17 cơ quan phụ trách, trẻ em vẫn đơn độc

M.Loan-H.Vũ 05/06/2018 22:12

Ngày 5/6, đúng Ngày Môi trường thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn. Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, chất lượng nguồn nhân lực trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

17 cơ quan phụ trách, trẻ em vẫn đơn độc

ĐBQH Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) chất vấn tại Hội trường, ngày 5/6. Ảnh: Quang Vinh.

Tìm lời giải cho bài toán thất nghiệp

Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, vấn đề được nhiều ĐB quan tâm chính là chất lượng nguồn nhân lực và vấn đề việc làm.

ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thấp vậy thời gian tới ưu tiên giáo dục nghề nghiệp như thế nào? Theo ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) chất lượng lao động thấp, thiếu lao động có trình độ cao làm cho năng suất lao động của ta thấp nhiều hơn so với nhiều nước. Lao động phổ thông đang bị máy móc thay thế vậy giải pháp để giải quyết trong thời gian tới để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế xã - hội nguồn nhân lực đóng góp một vai trò rất quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực hiện nay thấp do chưa theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nông nghiệp đóng góp vào GDP là 15,34%, công nghiệp 33,34%, trong khi đó chuyển dịch lao động rất chậm, hết năm 2017 là 40% lao động nông nghiệp, đến hết tháng 4/2018 là 38,6%. Một lực lượng lao động như vậy nhưng đóng góp chỉ 15,34% là vấn đề đáng phải bàn.

Do đó, theo Bộ trưởng, thời gian tới cần ưu tiên giáo dục nghề nghiệp, bởi giáo dục nghề nghiệp góp phần rất quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao cho bộ chủ trì xây dựng một đề án để nâng cao chất lượng và điều chỉnh cơ cấu lao động phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, phải tập trung xử lý và tìm cách để giải quyết được 215 ngàn sinh viên và người lao động có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp.

Bên cạnh đó, phải tập trung giải quyết chăm lo cho số đầu vào, tức là phân luồng mạnh để tập trung lực lượng lao động vào tuổi 15, đồng thời tập trung đào tạo và đào tạo lại số đang làm việc nhưng có nguy cơ mất việc, nguy cơ sa thải và đặc biệt ở 3 lĩnh vực như giày da, dệt may, công nghệ.

Trong khi đó, ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cho rằng, tình trạng thanh niên, nhất là số sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn thất nghiệp và theo xu hướng ngày càng tăng lên và ở mức cao. Năm 2015 ở mức 7,03%, năm 2016 là 7,34%, năm 2017 là 7,51%. Thực trạng trên cho thấy một sự lãng phí lớn về nguồn lực của xã hội và cũng là nỗi lo, nỗi bức xúc của nhiều gia đình và xã hội.

Cho rằng “đây là hệ lụy kéo dài”, Bộ trưởng cho rằng, 1 năm có 700 ngàn lao động vào thị trường lao động, và vẫn duy trì 200 ngàn lao động thất nghiệp. Giải pháp, theo Bộ trưởng là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 để tạo nhiều việc làm mới cho sinh viên, nâng cao khả năng công tác dự báo cung - cầu lao động, bởi thời gian qua đào tạo theo khả năng của nhà trường chứ không phải theo yêu cầu xã hội. Vì vậy dự báo cung - cầu gắn với các ngành.

Thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, khuyến khích sinh viên tự kiếm việc làm, không chỉ có con đường vào đại học mà khuyến khích các em chọn việc phù hợp với khả năng của mình.

17 cơ quan phụ trách, trẻ em vẫn đơn độc - 1

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung: Thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật một lần nữa và cụ thể hóa hơn trách nhiệm các ngành, đặc biệt là phải tăng cường phối hợp hiệp đồng, đề cao trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong vấn đề quản lý phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em. Ảnh: Quang Vinh.

Tăng cường quản lý phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em

ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại đối với trẻ em trong những năm qua ngày càng tăng, nhiều vụ việc phức tạp và nghiêm trọng xảy ra từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên cử tri vẫn còn thấy băn khoăn khi chưa đủ sức dăn đe, phòng ngừa có hiệu quả, nhằm bảo vệ trẻ em một cách hoàn thiện hơn trong môi trường lành mạnh để phát triển toàn diện. Vậy Bộ trưởng có những giải pháp đồng bộ gì để giải quyết vấn đề trên trong thời gian tới?

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bạo lực trên thế giới hiện nay bình quân 1 năm khoảng 150 triệu em bị bạo lực, còn tại nước ta bình quân có khoảng 2.000 trường hợp bạo lực.

Về khung pháp lý đã hoàn toàn đầy đủ, được quy định trong Luật Trẻ em, Nghị định 61, đặc biệt là sau tình hình bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em gia tăng Thủ tướng đã có Chỉ thị 18 quy định và phân công rất rõ từng ngành, từng cấp, từng địa phương, đã xử lý nghiêm một số vụ việc đặc biệt các vụ nổi cộm trực tiếp lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước có ý kiến.

Tuy nhiên gần đây cho thấy xuất hiện một số vụ việc tính chất phức tạp hơn, gây bức xúc cho xã hội, do đó thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật một lần nữa và cụ thể hóa hơn trách nhiệm các ngành, đặc biệt là phải tăng cường phối hợp hiệp đồng, đề cao trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong vấn đề quản lý phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.

17 cơ quan phụ trách, trẻ em vẫn đơn độc - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga:Trong 2.000 vụ bạo hành thì riêng các cơ quan tư pháp báo cáo xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ. Cần các biện pháp mạnh mẽ để chặn đứng tình trạng này đồng thời phải có giải pháp giải quyết những bế tắc trong việc chứng minh các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: Quang Vinh.

Ngay sau đó, bà Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tranh luận cho rằng, đây là vấn đề rất bức xúc trong thời điểm hiện nay. Trong 2.000 vụ bạo hành thì riêng các cơ quan tư pháp báo cáo xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ. Do đó cần các giải pháp mạnh mẽ để chặn đứng tình trạng này.

Bà Nga cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết giải pháp nào để giải quyết những bế tắc trong việc chứng minh các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Còn ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nói: “Các cụ đã nói đi hỏi già về nhà hỏi trẻ, điều đau đớn là cháu bé nói mà ai không nghe, đến khi cháu tự tử mới thấy được sai lầm. Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách nhưng dường như các gia đình lại đơn độc. Phải có thái độ kiên quyết hơn nữa. Cho nên các cơ quan tố tụng phải vào cuộc”.

Cho rằng giải pháp Bộ trưởng đưa ra chưa thỏa đáng căn cơ, bà Ngô Thị Minh- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng phân tích: Hiện chúng ta còn 2.580 cơ sở trông giữ trẻ tư thục không được cấp phép, còn tư pháp thân thiện với trẻ em lại không quan tâm. Chưa kể nhiều trẻ bị xâm hại “lần thứ hai nữa” khi nhiều cơ quan điều tra không thân thiện với trẻ em.

Cũng về vấn đề này, bà Lê Thị Nga cho rằng, cơ quan bảo vệ trẻ em chúng ta có trên 17 cơ quan và vừa thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH làm Phó Chủ tịch. Do đó Chính phủ cần phải có một cuộc hội nghị và đề nghị Thủ tướng Chính phủ sau phiên chất vấn này tổ chức một hội nghị toàn quốc về chống bạo hành trẻ em.

* Chất vấn Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, ĐB Hoàng Quốc Thưởng (đoàn Hải Dương) nêu lại câu chuyện sự cố môi trường biển tại miền Trung do Tập đoàn Formosa xả thải và việc mới đây Tập đoàn này đang vận hành thử nghiệm lo cao số 2.

ĐB Hoàng Quốc Thưởng đặt câu hỏi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà có tin tưởng sẽ không để xảy ra vụ việc đáng tiếc xảy ra lần thứ hai không?

Trả lời, Bộ trưởng cho biết, với tư cách của một Bộ trưởng đã từng nói trước Quốc hội và cho Formosa hoạt động trở lại, tới nay, phương pháp quản lý Formosa đã thay đổi hoàn toàn. Doanh nghiệp này phải đạt các yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường, công suất lớn hơn, công nghệ giám sát, quản lý môi trường trực tuyến. Đặc biệt, có 3 nấc để đề phòng sự cố. Thứ nhất là sự cố ngay ở nơi xảy ra, thứ hai ở trong phạm vi nhà máy và thứ ba ở ngoài phạm vi nhà máy. “Hiện nay hồ sinh học hoàn toàn có thể tái sử dụng nước, nước đạt loại A trước khi đổ ra môi trường. Với cách làm bài bản như vậy, từ khâu xem xét đánh giá công nghệ tới khâu giám sát kiểm tra và yêu cầu đều chặt chẽ, thì không có ngành nghề nào có thể xảy ra ô nhiễm được”- Bộ trưởng phân tích đồng thời khẳng định “hoàn toàn yên tâm” với việc vận hành của Formosa.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) cho rằng, Formosa gây thiệt hại rất lớn tại biển miền Trung với 53 điểm sai phạm nhưng đến nay mới xử lý được 52 điểm còn 1 điểm là công nghệ xử lý cốc ướt vậy khi nào chuyển sang công nghệ như ban đầu cam kết đầu tư? Và trách nhiệm thuộc về ai?.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phản ánh dư luận cho rằng, đã có nhiều người nước ngoài đầu tư đất tại các đặc khu, Bộ trưởng Hà cho rằng, pháp luật Việt Nam quy định, người nước ngoài không được phép mua đất mà chỉ mua căn hộ chung cư. Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan kiểm tra thì hiện chưa phát hiện ra người nước ngoài mua đất mà chỉ có người nước ngoài mua căn hộ ở các chung cư khu đô thị. “Nếu mua là trái pháp luật Việt Nam”- Bộ trưởng Hà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    17 cơ quan phụ trách, trẻ em vẫn đơn độc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO