Động lực và chất lượng tăng trưởng

H.Vũ 16/10/2018 07:30

Ngày 15/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; Giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020…

Động lực và chất lượng tăng trưởng

Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7 %, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu. Nguồn ảnh: viconship.com.

Hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 3 năm qua, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế những năm qua vẫn chưa được xử lý triệt để. Tiến độ thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 nhìn chung còn chậm. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì đổi mới công nghệ; tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao (trên 70 %), xuất khẩu nông sản chưa thực sự bền vững.

Về phát triển kinh tế-xã hội của năm 2018, theo ông Dũng, năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra (trong đó, đã có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm). Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7 %, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ước đạt 40,23 %, năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng cao hơn giai đoạn 2011-2015, ước đạt 5,55 %.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, sau 3 năm thực hiện, nền kinh tế vẫn giữ được nhịp tăng trưởng tốt, chất lượng tăng trưởng có nhiều chuyển biến như: tăng trưởng GDP đạt mức khá, quy mô GDP ngày càng mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, theo ông Thanh, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. Hệ số ICOR vẫn còn ở mức cao. Năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6 % nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, việc nhìn lại phát triển kinh tế-xã hội trong 3 năm là cần thiết để rút kinh nghiệm phấn đấu thực hiện theo Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Dù gặp nhiều khó khăn thách thức từ thiên tai, biến đổi khí hậu, hay những tồn tại hạn chế trong giai đoạn trước đây nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, ngành đã hành động, hoàn thiện nhiều thể chế, đổi mới chính sách.

“Chưa bao giờ Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đối thoại với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, khắc phục yếu kém trong quản lý điều hành nhiều như vừa qua. Đặc biệt công tác phòng chống tham nhũng lãng phí đã tác động lớn đến chấn chỉnh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong điều hành của đất nước. Việc lắng nghe nhân dân, doanh nghiệp phản ánh đã làm giảm đi những bức xúc trong đời sống xã hội đang còn ý kiến khác nhau để tạo sự đồng thuận” - Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Động lực và chất lượng tăng trưởng - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Tuy nhiên Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế còn hạn chế, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, đời sống của người dân tại vùng biến đổi khí hậu, thiên tai, bãi ngang còn khó khăn. Bên cạnh đó cần đánh giá thêm về tính kỷ luật của bộ máy, bộ máy còn cồng kềnh là được coi là bước cản cho sự phát triển.

Về giải pháp trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng phải giữ vững ổn định được kinh tế vĩ mô, giữ vững lạm phát, tính tự chủ của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt cần quan tâm đến vấn đề cải cách tư pháp, tinh giản biên chế để hạn chế xảy ra những tiêu cực liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí để kéo giảm bội chi, nợ công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong 3 năm qua quy mô của nền kinh tế được mở rộng, tăng trưởng ngày càng khá hơn. Tuy nhiên Chính phủ cần làm rõ vì sao năng suất lao động năm nay không bằng các năm trước, thu ngân sách tại 3 khu vực đều chưa đạt dự toán, hay chỉ số icor giảm nhưng vẫn còn cao hơn các nước trong khu vực. Đặc biệt cần lưu ý đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2018 có 12 chỉ tiêu đạt và vượt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, 3 năm liên tục đều ở mức dưới 4 %; các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Tuy nhiên cần chú ý đến các rủi ro tác động đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới như cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ có thể tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp tới nước ta. Do đó cần chú ý về lạm phát và tỷ giá khi giá dầu thế giới đang tiếp tục tăng. Bên cạnh đó là các rào cản về thủ tục hành chính cần tiếp tục được tháo gỡ.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm kinh tế tăng trưởng bền vững trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới. Làm sao tránh lạm phát, đảm bảo tăng tưởng kinh tế gắn với văn hóa, xây dựng chính quyền thân thiện, không để nợ đọng chính sách, tăng cường nguồn lực cho các vùng đồng bào dân tộc, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với trọng tâm là thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Tại sao thi công lâu nhưng xuống cấp nhanh?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Chính phủ cần phải làm đậm nét thêm về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt cần quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng các công trình. “Cần phải làm rõ tại sao thi công lâu mà xuống cấp rất nhanh. Như việc cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34 ngàn tỷ đồng vừa mới thông xe mấy ngày qua đã xuống cấp. Do đó cần làm rõ vụ việc này để làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan cũng như làm rõ trách nhiệm giải trình để tránh việc né tránh trách nhiệm như vừa qua trả lời về những ổ gà, ổ trâu thì chủ đầu tư cho rằng do trời mưa hay xe chở dầu đổ xuống đường”- bà Nga nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động lực và chất lượng tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO