Hội nghị Trung ương 8 khóa XII: Đưa ra nhiều định hướng chiến lược

Mai Loan 20/10/2018 08:15

Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã họp tại Hà Nội trong 5 ngày đầu tháng 10 và vừa kết thúc hồi cuối tuần qua. Đây có thể xem là một kỳ hội nghị ngắn ngày nhưng bàn nhiều vấn đề trọng đại của đất nước, từ những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế- xã hội cho tới định hướng chiến lược biển Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050 rồi vấn đề về công tác xây dựng Đảng.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XII: Đưa ra nhiều định hướng chiến lược

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 8 khóa XII. (Ảnh: TTXVN).

1. Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã họp tại Hà Nội trong 5 ngày đầu tháng 10 và vừa kết thúc hồi cuối tuần qua. Đây có thể xem là một kỳ hội nghị ngắn ngày nhưng bàn nhiều vấn đề trọng đại của đất nước, từ những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế- xã hội cho tới định hướng chiến lược biển Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050 rồi vấn đề về công tác xây dựng Đảng.

Tại hội nghị, kinh tế- xã hội trong 9 tháng đầu năm 2018, theo báo cáo của Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương, rõ ràng có nhiều điểm sáng trong muôn vàn gian khó. Dự báo, đến cuối năm 2018, chúng ta có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 6,6 - 6,8%, quy mô GDP khoảng 240,5 tỉ đô la Mỹ. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức dưới 4%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường; bội chi ngân sách ở mức 3,67% GDP; nợ công có xu hướng giảm và ngày càng thấp xa hơn mức trần do Quốc hội quy định. Thị trường tiền tệ ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục được cải thiện. Xuất khẩu ước đạt 238 tỉ đô la, tăng 11,2% so với năm 2017; xuất siêu hơn 3 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn đang ở phía trước trong một thế giới bất định với nhiều thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống; còn ở trong nước chúng ta vẫn luôn phải đối mặt với thiên tai bất ngờ và nền kinh tế phát triển chưa thật sự vững chắc, còn tiềm ẩn một số yếu tố có thể tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an ninh, trật tự xã hội.

Chính vì thế, phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư lưu ý: “Từ nay đến cuối năm và trong những năm tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2018. Trong năm 2019, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới.” Kinh tế- xã hội mà phát triển vững chắc sẽ làm nền tảng để chúng ta củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo thế và lực để Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

2. Cũng trong quá trình đưa ra đường hướng cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, lần này, Trung ương bàn về Chiến lược biển Việt Nam sau 10 năm chúng ta đã thực hiện Chiến lược biển.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà đánh giá, các vấn đề từ kinh tế, an ninh quốc phòng, môi trường cho tới vấn đề tư duy, quan điểm đã cho thấy, Chiến lược biển đã mang lại sự thay đổi căn bản, đưa Việt Nam chuyển hẳn định hướng trở thành một quốc gia biển, hướng ra biển, coi biển là cửa ngõ, là bậc thềm để Việt Nam vươn ra thế giới.

“Đánh giá chung về chỉ số GDP của các tỉnh ven biển, kết quả phát triển kinh tế xã hội khu vực ven biển, cuộc sống người dân ven viển… đều cho thấy các vùng ven biển đã trở thành những khu vực phát triển hết sức năng động. Các vùng này trở thành trung tâm kinh tế và động lực kinh tế, tạo động lực rất lớn về đầu tư và phát triển cho cả nước” – Bộ trưởng TNMT nhận định.

Đặc biệt, tính chung GDP cả nước, khu vực ven biển chiếm tới 60-70%. Đời sống người dân vùng biển cải thiện nhanh so với nhiều địa phương không có biển. Các vấn đề khác như an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền, trật tự đều đạt kết quả tốt. Nhưng để phát triển kinh tế biển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta cần có một tầm nhìn chiến lược dài hơi hơn và một sự quyết tâm cao hơn từ chính sách đến thực thi.

Lần này, Trung ương đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước; đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo… Kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển có hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường và được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Bảo đảm cân bằng sinh thái và hài hoà các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, liên kết và hỗ trợ giữa các vùng nội địa đất liền, vùng ven biển và hải đảo, đại dương. Bên cạnh đó, “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế.”, Tổng Bí thư nhấn mạnh quan điểm, mục tiêu của chúng ta trong xây dựng Chiến lược biển đến 2030 tầm nhìn đến 2050.

3. Tại Hội nghị Trung ương 8, bên cạnh việc thảo luận các vấn đề kinh tế- xã hội, Trung ương còn bàn và góp ý vào Đề án Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Đề án được bàn và được Trung ương quyết định sớm ban hành nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “nếu gần 200 Uỷ viên Trung ương khoá XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan toả rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.” Quy định trách nhiệm nêu gương của các lãnh đạo cấp cao khi được ban hành chính là cách để cán bộ cấp càng cao càng phải hiểu rõ trách nhiệm của mình với đất nước và phải nêu gương, phải nỗ lực phấn đấu vì sự phồn vinh của đất nước. Quy định trách nhiệm nêu gương là một cách để tăng cường xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh từ trên xuống dưới mà trách nhiệm lớn nhất là từ các cán bộ giữ trọng trách cao trong Đảng trong Nhà nước.

Nói chung những vấn đề đặt ra tại Hội nghị Trung ương 8 đều là những vấn đề mang tầm chiến lược liên quan đến quá trình phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội nghị Trung ương 8 khóa XII: Đưa ra nhiều định hướng chiến lược

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO