Sống khổ bên nhà máy chế biến mủ cao su

Nguyễn Tuấn Anh 10/10/2017 08:35

Hơn 300 hộ dân sinh sống ở buôn Cư Juốt và thôn Cư Bang (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) đang rất hoang mang lo lắng khi nguồn nước giếng ô nhiễm không thể sử dụng. Cuộc sống của bà con nơi đây đã bị đảo lộn từ khi nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH Phương Triều Đại hoạt động.


Nước thải chưa qua xử lý được xả ra môi trường.

Ông Tôn Đức Trí, buôn Cư Juốt cho biết: “Từ khi nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH Phương Triều Đại về xây dựng và đi vào hoạt động là cả làng này phải chịu khổ. Hàng ngày mùi hôi thối, bụi khói càng nhiều khiến cho người già, trẻ nhỏ đều mắc bệnh về đường hô hấp, nước giếng không dám dùng vì có mùi lạ. Chúng tôi đã kiến nghị lên xã, huyện yêu cầu phía Công ty này có biện pháp hạn chế mùi hôi thối thế nhưng nhiều năm nay mức ô nhiễm ngày càng tăng”. Bà Nguyễn Thị Liên, người dân trong vùng chia sẻ: “Họ sản xuất cả ngày cả đêm khiến cho người dân chúng tôi như bị tra tấn. Nhà nào cũng phải đóng cửa kín mít, đeo khẩu trang vì quá hôi thối”.

Cách nhà máy chế biến cao su này gần 300m là Phân hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, nơi học tập của khoảng 100 em học sinh chủ yếu là con nhà nghèo và con em đồng bào dân tộc thiểu số. Việc sống chung với ô nhiễm đã khiến cho nhiều em mắc bệnh về đường hô hấp. Chị Nguyễn Thị Thủy lo lắng: “Chúng tôi ngày ngày đi làm nương làm rẫy xa chỗ này còn đỡ một chút, chứ mấy đứa nhỏ trong thôn tháng này qua tháng khác, năm nay qua năm khác phải hứng chịu tất cả nhưng ô nhiễm mà nhà máy này gây ra. Cả đêm các cháu đã phải hít thở mùi hôi thối, sáng ra đến trường ở gần nhà máy lại hít thêm bụi khói nữa thì làm sao chịu đựng được”.

Không chỉ lo lắng về mùi hôi thối, bụi khói mà việc ô nhiễm nguồn nước cũng đang làm cho người dân nơi đây đứng ngồi không yên. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, tình trạng xả thải tràn lan thường xuyên diễn ra. Thấy nước giếng có màu vàng đục và khác thường, bà Đặng Thị Hoa đã lấy mẫu nước và vay mượn anh em gần 2 triệu đồng lên Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên kiểm nghiệm nước giếng gia đình. Kết quả mẫu nước có độ pH thấp, độ đục cao, hàm lượng sắt cao không đạt tiêu chuẩn nước ăn uống theo quy định chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009BYT. Trước kết quả kiểm nghiệm mẫu nước từ hơn 2 năm nay, nhiều hộ dân đã không dám dùng giếng nước để ăn uống, sinh hoạt.

Bà Lê Thị Liễu nhà đối diện với cổng của nhà máy chế biến mủ cao su này cho biết: “Lo sợ nguồn nước ô nhiễm gây nên bệnh tật cho gia đình nên 1 tháng tôi phải mua gần 20 thùng nước lọc về phục vụ cho ăn uống. Còn tắm giặt, chúng tôi phải thuê xe bồn đi xin nước các hộ dân khác ở cách 4 đến 5km về dùng”.

Việc nhà máy gây ô nhiễm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng của người dân. Chứng kiến các hồ xả thải của công ty này, chúng tôi thấy lượng nước thải chưa qua xử lý đen đặc, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và từ hồ này, nhiều m3 nước đã theo nước mưa tràn hồ chảy xuống rẫy vườn của bà con.
Chúng tôi nhiều lần liên lạc với lãnh đạo phía công ty này nhưng họ cố tình né tránh và không trả lời báo chí. Còn ông Y BLưn Mlô- Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pơng thì khẳng định, xã chưa nhận được đơn thư gì của người dân gửi lên phản ánh việc ô nhiễm của Công ty TNHH Phương Triều Đại mà chỉ nghe phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Xã đã có 3 lần đi cùng với đoàn của huyện, 1 lần đi với đoàn của tỉnh đến kiểm tra nhà máy chế biến mủ cao su của công ty này. Thế nhưng trong các cuộc kiểm tra này thì Sở Tài Nguyên- Môi trường đều khẳng định nhà máy này đạt các tiêu chuẩn về môi trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Y Thin Mlô - phó trưởng Phòng Tài Nguyên - Môi trường huyện Krông Búk cho biết, nhà máy này xây dựng trước khu dân cư và huyện đã nhiều lần xuống kiểm tra cũng như phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường. Tuy nhiên thông qua các thông số đo đạc, kiểm tra môi trường của sở thì đều đạt tiêu chuẩn. Còn việc người dân tự ý đưa mẫu nước đi xét nghiệm và nước không đạt tiêu chuẩn thì huyện không biết. Kết quả kiểm nghiệm nước của người dân chưa đủ căn cứ để có thể khẳng định nước này có phải do nhà máy này gây ra hay không...

Ông Vũ Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho biết: “Việc người dân phản ánh thông tin nhà máy này gây ô nhiễm thì giờ chúng tôi mới nắm được. Từ trước đến nay, thông qua các lần kiểm tra của Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện, cũng như các lần phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường thì các chỉ tiêu môi trường đều đạt… Quan điểm của huyện là nếu nhà máy này gây ô nhiễm khu dân cư thì sẽ kiểm tra xem xét, cho ngưng sản xuất. Không thể đánh đổi sức khỏe, tính mạng của người dân để lấy nguồn thu thuế từ đơn vị này nếu để xảy ra ô nhiễm. Chúng tôi sẽ kiến nghị Sở Tài nguyên –Môi trường thanh kiểm tra lại nhà máy này để có các biện pháp xử lý”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống khổ bên nhà máy chế biến mủ cao su

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO