Trừng phạt kinh tế Nga, EU trả giá đắt

Linh Chi 16/12/2017 08:00

Khi các nước phương Tây thắt chặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, mục tiêu của họ rất rõ ràng - nền kinh tế Nga. Nhưng một nghiên cứu mới được giới kinh tế học châu Âu công bố hôm 15/12 cho thấy phương Tây cũng đang trả giá đắt vì các lệnh trừng phạt đáp trả.

Trừng phạt kinh tế Nga, EU trả giá đắt

Nông dân Pháp biểu tình vì sản phẩm của họ khó xuất khẩu vào Nga. Theo AFP / Getly Images.

Xuất khẩu hạn chế

Trong lúc thời hạn chót để Mỹ quyết định về việc gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đang đến gần, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đang phải trả giá đắt vì các biện pháp này- theo báo cáo của Viện IFW của Đức.

Báo cáo mới cho hay các lệnh trừng phạt đã gây thất thu khoảng 114 tỷ USD trong khoảng từ đầu năm 2014 đến cuối năm 2015, nhưng khoản thất thoát này được chia sẻ đồng đều giữa Nga- nước thất thoát 65 tỷ USD - và Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) - thất thoát khoảng 50 tỷ USD. Ít nhất 90% trong số tiền thất thoát này là do các mặt hàng xuất khẩu của các nước thành viên EU bị hạn chế. Đáng nói hơn, đầu tàu kinh tế của EU - nước Đức - chính là bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Đức chịu tới 40% tổng số thất thoát của tất cả các nước phương Tây trong khi các bên có liên quan khác như Anh, Pháp, Mỹ thì chịu ảnh hưởng ít hơn bởi lệnh trừng phạt”- các nhà kinh tế học Julian Hinz và Matthieu Crozet viết trong báo cáo mới.

Cam kết của EU đối với lệnh trừng phạt Nga bắt nguồn từ cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ và một số quốc gia ở châu Âu; dù Nga đã bác bỏ cáo buộc này. Ở bán đảo Scandinavia, nhiều quốc gia đưa ra biện pháp phủ đầu trước để bảo vệ họ khỏi cái gọi là viễn cảnh lý thuyết về một cuộc xâm lược của Nga.

Tiến thoái lưỡng nan

Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga được thông qua vào tháng 3/2014 trong bối cảnh khủng hoảng ở Ukraine. Các lệnh trừng phạt này hiện nay đã gây nên một tình huống tiến thoái lưỡng nan ở nước Đức, nơi mà các nhà lập pháp cố gắng tìm ra một biện pháp vừa trừng phạt Nga vừa cố gắng mở rộng mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

Xét về lịch sử và địa chính trị, Đức từ lâu đã là một đối tác gần gũi của Nga hơn là với bất cứ quốc gia châu Âu nào. Đức cũng phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, và các đời lãnh đạo trước đây của Đức cũng tự nhận mình là đường dây liên kết về mặt chính trị giữa phương Tây và Nga.

Việc duy trì mối quan hệ đó, tuy nhiên, đã trở thành một thách thức đối với nước Đức kể từ sau sự kiện Crimea trở về thành một phần của nước Nga. Tuy nhiên, nhiều người dân ở Đức vẫn ủng hộ việc này. Trong một bản nghiên cứu thăm dò thực hiện năm 2014 ở Đức, 40% dân số nước này chấp nhận việc Crimea trở về nước Nga.

Một trong những người ủng hộ Nga mạnh mẽ nhất ở châu Âu chính là cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder - người tiền nhiệm của bà Angela Merkel. Sau khi bị đánh bại bởi bà Merkel, ông lựa chọn sự nghiệp trong ngành năng lượng ở Nga, trở thành thành viên lãnh đạo của Công ty năng lượng nhà nước Nga Gazprom.

Sự nghiệp của ông Schroder đã lên tới mức đỉnh cao trong năm nay khi ông trở thành Chủ tịch của Rosneft, tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga. Mối quan hệ của ông Schroder với nước Nga cũng phản ánh sự sẵn lòng của giới chính trị gia và doanh nhân ở Đức trong việc hàn gắn mối quan hệ với nước này, dù bị cộng đồng phương Tây coi là địch thủ.

Hồi tháng 5 vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Đức đã hết sức vui mừng khi chứng kiến việc làm ăn thương mại với Nga tăng trưởng, bất chấp các lệnh trừng phạt qua lại.

Phần lớn khoản tiền sụt giảm do doanh thu từ xuất khẩu ở các nước phương Tây đều là do sụt giảm niềm tin trong khối ngân hàng của châu Âu đối với các doanh nghiệp Nga, chứ không phải do các lệnh trừng phạt đáp trả mà Moscow áp đặt đối với mặt hàng xuất khẩu của phương Tây. Chính vì điều này, các doanh nghiệp Đức mới có thể tái thiết lập lại các mối quan hệ thương mại với Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây - như việc vận động hành lang để bình thường hóa quan hệ với Nga.

Mới đây, các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ với Nga cũng được ủng hộ bởi ông Christian Lindner, lãnh đạo của đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Đức - đảng có tư tưởng thúc đẩy thương mại - và cả các thành viên của đảng chính thống Dân chủ Xã hội.

Kể từ khi các lệnh trừng phạt được công bố vào năm 2014, các doanh nghiệp Đức đã vận động để giữ cho tầm ảnh hưởng của nó đối với các công ty Nga hạn chế nhất có thể. Và trong khi mối quan hệ giữa châu Âu và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trở nên lạnh nhạt, giới chính trị gia ở Đức dường như ngày càng mong muốn bình thường hóa quan hệ với Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trừng phạt kinh tế Nga, EU trả giá đắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO