Giảm khí thải sẽ cứu sống 150 triệu người trên toàn thế giới

Linh Chi 22/03/2018 09:00

Việc cắt giảm lượng khí thải carbon trên phạm vi toàn thế giới được giới khoa học cho là có thể ngăn chặn tình trạng băng tan ở hai cực, giảm mức tăng mực nước biển, giảm thiểu hiện tượng ấm lên toàn cầu và có thể cứu sống trên 150 triệu người - theo một nghiên cứu mới.

Giảm khí thải sẽ cứu sống 150 triệu người trên toàn thế giới

Một người phụ nữ mang khẩu trang để chống lại bầu không khí đầy khói bụi ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Theo nghiên cứu này, các trường hợp tử vong sớm ghi nhận trên khắp thế giới sẽ giảm nếu như chính phủ các nước thực thi các biện pháp cắt giảm khí carbon cùng nhiều loại khí độc hại khác, đủ để đáp ứng mức hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ này - tiêu chí được ghi rõ trong Hiệp định về biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, lợi ích của việc cắt giảm khí thải sẽ được nhận thấy rõ rệt ở nhiều nước châu Á - 13 triệu sinh mạng sẽ được cứu sống chỉ tính riêng ở Ấn Độ.

Khu vực Dhaka của Bangladesh cũng được ước tính có số trường hợp chết sớm do ô nhiễm giảm 3,6 triệu người, và ở Jakarta (Indonesia là 1,6 triệu người). Các thành phố Lagos và Cairo (châu Phi) cũng có số trường hợp chết sớm giảm tới 2 triệu người.

Ở Mỹ, Đạo luật Không khí sạch đã cải thiện chất lượng không khí trong nhiều năm qua. Nhưng vẫn có hơn 330.000 người ở Los Angeles, New York, San Francisco, Pittsburg, Philadelphia, Detroit, Atalanta và Washington sẽ được cứu sống nhờ cắt giảm khí thải carbon - theo nghiên cứu mới được đăng tải trên Tạp chí Biến đổi Khí hậu Tự nhiên.

“Người dân Mỹ không thực sự hiểu về tác hại của ô nhiễm không khí” - Tác giả nghiên cứu Drew Shindell, Giáo sư khoa học thuộc ĐH Duke nói và cho hay: “Người ta hay nói rằng “Chú tôi nhập viện và qua đời vì một cơn đau tim”, mà không hiểu rằng cơn đau tim đó gây ra bởi ô nhiễm không khí”.

Ông Shindell dẫn ra một vụ bê bối về thiết bị đánh lửa bị lỗi trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô ở Mỹ hồi năm 2014 như một ví dụ.

Thời điểm đó, khi phát hiện ra lỗi thiết bị này, hơn 3 triệu chiếc xe hơi đã bị thu hồi, trong khi hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp bị triệu tập tới Washington để điều trần. Điều này chỉ ra rằng những bê bối gây ra ô nhiễm không khí là đặc biệt nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu mới, giới khoa học có rất ít hy vọng rằng Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có thể đạt được hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 3,6 độ C, chứ chưa nói đến mục tiêu dưới 2,7 độ C như hiện tại.

Nhiều quốc gia đã đề xuất mức hạn chế cao hơn, tức 3,6 độ C, nhằm giúp cho họ đỡ chịu sức ép hơn từ các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Điều này đã “cho phép các loại khí thải độc hại tiếp tục ở mức cao trong thời kỳ ngắn hạn, trong khi chính phủ nhiều nước hy vọng rằng nó sẽ tiếp tục giảm trong dài hạn”- theo nghiên cứu.

Nói cách khác, nhiều chính phủ vẫn kiểm tra lỏng lẻo quy định về khí thải ở các ngành công nghiệp trong nước, và hy vọng rằng bước tiến công nghệ trong tương lai sẽ giúp giảm lượng khí thải độc hại.

“Đó là một chiến lược cực kỳ rủi ro. Nó chả khác gì việc bạn dùng xả láng thẻ tín dụng và hy vọng rằng trong tương lai khoản thu nhập cao của bạn sẽ bù lại số tiền đó” - ông Shindell nói.

Được biết, bản nghiên cứu mới này được Viện Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA rót kinh phí thực hiện.

Các nhà khoa học sử dụng các mô hình máy tính về khí thải carbon cùng nhiều loại khí gây ô nhiễm khác để phân tích mức độ gây hại cho người dân trên khắp thế giới, và nhận thấy rằng ô nhiễm không khí khiến cho hàng triệu người cảm thấy khó thở hơn, dẫn tới nhiều căn bệnh khác nhau.

Họ cũng tính toán mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người của các loại khí gây ô nhiễm trên khắp thế giới - tập trung vào các thành phố lớn - nhờ các mô hình dịch tễ được xây dựng dựa trên dữ liệu về con số trường hợp tử vong sớm liên quan tới ô nhiễm không khí.

Các mô hình này cho ra kết quả, thế giới sẽ có khoảng 7 triệu người chết mỗi năm nếu như chính quyền các nước thất bại trong việc cắt giảm hoàn toàn khí thải vào cuối thế kỷ này, bắt đầu từ ngay bây giờ.

“Nếu như không đạt được tiến triển mới vào khoảng năm 2020, việc hành động sẽ là quá chậm trễ” - ông Shindell nói.

Trong khi giới chính trị gia, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và giới chuyên gia về môi trường vẫn đang tranh luận gay gắt về vấn đề ô nhiễm, thì nhiều người lựa chọn đứng ngoài cuộc - ông Shindell nói thêm.

“Giới bác sỹ, và chuyên gia y tế công cũng cần phải nhập cuộc. Chúng ta rất thiếu nhận thức về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người”- vị chuyên gia cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm khí thải sẽ cứu sống 150 triệu người trên toàn thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO