Công bằng trong đánh thuế tài sản

Thúy Hằng 27/06/2018 09:00

Dự thảo của Bộ Tài chính về thuế tài sản có đề xuất mức thuế với nhà là 0,4% (ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng) và với đất cũng là 0,4%. Giới chuyên gia nói rằng thuế tài sản thì phải đánh vào người có nguồn thu, tức là người giàu và có thể đánh lũy tiến.

Công bằng trong đánh thuế tài sản

Dự luật về thuế tài sản vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Ví dụ, mức thuế thấp nhất có thể là 0,1% nhưng với người có nhiều tài sản thì có thể đánh tới 10%. Hơn nữa, phải làm sao tránh tình trạng thuế chồng thuế. Một căn nhà 10 tỷ thì đánh thuế. Nhưng nếu có 2 căn nhà 1 tỷ, một nhà ở một nhà cho thuê thì chả có lý do gì để đánh thuế. Đặc biệt khi cái nhà cho thuê đã phải nộp nhiều loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập...

Ngày 26/6, Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam”. Trong đó đảm bảo công bằng thuế là nội dung được nhiều người quan tâm.

Nhiều nước áp dụng thuế tài sản

Vào thời điểm đầu tháng 4, Bộ Tài chính đã chính thức công bố dự thảo Dự án Luật thuế tài sản. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế loạt các tài sản như đất ở, đất sản xuất, đất kinh doanh phi nông nghiệp; nhà ở và công trình thương mại dịch vụ; tàu bay, du thuyền, ôtô. Mức thuế được đề xuất từ 0,3-0,4%/năm. Nhưng sau đó, Dự luật này đã gặp nhiều phản ứng trong xã hội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng không lâu sau cũng đăng đàn, khẳng định tiếp tục nghiên cứu. Mục tiêu của sắc thuế này là tạo công bằng xã hội, định hướng thị trường, công khai minh bạch tài sản, phục vụ công tác phòng chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Cố vấn chính sách Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) cho rằng, cần hiểu thuế tài sản là loại thuế tài sản nào, vì tài sản ở Việt Nam và trên thế giới được hiểu cũng rất khác nhau. Đơn cử, về bất động sản, không chỉ là nhà đất, mà cả những thứ khác, thậm chí máy bay… Do đó, cách tính thuế nguồn nào miễn giảm, nguồn nào chịu thuế, đánh thuế vào đối tượng nào… là những vấn đề cần được làm rõ.

Tại Hội thảo Bà Lê Thị Mai Liên - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính - Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, thuế tài sản được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều tên gọi khác nhau như: Thuế bất động sản, thuế chuyển nhượng tài sản, thuế đăng kí tài sản, thuế thừa kế, thuế quà tặng. Tính ra đã có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản và trở thành nguồn thu quan trọng, ngày càng tăng của các quốc gia, giúp tăng tính tự chủ, tự quyền của các địa phương. Theo Bà Liên, hầu hết các quốc gia không ban hành một sắc thuế tài sản riêng biệt bao quát tất cả các loại thuế liên quan đến tài sản, cũng như không có một khuôn mẫu chung thống nhất về thuế tài sản.

Trong khi đó, ông Nicolas Drouin - Chuyên gia phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho biết, hàng năm, chính quyền đô thị sẽ xem xét lại nhu cầu ngân sách và bỏ phiếu xác định mức tăng thuế tài sản dựa vào tỷ lệ lạm phát và các nhu cầu về cơ sở hạ tầng mới, nếu cần thiết. Chính quyền đô thị phải tổ chức tham vấn công chúng về nhu cầu ngân sách và mức tăng thuế tài sản liên quan. Việc đánh giá lại giá trị hiện tại của tài sản được thực hiện 4 năm 1 lần để đảm bảo giá trị định giá phản ánh sát sao thị trường bất động sản. Việc áp dụng chương trình bình ổn định giá giúp hạn chế tác động của việc tăng giá trị tài sản bị định giá. Các mức tăng giá trị tài sản được phân bổ đều cho 4 năm.

Có ít tài sản thì không nên đánh thuế

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO cho rằng, việc đánh thuế tài sản là cần thiết, nhưng trước tiên cơ quan soạn thảo cần định danh chính xác đánh loại thuế gì. Nếu là thuế tài sản thì phải tiếp cận từ khía cạnh toàn bộ tài sản, rồi loại trừ những tài sản nào không phải đánh thuế để trừ đi. Còn nếu chỉ đánh trên thuế nhà và thuế đất thì nên gọi đúng là thuế bất động sản và quyền sử dụng đất.

Ông Đức cũng nói rằng thuế tài sản thì phải đánh vào người có nguồn thu, tức là người giàu và có thể đánh lũy tiến. Ví dụ, mức thuế thấp nhất có thể là 0,1% nhưng với người có nhiều tài sản thì có thể đánh tới 10%. Hơn nữa, phải làm sao tránh tình trạng thuế chồng thuế. Một căn nhà 10 tỷ thì đánh thuế. Nhưng nếu có 2 căn nhà 1 tỷ, một nhà ở một nhà cho thuê thì chả có lý do gì để đánh thuế. Đặc biệt khi nhà cho thuê đã phải nộp nhiều loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập...

Giới chuyên gia cho rằng nếu thuế tài sản được áp dụng, không nên tách rời nhà và đất cũng như phải có biểu thuế lũy tiến để tránh bất công. Việc đánh thuế tài sản trước hết phải dựa trên cơ sở là khả năng nộp thuế, nguồn thu của người nộp thuế. Thuế tài sản nên được hiểu là có ít tài sản thì không nên đánh thuế. Nếu đánh thuế, vị luật sư cũng nêu quan điểm, không nên tách rời nhà và đất như trong dự thảo mà Bộ Tài chính đưa ra.

Hiện tại, Dự thảo của Bộ Tài chính về thuế tài sản có đề xuất mức thuế với nhà là 0,4% (ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng) và với đất cũng là 0,4%. Giới chuyên gia cũng cho rằng Luật Thuế tài sản nên áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế đối với nhà), có thể miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công; nhà, đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng… Về đối tượng chịu thuế, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất (vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công bằng trong đánh thuế tài sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO