Hiểm họa sức khỏe đến từ thông tin giả trên mạng

Xuân Thuỷ 16/03/2019 09:00

Chỉ cần gõ từ khoá “anti vắc xin” trên trang mạng Google sẽ cho ra rất nhiều kết quả với các trang facebook kêu gọi chống tiêm vắc xin. Đáng lo ngại nhất là đã có không ít người vào đọc và để lại comment như “Trước nay tin tưởng vắc xin, giờ mới biết nó nguy hiểm thế”…

Trước những thông tin về trào lưu “anti vắc xin”, PGS.TS Bùi Vũ Huy, cố vấn khoa Nhi, BV Nhiệt đới trung ương khẳng định: Vắc xin và kháng sinh là sản phẩm trí tuệ đỉnh cao của nhân loại để chống lại dịch bệnh. Trong những năm 80, nhiều bệnh nhân đã tử vong do viêm não, bại liệt, bạch hầu, sốt xuất huyết với tỷ lệ 50% chỉ vì không có vắc xin phòng bệnh.

Nhưng từ ngày có vắc xin, ngành y tế, bác sĩ đã không còn phải chứng kiến nhiều ca tử vong do dịch bệnh nguy hiểm. Nếu người dân lại “anti vắc xin”, dịch bệnh sẽ bùng phát rất nhanh, đe dọa đến tính mạng của nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bài học dịch sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong là một ví dụ điển hình...

Với nhu cầu thông tin rất lớn của người dân hiện nay, đặc biệt là lượng người dùng Facebook thì “tin giả” rất dễ để có thể trà trộn và lan truyền những thông tin không chính xác.

BS Ngô Đức Hùng- Khoa Cấp cứu - BV Bạch Mai đồng thời là giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ: “Làm trong ngành y nhiều năm, lại làm bác sĩ cấp cứu, tôi nhận ra rằng, đôi khi chỉ một quyết định sai lầm có thể giết chết một mạng người. Mạng xã hội phát triển, việc tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng trong số các kết quả tìm được ấy, có bao nhiêu thông tin được kiểm chứng và đúng đắn? Không phải ai cũng có đủ tỉnh táo và có tư duy phản biện để nhận ra được. Hậu quả là rất dễ ngộ nhận. Với y khoa, nó có thể trả giá bằng cả sức khoẻ, thậm chí là cả mạng sống của mình. Chính vì thế, tin giả là vấn đề tôi rất cẩn trọng”.

BS Hùng đã từng gặp rất nhiều bệnh nhân đi theo các trào lưu sức khoẻ phi khoa học tràn lan trên mạng xã hội, họ phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Điển hình là phong trào anti vắc xin làm dịch sởi bùng phát trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp anti vắc xin là một trong mười mối đe doạ sức khoẻ toàn cầu năm 2018.

BS Ngô Đức Hùng cho biết, ông đã dùng facebook như một kênh thông tin để chiến đấu với “tin giả”, cũng như cung cấp các kiến thức cơ bản cho mọi người. Người bệnh được tiếp nhận thông tin đúng đắn, một cách gián tiếp giúp công việc của các bác sĩ thuận lợi hơn. Cuối cùng, người được hưởng lợi chính là các bệnh nhân.

Các chuyên gia y tế đưa lời khuyên, mỗi người cần phải thật sự cẩn trọng khi tiếp nhận bất kì một thông tin nào trên mạng xã hội; không nên tin tưởng những thông tin chưa được kiểm chứng, đặc biệt là các thông tin liên quan đến sức khoẻ, phòng và điều trị các loại bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểm họa sức khỏe đến từ thông tin giả trên mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO