Sư thầy và bốn chú tiểu

Phùng Văn Khai 01/07/2020 14:00

Ngồi trước mặt chúng tôi là bốn chú tiểu với sách vở, bút mực đang chuẩn bị cho buổi đến trường sau mùa dịch Covid tại ngôi chùa nhỏ nằm khuất nẻo tại thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Đây cũng là vùng giáp ranh với tỉnh Hòa Bình nên tiếng thuộc thủ đô vẫn xa hút hắt. Cư dân thưa thớt.

Trò chuyện cùng 5 thầy trò tại chùa Phương Lan.

Đường làng ngõ xóm vắng hoe. Công cuộc mưu sinh đã kéo đi những trai làng gái bản rời quê hương bản quán chỉ để lại những cụ già em nhỏ nơi thôn mạc thành thử ngôi chùa ngày thường vô cùng thanh vắng. Trụ trì chùa là Đại đức Thích Đồng Đạo (Hiệu Đạo Giác) vốn nguyên quán và xuất gia tu hành tại Bình Định, từng tu học Thạc sĩ tại trường Đại học New Delhi - Ấn Độ, nơi cội nguồn đạo Phật đã coi vùng đất Nam Phương Tiến là quê hương thứ hai gắn bó đã chục năm trời luôn bận rộn với ngôi chùa làng giờ đã dần khang trang dưới bàn tay khối óc của vị sư nhiệt huyết. Các vị sư trụ trì ở miền Bắc tôi tiếp xúc cũng nhiều nhưng hiếm thấy ai nhiệt thành với cuộc sống cần lao của nhân dân như Đại đức Thích Đồng Đạo. Cảm giác Đại đức lúc nào cũng sôi sục với những ý tưởng hoằng pháp giúp đời từ những việc nhỏ như nuôi dạy, bảo ban học hành cho các chú tiểu đến việc lớn như viết sách, dịch sách, chuẩn bị mở trung tâm dạy tiếng anh miễn phí trong bổn tự. Trò chuyện với Đại đức luôn bổ sung cho ta một nguồn năng lượng mới để làm việc chạy đua với thời gian luôn không chờ đợi bất kỳ ai.

Câu chuyện về bốn chú tiểu đang tu tập tại chùa Phương Lan vừa dung dị vừa cảm động. Căn duyên nào khiến những đứa trẻ mới chín mười tuổi đã dứt khoát bước chân vào cửa chùa như thế? Trả lời câu hỏi này, chú tiểu Vũ Hoài Nam mới 11 tuổi đã vào chùa tu tập được gần ba năm quê ở quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng ngước cặp mắt trong veo nói hồn nhiên rằng do có duyên với phật tổ mà tìm thầy tu tập. Hẳn người cha Vũ Văn Cường và người mẹ Vũ Thùy Trang cùng hai em nhỏ ở nhà sẽ rất nhớ Hoài Nam. Nhưng cuộc đời vốn có muôn ngàn ngã rẽ và việc sớm chọn đạo Phật để tu hành cũng là thuận theo lẽ tự nhiên.

Thầy Thích Đồng Đạo thường bảo người bên ngoài chưa có cái nhìn thấu đáo với các chú tiểu rời gia đình vào chùa tu tập. Chính thầy cũng vào chùa xuống tóc từ năm 11 tuổi ở một mạch đến tận bây giờ đương nhiên phải vượt qua muôn vàn thử thách, có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Thế mà giờ đây đã bình an vững vàng như nước cho thấy pháp độ của Phật tổ không chỉ thâm trầm uy nghiêm mà luôn rộng mở với tất thảy mọi người.

Chú tiểu Vũ Hoài Nam nhỏ nhất trong bốn chú nhưng là người học hành tấn tới. Trong suốt những tháng dịch Covid các chú đều bảo ban nhau tự học, tự nấu cơm chay, trồng trọt cây cối, tụng kinh niệm Phật hết tháng rồi năm trong bổn tự u tịch thâm nghiêm. Vũ Hoài Nam hiện đang học lớp 6 ở trường Nam Phương Tiến. Rất khác với các học sinh khác, một chú tiểu đến trường luôn gây những sự tò mò, thậm chí là ám ảnh với bạn bè trang lứa. Nhưng các chú đã bằng niềm tin và nghị lực của mình, bằng chính sự trong sáng thanh tịnh bình tĩnh vượt qua mọi hố gai miệng vực đàm tiếu ở đời.

Chú tiểu Nguyễn Minh Nam quê Nam Từ Liêm là con trai duy nhất của một gia đình khá đủ đầy về kinh tế. Bố là Nguyễn Hữu Hoàng đang làm tại văn phòng Somerset tại Hòa Bình, mẹ là Nguyễn Thu Hoài làm giáo viên. Bản thân Nguyễn Minh Nam từng là học sinh giỏi ở trường Tiểu học Nguyễn Trãi quận Thanh Xuân cũng là nơi gia đình Nam đang sinh sống. Khi Nguyễn Minh Nam có ý định vào chùa tu tập đã nhận được sự động viên chia sẻ từ bố mẹ. Khi thấy con mình có căn quả lương duyên với đạo Phật, thay vì lo lắng tìm mọi cách cản trở bố mẹ Nam đã sớm nhận diện vấn đề tuy là con mình dứt ruột đẻ ra nhưng cũng là một phật tử có duyên phật pháp tất sẽ tìm vào nơi cửa chùa để phát triển đạo hạnh. Thương con đành để trong lòng mà tạo điều kiện để Nguyễn Minh Nam theo chí nguyện của mình. Đạo Phật vi diệu ở chỗ lấy lòng tự giác ngộ của con người làm căn bản chứ không thúc bách bất kỳ cá nhân nào. Điều này Đại đức Thích Đồng Đạo nhiều lần nói với tôi rằng các chú tiểu được tùy nghi quyết định và thầy sẽ cho thời gian dài ngắn tùy theo căn quả mỗi người trước khi xuất gia. Kể cả khi đã xuất gia rồi nếu còn vương vấn bụi trần cửa chùa vẫn sẽ tạo mọi điều kiện để hoàn tục. Đây cũng là sự linh hoạt của Phật giáo trong suốt mấy nghìn năm.

Chú tiểu Đoàn Thanh Dương quê Thụy Dương - Hà Nam năm nay vừa bước sang tuổi 13 hiện đang học lớp 8 ở trường Nam Phương Tiến. Mỗi người mỗi gia cảnh và cái cách Đoàn Thanh Dương vào chùa tu tập cũng không giống như các sư chú khác. Nhưng đã vào cửa tự tất thảy đều phải nghiêm theo giới luật. Càng nghiêm khắc, bản tính yêu thương, tâm thế chấp hành kỷ cương càng hiển lộ. Là người từng vào chùa tu từ nhỏ, Đại đức Thích Đồng Đạo rất hiểu tâm tính, tâm sinh lý của độ tuổi thiếu niên của các chú tiểu. Chú tiểu trước tiên cũng là con người với những buồn vui trăn trở, biến động tâm sinh lý, những tò mò của tuổi mới lớn thảy đều được thầy tận tình giảng giải, chỉ bảo cách tự vượt qua. Năm thầy trò tháng ngày yêu thương đùm đậu lẫn nhau như một mái ấm gia đình. Đại đức Thích Đồng Đạo giảng cho học trò hai chữ sư phụ vừa bình dị gần gũi vừa cao cả mênh mông. Sư phụ có nghĩa vừa là thầy vừa là cha sẽ đồng hành với các chú tiểu suốt cuộc đời tu tập. Không thầy đố mày làm nên và giáo lý của đạo Phật luôn là người thầy nêu gương và thực hành những điều gian khó nhất. Đại đức nhìn bốn chú tiểu với cặp mắt chan chứa hơi ấm nhân từ của người cha. Đã chẳng từng bao đêm dằng dặc, Đại đức từng mong muốn khát khao mình cũng được làm cha đó sao? Cái hi sinh lớn nhất của mỗi sư thầy chính là sự hi sinh quyền được làm cha mà tạo hóa đã ban tặng. Hi sinh đó quả thật lớn lao hơn tất thảy những gì hiện hữu ở đời. Vậy mà vì con đường hoằng pháp, các sư thầy đã âm thầm lặng lẽ vượt qua.

Chú tiểu Dương Xuân Hùng hiện đang học lớp 9 là người anh cả của bốn chú. Chú có cặp mắt đượm buồn thăm thẳm như đang đứng trước một khó khăn, một quyết định bước ngoặt của cuộc đời mình. Cứ nhìn cái cách chú sắp xếp sách vở, bút mực cho các chú tiểu em chuẩn bị tới trường đã cho thấy sự lam làm, quán xuyến công việc của người anh lớn trong một gia đình nghèo đông con. Chú tiểu họ Dương đang ở cái tuổi những biến động tâm sinh lý rất dữ dội. Những biến chuyển bên trong của con người luôn thật khó lường và nói như các vị cao tăng là khi tâm ma khởi phát cũng là lúc phần con lấn át phần người. Nhìn kỹ chú tiểu mười bốn tuổi nghiêm cẩn thực hành mọi nghi lễ nơi cửa Phật, dường như có điều gì thật lớn lao, thật quyết liệt đang được chú ấp ủ, hướng về. Sư thầy Thích Đồng Đạo không chỉ công bằng mà thầy luôn có cặp mắt xanh nhìn thấu tâm tư từng chú tiểu. Thầy nói với tôi nếu không có gì thay đổi, dự kiến trong tháng Phật đản, trong buổi Lễ tắm Phật sẽ chính thức xuống tóc xuất gia cho chú tiểu Dương Xuân Hùng. Chao ôi cái ngày đó đã đến thật rồi ư? Những điều gì sẽ đến sau ngày trọng đại ấy? Liệu tiếp đó là một tâm Phật an lành thơ thới như gió nước biển trời rộng lớn ngoài kia hay sẽ vẫn còn những thảng thốt đắn đo chênh chao trong tâm tưởng? Thật là khó đoán định giống như cuộc đời phía trước luôn không dễ gì phẳng lặng nước hồ thu.

Rồi cái ngày đó cũng đến. Đúng hẹn, chúng tôi lại trở về ngôi chùa Phương Lan xã Nam Phương Tiến đất sỏi đá ong xa xôi nhưng lần này với một tâm thế khác. Cuộc đời các chú tiểu tuy bề ngoài tĩnh lặng trầm ngâm song bên trong luôn chuyển động không ngừng. Lễ tắm Phật diễn ra trong không khí linh thiêng trầm mặc. Từ trước đó, rất thành kính tự nhiên, Đại đức Thích Đồng Đạo đã thực hiện nghi lễ xuất gia cho chú tiểu Dương Xuân Hùng.

Chẳng biết sự nhiệm màu từ Phật tổ kỳ diệu đến đâu mà từ lúc đó, tôi thấy đôi mắt của chú tiểu Dương Xuân Hùng rất khác. Một đôi mắt ngày thường rụt dè đượm buồn thăm thẳm nay phấn chấn linh lợi khác thường. Một đôi mắt chững chạc tự tin và dứt khoát hơn rất nhiều hôm chú lặng lẽ soạn sách vở, bút mực cho các chú tiểu em tới trường học tập. Bước đi cũng vậy, nó thẳng thớm mạch lạc trước đông đảo các vị cao tăng, chức sắc, phật tử địa phương. Đã thấy thật rõ ràng sự trưởng thành lớn lao của cậu bé mười bốn tuổi. Chỉ mới hôm qua thôi, cậu hãy còn là một thiếu niên đang ngập ngừng trước cánh cửa đạo Phật thì hôm nay đã trở thành vị sư chú chính danh bước thẳng trên con đường lớn mà Phật tổ dẫn dắt. Mới hay sự diệu kỳ đôi khi bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất, do chính mình quyết định trong đôi bàn tay khối óc của mình.

Trong suốt buổi nghe Đại đức Thích Đồng Đạo giảng pháp mà tôi còn được là khách mời chính nói về cuốn sách đầu tay “Một thời hành điệu” của sư thầy, tôi đã thấy rất rõ ràng, đôi mắt ấm sáng của sư chú Dương Xuân Hùng dường như đã thấu hiểu mọi lẽ đời, lẽ phật. Đôi mắt ấy quấn quýt trong từng lời nói của sư thầy. Đôi mắt ấy như biết cảm thông, chia sẻ với những chú tiểu nhỏ hơn đang còn e dè, bâng khuâng nhìn cảnh đời náo hoạt. Đôi mắt như ngọn lửa bền bỉ âm thầm bên Phật tổ. Đôi mắt như dòng nước nhỏ trong xanh, róc rách, an lành. Ngôi chùa nhỏ dường như ngập tràn những ánh nhìn thân thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sư thầy và bốn chú tiểu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO