Thanh Hóa: Không hỗ trợ ngao nuôi ngoài quy hoạch

Nguyễn Chung 30/11/2017 08:35

Đầu tháng 11/2017, có 58 hộ dân xã Hải Lộc gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) phản ánh về việc nhiều diện tích ngao nuôi thương phẩm, ngao giống chết hàng loạt do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua. Ngao chết, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế đối với ngư dân nhưng không được đưa vào báo cáo thiệt hại do bão lũ của xã Hải Lộc. Về việc này, UBND huyện Hậu Lộc khẳng định sẽ không hỗ trợ đối với các hộ không nằm trong vùng quy hoạch nuôi thả ngao của huyện.

Ngao chết không phải do thiên tai?

Theo phản ánh của nhiều hộ dân nuôi ngao xã Hải Lộc cho biết, sau đợt lũ lụt lịch sử do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kéo dài từ 9 đến 12/10 đã khiến cho nhiều diện tích ngao nuôi của người dân ở xã này chết trắng đồng. Ngao chết hàng loạt do bị ngâm trong bùn phù sa từ phía thượng nguồn đổ về trong đợt lũ lụt, tuy nhiên thiệt hại này lại không được đưa vào báo cáo của UBND xã Hải Lộc do lụt bão gây ra.

Ông Phạm Văn Ba, trú tại thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc, một trong những chủ đồng ngao lớn nhất của xã Hải Lộc khẳng định: “Tính cả diện tích thuê, mượn bên ngoài thì gia đình tôi có khoảng hơn 12 ha bãi nuôi ngao. Ngày 19/10, tôi phát hiện tình trạng ngao chết, lượng bùn phủ ngao ít nhất từ 10-15 cm, cao nhất khoảng 40cm, thời điểm ngao chết nhiều, mỗi ngày gia đình thuê hàng chục nhân công vớt khoảng 50-60 bao vỏ ngao. Hiện tại, gia đình đang phải tích cực dọn dẹp lại đồng, thu gom ngao chết, vệ sinh đồng bãi để tiến hành nuôi thả lứa mới…”.

Cũng bị thiệt hại nặng do ngao chết, anh Nguyễn Văn Bằng (39 tuổi) ở thôn Tân Lộc cho biết: Gia đình anh nuôi gần 2 ha ngao, tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đợt mưa lũ vừa rồi, gia đình đã phải thuê 10 người thu gom gần 300 bì vỏ ngao chết, mỗi bì khoảng 60-70kg. Theo dự tính của anh Bằng, mất khoảng hơn 10 ngày nữa dùng cả máy thổi bùn và người thu gom vỏ, đồng ngao của anh mới được dọn sạch. “Ngao chết trắng đồng khiến gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần. Sắp tới muốn đầu tư nuôi tiếp lại phải đi vay mượn, trong khi đó, nợ cũ ngân hàng chưa biết lấy nguồn nào để trả” - anh Bằng phân trần.

Vậy nguyên do nào dẫn đến tình trạng ngao nuôi tại vùng triều cửa Lạch Trường (xã Hải Lộc) chết hàng loạt? Ông Nguyễn Văn Long – Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến ngao nuôi của người dân chết, nhưng cơ bản vẫn là do mật độ nuôi thả dày, bùn lắng, môi trường nuôi thả bị ô nhiễm…

Qua kiểm tra tại Hải Lộc cho thấy: Tình trạng ngao chết hàng loạt chỉ xảy ra vào đầu tháng 11 trở đi nên có thể khẳng định là không phải do thiên tai hồi cuối tháng 10 gây ra. Đồng thời, số hộ bị thiệt hại lớn chủ yếu nằm ngoài vùng quy hoạch nuôi thả ngao của huyện. “Vì vùng cửa Lạch Trường đã được quy hoạch để làm nơi neo đậu tàu thuyền, lưu thông đường thủy nên huyện cấm nuôi thả ngao. Tuy nhiên, xã đã tự ý ký hợp đồng với 15 hộ dân, cho phép nuôi thả ngao không theo quy trình hướng dẫn kỹ thuật, nên mới xảy ra những thiệt hại đáng tiếc như đã nêu ở trên!” – ông Long khẳng định.

Cương quyết giải tỏa

Trước đó, ngày 31/10, sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị, đề nghị chính quyền hỗ trợ của 58 hộ nuôi thả ngao tại xã Hải Lộc, ngay trong đêm, huyện Hậu Lộc đã thành lập đoàn kiểm tra các diện tích. Đến ngày 8-11, xã Hải Lộc tiến hành lập hai đoàn khảo sát kiểm tra 35 hộ dân vùng bãi triều mép sông cửa lạch, kết quả ban đầu có 15 hộ có ngao chết từ 70-90%, các hộ còn lại, tỷ lệ ngao còn không đáng kể.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ấp – Bí thư Huyện ủy huyện Hậu Lộc cho biết: Việc kê khai thiệt hại sau lụt bão, huyện Hậu Lộc đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt xuống các địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ hồi đầu tháng 10 gây ra. Đến ngày 30/10, các xã phải có báo cáo thiệt hại về huyện, để huyện báo cáo lên tỉnh. Tuy nhiên, xã Hải Lộc không có báo cáo về tình hình ngao chết. Song nếu xã này có báo cáo về những hộ bị thiệt hại thì đây phần đông là những hộ nuôi ngao nằm ngoài vùng quy hoạch, đa số không nuôi thả theo hướng dẫn, quy định của Bộ NN&PTNT nên cũng sẽ không được hỗ trợ.

Thực tế, tại nhiều hộ dân nằm trong vùng quy hoạch và các vùng ngao khác như tại xã Đa Lộc, do làm đúng hướng dẫn nên đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại. “Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn thống kê cụ thể tình hình thiệt hại của các hộ nuôi ngao trình UBND tỉnh để có mức hỗ trợ kịp thời theo đúng quy định. Nhưng tôi cũng khẳng định: Đối với những trường hợp không làm theo đúng hướng dẫn, quy định thì vấn đề có báo cáo vào thời điểm từ 30-10 trở về trước hay không thì cũng không nằm trong diện được hỗ trợ! Tới đây, huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt để giải tỏa hết diện tích nuôi ngao nằm ngoài vùng quy hoạch” - ông Ấp nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hóa: Không hỗ trợ ngao nuôi ngoài quy hoạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO