Tăng phí để cải thiện chất lượng?

Thúy Hằng 10/07/2018 08:30

Từ ngày 15/7 tới, 3 ngân hàng lớn chính thức điều chỉnh tăng phí rút tiền ATM. Các ngân hàng cũng đang đầu tư mạnh vào công nghệ để tăng tính bảo mật cũng như nâng chất lượng phục vụ khách hàng.

Tăng phí để cải thiện chất lượng?

Ảnh minh họa.

Theo thông báo của Vietcombank về việc áp dụng biểu phí thẻ mới, có hiệu lực từ 15/7, ngân hàng này sẽ chính thức tăng phí rút tiền nội mạng ATM lên 1.650 đồng/lần.

Phí chuyển khoản liên ngân hàng trên ATM là 3.300 đồng/giao dịch. Riêng mức phí rút tiền ngoại mạng của chủ thẻ Vietcombank tại ngân hàng khác vẫn áp dụng là 3.300 đồng/lần như hiện tại; phí chuyển khoản khác hệ thống ngân hàng 5.500 đồng/lần trên máy ATM...

Trước đó, Vietcombank đã từng có thông báo tăng phí rút tiền nội mạng trên máy ATM từ đầu tháng 5 nhưng sau đó đã tạm ngừng áp dụng biểu phí mới.

Hai tháng sau khi tạm ngừng, Vietcombank sẽ chính thức tăng loại phí dịch vụ này.

Bên cạnh đó, ông lớn VietinBank, BIDV cũng áp dụng mức phí rút tiền nội mạng trên máy ATM là 1.650 đồng/lần.

Trước đó có Agribank đã áp dụng mức phí rút tiền nội mạng trên máy là 1.650 đồng/lần.

Như vậy nếu tính đến thời điểm 15/7 tới sẽ có 4 ngân hàng lớn áp dụng phí ATM mới. Theo thống kê hiện nay, phần lớn các ngân hàng đang có mức phí giao động từ 0 đến 1.100 đồng/lần khi rút tại các ATM trong hệ thống.

Trong vài năm trở lại đây, thị trường thẻ Việt Nam được đánh giá là đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, cả nước hiện có 53 tổ chức phát hành và thanh toán thẻ với tổng số lượng phát hành vượt 100 triệu thẻ.

Mạng lưới ATM của các ngân hàng cũng được mở rộng toàn quốc với số lượng trên 17.000 máy ATM.

Cùng với việc liên tục cải thiện và mang tới nhiều tính năng, chuyện thu phí ATM đối với khách hàng sử dụng cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm của khách hàng cũng như giới chuyên gia.

Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, cũng từng khẳng định với các thẻ ATM thì Ngân hàng Nhà nước đã quy định chỉ có hai loại phí.

Trong đó có phí rút tiền mặt để duy trì hoạt động hệ thống ATM.

Nếu tính tất cả chi phí thì mỗi lần giao dịch phải từ 7.000 đến 10.000 đồng.

Nhưng trong thời gian vừa qua các ngân hàng chỉ tính phí giao dịch 1.000 đồng nội mạng, còn ngoài mạng là 3.000.

Ông Tuấn cũng cho biết, trong thời gian tới phí ngân hàng sẽ tăng lên nhưng tăng ở mức độ chứ không phải tăng ngay một lúc là 3.000 đồng. Việc tăng phí rút tiền sẽ do các ngân hàng tự quyết định tùy theo năng lực, điều kiện của mình.

Nhiều phân tích chỉ ra, chi phí đầu tư thường rất lớn. Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước một trong những thách thức đối với đầu tư cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng là đầu tư phát triển nhiều nhưng doanh thu từ các dịch vụ, sản phẩm này còn thấp, không đủ bù đắp chi phí đầu tư.

Phía Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, các ngân hàng cần mình bạch thông tin, giải thích cho khách hàng hiểu và cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng, để tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa người cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ.

Ngân hàng cần tránh việc tăng phí mà khách hàng chưa hiểu rõ.

Song song với đó, các ngân hàng khi tăng phí phải đảm bảo dịch vụ tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng phí để cải thiện chất lượng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO