Giải bài toán xuất khẩu

Đỗ Ngọc Quang 21/10/2018 08:30

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế đến 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đã đạt 189,604 tỷ USD. Nhiều khả năng kết thúc tháng này, kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ đạt 200 tỷ USD và cả năm 2018 sẽ lập kỷ lục mới với trị giá khoảng 240 tỷ USD.

Cụ thể, trong nửa đầu tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10,178 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 189,604 tỷ USD, tính từ đầu năm đến nửa tháng 10.

Cũng trong thời điểm đó, có 3 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD là điện thoại và linh kiện với trị giá 2,128 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm lên hết 15/10 đạt 38,82 tỷ USD; dệt may đạt 1,308 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đạt 23,753 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,313 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đạt 22,893 tỷ USD.

Tính từ đầu năm đến 15/10, cả nước có 26 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên.

Như vậy, nếu kim ngạch xuất khẩu cán mốc 200 tỷ USD trong tháng này thì kết quả xuất khẩu sau 10 tháng sẽ chỉ còn kém kết quả cả năm 2017 khoảng 15 tỷ USD. Với trị giá bình quân khoảng 20 tỷ USD/tháng trong những tháng gần đây, nhiều khả năng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ lập kỷ lục mới với trị giá khoảng 240 tỷ USD.

Tương tự, Bộ Công thương cũng dự kiến, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017 (đạt 214,01 tỷ USD). Theo Bộ Công thương, để thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ, từ nay đến cuối năm cần tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa; rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường công tác kiểm tra thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để đề xuất phương hướng chỉnh sửa, bổ sung phù hợp…

Làm gì để thúc đẩy tăng trưởng? Câu hỏi ấy đã được đặt ra từ lâu, và tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2018 cũng tiếp tục nhận được nhiều ý kiến từ giới chuyên gia.

Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, công tác xúc tiến thương mại thời gian tới sẽ được thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, sẽ phân nhóm ngành, doanh nghiệp và sản phẩm để hỗ trợ. Mỗi thương hiệu mạnh không chỉ tạo nên hình ảnh đẹp của doanh nghiệp mà còn tạo nên hình ảnh đẹp của thương hiệu quốc gia, tạo uy tín cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Đây là mục tiêu cốt lõi của chương trình thương hiệu quốc gia sẽ hướng đến trong thời gian tới.

Còn theo bà Lê Hoàng Oanh- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), để xuất khẩu tăng trưởng thì cần mở rộng thị trường xuất khẩu. Cụ thể, với thị trường khu vực châu Á - châu Phi có hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây có thể coi là một khu vực rộng lớn có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất đa dạng, phong phú, có nhiều phân khúc phù hợp sản phẩm của Việt Nam, từ hàng cao cấp đến hàng tiêu dùng bình dân.

Theo bà Oanh, tuy thế thì các doanh nghiệp vẫn cần phải làm sao bảo đảm được các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với từng thị trường, cũng như yếu tố xuất xứ hàng hóa. Các hiệp hội ngành hàng có vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu thị trường, bởi đó là yếu tố quyết định tới 80% thành công của xuất khẩu.

Bà Oanh cũng lưu ý, chúng ta không nên coi quy định của thị trường nhập khẩu là rào cản không vượt qua được. Thực tế, bất kể quốc gia nào cũng có những tiêu chuẩn, quy định nhất định. Để thúc đẩy xuất khẩu, doanh nghiệp cần đầu tư một nguồn lực nhất định cho công tác nghiên cứu thị trường để xác định được chiến lược xuất khẩu.

Còn theo TS Võ Trí Thành thì để xuất khẩu tăng trưởng rất cần xây dựng thương hiệu mạnh, trong khi các thương hiệu Việt vẫn chưa thực sự tạo ấn tượng trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp muốn tạo dựng thương hiệu mạnh thì sản phẩm phải xanh, thông minh, nhân văn, biểu tượng, gắn với công nghệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Để làm được thương hiệu, doanh nghiệp phải biết “chơi” về quyền sở hữu trí tuệ, gắn kết với “cuộc cách mạng nhu cầu” của người tiêu dùng”- ông Thành nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO