Điều chỉnh Chiến lược biển phù hợp tình hình mới

M.Loan 02/10/2018 08:00

Tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị Trung ương 8 do Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hồi cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà thay mặt cơ quan soạn thảo đề án đã trình bày hướng điều chỉnh, bổ sung Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về vấn đề này. Đây là một trong những nội dung được bàn tại hội nghị lần này.

Điều chỉnh Chiến lược biển phù hợp tình hình mới

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Nhiều mục tiêu không như kỳ vọng

10 năm thực hiện Chiến lược biển, theo Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, các vấn đề từ kinh tế, an ninh quốc phòng, môi trường cho tới vấn đề tư duy, quan điểm đã cho thấy Chiến lược biển đã mang lại sự thay đổi căn bản, đưa Việt Nam chuyển hẳn định hướng trở thành một quốc gia biển, hướng ra biển, coi biển là cửa ngõ, là bậc thềm để Việt Nam vươn ra thế giới.

“Đánh giá chung về chỉ số GDP của các tỉnh ven biển, kết quả phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển, cuộc sống người dân ven biển… đều cho thấy các vùng ven biển đã trở thành những khu vực phát triển hết sức năng động. Các vùng này trở thành trung tâm kinh tế và động lực kinh tế, tạo động lực rất lớn về đầu tư và phát triển cho cả nước”- Bộ trưởng Bộ TNMT nhận định.

Tuy nhiên, vẫn theo đánh giá của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cũng có nhiều mục tiêu đề ra không đạt được như kỳ vọng. Đơn cử như chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ biển, dù tỷ trọng tăng nhanh nhưng thu nhập đầu người của người dân vùng biển vẫn thấp hơn mức trung bình cả nước. Điều đó chứng tỏ những yếu tố khác như chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề… quyết định lớn tới chất lượng tăng trưởng. Những tính toán đưa ra chưa hết nên thực hiện chưa được xác đáng.

Những mục tiêu kỳ vọng khác cũng không đạt - theo Bộ trưởng TNMT - gồm có phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, khai thác dầu khí, công nghiệp hàng hải. Báo cáo tổng kết chỉ ra cụ thể những tồn tại đó cũng như những nguyên nhân chủ chốt dẫn tới kết quả đó.

Bộ trưởng TNMT lấy ví dụ, ngành dầu khí không đạt chỉ tiêu phát triển có lý do khách quan là giá dầu thế giới biến động quá mạnh. Ngay khi Chiến lược biển vừa được thông qua thì nền kinh tế thế giới liên tiếp gặp khủng hoảng, giá dầu “rớt” ở mức ngoài khả năng có thể dự báo. Còn thất bại trong việc xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu là do mô hình các loại doanh nghiệp như Vinashin, Vinalines, phương thức quản lý, mức đầu tư khoa học công nghệ… chưa phù hợp. Các cơ quan lãnh đạo cũng còn nóng vội, duy ý chí nên để xảy ra những sai phạm, thiệt hại như đã thấy.

Tập trung phát triển ngành hàng hải

Theo cơ quan chủ trì Đề án dự thảo nghị quyết điều chỉnh Chiến lược biển trình ra Trung ương tại Hội nghị 8 lần này, chúng ta đã xác định là một quốc gia biển, không thể mãi đi mượn, đi thuê, đi mua tàu ở bên ngoài mà cần đóng được tàu để sử dụng. Vậy nên ngành công nghiệp đóng tàu vẫn sẽ quan trọng nhưng buộc phải tái cấu trúc, từ quản trị cho tới chất lượng tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao để làm ra những sản phẩm có sức cạnh tranh với quốc tế về kinh tế cũng như mặt kỹ thuật.

Với ngành hàng hải, người chủ trì Đề án điều chỉnh chiến lược biển lập luận, nếu không phát triển, sao đáp ứng yêu cầu vươn ra, giao lưu với thế giới được. Mặt khác, các cơ quan dự báo thời gian tới, nhu cầu về giao dịch giữa các khu vực kinh tế thế giới cũng tăng lên nhiều lần, theo đó, hàng hải tiếp tục là lợi thế kinh tế của Việt Nam.

Còn, ngành thủy sản đã có xu hướng chuyển từ khai thác truyền thống gần bờ sang diện xa bờ hơn, bền vững hơn. Từ đó, một định hướng đưa ra là công nghiệp hóa ngành khai thác hải sản, tính đến sự an toàn bền vững của hệ sinh vật biển, chuyển từ khai thác truyền thống sang nuôi trồng trên biển (nuôi trồng ở các vùng biển xa hoặc ở quanh các đảo).

“Căn bản nhất phải xác định chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, các lĩnh vực kinh tế phải dựa trên ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, lấy môi trường, hệ sinh thái tự nhiên làm nền tảng đầu vào cho phát triển. Kinh tế xanh chính là ngành kinh tế mới tạo ra công ăn việc làm, phúc lợi xã hội, hiệu quả kinh tế cho đất nước trong lương lai”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

* “Đánh giá chung về chỉ số GDP của các tỉnh ven biển, kết quả phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển, cuộc sống người dân ven biển… đều cho thấy các vùng ven biển đã trở thành những khu vực phát triển hết sức năng động. Các vùng này trở thành trung tâm kinh tế và động lực kinh tế, tạo động lực rất lớn về đầu tư và phát triển cho cả nước”- Bộ trưởng TNMT nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều chỉnh Chiến lược biển phù hợp tình hình mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO