Ưu tiên hiện đại hóa lực lượng cảnh sát biển

H.Vũ 09/06/2018 03:00

Ngày 8/6, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Nhiều ĐB cho rằng, thông qua Luật lần này sẽ giúp bảo vệ an ninh quốc gia an ninh trên biển, xây dựng lực lượng cảnh sát biển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Ưu tiên hiện đại hóa lực lượng cảnh sát biển

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu tại Hội trường, ngày 8/6. Ảnh: Quang Vinh.

Xác định rõ chức năng nhiệm vụ

ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng, cần hiện đại hóa vũ khí khí tài cho cảnh sát biển vì đấu tranh chống tội phạm trên biển, bảo vệ chủ quyền bởi vũ khí phải phù hợp, cơ động và tác chiến. Dù thời gian qua đã được trang bị nhiều tàu nhưng công nghệ thay đổi liên tục. Vì vậy cần quy định cụ thể hiện đại hóa vũ khí là ưu tiên hàng đầu cho lực lượng cảnh sát biển.

Ông Tiến cũng cho rằng, cần quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của cảnh sát biển để tránh chồng chéo với các lực lượng trên biển khác. Do đó nghiên cứu làm rõ chức năng chủ trì của cảnh sát biển để một tổ chức có thể làm được nhiều việc nhưng nhiều việc phải có một cơ quan chức năng chịu trách nhiệm, tránh để khoảng trống trách nhiệm. “Để bảo vệ vững chắc chủ quyền cần tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế trên cơ sở các hợp tác đã được ký kết. Xây dựng lực lượng cảnh sát biển vững mạnh chính quy tinh nhuệ hiện đại, cần xây dựng lực lượng xứng tầm nòng cốt mạnh về tổ chức, tính chuyên nghiệp. Đặc biệt hiện 28 tỉnh có biển với 28 đơn vị kiểm lâm theo quy định của Luật Thủy sản nhằm bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển. Do đó cần quy định về sự phối hợp giữa cảnh sát biển với lực lượng kiểm ngư”- theo ông Tiến.

Cùng chung quan điểm, ĐB Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho rằng, trên vùng biển có sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau nhưng lực lượng nào phát hiện trước phải xử lý và chuyển hồ sơ cho đơn vị chủ trì, còn nếu thuộc phạm vi của mình giải quyết thì phải giải quyết. Do đó cần xác định rõ chức năng phối hợp các lực lượng với cảnh sát biển để tránh chồng chéo, lặp đi lặp lại trong thực hiện một nhiệm vụ. Theo ĐB Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa -Vũng Tàu), Biển Đông là vùng có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới, tình hình ngày càng phức tạp khó lường do đó việc xây dựng luật vào thời điểm này là vô cùng cần thiết và cấp bách. Do đó phải xác định nhiệm vụ chức năng của cảnh sát biển, vì có cái chủ trì, có cái thì phối hợp để tránh chồng chéo trùng lắp về chức năng nhiệm vụ. Nhất là phạm vi địa bàn hoạt động chứ không thể quy định chung chung. Bởi trong vùng biển Việt Nam vùng lãnh hải, cảng biển đã có lực lượng bộ đội biên phòng. Do đó cần quy định rõ để tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ.

Trong khi đó, ĐB Chau Chắc (đoàn An Giang) nhìn nhận, tình hình tội phạm trên biển ngày càng diễn biến phức tạp, những vấn đề về đe dọa chủ quyền ngày càng diễn ra gay gắt, song thời gian qua lực lượng cảnh sát biển đã thực hiện tốt chức năng bảo vệ chủ quyền, tìm kiếm cứu nạn. Vì vậy lần này thông qua Luật sẽ giúp bảo vệ an ninh quốc gia an ninh trên biển, xây dựng lực lượng cảnh sát biển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Quy định cụ thể trường hợp nổ súng

Nhấn mạnh tình hình trên biển ngày càng diễn biến phức tạp như xâm phạm chủ quyền, tội phạm trên biển, do đó theo ĐB Đỗ Văn Bình (đoàn Hải Phòng), cần xây dựng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Do đó cần làm rõ nội hàm giữ gìn vùng biển là gì? Theo ông Bình, trong trường hợp ngư dân của ta đang đánh cá nhưng tàu khác vào, dù chưa xâm hại tài sản của ngư dân nước ta nhưng đã xâm phạm đến chủ quyền quốc gia. Do đó cần có động thái để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng ngư dân Việt Nam, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân trên biển.

ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, trong 8 quyền hạn của cảnh sát biển thì có quyền truy đuổi người, tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển. Tuy nhiên cần xem xét thêm vì biển gắn với hải đảo vậy trong trường hợp đối tượng bỏ phương tiện để chạy lên đảo vậy cảnh sát biển có được truy đuổi hay không? “Nếu không thì khó trong đấu tranh cho nên cần quy định cho phép tiếp tục truy đuổi vì lãnh thổ Việt Nam bao gồm đất liền, biển và hải đảo”- ông Tám bày tỏ đồng thời cho rằng việc truy đuổi là hoàn toàn phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển, nhất là nước ta đã là thành viên ký kết Công ước quốc tế về Luật Biển. Ông Tám cũng cho rằng, nổ súng là vấn đề nhạy cảm cho nên cần quy định nguyên tắc cảnh báo trước khi nổ súng và trường hợp nổ súng không cần cảnh báo.

Theo ĐB Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) ngoài vị trí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát biển thì cần có chính sách xây dựng đảm bảo cho cảnh sát biển Việt Nam hoạt động như tuyển chọn con người, bồi dưỡng, đầu tư trang thiết bị vũ khí hiện đại, tinh nhuệ. Do đó Nhà nước cần có chính sách ưu tiên xây dựng cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt trên các vùng biển của nước ta, cũng như mua sắm vũ khí công cụ hỗ trợ để cảnh sát biên ngang tầm với khu vực và quốc tế. “Phải đào tạo về ngoại ngữ trong nhiệm vụ được giao trong phối hợp với cảnh sát biển các nước, cũng như quá trình xử lý tàu thuyền nước ngoài vi phạm. Rồi chính sách tương đương như đối với lực lượng hải quân là có chính sách hỗ trợ đối với bố mẹ, vợ con của cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển để họ yên tâm công tác dài ngày trên biển”- bà Nguyệt cho hay.

Quy định rõ quân đội làm kinh tế

Cùng ngày, với 88,3% tổng số ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự án Luật Quốc phòng sửa đổi. Với 7 Chương và 40 điều, Luật Quốc phòng quy định nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng. Luật quy định: Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.

Vào buổi chiều, với 84,47% ĐBQH có mặt tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ưu tiên hiện đại hóa lực lượng cảnh sát biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO