Cuộc chạy đua vũ trang mới?

Khánh Duy 25/12/2016 09:57

Tổng thống đắc cử Donald Trump trong tuần qua đã đánh tín hiệu rằng ông sẽ tìm cách “tăng cường và mở rộng” khả năng hạt nhân của Mỹ- chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Valdimir Putin tuyên bố củng cố sức mạnh hạt nhân. Động thái khiến nhiều nhà quan sát lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh ông Putin đã quyết định tạm dừng một thỏa thuận hạt nhân ký kết với Mỹ từ sau Chiến tranh Lạnh.

Cuộc chạy đua vũ trang mới?

Tuyên bố trong tuần của ông Putin và Trump khiến giới quan sát không khỏi quan ngại
(Nguồn: CNBC).

Tăng cường sức mạnh hạt nhân

Động thái của Nga và Mỹ đã làm nảy sinh ám ảnh về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai cường quốc hạt nhân, trong đó tổng số đầu đạn hạt nhân của cả hai hiện ở mức trên 14.000, một kho di sản chết chóc bắt nguồn từ cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài suốt nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, các bình luận mà ông Putin, người đang cố gắng vực dậy vị thế của nước Nga trên trường quốc tế, và Trump, người sẽ sớm trở thành Tổng tư lệnh của nước Mỹ, không vạch ra chi tiết kế hoạch của họ cũng như sự thay đổi về học thuyết hạt nhân trong tuyên bố vừa qua.

Tổng thống Putin đã nói sau một cuộc họp với các cố vấn quân sự của mình rằng sẽ tìm cách tăng cường khả năng hạt nhân, và chỉ vài giờ sau đó ông Trump viết dòng bình luận trên tài khoản Twitter cá nhân điều tương tự. “Nước Mỹ cần phải tăng cường và mở rộng mạnh mẽ khả năng hạt nhân cho đến khi thế giới cảnh giác với hạt nhân”- ông Trump viết.

Hiện vẫn chưa rõ liệu vị Tổng thống đắc cử này có đề xuất hẳn một chính sách hạt nhân hoàn toàn mới cho nước Mỹ để ông có thể thực thi ngay khi nhậm chức văn phòng vào ngày 20/1/2017 hay không.

Tuy nhiên, ông Trump có thể đang đề cập tới các kế hoạch hiện đại hóa các họng súng hạt nhân mà Mỹ sở hữu hiện đang được thực hiện, và có thể tiêu tốn của nước này hàng trăm tỷ USD.

Trước đây, chính quyền Tổng thống Barack Obama từng vạch ra một kế hoạch hiện đại hóa các hệ thống phóng, hệ thống chỉ huy và điều khiển và tân trang lại các đầu đạn hạt nhân của họ trên nhóm bộ 3 sức mạnh - gồm hạt nhân phóng từ biển, từ trên không và hạt nhân phóng bằng tên lửa đẩy.

Thế nhưng kế hoạch này vẫn giữ nguyên khả năng sức mạnh hạt nhân hiện tại của nước Mỹ. Trong khi bình luận của ông Trump dường như đang nhắm tới việc mở rộng quy mô lực lượng hạt nhân Mỹ, dù chưa làm rõ chi tiết kế hoạch này.

Sau khi ông Trump đưa ra tuyên bố gây bất ngờ trong hôm 22/12, Giám đốc truyền thông của ông, Jason Miller, đã lập tức đưa ra một tuyên bố chính thức để cố gắng lý giải điều mà Tổng thống đắc cử đã bình luận trên Twitter.

Ông Miller cho rằng ông Trump chỉ là “đang nhắc tới sự đe dọa của việc phát triển hạt nhân và sự cấp thiết phải ngăn chặn nó”, dù rằng điều này không hề được nhắc đến trên đoạn Tweet của ông Trump. Ông Miller còn nói rằng ông Trump chỉ cố gắng nhấn mạnh về sự cần thiết “phải hiện đại hóa khả năng đánh chặn của chúng ta”.

Còn tại Moscow hôm 20/12, Tổng thống Putin nói trong một bài phát biểu về vấn đề quốc phòng rằng Nga cần phải “củng cố khả năng chiến đấu của các lực lượng hạt nhân chiến lược, chủ yếu bằng cách củng cố các hệ thống tên lửa nhằm đảm bảo khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại và trong tương lai”.

Phát biểu của Tổng thống Putin dường như đề cập tới việc phát triển các hệ thống vũ khí mới có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ - ví dụ như hệ thống lá chắn tên lửa mà Mỹ lắp đặt khắp châu Âu hiện nay, khiến Moscow tức giận và điều này có thể buộc quân đội Mỹ phải có kế sách đáp trả.

Tuy nhiên, điều này mới chỉ dừng ở mức tuyên bố, chứ chưa có một kế hoạch chi tiết cho thấy liệu Nga sẽ tăng số lượng vũ khí hay sẽ triển khai các kho vũ khí dự trữ từ trước của họ.

Ván cược

Trước đó, cả ông Trump và ông Putin đều cho rằng việc ông Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20-1/2017 sẽ mang hai nước xích lại gần nhau hơn, sau khi cả hai bên đều đánh tín hiệu sẽ cùng nỗ lực xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp khác hẳn với thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Xét về thời điểm mà ông Putin đưa ra tuyên bố trên cho thấy ông có thể đang muốn đánh cược vào mối quan hệ với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Nga hiện đang mong muốn tăng cường vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của mình trên toàn cầu, cùng lúc cũng mong muốn có một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Washington.

Thế nhưng mối quan hệ giữa Nga, Mỹ và phương Tây thời gian gần đây lại trở nên căng thẳng không kém gì thời Chiến tranh Lạnh do hàng loạt các bất đồng liên quan tới khủng hoảng Syria, khủng hoảng Ukraine... kéo theo việc NATO, Mỹ và phương Tây liên tiếp có các hoạt động phô trương sức mạnh, mở rộng hiện diện quân sự ngay sát nách Nga, buộc Nga phải có phản ứng tương xứng.

Và ông Donald Trump, người luôn xem chính sách ngoại giao của Mỹ qua con mắt của một doanh nhân, có thể đã cảm thấy sự cần thiết phải phản ứng trước tuyên bố của ông Putin, để rồi cuối cùng đưa ra tuyên bố của mình sau một cuộc họp với các cố vấn quân sự tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida.

Theo hãng tin CNN, cuộc họp của ông Trump còn thảo luận tới cả các kế hoạch hiện đại hóa họng súng hạt nhân của Mỹ.

Việc vị Tổng thống đắc cử này lựa chọn mạng xã hội Twitter để đưa ra một tuyên bố quan trọng và nhạy cảm như vậy đã thể hiện rõ tính cách và phong thái điều hành của ông. Đưa ra một tuyên bố về chính sách trên mạng xã hội có khả năng làm nảy sinh nhiều vấn đề, và lại khá mập mờ khi các chính phủ nước ngoài phải cố gắng tìm hiểu ý định thực sự của ông Trump.

Tuy nhiên, một viễn cảnh mà ông Trump có thể làm khơi dậy một cuộc chạy đua vũ trang mới vẫn khiến giới quan sát phải rùng mình, bởi từ trước đến nay họ vẫn cho rằng ông chưa từng có kiến thức căn bản về học thuyết hạt nhân.

Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử của mình từng nói rằng, sẽ là một sai lầm nếu như trao mã kích hoạt hạt nhân vào tay một người đàn ông có thể “dễ dàng bị cắn câu chỉ bởi một dòng tweet”.

Cuộc chạy đua vũ trang mới? - 1

Mỹ đang chi số tiền khủng để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân đã cũ kỹ của mình (Nguồn: USnews).

Tiền khủng nâng cấp vũ khí hạt nhân

Tuyên bố của ông Trump tuy nhiên không phải không có tiền lệ. Trước đây vị Tổng thống đắc cử này từng gây hoang mang cho toàn khu vực châu Á sau khi nói rằng Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đang được chiếc ô hạt nhân của Mỹ che chở, cần phải tính đến việc tự phát triển vũ khí của riêng họ. Và nếu làm như vậy, một cuộc chạy đua vũ trang trên phạm vi toàn cầu là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Bình luận của ông Trump trên Twitter cũng tương phản hoàn toàn với chính sách mà Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đưa ra trong những tháng đầu mới nhậm chức, trong đó ông Obama tuyên bố theo đuổi một thế giới không tồn tại vũ khí hạt nhân- điều đã giúp ông nhận giải thưởng Nobel Hòa bình danh giá.

Tổng thống Obama cũng là người đã ký kết một Hiệp ước Giới hạn Vũ khí chiến lược (START) mới với Tổng thống Nga lúc bấy giờ là ông Dmitry Medvedev. Hiệp ước này đặt ra các hạn chế mới về số lượng các hệ thống phóng và đầu đạn mà mỗi bên được phép triển khai.

Ngược lại, ngay từ lúc thực hiện chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cho rằng Mỹ cần phải hiện đại hóa cơ sở hạt nhân đang cũ kỹ của họ.

“Chương trình hạt nhân của chúng ta đã tụt hậu khá xa. Không tốt. Chính phủ của chúng ta không nên để điều đó xảy ra”- ông Trump nói trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai hồi tháng 10 vừa qua. “Chúng ta đã già cỗi, chúng ta đã mệt mỏi. Chúng ta đã kiệt quệ nếu xét về hạt nhân. Đó là điều rất tồi tệ”.

Được biết các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đã có hơn 30 năm hoạt động trong khi lớp máy bay ném bom tầm xe thống trị của họ vẫn là lớp B-52 cũ kỹ đã hoạt động được trên 60 năm.

Lầu Năm góc còn kêu gọi cải tiến các tên lửa liên lục địa của Mỹ. Họ ước tính rằng sẽ cần phải chi khoảng 18 tỷ USD mỗi năm, trong vòng 15 năm tới - tức tổng cộng chi phí là 270 tỷ USD - để hiện đại hóa 3 mũi nhọn hạt nhân của Mỹ.

Nước Mỹ hiện đang sở hữu 7.100 đầu đạn hạt nhân, và Nga là 7.300. Mỹ có 1.367 đầu đạn đã được triển khai trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa, các máy bay ném bom hạng nặng hoặc tàu ngầm; theo con số mà Bộ Ngoại giao nước này công bố hồi tháng 9 vừa qua; trong khi Nga có khoảng 1.796.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chạy đua vũ trang mới?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO