THAY ĐỔI TỶ LỆ LƯƠNG HƯU: Người lao động bị thiệt

05/11/2017 06:00

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 23/10 tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tình trạng xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tiếp tục có xu hướng tăng. Đặc biệt, một bộ phận người lao động muốn về hưu sớm hoặc về hưu trước năm 2018 để tránh giảm sút về tiền lương hưu do quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến tính bền vững và độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội trong năm nay và các năm tiếp theo.


Người lao động sẽ bị thiệt thòi nếu quy định mới về chế độ lương hưu được áp dụng.

Sở dĩ thời gian gần đây rất nhiều người lao động (NLĐ) đặc biệt là lao động nữ muốn hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần hoặc xin về hưu trước tuổi là vì luật còn bất cập. Nếu chờ đúng tuổi mới về hưu họ sẽ thiệt đơn thiệt kép.

Theo quy định hiện hành, NLĐ đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khi đạt tỷ lệ 45%, cứ mỗi năm đóng BHXH, NLĐ nữ được tính thêm 3%, còn NLĐ nam được tính thêm 2%. Trong khi đó, từ ngày 1/1/2018 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu tại khoản 2, điều 56, luật BHXH năm 2014.

Cụ thể, từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, NLĐ nữ được tính thêm 2%. Như vậy, NLĐ nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu, thay vì chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75% như trước, thì từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%.

Đối với NLĐ nam, nghỉ hưu năm 2018 để được hưởng mức 45% phải đóng đủ 16 năm. Tức NLĐ nam nghỉ hưu trong năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018, chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).

Với cách tính trên, từ năm thứ 16 trở đi thay vì được cộng 3% như trước đây, NLĐ nữ chỉ được cộng 2%. Như vậy, NLĐ nữ sẽ bị hụt mất 10% tổng quỹ tiền lương hưu. Với quy định này, ngay cả NLĐ có ngày sinh trong tháng 12, khi đã đủ 25 năm đóng BHXH đối với nữ và 30 năm đối với nam sẽ bắt đầu nghỉ hưu từ 1/1/2018, họ phải chịu cách tính tiền lương hưu từ năm 2018 là quá thiệt thòi.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, việc cắt giảm tỷ lệ hưởng lương hưu đối với NLĐ nữ quá đột ngột là sự bất bình đẳng không thể chấp nhận được. Đối với NLĐ nữ trong khu vực hành chính, có biên chế hoặc hợp đồng dài hạn sẽ ít chịu tác động, nhưng với NLĐ khu vực ngoài nhà nước, ký hợp đồng ngắn hạn hoặc phải thường xuyên thay đổi chỗ làm việc sẽ chịu tác động nhiều nhất của chính sách này”. Thế nên, nếu có giảm lương hưu cũng phải giảm có lộ trình tránh gây sốc đột ngột cho NLĐ đặc biệt là lao động nữ, đối tượng vốn đã thiệt thòi. “Nam giới có quy định lộ trình thực hiện trong 5 năm thì nữ giới cũng kéo dài thực hiện lộ trình 5 năm hay 10 năm, để giảm sốc từ từ, đừng “phanh” bất ngờ dẫn đến phụ nữ cảm thấy hụt hẫng và thua thiệt. Điều này rất đáng để chúng ta kéo dài lộ trình thêm cho phụ nữ, để giảm bớt căng thẳng”.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng các nhà làm luật đang nợ NLĐ một lời giải thích. Không thể kêu gọi NLĐ tham gia BHXH trong khi về hưu lương quá thấp, khó có thể ngăn NLĐ hưởng BHXH một lần nếu làm chính sách vẫn giật cục và bất hợp lý như vậy. Theo đó, khi chưa đưa ra được lời giải thích thuyết phục về vấn đề này cần xem xét lại quy định của luật nhằm tránh những phản ứng tiêu cực từ phía NLĐ.


Ông Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Quang Vinh.

Cần giãn lộ trình lương hưu đối với lao động nữ
Vì thế, theo ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cần giãn lộ trình giảm lương hưu đối với lao động nữ.

Theo đó, lương hưu của phụ nữ được xác định từ Luật BHXH năm 2006. Theo đó cả nam và nữ sau 15 năm công tác được nghỉ hưu thì được tính lương hưu bằng 45% mức bình quân lương đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mỗi năm công tác lao động nam được cộng thêm 2% cho đến đạt tối đa 75%. Nữ thì được ưu tiên từ năm công tác thứ 16 trở đi được cộng 3% đến 25 năm công tác được hưởng 75%. Lúc đó mục tiêu nhằm đảm bảo công bằng và ưu tiên cho phụ nữ để cho phụ nữ có mức lương cao hơn.

Đến Luật BHXH năm 2014 thì chính sách BHXH đi theo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp cho nên đã điều chỉnh lại mức hưởng lương hưu cho cả nam và nữ. Theo đó, nam giới kéo thêm lộ trình để làm sao không phải là 30 năm thì được hưởng 75% lương hưu, mà phải giảm dần, để khi đóng đủ 35 năm mới được hưởng tối đa 75% lương hưu. Như vậy là với nam có lộ trình 5 năm. Cùng với đó, Luật BHXH 2014 cũng đã giảm mức lương của nữ giới nhưng không có lộ trình. Cụ thể, từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi, thay vì trước đây được cộng thêm 3% với mỗi năm đóng BHXH, thì bây giờ giảm xuống chỉ còn 2%. Do đó, đúng là với lao động nữ, có đủ 25 năm đóng BHXH, đủ điều kiện nghỉ hưu và bắt đầu nghỉ hưu từ 1/1/2018 thì bị giảm đi 10% tổng số tiền lương hưu.

Về mặt nguyên tắc là hoàn toàn đúng, về mặt nguyên lý không có gì sai nhưng có sự khập khiễng. Nếu người phụ nữ về hưu ngày 31/12/2017, có 25 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng tối đa 75% mức lương hưu. Nhưng cũng người đó, nếu về hưu vào ngày 1/1/2018 thì chỉ được hưởng tối đa 65% mức lương hưu. Việc này được điều chỉnh bằng cách, với tỉ lệ 75% và 65%, tức là chúng ta đã điều chỉnh mức lương hưu căn cứ mức đóng tiền lương bình quân của 25 năm. Và trong nhiều năm vừa qua chúng ta đã nâng mức tiền lương tối thiểu lên; thứ nữa là đã nâng mức làm căn cứ đóng BHXH bằng tổng thu nhập chứ không phải bằng tiền lương cơ bản. Do đó, dù tỉ lệ có giảm đi về mặt nguyên lý nhưng số tuyệt đối tăng lên thì độ suy giảm của 75% không lớn. Tuy nhiên xét về điều kiện chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ (đêm 31-12 của năm trước và ngày 1/1 của năm sau), mà phụ nữ bị giảm 10% thì rõ ràng chúng ta thấy là có điều gì đó bất lợi cho phụ nữ.
Theo ông Lợi, để tránh gây sốc, Chính phủ cần nghiên cứu để chúng ta thực hiện lộ trình lương hưu của lao động nữ giống như nam giới. Nam giới quy định lộ trình thực hiện trong 5 năm thì nữ giới cũng kéo dài thực hiện lộ trình 5 năm hay 10 năm. Nhưng đến giờ tôi chưa thấy cơ quan nào đề nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu để báo cáo Chính phủ đề xuất. Nếu Chính phủ có đề xuất tôi nghĩ UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội ra Nghị quyết hoặc có lộ trình để kéo dài.


Bà Trần Kim Yến. Ảnh: Quang Vinh.

Bất hợp lý, thiếu nhân văn
Còn theo bà Trần Kim Yến- chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh thì áp dụng quy định mới về BHXH nếu được áp dụng với lao động nữ thì sẽ là bất hợp lý, thiếu nhân văn.

Bà Yến cho rằng, càng gần đến ngày thực hiện chính sách về cách tính lương hưu theo quy định tại điều 56 và điều 74 Luật BHXH 2014 càng khiến lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nữ bất an, lo lắng. Về cơ bản, Luật BHXH 2014 có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. Ví dụ: bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc; kéo dài thời gian nghỉ thai sản hưởng BHXH; hoặc các quy định về trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc niêm yết công khai việc đóng BHXH của người lao động…

Tuy nhiên, Luật BHXH 2014 cũng có những điểm bất lợi cho NLĐ, đặc biệt là lao động nữ. Thứ nhất, khi muốn được hưởng lương hưu với mức hưởng tối đa 75%, NLĐ - bao gồm cả nam và nữ - đều phải tăng số năm đóng BHXH. Trong khi nam có lộ trình được kéo dài đến năm 2022 thì lao động nữ áp dụng ngay từ ngày 1/1/2018. Nghĩa là lao động nữ nghỉ hưu trước ngày 31/12/2017 chỉ cần đóng BHXH 25 năm đã được hưởng tối đa 75% lương hưu, còn nếu nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 thì phải đóng BHXH 30 năm mới được hưởng 75% lương hưu. Rõ ràng, điều này gây thiệt thòi cho lao động nữ rất nhiều.

Kế đó, quy định giảm tỉ lệ hưởng lương hưu từ 3% còn 2%/năm đối với lao động nữ đóng BHXH từ năm thứ 16 trở đi kể từ ngày 1/1/2018 cũng gây thiệt thòi rất lớn cho lao động nữ. Hoặc quy định mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì bị trừ 2% tỉ lệ hưởng lương hưu, trong khi quy định hiện hành chỉ là 1%. Vậy là rất thiệt thòi cho lao động nữ.

“Theo tôi, quy định tăng thời gian đóng BHXH chỉ nên thực hiện khi tuổi lao động được kéo dài thêm. Còn bây giờ, dự thảo tăng tuổi nghỉ hưu có khả năng không được thông qua thì việc tăng thời gian đóng BHXH, đặc biệt là với lao động nữ, là không nên. Nếu lao động nam có lộ trình thì cũng nên quy định lộ trình cho lao động nữ chứ không thể áp dụng ngay từ ngày 1-1-2018”- bà Yến nói.

Cùng đó, bà Yến nhấn mạnh: “Những ngày qua, có ý kiến cho rằng quy định tại điều 56 và 74 của Luật BHXH 2014 là bất hợp lý, thiếu tính nhân văn với lao động nữ. Tôi cho rằng đánh giá đó là có lý. Khi luật chưa có hiệu lực mà đã bị phản ứng thì cần phải có đánh giá tác động thật kỹ của chính sách đó đối với tâm tư, tình cảm của người dân nói chung, cũng như của đối tượng bị tác động trực tiếp. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề gì bất hợp lý, Quốc hội có thể ban hành nghị quyết để điều chỉnh trong một khoảng thời gian nhất định, đến khi quy định ấy phù hợp với thực tiễn thì cho phép thực hiện”.

Theo quy định mới, từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, lao động nữ được tính thêm 2%. Như vậy, lao động nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu, thay vì chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75% như trước. Có nghĩa là từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%. Còn đối với lao động nam, nghỉ hưu năm 2018 để được hưởng mức 45% phải đóng đủ 16 năm. Tức là lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018, chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).

Nguyên Khánh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    THAY ĐỔI TỶ LỆ LƯƠNG HƯU: Người lao động bị thiệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO