Áp lực từ “kinh tế chia sẻ”

Minh Phương 11/12/2017 08:20

Mô hình kinh doanh bằng ứng dụng công nghệ đã và đang làm thay đổi bộ mặt của nhiều nền kinh tế. Đặc biệt, điều này thể hiện rõ nét trong “cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và Uber, Grab thời gian qua.

Nếu không tận dụng được cơ hội của nền kinh tế chia sẻ - xu hướng của nền kinh tế công nghệ hiện đại, không chỉ taxi mà nhiều lĩnh vực kinh tế khác sẽ phải “ngậm trái đắng”.

Tại Việt Nam, mặc dù thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” mới xuất hiện nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, mô hình này có tiềm năng lớn để phát triển.

Kết quả khảo sát gần đây về mô hình kinh tế chia sẻ của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy chỉ có 18% người được hỏi tại Việt Nam từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình, thấp hơn 14 điểm phần trăm so với tỉ lệ trung bình trên toàn thế giới.

Trong khi đó, có tới 76% người được hỏi sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ, cao hơn rất nhiều so với con số 66% đối với người tiêu dùng toàn cầu.

Kể từ năm 2014, sự thâm nhập của một số công ty thuộc loại hình kinh tế này (Uber, Grab, Airbnb…) chính là sự khởi xướng cho môi hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.

Và rõ ràng, chỉ thâm nhập vào thị trường trong nước một thời gian rất ngắn, Uber, Grab đã làm khuấy đảo thị trường vận tải của Việt Nam, khiến cho các hãng taxi truyền thống nhiều phen dậy sóng.

Các hãng taxi truyền thống đã tìm cách hợp nhau lại để đưa ra những giải pháp nhằm cạnh tranh lại với đối thủ “đáng gờm”, kể cả việc căng băng rôn biển hiệu nhằm lôi kéo người tiêu dùng về phía mình, kêu gọi tẩy chay Uber, Grab…

Đến thời điểm này, nhiều hãng taxi truyền thống đã thay đổi phương thức hoạt động, họ đang nỗ lực ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đưa ra những chiến dịch cạnh tranh một cách bài bản, cạnh tranh một cách lành mạnh bằng chính năng lực của mình.

Mới đây nhất, hôm 7/12 vừa qua, hãng taxi Thành Công chính thức công bố một phần mềm mới của riêng mình nhằm “tuyên chiến” với Grab, Uber.

Không chỉ có Thành Công, trước đó, nhiều hình thức vận tải nhằm cạnh tranh với Grab, Uber để giữ lại thị phần cũng đã được các DN Việt ứng dụng. Mới đây nhất là sự ra đời của phần mền đấu thầu trực tuyến TranTender.

Ông Đỗ Khắc Hà – giám đốc Công ty cổ phần Viladata cho biết, hệ thống đấu thầu vận chuyển TransTender là ứng dụng kết nối cung cầu vận chuyển hàng hóa, chở khách, bốc dỡ hàng hóa theo hình thức đấu thầu trực tuyến.

Do đó, nó cho phép khách hàng dễ dàng tìm được nhà vận chuyển phù hợp và được lựa chọn cước phí rẻ thông qua hình thức “đấu thầu”, các nhà vận chuyển buộc phải cạnh tranh đưa ra giá, phương tiện, tổ lái tối ưu nhất cho gói thầu.

Việc tự vận động để tồn tại của các hãng taxi truyền thống là dấu hiệu tốt cho thấy các hãng taxi truyền thống sẽ không ngồi yên ở cuộc chơi “công nghệ”.

Và không chỉ riêng với lĩnh vực vận tải, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, một nền kinh tế phát triển phải là nền kinh tế có sự cạnh tranh lành mạnh công bằng. Và ở cuộc chơi đó, kẻ nào ngồi yên, không vận động, không theo kịp cuộc chơi thì sẽ bị đào thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực từ “kinh tế chia sẻ”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO