Không chủ quan với bệnh Glôcôm

Hương Giang 09/04/2018 08:30

Glôcôm (thường gọi là bệnh thiên đầu thống), bệnh do nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt, lõm, teo đĩa thị thần kinh. Điều đáng lo ngại hiện nay chính là nhiều bệnh nhân mắc bệnh glôcôm nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực rất thấp, nguy cơ mù lòa cao.

Không chủ quan với bệnh Glôcôm

Nếu có hiện tượng đau nhức mắt, nên đi khám để kịp thời phát hiện bệnh glôcôm.

Theo các bác sĩ, glôcôm đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù loà ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thường chỉ đứng sau đục thể thủy tinh. Bệnh rất phức tạp do có rất nhiều hình thái với những cơ chế bệnh sinh, biểu hiện lâm sàng, đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau.

Có hai loại bệnh là glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở. Với glôcôm góc đóng thường có biểu hiện lâm sàng cấp tính nên người bệnh thường đi khám chữa ngay để thoát khỏi cơn đau nhức mắt. Glôcôm góc mở là hình thái bệnh mạn tính, không triệu chứng hoặc triệu chứng rất âm ỉ, mờ nhạt nên nhiều người không biết mình bị bệnh, chỉ đến khi thị lực giảm sút trầm trọng mới phát hiện bệnh thì đã quá muộn.

Có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên hiệu quả điều trị không cao. Tiến sỹ, bác sĩ Nguyễn Xuân Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương đã nhấn mạnh như vậy tại buổi lễ míttinh hưởng ứng Tuần lễ glôcôm thế giới (diễn ra từ 12-17/3) với chủ đề: Hãy đến khám mắt để phát hiện bệnh glôcôm.

Cũng theo TS BS Nguyễn Xuân Hiệp, glôcôm đứng thứ hai (sau bệnh đục thể thủy tinh) trong các nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng tránh được ở hầu hết các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng công tác phòng chống mù lòa do bệnh glôcôm vẫn chưa được quan tâm thích đáng, tình trạng mù lòa do bệnh glôcôm đáng lo ngại, đặc biệt trong cộng đồng.

Ngoài ra, một vấn đề đáng báo động là việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không theo chỉ định của thầy thuốc khiến mắt có thể bị glôcôm do tra corticoid kéo dài. Hiện nay, trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc… điều này có thể dẫn đến mắt bị glôcôm nếu dùng trong thời gian dài.

Những người có nguy cơ mắc bệnh là những người trên 35 tuổi; người ruột thịt của người bệnh glôcôm; người có nhãn áp ở mức 23mmHg (đo nhãn áp kế Maclacốp) kèm theo các cảm giác chủ quan, triệu chứng khách quan đặc hiệu của glôcôm (rức nửa đầu hoặc cả 2 bên, mờ mắt, tức mắt, nhìn nguồn sáng thấy quầng tán sắc xanh đỏ...); người có nhãn áp hai mắt chênh lệch nhau quá 5mmHg; người bệnh có tiền sử dùng corticoid kéo dài; người có bệnh toàn thân như đái tháo đường, cao huyết áp…

Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh glôcôm hoàn toàn có thể phòng tránh được mù lòa bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ. Người bệnh khi phát hiện bệnh cần phải đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với bệnh Glôcôm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO