Nhộn nhịp thị trường lao động thời vụ

Lê Anh 11/10/2018 08:00

Với tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, thị trường lao động và việc làm trong những tháng cuối năm ở TP HCM đã thu hút hơn 30.000 nhu cầu về lao động thời vụ, trong đó chủ yếu là chuẩn bị cho kinh doanh phục vụ dịp lễ-tết…

Nhộn nhịp thị trường lao động thời vụ

Nhu cầu lao động thời vụ gia tăng trong những tháng cuối năm tại TP HCM.

Theo bà Trần Thị Anh Đào - Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), dự báo trong 3 tháng cuối năm nay TP HCM sẽ cần khoảng 70.000 vị trí làm việc, tập trung ở các nhóm ngành nghề: Nhân viên kinh doanh, bán hàng (22,84%); dịch vụ, phục vụ (11,07%); vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu (7,34%); Kinh doanh tài sản, bất động sản (5,92%), kế toán, kiểm toán (5,53%); Dệt may, giày da (4,93%);…

Đồng thời, nhu cầu việc làm thời vụ của thành phố là khoảng 30.000 chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất – kinh doanh vào những tháng cuối năm, chuẩn bị cho kinh doanh phục vụ dịp lễ – tết năm 2019.

Theo dự báo của FALMI, kinh tế TP HCM trong những tháng cuối năm tiếp tục tăng trưởng, thu hút lượng khách du lịch quốc tế lớn, tập trung đẩy mạnh thương mại xuất nhập khẩu và các công trình xây dựng trọng điểm. Đây là thời điểm các doanh nghiệp (DN) tập trung tăng cường hoạt động sản xuất, mở rộng quy mô về vốn, chất lượng cạnh tranh sản phẩm. Chính vì vậy, thị trường lao động tại TP HCM sẽ rất sôi động.

Qua việc khảo sát 10.063 DN có nhu cầu tuyển dụng tại TP HCM, FALMI cũng có các báo cáo liên quan đến thu nhập của người lao động trong dịp cuối năm nay. Cụ thể, nhu cầu tìm việc với mức lương dưới 3 triệu chiếm 7,15% tổng cầu lao động của thành phố; từ 3 - 5 triệu chiếm 9,58%; từ 5 - 8 triệu chiếm 26,77%; từ 8 - 10 triệu chiếm 21,52%; từ 10 - 15 triệu chiếm 17,11%; trên 15 triệu chiếm 17,87%.

“Nhu cầu lao động, việc làm của quý III năm nay đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhóm ngành dịch vụ là nhóm ngành tập trung nhiều lao động phổ thông, ở các vị trí nhân viên tạp vụ, vệ sinh công nghiệp, nhân viên vệ sinh khu căn hộ, nhân viên bảo vệ, nhân viên giao nhận hàng hóa” - bà Đào cho hay.

Trong khi đó, theo ThS Lê Chí An, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, việc tăng lao động thời vụ cũng cho thấy những âu lo khi thực tế hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường hiện vẫn phải loay hoay tìm việc và phải làm công việc không đúng chuyên ngành đã đào tạo. Một số khác được tuyển dụng vào các vị trí đúng chuyên ngành nhưng DN phản ánh số này chưa phát huy được chuyên môn được tào tạo trong trường lớp.

Trong bối cảnh xây dựng đô thị thông minh và ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu nhân lực của TP HCM sẽ tiếp tục có sự biến đổi về chất đối với cơ cấu lao động, với xu hướng phát triển nhiều ngành nghề mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhộn nhịp thị trường lao động thời vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO