Sốt đất, 'quan xã' ở đâu?

Quang Ngọc 07/04/2021 09:00

Ai phải chịu trách nhiệm việc "sốt đất" khi nguy cơ bất ổn thị trường bất động sản (BĐS) cũng như “vỡ bong bóng” rất lớn

Nhiều người cho rằng, so với tất cả những lần “sốt đất” trước đây tính trong vòng 30 năm, thì lần này diện rộng hơn rất nhiều ở nhiều địa phương trong cả nước. Biến động giá cũng nhanh hơn, mạnh hơn và cũng chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Vì sao như vậy và ai phải chịu trách nhiệm việc này khi nguy cơ bất ổn thị trường bất động sản (BĐS) cũng như “vỡ bong bóng” rất lớn. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam thì cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với các hiện tượng sốt đất trên địa bàn.

Một điểm giao dịch mua bán đất trong những ngày sốt đất ở xã Tân Lợi và An Khương (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước).

Đón dự án và thổi giá

Kể từ sau Tết Nguyên đán tới nay, giá đất tại nhiều địa phương bị đẩy lên ghê gớm và được dự báo sẽ còn tiếp tục gây sốc trong năm nay khi mà chưa có dấu hiệu can thiệp đúng mức của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cũng như từng địa phương cụ thể.

Nguyên nhân chính của tình trạng sốt đất chính là những thông tin về đầu tư, quy hoạch đã bị giới đầu cơ lợi dụng để đẩy giá đất tăng cao một cách bất thường. Đáng chú ý, những thông tin ấy thường chỉ là bước đầu (như địa phương đề xuất với Trung ương), nhưng lại được suy luận rồi đẩy lên trong lúc “tranh tối tranh sáng”. Đáng tiếc là không có cơ quan có trách nhiệm nào đứng ra giải thích rõ ràng, nên sự u u minh minh kéo dài, khiến cơn sốt đất càng thêm trầm trọng.

Khảo sát của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá đất ở nhiều nơi tăng trung bình 10% sau một tháng, thậm chí một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để ném vào BĐS.

Tại huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) từ cuối tháng 2, chỉ từ thông tin UBND tỉnh Bình Phước có chuyến khảo sát thực địa tại đây (ngày 19/2) nhằm có cơ sở đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và Chính phủ giao lại sân bay quân sự Téc-ních để xây dựng sân bay lưỡng dụng; lập tức nhiều người ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đã đổ xô đến mua bán đất. “Cò đất” lôi kéo, xúi giục người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số bán đất. Nhiều người đến nay không còn đất sản xuất. Cơn “sốt đất ảo” đã đẩy giá đất ở đây lên gấp 3-4 lần so với trước, bất chấp việc chưa thấy dự án đâu.
Cũng thật đáng buồn là cho tới nay thị trường BĐS ở đây chính thức đã là bong bóng xì hơi. Khi mà các đối tượng cò môi giới BĐS đã thu được bộn tiền thì lập tức biến mất, để lại sự phức tạp vô cùng cho người dân địa phương. Thực tế thì việc mua bán đất chủ yếu là sự tung hướng của giới cò đất từ nơi khác đến, nó chỉ là những giao dịch ảo để lấy tiền thật. Và rồi phần thiệt hại người dân lãnh đủ.

Cũng liên quan đến “dự án sân bay”, chỉ từ buổi làm việc giữa Bộ Quốc phòng với UBND tỉnh Bình Thuận vào đầu tháng 3, hàng loạt ôtô từ khắp nơi đã ùn ùn kéo về xã Thiện Nghiệp (thành phố Phan Thiết) để mua bán đất khiến người dân bị cuốn vào vòng bán mua mà trước đó họ không có chút hiểu biết về thị trường khốc liệt này. Thời gian qua, đường ĐT 715 nối tuyến đường Võ Nguyên Giáp vào sân bay Phan Thiết ùn ứ người và xe. Hàng loạt ôtô ngoại tỉnh đậu kín tuyến đường trung tâm xã Thiện Nghiệp. Những quán nước ở đây tấp nập lạ thường, người bán - người mua bàn bạc rôm rả. Những người dân quê vốn dĩ chỉ quen với ruộng vườn nay như thoát khỏi “kiếp nông dân” bỏ cả ruộng vườn để biến thành “giới kinh doanh BĐS”. Người ta không nói chuyện cày cuốc nữa mà chỉ nói chuyện bán đất.

Người ta nói rằng, giá đất nhảy múa là do các chiêu trò của giới cò đất, mà đứng sau đó là những thế lực ngầm điều khiển. Cò đất cũng chỉ là cánh làm thuê, còn lợi nhuận kếch xù phải là những nhân vật đứng sau không ai biết mặt. Nhưng, có thể có người biết, đó là lãnh đạo địa phương cùng cán bộ địa chính. Nếu không có cú bắt tay ngầm giữa hai đối tượng này với các nhóm buôn đất thì chắc chắn không thể “đánh sóng”, không thể “thổi giá” được.

Về chuyện quy hoạch sân bay, cũng có thể kể thêm về câu chuyện vẫn nóng tính thời sự ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Suốt cả mấy tháng trời, hầu như ngày nào cũng có những người “sang trọng” đến từng nhà dân xã hai xã Gio Quang, Gio Mai hỏi mua đất. Thế rồi thị trường mua bán đất lập tức hình thành ở cái nơi vốn không biết gì đến khái niệm kinh doanh BĐS. Trong vòng 3 tháng, giá đất bị thổi lên gấp hơn 3 lần.

Cũng không thể không lưu ý rằng, dự án làm sân bay ở Quảng Trị rất khó thành. Vì tỉnh này nằm giữa 4 sân bay ở hai đầu Bắc - Nam của tỉnh. Phía Bắc đã có sân bay Vinh (Nghệ An), sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Phía Nam có sân bay Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) và sân bay Đà Nẵng. Thôi thì việc lãnh đạo tỉnh này xin được làm sân bay thì cũng là chuyện của họ, nhưng chỉ nhìn qua cũng đã thấy vô lý. Ấy vậy nhưng nó đã khiến việc mua bán đất “đón dự án” bùng phát.

Trong đợt sóng BĐS này, có lẽ Hà Nội là điểm dữ dội nhất. Ngay khi có thông tin về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đất huyện Đông Anh đã tăng giá gấp đôi so với chỉ một tuần trước đó. Mà cũng không chỉ ở Đông Anh, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của UBND thành phố Hà Nội bao phủ diện tích trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Thế là câu chuyện bán mua BĐS ở cả một vùng rộng lớn lập tức râm ran.
Trong câu chuyện của nhiều người Hà Nội hôm nay, sôi nổi nhất và cũng hấp dẫn nhất chính là mua bán đất. Đặc biệt, khu vực lân cận sông Hồng, trong đó có thể kể đến các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh của huyện Đông Anh, giá đất đang “chạy đua với thời gian”. Hàng loạt văn phòng tư vấn đất đai, môi giới BĐS đã nắm bắt thời cơ để quảng cáo cơ hội đầu tư sinh lời nếu kịp thời “xuống tiền”.
Và người ta “xuống tiền” thật. Người có tiền đã đành, người không có tiền muốn chớp cơ hội thì cào cấu khắp nơi cho ra tiền thì thôi để “đánh quả đất”. Rất đáng nể là không ít người mới tham gia vào thị trường này đã có thể nói vanh vách về quy hoạch, có người còn khẳng định như đinh đóng cột rằng mình nắm rõ các thông tin “chưa từng công bố”. Tại xã Xuân Canh, tuần trước giá đất ở khoảng 15 triệu đồng/m2, thì nay đã được rao bán 30 triệu đồng/m2. Còn tại trung tâm thị trấn Đông Anh, 1 mét vuông được rao tới 100 triệu đồng. Đắt không kém gì ở nhiều nơi trung tâm thành phố.

Tại thị xã Sơn Tây, nghe nói có kế hoạch lên thành phố, giá đất cũng lại vọt lên. Ở hai đầu thị xã, nếu như trước Tết Nguyên đán giá đất dao động ở ngưỡng 10 triệu đồng/m2, thì nay vọt trên 20 triệu đồng.

Giải mã cơn khát đất

Giới chuyên gia BĐS cho rằng, không phải ai cũng có thông tin chính xác về quy hoạch, biết rõ về thời gian, quy định pháp lý đất đai, từ đó dẫn đến việc mua bán đất theo tin đồn. Khi mà lãi suất ngân hàng xuống khá thấp thì nhiều người đã chọn kênh đầu tư là đất. Không chỉ ở những nơi trong quy hoạch mà cả khu vực nằm ngoài quy hoạch nhưng vẫn được “cò” đất vẽ ra cơ hội sinh lời. Từ đó dẫn tới các khu vực mua bán đất nứ nở ra thêm. Đa phần những cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn.

Sốt đất dễ trở thành ảo khi giá trị đất không phản ánh nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng từ phía chính quyền và tin đồn thổi từ giới kinh doanh BĐS lão luyện. Nói như chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, thì hiệu ứng mua - bán đất là có thật, nhiều người mua theo tâm lý đám đông, kỳ vọng giá đất còn tăng nữa. Nhiều năm qua giá đất chỉ tăng chứ không giảm. Ngay cả sau những đợt sốt đất, giá có chững lại hoặc đi ngang một thời gian rồi lại tăng tiếp và hình thành mặt bằng giá mới… Chính những yếu tố này khiến người dân thấy cứ mua đất là lời và đổ tiền ra mua bán đất.

Ở một góc nhìn khác, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng có nhiều lý do dẫn đến sốt đất nhưng đơn giản nhất là hiện tại người dân không có nhiều kênh để chọn lựa đầu tư khi lãi suất ngân hàng xuống thấp. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là không phải ai cũng có thông tin chính xác về quy hoạch, biết rõ về thời gian, quy định pháp lý đất đai. Nguồn tin chính xác nhất là từ chính quyền địa phương và cán bộ địa chính thì lại chỉ được “tiết lộ một cách nhỏ giọt”.

Vì thế, để xảy ra những cơn sốt đất thì trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng vẫn là ở chính quyền cơ sở. Khi mà họ “ém” thông tin, không chịu sớm minh bạch thông tin và thiếu trách nhiệm để giới cò đất hoành hành, thao túng thị trường. Nói như một số người thì nếu muốn dẹp những cơn sốt đất thì chỉ cần đem lãnh đạo xã, huyện cùng cán bộ địa chính ở đây ra mà hỏi, tự khắc sẽ yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốt đất, 'quan xã' ở đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO