Chứng béo phì sẽ khiến thế giới thiệt hại 1.200 tỷ USD mỗi năm

Linh Chi 11/10/2017 09:20

Chi phí dành cho việc chữa trị các vấn đề sức khỏe do bệnh tiểu đường gây ra trên khắp toàn cầu sẽ lên đến mức kỷ lục, 1.200 tỷ USD/năm, tính từ năm 2025 trở đi trừ khi thế giới nỗ lực hơn trong việc ngăn chặn loại bệnh đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ này.

Ảnh minh họa.

Béo phì và hút thuốc lá là 2 nguyên nhân chính gây ra số lượng các ca ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường đang gia tăng trên khắp thế giới, cùng với các loại bệnh không thể lây truyền khác. Theo giới chuyên gia y tế, chúng là những loại bệnh chết chóc nhất trong thế giới hiện đại ngày nay.

Mỹ hiện đang là nước hứng chịu chi phí chữa trị các loại bệnh nói trên cao nhất thế giới, tăng từ 325 tỷ USD/năm (vào năm 2014) lên 555 tỷ USD/năm dự kiến chỉ trong vòng 8 năm tới, phần lớn là do chi phí chăm sóc y tế khá đắt đỏ ở nước này. Tuy nhiên, tất cả các nước còn lại trên thế giới cũng phải chứng kiến sự gia tăng chi phí thuốc men. Ở Anh, mức chi phí này dự kiến tăng từ 19 tỷ USD lên 31 tỷ USD/năm vào năm 2025.

Theo giới chuyên gia, trong vòng 8 năm tới, Mỹ sẽ phải chi 4.200 tỷ USD để chữa trị các chứng bệnh liên quan tới chứng béo phì, Đức sẽ phải chi 390 tỷ USD, Brazil chi 251 tỷ USD và Anh là 237 tỷ USD nếu như các quốc gia này không nỗ lực để ngăn chặn chúng.

Các con số thống kê này được công bố bởi Liên đoàn nghiên cứu chứng Béo phì Thế giới (WOF), trong đó chỉ ra rằng trong năm 2025 thế giới sẽ có khoảng 2,7 tỷ người bị béo phì hoặc quá cân nặng, rất nhiều trong số này sẽ cần đến sự chăm sóc y tế. Điều đó có nghĩa rằng 1/3 dân số toàn thế giới sẽ trong tình trạng quá cân hoặc béo phì.

Ước tính mà WOF đưa ra cho thấy béo phì ở người lớn sẽ tiếp tục gia tăng. Năm 2014, 1/3 đàn ông và phụ nữ ở Mỹ bị chứng béo phì (34%). Đến năm 2025, con số này được dự đoán sẽ tăng lên 41%. Ở Anh, trên 1/4 số người lớn (27%) bị béo phì trong năm 2014 và con số này sẽ tăng lên 34% vào năm 2025. Ai Cập được dự đoán sẽ tăng tỷ lệ béo phì từ 31% lên 37% ở cùng thời điểm, trong khi Australia và Mexico sẽ tăng từ 28% lên 34%.

"Chi phí khám chữa bệnh hàng năm để chữa các triệu chứng do béo phì gây ra, như tiểu đường và bệnh tim, sẽ tăng ở mức đáng báo động" - Giáo sư Ian Caterson, Chủ tịch WOF, cho hay.

"Các nghiên cứu của WOF đã cho thấy tỷ lệ béo phì đã gia tăng đột biến như thế nào trong vòng 10 năm qua và với con số ước tính sẽ có 177 triệu người lớn bị béo phì nghiêm trọng trong năm 2025, rõ ràng là chính phủ các nước cần phải hành động lập tức để giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế đất nước họ" - ông Caterson nói thêm.

Phân tích mà WOF đưa ra chỉ trước Ngày Béo phì Thế giới (Ngày 11-10 hàng năm) có một ngày, và không chỉ nói về các chứng bệnh ung thư, tiểu đường hay bệnh tim mà còn nhiều chứng bệnh gây hại khác như các bệnh về xơ và xương.

"Đó là lý do mà những con số chúng tôi đưa ra đặc biệt cao" - Tim Lobstein, Giám đốc chính sách của WOF, cho hay - "Một số quốc gia nghèo trên thế giới hiện đã ngấm dần ảnh hưởng".

Các quốc gia có thu nhập thấp thường có các hệ thống chăm sóc y tế chủ yếu chỉ nhằm đối phó với các dịch bệnh, và không có đủ nguồn tài chính cũng như nhân lực để đối phó với các đại dịch diện rộng như ung thư và bệnh tim, gây ra từ chứng bệnh béo phì.

"Đối với các nước có mức thu nhập trung bình, chúng tôi cũng nhận thấy rằng họ sẽ chịu ảnh hưởng lớn" - ông Lobstein nói - "Các quốc gia Trung Đông và Mỹ Latin, nơi có dịch vụ chăm sóc y tế bị quá tải, sẽ hứng chịu ảnh hưởng lớn. Đây cũng là các khu vực có tình trạng béo phì ở trẻ em và người lớn tăng mạnh trong những năm gần đây".

Tuy nhiên, chi phí chữa bệnh liên quan tới béo phì sẽ gia tăng ở mọi quốc gia trên thế giới.

"Đó sẽ là một gánh nặng lớn đối với mỗi quốc gia, mỗi cá nhân và cả các dịch vụ bảo hiểm" - ông Lobstein cảnh báo.

Theo bà Johanna Ralston, Giám đốc điều hành của WOF, việc tăng thuế đối với các loại đồ uống có đường sẽ là biện pháp hữu hiệu mà chính phủ các nước đưa ra để đối phó với tỷ lệ béo phì gia tăng.

Giới chuyên gia nhận định rằng, việc đầu tư nhiều hơn vào chữa trị cũng như ngăn chặn béo phì sẽ giúp các nước tiết kiệm được hàng triệu USD xét về dài hạn. Hiện nay, việc phẫu thuật nhằm giảm kích cỡ của dạ dày cũng là một biện pháp hữu hiệu nhằm giảm sự thèm ăn, và các nghiên cứu đã chứng minh rằng nó có thể đảo ngược bệnh tiểu đường loại 2.

"Có một thực tế rằng phải mãi đến gần đây người ta mới công nhận béo phì là một chứng bệnh" - bà Ralston nói - "Chính phủ các nước cần phải quan tâm hơn tới nỗ lực ngăn chặn chứng bệnh này".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chứng béo phì sẽ khiến thế giới thiệt hại 1.200 tỷ USD mỗi năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO