Buông dần bút vẽ chuyển sang máy ảnh

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện) 14/11/2017 14:15

Nói đến nghệ sĩ Dzũng Art, đều nghĩ ngay tới tà áo dài dân tộc. 17 năm từ tranh đến ảnh, đề tài người phụ nữ yêu kiều trong tà áo dân tộc nhuốm màu hoài niệm, ở giữa khung cảnh đẹp dịu dàng của Việt Nam, thống nhất và xuyên suốt hành trình sáng tác của anh.


Nghệ sĩ Dzũng Art.

Sinh năm 1959, nhưng đến năm 2000 mới bắt đầu cầm bút vẽ, sang năm 2004 có triển lãm tranh đầu tiên, rồi dừng lại, chuyển sang cầm ống kính chụp ảnh, vì vậy công chúng biết đến nghệ sĩ Dzũng Art (tên thật là Nguyễn Quốc Dũng khá muộn). Với hội họa và nhiếp ảnh, Dzũng Art tưởng chừng đi trên hai con đường, nhưng có gì đó rất liên quan đến nhau. Nhìn tranh của Dzũng Art, anh vẽ tả thực như thể một bức ảnh chụp, còn nhìn ảnh của anh, lại thấy bồng bềnh phiêu lãng với những đường nét ảo mờ mơ màng như một bức tranh. Dù 40 tuổi bắt đầu cầm máy ảnh, loay hoay với mẫu, cảnh vật, khuôn hình, bố cục ánh sáng… nhưng ngay lập tức khi đưa ra công chúng qua triển lãm cá nhân, rất đông người cảm thấy yêu thích gần như ngay lập tức những tấm ảnh anh chụp.

Sự tinh khiết nảy sinh từ đó, vẻ đẹp dịu dàng thơ ngây mà cũng kiêu kì của những cô gái, tà áo dài bay lên trong gió, màu nâu trầm của đình chùa… tạo nên dấu ấn rất văn hóa Việt Nam, được lột tả với phong cách riêng đặc trưng, mà chỉ Dzũng Art mới có. Nhiều nhiếp ảnh trẻ đã đi theo, bắt chước anh, nhưng tất cả đều mờ nhạt phía sau bức hình mà Dzũng Art chụp. Bởi ngoài kĩ thuật, bề dày kinh nghiệm, còn có cả sự chuyên cần, việc thống nhất chỉ một chủ đề, giúp nghệ sĩ đi rất sâu vào bên trong để khai thác, và sự rung động bởi chính từ những ký ức đã trải qua của người nghệ sĩ, sẽ không thể lặp lại ở ai đó khác.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tuổi thơ tôi gắn liền với chiến tranh , quãng 6-7 tuổi đã phải đi sơ tán. Ngày ấy Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Tất cả lứa chúng tôi đều phải rời khỏi Hà Nội, cuộc sống khó khăn nay đây mai đó, cho đến đầu 1973 thì trở về Hà Nội. Lúc này mới thấy hòa bình quí giá với dân tộc ta thế nào, được bình yên học và chơi dù ngày ấy còn nghèo lắm. Nhớ lại thấy quá khứ trong veo, người với người sống với nhau bằng tình”.


Một trong số những tác phẩm ảnh của nghệ sĩ Dzũng Art.

Nghệ sĩ Dzũng Art, dành thời gian ít ỏi nghỉ ngơi giữa những buổi chụp, chia sẻ về đời sống và công việc với Tinh Hoa Việt.

Tuổi thơ của anh gắn liền với Quân Khu Nam Đồng, anh có thể chia sẻ về những kỷ niệm từ khu nhà đó?

- Tôi hạnh phúc được gắn bó với khu tập thể Nam Đồng, sau này bọn chúng tôi gọi là Quân Khu Nam Đồng. Đây là khu gia binh lớn nhất thời đó, một thế hệ con của các ông bố là sĩ quan quân đội học, chơi cùng nhau mấy chục năm. Bố ra chiến trường, mẹ đi làm chỉ còn lũ trẻ dính với nhau suốt ngày, bày đủ trò nghịch ngợm, nhất là kéo bè kéo lũ đi đánh nhau. Ngày ấy trong cặp lũ tôi thường có dao, búa… Nghe anh em bị bắt nạt ở đâu là gọi nhau kéo đến đánh, hoặc đi theo các anh lớn để lấy oai. Những kỉ niệm đẹp không phải ai cũng có.

Còn thời gian đi sơ tán thì sao?

- Những năm chống Mỹ từ 1965 đến 1972 là những năm xa Hà Nội đi sơ tán vất vả thiếu đủ thứ. Bố mẹ hàng tháng mới lên thăm tiếp tế được một lần, khi bố mẹ về thì túm chặt lấy khóc tu tu. Mấy anh em quấn quít đùm bọc nhau, chia nhau củ sắn, quả trứng luộc. Đi học thì nào là túi cứu thương, mũ rơm đeo bên mình, ấy vậy rồi mỗi năm cũng lên một lớp, cũng nên người.

Có những kí ức nào gợi đến việc anh sẽ theo đuổi nghệ thuật không?

- Bố tôi là sĩ quan quân đội, trước khi tham gia kháng chiến 1946 ông từng học dở dang trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là ĐHMT VN). Có lẽ thừa hưởng gen của ông thì phải. Năm lớp 5, tôi thích vẽ, mẹ tôi cho đi học vẽ ở Câu lạc bộ thiếu niên. Vì máu mê học vẽ mà tôi bị đúp lớp. Từ năm ấy thì năm nào cũng phụ trách tờ báo tường của lớp, tha hồ vẽ vời và được các bạn nhìn mình vị nể, oai lắm. Manh nha cho con đường đi của tôi sau này, chắc từ hồi 11,12 tuổi.

Con đường đi ấy của anh hiện hình rõ hơn hẳn khi anh bắt đầu học trường mỹ thuật?

- Năm lớp 10 (ngày ấy học hệ 10 năm), thi ĐH vào Tổng hợp Văn thiếu một điểm, bố mẹ lo méo mặt, bảo “giờ biết làm gì, hay con đi học nghề vậy chứ chờ năm sau biết thế nào”. Tôi xin vào trường Cơ Điện học làm… công nhân, được gần năm bạn bè bảo: “mày có năng khiếu vẽ, tại sao không thi vào Mỹ Thuật”. Thế là bỏ công nhân, thi vào Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp, trúng luôn, lại đỗ rất cao. Đúng sở thích, hợp môi trường, vẫy vùng như cá gặp nước.

Ra trường, những năm từ 1984 đến 1988 là thời tôi vẽ tranh trên sứ kiểu souvenir, chủ yếu bán cho chuyên gia các nước XHCN đang công tác ở Việt Nam. Hàng bán rất chạy, nhớ cứ một tuần mua được một chỉ vàng. Ngày ấy thế là khủng lắm, bạn bè tròn xoe mắt thán phục. Sau hết thời lại loay hoay các việc khác, cho đến đầu những năm 2000 mới chính thức cầm bút vẽ. Triển lãm cá nhân đầu tiên là Duyên Xưa năm 2004 ở Hà Nội thành công. Tiếp sau cứ hai đến ba năm một lần lại mở triển lãm tranh cá nhân hầu hết là ở Sài Gòn. Từ năm 2012, tôi chưa mở triển lãm tranh nào nữa, tuy vẫn gửi đây đó triển lãm nhóm hoặc gửi bày ở nước ngoài.

Vì sao anh dừng hội họa để bước sang lĩnh vực nghệ thuật khác là nhiếp ảnh?

- Nói là dừng chưa đúng, sẽ có lúc tôi quay trở lại, là nghiệp rồi khó dứt.

Tranh tôi vẽ hầu hết là đàn bà cũ với yếm đụp, áo dài cũ, cần chụp họ để làm tư liệu. Chụp rất nhiều bắt đầu khoảng 2002 cho đến nay, thấy mình chụp ngày càng đẹp lại thấy thích nhiếp ảnh. Quyết định bày triển lãm ảnh đầu tiên 2013 ở Sài Gòn, mình thích người đến xem thích. Như người ta nói là bị “đẩy xuống hố vôi”, buông dần bút vẽ chuyển sang máy ảnh là vì thế.

40 tuổi bắt đầu cầm máy, thời gian đầu tiên làm quen với ống kính diễn ra như thế nào?

- Nhiều lúc được hỏi về thời gian cầm máy ảnh vẫn có gì đó lạ lẫm với mình, không nghĩ mình vẫn là “tay máy trẻ” trong làng ảnh bởi thời gian chưa đến 20 năm. Ngày đầu chụp máy phim, mua được cái máy thích lắm, chụp tất cả cái gì mình cho là đẹp. Từ con trâu cho đến cái lá bàng đỏ… Chụp mẫu là chính, được quen biết nhiều cô đẹp cũng thích. Muốn ảnh đẹp thì phải lọ mọ tìm hiểu về máy ảnh thôi, riết rồi cũng được gọi là… “máy cứng”.

Nói chung lối rẽ sang nhiếp ảnh nó giản dị lắm, sang ngang lúc nào không hay.

Sau mười bảy năm gắn bó với nhiếp ảnh, anh quan niệm về nghệ thuật này ra sao?

- Thật lòng, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ nghiêm túc rằng mình là một Nhiếp ảnh gia. Bởi vẫn nghĩ đây chi là cuộc dạo chơi tay ngang, chơi khi nào chán thì lại vẽ, vẽ chán lại chơi ảnh. Chẳng hề đọc sách về Nhiếp ảnh bao giờ, những người nổi tiếng của Nhiếp ảnh thế giới cũng không biết, của Việt Nam thì biết vài người, nói chung là rất lơ mơ về ảnh.

Anh có thể chia sẻ về những bức ảnh chụp đầu tiên, từ ý tưởng, đến quá trình thực hiện?

- Chả có ý tưởng gì đâu, chụp người hồi ấy giờ xem lại không khác gì ảnh lưu niệm. Dàn ra đứng, ngồi cứ thế chụp, vì hồi đó chụp để làm tài liệu vẽ tranh, khác xa bây giờ ý thức hơn. Tìm mẫu cũng vây, cứ thấy được được là mời người ta, chứ bây giờ nâng lên đặt xuống chán mới ngỏ lời.

Giờ nhìn lại, anh thấy những bức ảnh đầu tiên ấy có ý nghĩa với anh ra sao?

- Nhìn lại ảnh cũ thấy đó là một kỉ niệm đẹp, chẳng soi xét về bố cục ánh sáng, về tiêu chuẩn một bức ảnh hoàn chỉnh. Nhìn ảnh ấy lại nhớ các cô ấy, lại nghĩ không biết giờ họ ở đâu, cuộc sống ra sao…. Chỉ vậy thôi.

Và cám ơn các cô ấy thật nhiều.

Với mỹ thuật, anh cũng vẽ chủ yếu là phụ nữ? sang nhiếp ảnh, anh cũng tiếp tục với nhân vật trung tâm là phụ nữ, vì sao phụ nữ thu hút anh đến vậy?

- Vẽ phụ nữ đơn giản vì họ đẹp. Tôi nhớ ngày sơ tán ở Hà bắc đã thấy các bà các chị ở quê đi chợ đi làm ruộng mặc váy đụp, yếm đào, ngày ấy ở quê có trang phục gì khác đâu. Hình ảnh người phụ nữ lam lũ ấy gắn chặt với tôi, ám ảnh tôi cho đến khi mình biết vẽ thì nó lại tái hiện trên toan.

Phụ nữ Việt Nam đẹp cả hình thức và tâm hồn, không vẽ họ thì còn vẽ ai? Phụ nữ, phải, tôi yêu họ.

Vậy anh đã từng rung động trước nhân vật của mình chưa?

Nếu nói chưa thì là nói dối, không yêu không rung động thì chắc chắn ảnh không có tình, ảnh khô cong.

Vẻ đẹp của người phụ nữ trong tác phẩm của anh đều gợi rất nhiều hoài cổ, anh chia sẻ sao về điều này?

- Trong gia đình tôi có mấy người họ hàng là sư ở chùa, ngày bé tôi ra vào chùa nhiều, ăn ngủ ở đó. Tôi yêu những kiến trúc đình chùa cũ, những gì thuộc về nơi chôn rau cắt rốn. Người phụ nữ trong tranh tôi không thể là những người của hiện tại, họ là kí ức, là cái đẹp đã phôi pha. Tái hiện hình ảnh ấy luôn xuyên suốt trong tranh, ảnh của tôi.

Gam màu anh thường sử dụng chủ yếu là các gam đổi tông nâu, anh thấy gì từ màu nâu đó?

- Hầu hết trong tranh hay ảnh của tôi là dùng gam màu nâu, màu vàng hoàng thổ, nếu có màu xanh hoặc đỏ thì câm. Màu nâu là màu của đất, màu của ruộng vườn quê ta. Bức tranh kể câu chuyện cũ thì không gì phù hợp hơn, nói được điều mình muốn nói hơn là những gam màu cũ.

Từ hội họa để khơi nguồn cảm hứng cho nhiếp ảnh, rồi từ nhiếp ảnh anh sẽ giữ tư liệu để phiêu lãng với hội họa. Nếu so sánh, anh thành công hơn ở lĩnh vực nào?

- Cách đây 10 năm tôi không nghĩ có ngày mình rẽ sang nhiếp ảnh, bây giờ không thể nói nhiếp ảnh là “tay trái” nữa. Mọi người biết đến Dũng Art nhiều hơn là vì ảnh chứ không phải tranh. Vì ảnh của tôi có chỗ đứng riêng không lẫn với ai, vì hiện nay tôi đang hứng thú với nó.

Nói đến ảnh của “Dũng Art” không chỉ là ảnh, người ta còn nhớ tới ngay những tà áo dài truyền thống?

- Vâng, đó là điều tôi vui nhất. Nhìn ảnh mà không cần nhìn tên người chụp họ biết đó là Dũng Art, là phần thưởng, là sự động viên lớn lao người xem dành cho tôi.

Khi chụp áo dài, anh muốn truyền tải cho người xem điều gì?

- Tôi không định truyền tải điều gì, chỉ là mình thấy đẹp thấy không thể không… khoe. Khi khoe ra rồi thì mọi người thấy như tôi định nói gì đó với họ, nói gì, truyền tải gì tự mỗi người cảm theo cách riêng của mình.

Triển lãm ảnh đầu tiên của anh cũng là loạt ảnh áo dài, anh có thể chia sẻ về quá trình tạo nên bộ ảnh ấy?

- Lần đầu tiên bày ảnh áo dài ở Sài Gòn là 2013, lại bày ở Nhà triển lãm của Hội Nhiếp ảnh thành phố. Gần 40 bức hồi ấy đa phần là ảnh chụp áo dài để làm tài liệu vẽ tranh, tuy là có ý thức bố cục để cho có vẻ hoàn chỉnh đúng là những bức ảnh mang tính nghệ thuật. Giờ thấy loạt ảnh ấy chưa đẹp, có phần hơi… ngô nghê. Nhưng có lẽ lần đầu tiên ảnh áo dài mang hơi thở khác những gì người xem vẫn thấy nên người xem đón nhận nồng nhiệt. Điều đó khích lệ tôi nhiều.

Sau triển lãm đó, anh có suy nghĩ gì về con đường mình đang đi?

- Được đón nhận đương nhiên là thấy mình cũng… biết chụp ảnh đấy chứ. Không nghĩ gì nhiều đâu, còn nhiệt thì còn chụp, càng chụp càng thấy đẹp hơn, cứ thế đi tiếp thôi.

Ảnh của anh, nhiều khi đẹp như tranh vậy?

- Với riêng tôi thì tôi không nghĩ thế, đấy là mọi người nhìn thấy thế. Ảnh là ảnh, là những gì mình thấy mình ghi chép lại, giơ máy lên đủ đẹp thì bấm, chưa đủ đẹp thì chưa bấm. Bày triển lãm nhiều người hỏi “tranh hay ảnh thế?”, chỉ cười.

Anh làm thế nào để hài hòa giữa ảnh chụp cảnh/ con người thực và sự mơ màng ảo mộng mà hội họa đem lại?

- Câu hỏi khó, tôi không phải là người hay chữ càng không phải là người giỏi về lý thuyết nên khó để trả lời tại sao có sự “mơ màng ảo mộng” ấy. Cái này chắc các nhà phê bình nghệ thuật rành hơn.

Ảnh của anh rất giàu cảm xúc, còn cảm xúc của chính anh diễn ra như thế nào khi cầm máy để tạo nên một bức ảnh?

- Thường khi chụp sự hưng phấn đến nhiều từ các bạn mẫu, nhờ được bạn đẹp theo ý mình tự khắc có hứng để tìm không gian phù hợp, để nghĩ ra những góc máy hay, để set up được ánh sáng đẹp. Đôi khi ngược lại, gặp được không gian cũ, đẹp như ý thì cô nào đặt vào đó cũng có ảnh đẹp. Cảm xúc lúc xuôi lúc ngược chả có niêm luật gì đâu.

Theo kinh nghiệm của anh, điều kiện về nhân vật, cảnh vật, thời tiết như thế nào là lý tưởng để có được những bức ảnh đẹp?

- Điều kiện đầu tiên là lâu thật lâu không chụp, quay trở lại cầm máy thì chụp gì cũng đẹp. Sau mới đến các điều kiện: mẫu, phong cảnh đẹp lạ, nắng hay mưa đúng lúc mình cần…

Trong quá trình tác nghiệp, đi bên anh luôn là vợ anh?

- Không, bà xã rất ít khi đi cùng, tôi đi liên tục thời gian đâu mà theo thế được, với lại là công việc chứ không phải đi chơi để đi cùng nhau.

Nhưng như những gì anh chia sẻ, thì dường như vợ anh bên anh nhiều hơn hẳn vợ của… những nhiếp ảnh khác (cười). Ngoài áo dài, anh còn chụp nude nữa, anh có thể chia sẻ những khi chụp nude mà có vợ bên cạnh?

- Chụp nude thì chưa bao giờ đi cùng, bà xã không thích là điều chắc chắn. Là đam mê là công việc của tôi bà ấy tôn trọng, không phản đối là may rồi. Phải cám ơn bà xã vì điều này.

Chụp nude đòi hỏi rất cao về ánh sáng, góc chụp, màu sắc, tôn lên được vẻ đẹp hình thể mà không gợi dục?

- Đúng thế, nói chả có giới hạn gì cũng được, mà nói giới hạn mong manh cũng phải. Vấn đề của người chụp là biết tiết chế liều lượng vừa đủ để đẹp mà không gợi dục, đủ để thấy cái “dục” trong cái art, làm được điều đó người chụp phải biết yêu, biết tôn trọng đàn bà.

Anh chuẩn bị và làm những gì để có được những bức ảnh như vậy?

- Hồi mới chụp nude thì ít chuẩn bị kĩ càng như bây giờ, có người mẫu là chụp. Giờ có cũng ít chụp, bởi không có không gian bối cảnh đẹp, chụp nude chỉ là lối rẽ nhỏ, kiểu làm khác tay đi cho đỡ chán chứ không phải mục đích của tôi. Nên mình không mất thời gian nhiều cho nó.

Cuộc đời anh, ngoài vợ, còn hai cô con gái rất xinh đẹp nữa?

- Tôi vẫn nói tôi đẹp trai nhất nhà, ba người phụ nữ quanh tôi là ba món quà đời cho tôi. Không có họ tôi không thể vẽ, không thể chụp được nhau bây giờ.

Cả ba cũng là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm ảnh của anh?

- Không chỉ cảm hứng, mà ba người này chính là năng lượng để tôi làm việc.

Để có cuộc sống yên ổn, đầm ấm bên ba người phụ nữ đẹp như vậy, anh đã làm những gì?

- Với ba người phụ nữ trong gia đình trước hết mình sống như một người đàn ông đúng nghĩa, rồi là chồng là bố, là bạn. Sự quan tâm ở hầu hết mọi góc trong cuộc sống gia đình không bao giờ là thừa, sự quan tâm ấy không bao giờ nghĩ cho đi sẽ lấy lại. Cứ chia sẻ đấy chính là hạnh phúc.

Cá tính nghệ sĩ của anh cùng với trách nhiệm làm chồng, làm bố cân bằng nhau hài hòa ra sao?

- Tính nghệ sĩ thì chắc chắn có xung đột với cuộc sống gia đình thường ngày, biết điều đó đôi khi tôi phải nén lại, bỏ bớt cái Tôi để hòa vào cái chung. Chỉ là bớt chút thôi, bỏ hết đi mình không còn là mình nữa. Thời gian đầu thì… cứng lắm, luôn cho rằng mình đúng, càng có tuổi càng biết cân bằng hơn, biết lắng nghe hơn. Điều đó chắc chắn làm cả nhà vui hơn, cứ thế hoàn thiện dần thôi.

Hiện nhiếp ảnh có phải là nguồn thu nhập chính của anh không?

- Nhiếp ảnh hiện là nguồn thu nhập chính của tôi. Chụp cho mình là chụp những bức mình thích để triển lãm, mình thích chắc chắn mọi người thích, mọi người thích chắc chắn họ sẽ mua. Ngoài ra, chị em đặt chụp nhiều, tôi nói đùa là “chụp dạo”. Thu nhập này giúp tôi thực hiện được đam mê của mình.

Khi không chụp ảnh, anh có những thú vui gì?

- Ngoài nhiếp ảnh thì để vui chỉ có đi du lịch cùng gia đình, cùng bạn bè. Tôi không phải người thích nhậu nhẹt la cà, thú vui chính là được ăn bữa tối với vợ và các con, các cháu. Ngoài công việc gia đình là nơi đem lại niềm vui lớn nhất.

Anh có thể miêu tả về Dzũng Art ngoài đời thực, phía sau ống kính?

- Không màu mè, không cao đạo, không có gì quá quan trọng để phải lụy. Ngày hôm qua là của quá khứ, ngày mai thì chưa tới, sống tốt ngày hôm nay, vui với hiện tại, tôi không có thời gian để buồn vì điều gì đó, nếu có thì nó qua rất nhanh vì trước mắt ta có cả núi việc để làm.

Một ngày “hôm nay” của anh thường diễn ra như thế nào?

- Sáng dành riêng cho mình một góc vỉa hè café, số giờ còn lại trong ngày là làm việc và làm việc. Quĩ thời gian của tôi không còn nhiều, để trôi vô ích thấy có lỗi với mình với gia đình mình.

Vừa mới ra sách in những bức ảnh anh chụp, và bán hết ngay. Giá sách lại không hề rẻ. Chứng tỏ ảnh của anh nhận được sự yêu thích rất nồng nhiệt. Anh có dự định gì tiếp theo cho nghệ thuật nhiếp ảnh của mình không?

- Tôi đang tái bản cuốn sách ảnh Mùa Nắng Phai, đúng là vừa rồi ra số lượng không nhiều, ngày ra mắt được mọi người đón nhận quá, vài ngày đã hết veo. Cuối năm tôi sẽ mở triển lãm ảnh ở Sài Gòn, kết hợp ra mắt sách luôn. Với tôi, cứ chụp thôi, mọi cái rồi sẽ đến với mình.

Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Buông dần bút vẽ chuyển sang máy ảnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO