Thông tin y học (19/11)

Vinh Hạnh 19/11/2017 06:00

Canh giò heo hầm đu đủ tốt cho sản phụ?/ Nguy cơ nhiễm khuẩn từ thói quen ăn uống chung

Canh giò heo hầm đu đủ tốt cho sản phụ?
Nghiều người nghĩ rằng sản phụ sau sinh ăn món đu đủ hầm giò heo có thể thông và tạo sữa. Về vấn đề này, BS Trần Thị Kim Xuyến- trưởng khoa Sản Bệnh viện CIH, TPHCM cho biết món đu đủ hầm giò heo không tác động đến việc tạo sữa. Về cơ bản bất kỳ món ăn có nhiều vitamin nào cũng tốt cho phụ nữ mới sinh. Giò heo giàu dinh dưỡng, đặc biệt chứa nhiều collagen và chất béo, hầm với đu đủ sẽ giúp mẹ không ngán khi ăn. Tuy nhiên, đừng hiểu lầm rằng ăn canh giò heo hầm đu đủ sẽ tạo ra nhiều sữa cho con bú mà ăn liên tục thì sẽ không tốt mà còn khiến bạn bị thừa chất, dễ tăng cân, hoặc cảm thấy ngán ngấy dẫn đến chán ăn.

Để có đủ sữa cho con bú, phụ nữ sau sinh nên ăn đầy đủ các chất, uống nhiều nước và thay đổi thực đơn hàng ngày để tránh bị ngán cũng như bị thừa chất. Nên ăn uống đúng thời gian, thiết kế cho mình thực đơn hàng ngày phong phú để tạo cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, cần giữ cho tinh thần thật thoải mái để gia tăng lượng nội tiết kích thích tiết sữa.

Về hiện tượng tắc sữa có rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như người mẹ bị cảm, bị nhiễm lạnh làm sữa khó lưu thông. Một số sản phụ có thói quen sau khi cho con bú xong mẹ không vắt bỏ sữa thừa làm sữa ứ đọng, lâu dần sữa sẽ bị ôi và gây tắc nghẽn. Đây là nguyên nhân gây tắc sữa sau khi sinh thường gặp nhất. Ngoài ra, có thể do mẹ chưa cho con bú quen hoặc da núm vú mỏng nên bị đứt cổ gà, sau khi cho con bú lại không vệ sinh núm vú đúng cách làm phát sinh vi khuẩn, vi khuẩn xâm nhập từ đầu vú vào ống sữa gây tắc tia sữa tự nhiên.

Nguy cơ nhiễm khuẩn từ thói quen ăn uống chung
PGS.TS.BS Nguyễn Thúy Oanh- trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park TPHCM, cho biết thủ phạm chính gây ra viêm, loét dạ dày, tá tràng và bệnh ung thư dạ dày là vi khuẩn HP. Có hai đường lây nhiễm gồm miệng, phân, trong đó lây do đường miệng phổ biến nhất. Độ tuổi có nguy cơ lây nhiễm thường từ 15 đến 75 tuổi.

Trong cộng đồng có trên 50% người nhiễm vi khuẩn HP, trong số đó 20% bị viêm loét dạ dày, chỉ 1% bị ung thư dạ dày. Nguy cơ vợ chồng lây nhiễm cho nhau cao đến 90%, vì thói quen ăn chung bát, gắp thức ăn cho nhau, ăn chung mâm, sinh hoạt chung. Người bị nhiễm vi khuẩn HP thường có những triệu chứng khó tiêu, đầy bụng. Trường hợp viêm loét dạ dày sẽ gây đau, xuất huyết, viêm teo niêm mạc, nặng hơn có nguy cơ chảy máu. Nếu viêm loét bào mòn quá sâu sẽ làm thủng dạ dày hoặc tá tràng. Người bị nhiễm vi khuẩn HP nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Song có tiến triển ung thư hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa mỗi người, độc tính của vi khuẩn, chế độ ăn uống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông tin y học (19/11)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO