân thành nhắc nhau: Hãy cẩn trọng với từng chữ viết ra.

Viết văn vào lúc nào

Mỗi người viết văn có một cách viết khác nhau. Người viết vào đêm khuya yên tĩnh. Người lại có cảm hứng viết vào buổi sáng sớm. Có người thì viết vào bất cứ lúc nào có cảm hứng. Cũng có người có kế hoạch hẳn hoi viết vào bảy giờ sáng đều đặn hàng ngày… Chẳng ai giống ai cả. Mỗi người viết có cách viết phù hợp với mình, miễn sao viết ra được những tác phẩm có giá trị. Vì vậy, kinh nghiệm viết văn của người này không thể áp dụng cho người khác. Cho nên trong nghề văn không ai dạy ai được. Những trường viết văn cũng chỉ bồi dưỡng kiến thức, đưa ra những kinh nghiệm để tham khảo và những đường nét tổng quát về mọi phương diện của văn chương… từ đó người viết văn tự tìm ra cách đi phù hợp cho mình.

Viết vào lúc nào? Phải là lúc có cảm hứng. Nhà thơ Sóng Hồng có viết: Nhiều khi ý kiến lớn/ Vụt đến lúc đi đường. Đấy là tư tưởng chính trị, chiến lược, sách lược cách mạng. Đối với văn chương nghệ thuật cũng vậy thôi, không thể chỉ ngồi mà nghĩ ra được. Cho nên tôi không tin khi nhà văn nào đó kêu ca dạo này bận không có thì giờ để viết nên chẳng viết được gì. Tôi chỉ tin những người nói: dạo này không có cảm hứng nên không viết được. Tất nhiên thời gian và công việc cũng có những tác động đến nhau. Nhà văn Tô Hoài trong cuộc đời mình đã giữ bao nhiêu chức vụ, làm bao nhiêu công việc, kể cả làm tổ trưởng dân phố, nhưng ông vẫn có thời gian để viết đến gần hai trăm tập sách. Còn nhiều người rất nhàn nhã, dư thừa thời gian mà nào có viết được gì đâu.

Cảm hứng đến với mỗi người mỗi khác. Thi tiên Lý Bạch của Trung Hoa xưa, uống rượu và làm thơ đi liền với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì viết thơ nhật ký ở trong tù. Nhà thơ Ibutalip (Đaghextan - Nga) chỉ làm được thơ khi ở trong ngôi nhà hầm tồi tàn của mình. Khi nhà thơ được nước cộng hòa quan tâm phân cho một căn nhà mới thì nàng thơ lại bỏ ông đi… Cảm hứng cũng có những điều bí ẩn, giống như một cô gái đỏng đảnh, lúc hẹn hò thì không đến mà lại đến vào những lúc không hẹn. Cảm hứng văn chương cũng khác với cảm xúc cuộc sống, nhiều khi cảm xúc dạt dào, vui buồn tột đỉnh nhưng cảm hứng văn chương lại không đến. Nhầm lẫn điều này, cứ thấy vui buồn mà đặt bút thì có khi lại được toàn phù du. Nhưng cũng có khi cảm hứng văn chương xuất hiện đồng thời với cảm xúc cuộc sống, không biết nó có cộng hưởng không hay nó chỉ hỗ trợ nhau mà tạo thành tác phẩm có chất lượng hơn. Ấy là khi Tố Hữu viết bài thơ Bác ơi!, Chế Lan Viên viết Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?, Dương Hương Ly viết Bài thơ về hạnh phúc, Phạm Tiến Duật viết Lửa đèn, Trần Đăng Khoa viết bài thơ Mẹ ốm… Cảm xúc cuộc sống và cảm hứng văn chương có sự tương quan thúc đẩy nhau giống như đời sống văn hóa và nền văn chương vậy.

Đọc, đi và viết

Nhà thơ Phạm Tiến Duật có lần nói: Các nhà thơ nhà văn cần chia đều thời gian cho đọc, đi và viết.

Quả thật đó là ba việc cần thiết của mỗi nhà thơ nhà văn. Nhưng chia đều hay phân chia một cách cân đối cũng là một nghệ thuật. Và việc phân chia này cũng mỗi nhà văn một khác, sao cho phù hợp với nét riêng mỗi người.

Đọc tức là học những kiến thức, những tư tưởng, những giá trị thẩm mỹ mà các thế hệ truyền lại. Sách thì nhiều vô cùng, nhất là thời mở cửa hội nhập. Biết bao nhiêu vàng ngọc của đời ở bao nhiêu nước đem đến cho chúng ta. Làm cách nào để tiếp nhận được hết? Cũng nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khuyên tôi lúc trẻ: hãy chọn những sách hay mà đọc. Đúng rồi, phải chọn những sách hay, bởi nếu đọc sách dở thì nó làm hỏng người, còn đọc sách tuy không dở nhưng chưa hay thì cũng phí thời gian. Đời người có hạn lắm, mấy ai sống được trăm năm! Vậy đừng để phí thời gian đọc sách không hay. Muốn vậy phải học thì mới biết, chứ đừng để bị lừa bởi những lời quảng cáo. Đọc tức là học suốt đời.

Đi một ngày đàng học một sàng khôn! Ông cha mình đã đúc kết thế. Tức là đi cũng là học. Nhưng đây là học trong thực tế, nó là những trang sách mới, khác với cuộc sống hiện tại của mỗi nhà văn. Cuộc sống hiện tại cũng là sống, mà đi cũng là sống. Nhưng sống cũng có người sâu sắc và có người hời hợt. Đi cũng có người học được sàng khôn, nhưng cũng có người chỉ cưỡi ngựa xem hoa. Thì xem ra, cùng một việc thôi mà mỗi người làm đã khác nhau nhiều lắm. Đi có người ghi chép có người không. Đa số các nhà văn đi thực tế ghi chép rất tỉ mỉ. Pautốpxki (Nga) thì cho rằng cứ đi và sống bình thường không cần ghi chép, khi nào cần đến điều gì thì tự nó đã có mặt ở đấy rồi. Đấy là phong cách đi thực tế của nhà văn viết truyện ngắn đầy chất thơ chăng?

Đọc và đi là quá trình nạp chất của mỗi nhà văn. Không có quá trình này thì mầm năng khiếu không thể phát triển . Nhà văn muốn trưởng thành cũng giống như cây phải chăm bón. Có điều khác với cây được người chăm bón, nhà văn chủ yếu phải tự chăm bón mình. Không ai đọc thay nhà văn, cũng không ai có thể đi, có thể sống thay nhà văn được. Môi trường sống là cần, nhưng không phải quyết định. Điều này đòi hỏi bản lĩnh và nghị lực của mỗi người. Người thể hiện được tài năng là những người có bản lĩnh vượt lên làm chủ hoàn cảnh và điều kiện sống. Bản lĩnh của nhà văn là ở chỗ: đọc nhiều nhưng không loạn chữ đối với người giàu sách, mà nếu nghèo sách thì đọc chữ nào phải được chữ ấy.

Còn viết thì lại là quá trình khác. Đó là quá trình chuyển đổi chất từ cây lá xanh thành quả chín. Anh đọc lắm đi nhiều, mọi điều đều hay, nhưng cuối cùng là anh viết được cái gì. Có những loại cây ra rất nhiều quả, sai bện từ gốc tới ngọn hết năm này qua năm khác; có loại cây cả đời chỉ ra quả một lần. Nhà văn nhà thơ cũng phần nào giống vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mấy vấn đề của văn chương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO