Cơ chế bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thanh Giang 21/03/2018 07:05

Ngày 20/3, tại Diễn đàn kinh tế năm 2018, các chuyên gia kinh tế khẳng định, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển khả quan. Tuy nhiên, để 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển, cạnh tranh tốt cần có môi trường pháp luật an toàn, minh bạch, bình đẳng.

Cơ chế bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp tư nhân mong muốn có “cú hích” từ chính sách để phát triển bền vững, cạnh tranh bình đẳng.

Mặc dù đánh giá cao sự tiến triển của nền kinh tế song các chuyên gia kinh tế cho rằng không nên chủ quan; những phấn khích quá sẽ dẫn đến đột biến trong ngắn hạn. TS. Vũ Viết Ngoạn và ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đều nhấn mạnh, kinh tế tăng trưởng tốt nhưng phấn khích quá sẽ dẫn đến đột biến trong ngắn hạn. Lạc quan về kinh tế năm 2018 nhưng sự cẩn trọng vẫn rất cần thiết vì còn một số tồn tại của nền kinh tế chưa giải quyết dứt điểm.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt song nhìn ở góc độ nào đó thấy rõ một số khuyết điểm nhỏ, trong đó 97% DN thuộc đối tượng DNNVV. Theo số liệu thống kê, năm 2017 tiếp tục đạt kỷ lục với 126 nghìn DN thành lập mới, tăng cao so với 2016 là 110 nghìnDN. Sang quý 1-2018, dự báo số lượng DN 3 tháng đầu năm ước đạt 26,5 nghìn DN thành lập mới với tỷ trọng vốn trung bình đạt 10,6 tỷ đồng mỗi DN, tăng khá so với cùng kỳ 2017.

Thật sự lạc quan về sự phát triển của khối DN tư nhân cho kinh tế cả nước nhưng các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về điều kiện phát triển của cộng đồng này. “Điều mà chúng tôi trăn trở nhất, Việt Nam có hơn 700.000 DN tư nhân đang hoạt động, nhưng tôi phải nói một câu rằng, khối DN tư nhân này “chậm lớn”- TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh và dẫn chứng: Hiện có 40% đóng góp vào GDP từ khu vực tư nhân, trong đó, hộ sản xuất kinh doanh cá thể với hơn 3 triệu hộ đóng góp 32%. Vấn đề đặt ra là phải đưa khu vực tư nhân phát triển đúng tầm.

Để khối DN tư nhân Việt Nam phát triển, Chính phủ cần cải cách hơn nữa. Cũng theo ông Lịch: Tôi cho rằng phải có niềm tin vào chính sách và tương lai. Về niềm tin, Chính phủ cần phải có môi trường pháp luật an toàn và minh bạch. Hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào 3 nhân tố: Kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Đây chính là ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho DN phát triển và hội nhập tốt, chứ không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam phải quốc tế hóa DNNVV, DN siêu nhỏ. Việt Nam cũng kết thúc năm APEC (2017) và khẳng định tại hội nghị APEC lần này cũng là hóa DNNVV, DN siêu nhỏ sẽ là chủ nhân của nền kinh tế thế giới với sự trợ giúp của cách mạng công nghiệp 4.0. Công cuộc đổi mới của Việt Nam nên nhằm vào DNNVV, DN siêu nhỏ nhưng phải đạt kỹ thuật toàn cầu.

“Việt Nam cần kiên trì, nhất quán với chính sách tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế một cách thực chất để đón bắt tốt hơn xu thế phát triển mới của thế giới và thời đại. Cùng với đó, trong một xã hội ngày càng đòi hỏi và đa dạng thì cách thức tương tác, giao diện giữa nhà nước với người dân, giữa nhà hoạch định chính sách với thị trường càng cần phải đàng hoàng hơn, minh bạch hơn và có khả năng giải trình cao hơn”- ông Võ Trí Thành nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO